Ngoài trách nhiệm giảng dậy môn chính trị học, ông còn là tác giả nhiều quyển sách nghiên cứu về sự nghiệp chính trị của các vị Tổng Thống Mỹ, và cũng được biết đến qua những tác phẩm nói về chính trường Hoa Kỳ và cuộc chiến Việt Nam.
Những đánh giá khác nhau
Nguyễn Khanh: Vài tuần trước đây, khi được yêu cầu tự đánh giá về thành quả năm đầu tiên làm lãnh đạo, Tổng Thống Obama đã cho mình điểm B+. Giáo sư có đồng ý với mức điểm tự phê của ông Obama hay không?
Giáo Sư Larry Berman: Tôi nghĩ rằng ông Obama xứng đáng để được hưởng mức điểm từ B đến B+. Ông ta đã phấn đấu với nhiều thử thách cam go về cả hai mặt đối nội lẫn đối ngoại, và chỉ trong năm đầu tiên ông ta đã làm được nhiều việc so với các vị Tổng Thống khác, đặc biệt là kế hoạch cải tổ bảo hiểm y tế, chưa kể đến chuyện ông lãnh trách nhiệm trong lúc nền kinh tế của nước Mỹ bị suy thoái, và ông Obama đã vực dậy nền kinh tế đó, giúp quốc gia qua được giai đoạn khó khăn nhất.
Tôi tin rằng trong thời gian tới, sự ủng hộ của người dân Mỹ sẽ tăng lên khi họ thấy rõ là ông ta làm được việc. Những người cho ông ta điểm D, điểm F, là những người mang tinh thần đảng phái, còn tôi thì không. <br/>
GS. Larry Berman
Cũng năm rồi, ông Obama đã đi nhiều nơi, ghé thăm nhiều nước, nỗ lực vận động để thay đổi sự suy nghĩ của thế giới về nước Mỹ. Thành ra, nói chung thì ông Obama xứng đáng được điểm từ B đến B+.
Nguyễn Khanh: Nhưng thưa Giáo Sư, một vài nhà phân tích khác nói với tôi là điểm B+ thì hơi cao đấy và đừng quên là các cuộc thăm dò đều cho thấy uy tín chính trị của ông ta với dân chúng Mỹ đang giảm…
Giáo Sư Larry Berman: Uy thế của ông Obama giảm chỉ vì ông dám trực diện với những vấn đề rất quan trọng. Tôi có thể nói là nước Mỹ hiện đang phân hóa, phân hóa vì Tổng Thống Obama, phân hóa vì chính sách ông Obama cho thực hiện. Đương nhiên là khó có thể duy trì sự ủng hộ ở mức 60%, 70%, nhưng mức ủng hộ người dân Mỹ đang dành cho ông ta ở năm đầu tiên cũng không thấp so với các vị tiền nhiệm, trong khi ông ta dám đối phó với những thử thách, những vấn đề thật quan trọng cho nước Mỹ.
Ngay lúc này, ai cũng thấy là đang có hẳn một cuộc vận động để ông Obama chỉ là Tổng Thống một nhiệm kỳ thôi, không cho ông ta cơ hội đắc cử nhiệm kỳ thứ nhì. Nhưng tôi tin rằng trong thời gian tới, sự ủng hộ của người dân Mỹ sẽ tăng lên khi họ thấy rõ là ông ta làm được việc. Những người cho ông ta điểm D, điểm F, là những người mang tinh thần đảng phái, còn tôi thì không.
Tôi là một nhà giáo, một nhà nghiên cứu, tôi không bị ảnh hưởng của đảng phái, chẳng theo Dân Chủ và cũng chẳng nghiêng về phía Cộng Hòa, thành ra rất dễ cho tôi nhìn thấy những gì đang xảy ra. Bên Cộng Hòa thì bảo điểm F, điểm F, điểm D, điểm D, bên Dân chủ thì cứ nhất định phải điểm A. Như tôi đã nói, ông Obama xứng đáng được điểm B.
Nguyễn Khanh: Giáo Sư chấm điểm cho sinh viên hàng ngày, muốn hỏi ông là từ điểm B làm sao ông Obama có thể lấy được điểm A?
Giáo Sư Larry Berman: Để có thể được điểm A, ông Obama phải vực được nền kinh tế dựa vào những thành quả, nền móng vững chắc chứ không phải chỉ bằng những dấu hiệu không thôi. Ông Obama cũng phải tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, tạo tin tưởng để người dân tăng thêm mức tiêu dùng, để dân chúng Mỹ tiêu tiền, bỏ tiền đầu tư thay vì chỉ lo để dành.
Mặc dù đã có những dấu hiệu tốt, nhưng hiện nay, phần lớn người dân Hoa Kỳ vẫn không biết chắc là quốc gia đã vượt qua khó khăn kinh tế hay chưa. Thị trường chứng khoán bắt đầu lên dốc, tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu giảm, nhưng vẫn rất chậm.
Về mặt đối ngoại, ông Obama phải ngăn chận không để cho có biến động. Chẳng hạn như ở Iraq và Afghanistan, ông Obama phải thực hiện đúng những gì đã hứa với dân chúng Mỹ cũng như với cộng đồng thế giới, tức là phải rút quân đúng như ông đã loan báo.
Mục tiêu năm 2010
Nguyễn Khanh: Nếu có dịp gặp ông Obama, Giáo Sư sẽ có những đề nghị gì với Tổng Thống Mỹ?
Giáo Sư Larry Berman: Tôi sẽ bảo rằng thưa Tổng Thống, năm đầu tiên đã xong và bây giờ là lúc Tổng Thống phải đặt ra những mục tiêu thật rõ rệt, thay vì ôm đồm thấy chuyện gì cũng muốn làm, từ chuyện thương mại tới cải tổ bảo hiểm y tế, chuyện cải tổ luật di dân, chuyện muốn vận động để thế giới thay đổi vì nước Mỹ đang thay đổi.
Đã tới lúc ông Obama phải đặt mục tiêu cho những năm tới, đồng thời đừng quên năm 2010 là năm nước Mỹ có cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
GS. Larry Berman
Đã tới lúc ông Obama phải đặt mục tiêu cho những năm tới, đồng thời đừng quên năm 2010 là năm nước Mỹ có cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, ông cũng phải định hướng cho đảng Dân Chủ, phải làm sao bảo vệ được thế đa số đang có ở Quốc Hội. Muốn làm điều này thì chính ông Obama phải hợp tác nhịp nhàng hơn với các đại biểu cùng đảng với ông.
Nguyễn Khanh: Còn phía Cộng Hòa thì sao? Ông Obama từng bảo ông muốn là tổng thống của mọi người, không phân biệt Dân Chủ, Cộng Hòa hay Độc Lập. Chắc Giáo sư cũng thấy ông ta vẫn chưa làm được điều này?
Giáo Sư Larry Berman: Ông nói đúng. Quả là ông Obama có nói là ông tin vào sự đoàn kết và ông ta đã làm điều này. Nhìn vào những viên chức quan trọng được ông bổ nhiệm, người ta thấy ngay ông lưu giữ vị Tổng Trưởng Quốc Phòng thời George W. Bush là ông Robert Gates, ông cũng đề cử những chính trị gia Cộng Hòa khác vào chính quyền, nhưng ngay tức khắc phía Cộng Hòa đáp lễ bằng cách tất cả đều bỏ phiếu chống lại gói kích cầu kinh tế mà ông đề nghị, và theo nhận định của tôi thì đó là dấu hiệu cho thấy Cộng Hòa và Dân Chủ sẽ không làm việc với nhau.
Nguyễn Khanh: Thưa Giáo Sư tại sao vậy?
Giáo Sư Larry Berman: Tôi cho là bên đảng Cộng Hòa tin rằng họ có cơ hội thành công ở cuộc bầu cử giữa kỳ, và sách lược hay nhất là chống đối những gì ông Obama làm. Điều đó có nghĩa là hết ngày này đến ngày khác, họ sẽ tiếp tục đổ lỗi cho ông Obama. Tôi xin đơn cử một thí dụ là vụ khủng bố bất thành mới xảy ra trên chuyến bay đáp ở Detroit. Phía Cộng Hòa lên tiếng đổ lỗi cho ông Obama, trong khi lúc biến cố 11 tháng Chín năm 2001 xảy ra, đâu có ai quy trách nhiệm cho ông George W. Bush đâu.
Không thể chối cãi là nước Mỹ đang bị phân hóa về chính trị. Tôi cho rằng có lẽ ông Obama chẳng còn muốn mất thì giờ theo đuổi mục tiêu đoàn kết Cộng Hòa-Dân Chủ nữa. Tôi tin là ông ta sẽ tiếp tục làm những gì thấy cần phải làm, và sửa soạn cho cuộc vận động tái ứng cử vào năm 2012.
Nguyễn Khanh: Xin cám ơn Giáo Sư.