Trong suốt những năm tháng qua, chính quyền Hoa Lục đã dồn tất cả mọi nỗ lực để hoàn thành công trình được xem là có một không hai, vượt hẳn tất cả những công trình đã được thực hiện ở những quốc gia khác.
Số tiền hàng chục tỷ dollars Trung Quốc đã bỏ ra cho cuộc tranh tài thể thao kéo dài đúng 17 ngày cũng được xem là số tiền kỷ lục, vì từ trước đến giờ, chưa quốc gia nào sẵn sàng chi tiêu một ngân khoản khổng lồ như thế.
Tất cả đã sẵn sàng. Ðó là lời tuyên bố mới nhất được đại diện của Liên Ðoàn Olympic Quốc Tế và đại diện của Ủy Ban Tổ Chức Olympic Bắc Kinh đưa ra, trong lúc cả triệu du khách từ mọi nơi đang đổ về, hợp chung với 16,000 vận động viên đại diện cho 205 quốc gia và lãnh thổ để chào đón cuộc đua diễn ra mỗi 4 năm một lần.
Cũng theo đúng chương trình đã được quy định thì không đầy 12 tiếng đồng hồ nữa, vào đúng 8 giờ lẻ 8 phút, Olympics Bắc Kinh sẽ bắt đầu, ngọn đuốc thiêng sẽ được rước vào vận động trường Tổ Chim trước sự chứng kiến của hơn 90,000 người có mặt tại chỗ và hàng tỷ người ở mọi Châu Lục say mê theo dõi qua màn ảnh truyền hình.
Olympic Bắc Kinh 2008 sắp diễn ra, cuộc diễu hành của các đoàn vận động viên sắp bắt đầu, ngọn đuốc thiêng sắp cháy sáng, trong lúc chính quyền Hoa Lục vẫn chưa có được câu trả lời cho chính người dân nước họ về ước mong có một đời sống ổn định hơn, tự do hơn, dân chủ hơn.
Vẫn còn những nhà bất đồng chính kiến bị giam cầm, vẫn còn chế độ công an trị bắt buộc người dân phải làm những gì trong phạm vi được nhà nước quy định. Vẫn còn tiếng than và vẫn còn đàn áp.
Trung Quốc, Olympic Bắc Kinh 2008 là đề tài Ban Việt Ngữ Ðài Á Châu Tự Do chúng tôi chọn để gửi đến quý thính giả ngày hôm nay, trong khuôn khổ Tạp Chí Câu Chuyện Thời Sự Hàng Tuần do Nguyễn Khanh phụ trách. Bài do Trà Mi và Thy Nga đọc.
Lời cam kết “cải tiến về nhân quyền”
Khoảng thời gian này 7 năm trước đây, người dân Trung Quốc hân hoan đón mừng tin thủ đô Bắc Kinh được trao vinh dự tổ chức Olympic Mùa Hè 2008. Không chỉ người dân Hoa Lục mà ngay chính thế giới cũng vui mừng không kém, vì thông báo do Liên Ðoàn Olympics Quốc Tế đưa ra nói rằng Bắc Kinh được chọn “để Trung Quốc có cơ hội thật sự hòa nhập với sinh hoạt của cộng đồng thế giới” và giúp giới lãnh đạo Hoa Lục thực hiện đúng lời cam kết “cải tiến về nhân quyền”.
Trong cuộc họp báo sau đó, chính những viên chức đại diện cho Bắc Kinh cũng đưa ra những phát biểu tương tự, được chú ý đến nhất là phát biểu của ông Chủ Tịch Ủy Ban Vận Ðộng nói rằng 7 năm sau khi các đoàn lực sĩ đặt chân đến Bắc Kinh, “thế giới sẽ thấy một nước Trung Hoa hài hòa hơn, dân chủ hơn, nhân quyền được tôn trọng hơn và người dân có một đời sống kinh tế tốt đẹp hơn”.
Thời điểm “điều gì cũng hơn” đó đã đến. Tối nay, ngày mùng 8 tháng 8 năm 2008, Olympic Bắc Kinh chính thức khai mạc. Ban Tổ Chức đảm bảo chương trình buổi lễ sẽ trội hẳn các chương trình khai mạc Olympics trước đây, để người dân Trung Quốc khắp nơi có quyền tự hào về những công trình mà họ đã trực tiếp hay gián tiếp góp phần thực hiện.
Dù buổi lễ chưa diễn ra, nhưng tất cả mọi người đều tin lễ khai mạc ở Bắc Kinh tối nay sẽ mang đầy những ấn tượng khó phai.
Chỉ thiếu có một điều, đó là lời hứa đưa Trung Quốc thành một quốc gia “hài hòa hơn, dân chủ hơn và nhân quyền hơn” đã không được thực hiện, trái hẳn với những gì giới lãnh đạo Hoa Lục cam kết với thế giới.
Không thực hiện lời hứa
Tin tức từ Trung Quốc cho thấy những cuộc biểu tình đòi công bằng vẫn liên tục diễn ra, vẫn có những người dù biết trước sẽ bị cầm tù nhưng vẫn can đảm lên tiếng bày tỏ quan điểm bất đồng với chính quyền, và bất chấp lời kêu gọi của người dân cũng như của cộng đồng quốc tế, dân chủ, tự do và nhân quyền vẫn chưa xuất hiện.
Chỉ từ đầu năm đến giờ, thế giới đã chứng kiến sự thật. Ðầu tiên là cuộc biểu tình đòi được rộng quyền tự trị diễn ra hồi tháng Ba của nhân dân Tây Tạng đã bị nhà cầm quyền Bắc Kinh đàn áp dữ dội, khiến mọi người phải bàng hoàng. Kế đến là thái độ cứng rắn, ngoảnh mặt làm ngơ không cho Hội Ðồng Bảo An can thiệp vào những vụ thảm sát xảy ra ở Dafur buộc thế giới phải lên tiếng chống đối.
Với những gì đã và đang xảy ra, có thể nói là tinh thần Olympic đang bị bóp nghẹt bởi chính những người lãnh đạo Trung Quốc. Khẩu hiệu “Một Thế Giới, Một Ước Mơ” mà Bắc Kinh đưa ra sau ngày được trao vinh dự đăng cai đã bắt đầu mờ nhạt bởi các quyết định nhằm gây khó khăn cho các vận động viên muốn lên tiếng bày tỏ quan điểm của mình, tìm cách ngăn cản không cho các nhà báo được tự do hành nghề, và không thể quên những gì nhà cầm quyền Hoa Lục đang làm với người dân của họ.
Sau những cuộc chống đối của người dân Bắc Kinh vì bị trục xuất khỏi nơi cư trú vì chính quyền cần chỗ xây dựng cho Thế Vận Hội, như những âm thanh vừa rồi, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới cho biết một số lớn các nhân vật bất đồng chính kiến, những người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, trí thức, học giả bị buộc rời khỏi Bắc Kinh, trước khi thế vận hội bất đầu.
Ông Vincent Brossell, đại diện RSF, đặc trách khu vực Châu Á, cho đài RFA biết tin này.
Vẫn theo ông thì, biện pháp này nhằm ngăn cản các thành phần vừa kể, không được tiếp xúc, gặp gỡ với giới truyền thông quốc tế, đang có mặt khắp Hoa Lục, để săn tin tức và hình ảnh các cuộc tranh tài thể thao hoàn vũ.
Mối quan tâm sâu sắc
Rời Băng Kốc đi Bắc Kinh dự lễ khai mạc Olympics 2008, sáng thứ năm, Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush cho biết ông đã nhiều lần nói rõ với giới lãnh đạo Trung Quốc về mối quan tâm sâu sắc của Hoa Kỳ đối với nhân quyền và tự do tín ngưỡng. Hoa kỳ tin tưởng là nhân dân Trung Quốc được quyền huởng những quyền tự do căn bản là những quyền tự nhiên của con người.
Do đó Hoa Kỳ chống lại việc Trung Quốc giam giữ những người bất đồng chính kiến, những nhà tranh đấu cho nhân quyền và tôn giáo
Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ tuyên bố, nói đến tự do tôn giáo, tự do hội họp và quyền lao động không phải là để chống đối các nhà lãnh đạo tại Bắc Kinh nhưng để họ hiểu rằng cho người dân có nhiều tự do hơn là con đường duy nhất để Trung Quốc phát triển hết tiềm năng của mình. Hoa Kỳ thúc đẩy việc cởi mở và công lý không phải để áp đặt nhựng gì hoa Kỳ tin tưởng mà chính là để cho người dân Trung Quốc có thể biểu lộ những gì họ tin tưởng vào:
Ðưa ra khẩu hiệu “Một Thế Giới, Một Ước Mơ”, nhưng thành phần lãnh đạo Trung Quốc đang muốn buộc cả thế giới phải ước mơ theo những gì họ định đoạt. Ðồng ý trên nguyên tắc Olympic là nơi mọi người gặp gỡ để tham gia hoặc dự những cuộc tranh tài thể thao, nhưng cũng chính tinh thần Olympic không cho phép bất cứ ai làm những điều đi ngược lại ý muốn của con người. Lần này ở Bắc Kinh, chính nước đăng cai đã sử dụng quyền lực của mình, đem chính trị bao trùm lên thể thao, buộc mọi người phải làm điều chính quyền muốn họ làm, phải nghĩ điều chính quyền muốn họ nghĩ và phải mơ theo những gì chính quyền đang mơ.
Trung Quốc vẫn tiếp tục lên tiếng kêu gọi cộng đồng thế giới đừng đánh giá chính sách mà họ đang áp dụng, từ chính sách đối với nhân dân Tây Tạng cho đến chính sách Bắc Kinh đang áp dụng trước thảm họa Darfur. Nhưng chính hành động của Trung Quốc đã khiến mọi người phải nhớ đến điều sử gia Harold Pinter đã bảo: “không ai đánh giá một chính quyền bằng những gì họ nói, bằng những gì họ hứa sẽ làm, mà bằng những gì họ làm”.
Cũng chính hành động của Trung Quốc đã khiến mọi người phải nhớ lại lời ông thẩm phán Potter Stewart của Tòa Tối Cao Hoa Kỳ từng nói: “kiểm duyệt phản ánh sự sợ hãi của chế độ”. Khi một chính quyền như Trung Quốc tiếp tục ngăn cản tiếng nói của người dân, rõ ràng chính quyền đó đang sợ hãi. Sợ hãi sự thật.