Ngay sau khi hai tướng Đồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh gửi kiến nghị, thủ tướng chính phủ Việt Nam đã có chỉ thị yêu cầu các tỉnh không cấp phép mới cho dự án thuê rừng.
Ngoài hai vị tướng vừa nêu, một vị tướng khác của Việt Nam: Thiếu tướng Nguyễn Hữu Anh, lão thành cách mạng, cũng gửi kiến nghị đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Gia Minh hỏi chuyện thiếu tướng Nguyễn Hữu Anh về bức thư đó, và trước hết ông nhắc lại cơ sở để ông gửi thư trực tiếp cho Thường vụ Quốc hội.
Đe dọa tương lai đất nước
TT Nguyễn Hữu Anh: Căn cứ của chúng tôi dựa trên cơ sở báo cáo của các đoàn kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Chúng tôi trích các số liệu trong những báo cáo đó rồi phát biểu.
Gia Minh: Ông nhận xét về cơ sở đó ra sao?
Việt Nam là nước hẹp, người đông mà cho thuê đất dài hạn và nhượng đất vô tội vạ như thế cực kỳ nguy hiểm.
TT Nguyễn Hữu Anh<br/>
TT Nguyễn Hữu Anh: Tôi thấy những thông tin như vậy đe dọa tương lai đất nước Việt Nam. Việt Nam là nước hẹp, người đông mà cho thuê đất dài hạn và nhượng đất vô tội vạ như thế cực kỳ nguy hiểm. Tôi thiết tha đề nghị có giám sát để đình chỉ ngay việc đó.
Gia Minh: Ngay sau khi báo chí đăng lại ý kiến của hai vị tướng Đồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh, tỉnh Lạng Sơn có ý kiến họ làm theo đúng qui trình luật pháp Việt Nam. Vậy dựa theo báo cáo mà các ông đọc được và giải thích của tỉnh đó có phù hợp không?
TT Nguyễn Hữu Anh: Không có qui trình nào cao hơn lợi ích của dân tộc cả.
Gia Minh: Ông đã nhận được phản hồi gì chưa? Thường vụ Quốc hội đã trả lời cho ông chưa?
TT Nguyễn Hữu Anh: Thường vụ Quốc hội chưa trả lời gì cho tôi. Nhưng trên cơ sở phát biểu của hai quan chức Lạng Sơn thì tôi yêu cầu không chỉ Lạng Sơn và cả mười tỉnh có nhượng đất 50 năm phải nói lên bảo đảm với dân tỉnh của họ và nhân dân cả nước: Họ có bảo đảm doanh nghiệp nước ngoài vào sẽ không vì lợi nhuận rồi phá đất, phá rừng của Việt Nam; có bảo đảm không gây ảnh hưởng đến các hồ thủy điện - thủy lợi của Việt Nam, có bảo đảm hạn chế được cường độ của lũ lụt, có bảo đảm an ninh tuyệt đối tại những nơi đó trước mắt và lâu dài, có bảo đảm không mọc lên những thôn bản của người nước ngoài tại những nơi đó …
Gia Minh: Theo ông chỉ đưa ra kiến nghị chung chung có hữu hiệu không? Nếu muốn hữu hiệu phải làm gì?
TT Nguyễn Hữu Anh: Nếu họ nói làm đúng phải trả lời những câu hỏi tôi vừa nêu.
Việc này là lợi ích tối cao của dân tộc, của nhân dân nên trí thức và toàn thể người dân phải có ý kiến.
Gia Minh: Để có một phong trào rộng khắp cần phải làm gì thêm nữa?
TT Nguyễn Hữu Anh: Nên có dư luận rộng rãi hơn đề đạt với chính phủ và quốc hội sớm có những giải pháp hạn chế những hậu quả trước mắt và lâu dài cho con cháu chúng ta.
Gia Minh: Rừng ở những vùng biên giới theo ông còn như trước hay không, nhất là qua thời gian người ta phải khai thác để sinh sống?
TT Nguyễn Hữu Anh: Tôi lớn tuổi rồi, không đi nhiều nên không biêt rõ, nhưng theo tôi việc làm như của 10 tỉnh vừa rồi rất nguy hiểm. Người ta sẽ chạy theo lợi nhuận và sẽ phá đất rừng của mình.
Việc này là lợi ích tối cao của dân tộc, của nhân dân nên trí thức và toàn thể người dân phải có ý kiến.
TT Nguyễn Hữu Anh<br/>
Nhân vụ việc 10 tỉnh cho thuê đất đầu nguồn vừa rồi, tôi đề nghị quốc hội và chính phủ phải có qui chế chặt chẽ hơn về đầu tư, khai thác rừng; kể cả đối với các doanh nghiệp trong nước.
Gia Minh: Theo ông đánh đổi về môi trường, tài nguyên cho phát triển như vừa qua có nên như thế không?
TT Nguyễn Hữu Anh: Theo tôi để phát triển bền vững cần có đầu tư mạnh mẽ hơn cho dân miền núi Việt Nam.
Cần suy nghĩ theo cách này: Ngay cả dân địa phương của Việt Nam còn chạy theo lợi nhuận trước mắt mà phá rừng, huống gì những doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy phải đầu tư nhiều hơn, mạnh hơn cho dân bản địa/địa phương xây dựng những vùng núi đó. Tôi đồng tình với phát biểu của những người nói trước (tướng Đồng Sĩ Nguyên, Nguyễn Trọng Vĩnh) cho rằng đó là cách thoát nghèo trên đất rừng của tổ quốc.
Gia Minh: Cám ơn ông về những ý kiến của ông sau khi ông đã gởi một bức thư lên cho Thường vụ Quốc hội.