Tâm tình Người Việt Tuổi Hạc ở Quận Cam

0:00 / 0:00

Hương Thơ, thông tín viên đài RFA

Mục thường lệ “Câu chuyện thời sự hàng tuần” do Biên tập viên Nguyễn Khanh phụ trách thường bàn đến những vấn đề quốc tế đựơc quan tâm hơn cả trong tuần. Đó là những vấn đề lớn, vì mang tầm vóc thế giới, và nặng, vì nằm trong lãnh vực chính trị hay kinh tế. Kỳ này, nhân dịp anh Nguyễn Khanh đụơc cử đi công tác bất ngờ, chúng tôi xin được giới thiệu cùng quý thính giả một phóng sự đặc biệt gửi về từ quận Cam, thường được gọi là thủ đô của ngừơi Việt hải ngoại, về sinh hoạt và tâm tình của các vị tuổi xế chiều. Phóng sự do Hương Thơ thực hiện.

“Chiều đi trên phố cũ, nghe lòng mình người viễn xứ, nhớ về 1 bờ bến đã xa mù…”

“Những con đường thành phố tôi yêu,” giòng nhạc của Thanh Trang và tiếng hát Quang Tuấn thường làm tôi nhớ lại thành phố Sài Gòn, 1 thành phố mà tôi đã rời xa từ khi còn bé dại, với những con đường thênh thang bóng mát từ nhà đến trường, những con hẻm nhỏ, khu phố cũ, căn nhà xưa của một thời thơ ấu. Dù đã hơn 3 thập niên qua, nhưng sao những hình ảnh đó vẫn còn in đậm trong ký ức của tôi.

Tôi thường nghĩ đến những thế hệ lớn hơn, thế hệ của những người Việt Nam đầu tiên đến Mỹ hay nhập cư sau này, họ đã sinh ra, trưởng thành, đã sống và đã có thật nhiều kỷ niệm với nơi chôn nhau cắt rốn, nay bứơc vào tuổi hạc thì tâm trạng “hoài hương” của họ ra sao? Xin mời Qúi Thính Giả hãy cùng với Hương Thơ tìm hiểu những tâm tình của các vị cao niên qua bài phóng sự “Tâm tình Người Việt Tuổi Hạc ở Quận Cam...”

Người Cao Niên ở Mỹ

Ở Hoa Kỳ, những người từ 65 tuổi trở lên tiếng Mỹ gọi là “senior citizen”, tức là người cao niên. Họ là lớp người được chính phủ giúp đỡ đặc biệt với chương trình bảo hiểm y tế và trợ cấp tiền già. Ngoài ra, còn có nhiều đặc ân khác dành cho những người lớn tuổi như được giảm giá vé xe buýt công cộng địa phương, vé máy bay, vé xem xi-nê, v.v…. vị cao niên nào bị suy nhược, tàn phế thì được cấp máy đặc biệt để liên lạc khi khẩn cấp, được cung cấp một số dụng cụ giúp di chuyển như các loại giày đặc biệt, nạng, gậy chống, xe lăn.

Hầu như mỗi thành phố đều có nhiều trung tâm cộng đồng hay những căn hộ dành riêng cho quý vị cao niên, tại đây thường xuyên tổ chức nhiều chương trình sinh hoạt đặc biệt như học tiếng Anh, học vi tính, tiểu khiển với các bàn đánh cờ, tam cúc, tập thể dục, thuyết trình y tế, âm nhạc…

So với những nơi khác, quận Cam có thể nói là một nơi sinh sống lý tưởng cho người Việt Nam, nhất là những người lớn tuổi. Ngoài yếu tố khí hậu ấm áp, chế độ an sinh xã hội tốt, các vị cao niên gốc Việt còn được hưởng tuổi già với cuộc sống tương đối đầy đủ về mặt vật chất. Ngoài ra các cụ còn được khuây khỏa qua các cơ quan truyền thông bằng Việt Ngữ. Tại Quận Cam có hàng chục nhật báo, đài phát thanh và truyền hình bằng tiếng Việt.

Riêng về nhu cầu đời sống tâm linh, thì ở quận Cam cũng có nhiều chùa chiền và nhà thờ VN để các cụ có thể sinh hoạt tôn giáo một cách đều đặn. Thêm vào đó, cộng đồng VN càng ngày càng lớn mạnh và nhất là sự phát triển của khu Little Saigon tại phố Bolsa. Nơi có những con đường với 2 bên phố xá đầy dẫy những trung tâm thương mại, tiệm ăn, siêu thị, nhà băng, cây xăng, văn phòng bác sĩ, luật sư của người VN, đã khiến những người Việt tha hương cảm thấy như đang sống ở trong một Sài Gòn nhỏ và đã vơi bớt phần nào nỗi nhớ quê hương.

Tâm tình Người Việt cao niên

Nhưng còn về mặt tinh thần thì người cao niên VN nghĩ sao? Có 1 số vị cao niên ñaõ hội nhập theo xã hội Hoa Kỳ trong cách sống tự lập, không muốn phiền hà con cái. Họ có một đời sống năng động và lúc nào cũng bận rộn. Có cụ còn tự lái xe đi đây đi đó, tự nấu ăn và còn tham gia các sinh hoạt cộng đồng như sinh hoạt tại các chùa, nhà thờ, tham gia các chương trình dành cho cao niên, làm công việc thiện nguyện tại các bệnh viện, trường học v.v..

Họ cho biết sống như vậy thì sẽ có một tuổi già vui mạnh., như lời bác Nguyệt, 73 tuổi và bác Hạnh 79 tuổi, 2 vị cao niên đã dành hầu hết thời gian rảnh rỗi để sinh hoạt tích cực các công tác xã hội tại nhà thờ và chùa.

Tuy nhiên, vẫn còn 1 số chưa hội nhập được đời sống xứ người. Họ vẫn cảm thấy buồn bã và hụt hẫng về tinh thần vì sự cô độc khi con cháu phải đi học, đi làm cả ngày, đôi khi không có ai ở nhà bầu bạn cho đến chiều tối! Bác Văn Cao, 75 tuổi, đã nghẹn ngào tâm sự về nỗi buồn này như sau

Ngôn ngữ và văn hóa bất đồng khiến cho 1 số người già, nhất là các bậc cha mẹ Việt Nam, cảm thấy buồn phiền và ngán ngẩm về mối tương quan giữa cha mẹ và con cái và cung cách đối xử khác hẳn thời ở Việt Nam! Cụ Nhàn năm nay đã 93 tuổi cho biết cảm nghĩ của cụ về sự khác biệt này.

Mặc dù vậy, khi hỏi các vị cao niên về ý muốn trở về sống lại VN thì đa số các cụ chỉ muốn về thăm chứ không muốn ở lại. Các cụ cho biết chỉ muốn ở gần con cháu, con cháu ở đâu thì họ muốn ở đó và nhất là vì không cỏn ai thân thích ở bên quê nhà. Hoặc các cụ chỉ trở về khi đất nước và xã hội thay đổi và tiến bộ hơn.

Cũng có vài vị có ước nguyện cuối đời là được trở về sống ở Việt Nam. Mời Qúy Thính Giả nghe bác Sang, 66 tuổi, chia sẻ niềm luyến nhớ quê cha đất tổ, tâm sự của những chiếc lá khi rơi rụng muốn trở về nguồn cội.

Khi bước vào hoàng hôn của cuộc đời, người ta thường sống bằng quá khứ, nhưng qua những cuộc tiếp xúc với các vị cao niên Việt Nam, dường như hiện tại họ đã tìm ở Quận Cam một niềm gắn bó như một quê hương thứ hai và hướng đến tương lai với nhiều hi vọng ở thế hệ con cháu sau này.

Qua những tâm tình và nỗi niềm trong ánh mắt của những cánh hạc cuối đời đang ở tuổi sắp thơm mùi đất, tôi đã nhìn thấy đâu đó hình ảnh của 1 thành phố và quê hương đã xa mù của tôi xưa.

Thưa Qúy Thính Giả, bài phóng sự “Tâm tình người Việt tuổi hạc ở Quận Cam” đến đây xin được chấm dứt, Hương Thơ từ California, xin tạm biệt và hẹn Qúi vị vào chương trình kỳ tới.