Cô Marie Hiền Nguyễn, thiếu nữ Việt Nam duy nhất dạy lái máy bay ở Canada

0:00 / 0:00

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Từ trước đến nay, trong ngành hàng không, đa phần những phụ nữ chỉ làm tiếp viên hay làm việc trong văn phòng. Ở bất kỳ quốc gia nào cũng vậy, phụ nữ là phi công rất hiếm. Tại Montreal, Canada, có một thiếu nữ Việt Nam duy nhất đang hành nghề lái máy bay và đang dạy lái tại phi trường Masocuche.

HienNguyen200.jpg
Nữ phi công Marie Hiền Nguyễn. Hình do cô cung cấp

Trang Phụ Nữ kỳ này xin mời quí vị nghe những lời tâm tình của nữ phi công Marie Hiền Nguyễn, một thiếu nữ năm nay vừa tròn 24 tuổi, sinh ra và lớn lên tại Quebec, Canada.

Thông thạo 3 tiếng Anh, Pháp, và Việt

Phần đông, đa số các bạn trẻ ở hải ngoại đều nói tiếng Việt không rành rẽ. Riêng đối với Marie Hiền Nguyễn thì lại khác, ngoài tiếng Anh, tiếng Pháp, cô nói tiếng Việt khá trôi chảy và diễn tả tâm tình của mình rất rành mạch. Theo lời cô cho biết, trong gia đình, ngay từ khi còn bé, cha mẹ cô luôn yêu cầu cô nói tiếng Việt.

Bản thân cô thì thích coi các băng video ca nhạc Việt Nam hay các bộ phim Tàu dịch sang tiếng Việt, nhờ đó, cô không quên được ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Ngay từ khi còn nhỏ, cô học rất giỏi và thông minh. Với tính tình vui vẻ, hoà nhã, khiêm tốn, cô luôn chiếm được cảm tình của mọi người.

Cũng như phần đông các gia đình người Việt ở hải ngoại, cha mẹ cô chỉ mong cô theo học ngành bác sĩ, kỹ sư…Nhưng cô lại nhất quyết chọn ngành hàng không và mơ ước trở thành một nữ phi công. Vẫn biết điều này không phải là dễ dàng thực hiện, vì biết bao gian nan và thử thách trước mắt, nhưng cô quyết tâm vượt qua. Cô cho biết:

“Có 400 người nộp đơn vô trường của chính phủ, nhưng trường chỉ nhận 40 học sinh thôi và năm của Hiền thì chỉ có mình em là nữ duy nhất. Thông thường mỗi năm cũng có khoảng 4, hay 5 phụ nữ trên 40 học sinh. Nếu mình không pass được một cái “test” nào thì sẽ bị đuổi ra khỏi trường.

Trong năm của Hiền cũng có những bạn bị rớt. Năm đầu học hoàn toàn về lý thuyết, năm thứ hai bay những máy bay nhỏ, trong đó có một bằng gọi là private license, phải lái một trăm mấy giờ, sau đó năm thứ ba thì mới có được proffesonal license. Bằng này mình có thể đi ra ngoài làm cho các hãng, các công ty.

Trong năm của Hiền cũng có những bạn bị rớt. Năm đầu học hoàn toàn về lý thuyết, năm thứ hai bay những máy bay nhỏ, trong đó có một bằng gọi là private license, phải lái một trăm mấy giờ, sau đó năm thứ ba thì mới có được proffesonal license. Bằng này mình có thể đi ra ngoài làm cho các hãng, các công ty.”

Với ý chí mãnh liệt, cô Marie Hiền Nguyễn đã vượt qua từng kỳ kiểm tra một. Theo lời cô cho hay, ngoài việc phải chịu một chế độ huấn luyện rất gắt gao, học giải quyết các tình trạng rủi ro bất ngờ khi lái máy bay... cô còn phải gìn giữ sức khoẻ sao cho thật tốt để vượt qua các kỳ kiểm tra sức khoẻ cứ 6 tháng một lần. Điều quan trọng hơn cả là phải giữ bình tĩnh trong mọi trường hợp. Hiền nhớ mãi cảm giác lần đầu tiên được tự điều khiển chiếc máy bay. Cô kể:

“Lần đầu tiên được bay một mình lần đầu tiên trong máy bay thấy vui quá, vinh hạnh quá, rất muốn được chia xẻ những điều vui mừng này cho gia đình, cho bạn bè…Dĩ nhiên thì cũng hơi hồi hộp vì lần đầu tiên mình cầm lái máy bay một mình mà!”

Vượt qua bao gian nan thử thách

Sau 3 năm vất vả học hành, vượt qua bao gian nan thử thách, cuối cùng cô đã thành công. Ngày tốt nghiệp, cô được nhà trường cho phép mời thân nhân bước lên máy bay mà do chính cô sẽ điều khiển, làm cho cô vô cùng sung sướng. Cô cho biết: "Lúc Hiền ra trường có một ngày để cho gia đình của mình bay. Hiền dẫn ba má và anh của mình bay một chút xíu. Lúc đó rất là vui mừng vì lần đầu tiên ba má được lên chung với Hiền."

Ngược lại, cha cô, ông Nguyễn Tài, một chuyên viên kỹ thuật về điện ảnh, thì lại có tâm trạng: "Lúc nó ra trường, được mời phụ huynh lên trường và nhà trường cho chuyến bay chở cha mẹ hay anh em, khoảng 8 người…

Trước khi lên thì cũng hớn hở lắm vì con mình thành công, nhưng bay được 15 phút thì tôi run quá trời, sợ lắm, vì lúc đó trời không được tốt, không có nắng, có gió, máy bay hơi lắc, mẹ nó cũng ngồi im lặng, không dám nói gì, không ai nói năng gì hết…chừng nửa tiếng thì chỉ cầu mong sao cho nó xuống lẹ cho rồi (cười)

Nhưng Marie thì nó chỉ cười thôi… Đến chừng khoảng một tiếng thì xuống và Marie nói là trường cho đi một vòng nữa, và chuyến đó chỉ có hai chỗ thôi, ai muốn đi thì đi nữa, nhưng tôi nói: thôi mệt lắm, sợ quá rồi, không dám đi nữa…

HienNguyen200b.jpg
Nữ phi công Marie Hiền Nguyễn. Hình do cô cung cấp

Khi Marie về phi trường Mascouche ở Montreal làm việc thì có đi, lúc đó trời nắng, im gió, đẹp lắm, không như hồi nó bay lúc ra trường, thành ra cảm thấy thích…Nhưng cũng có mấy người bạn của tôi cũng leo lên, chừng khoảng 5 phút thì khều khều nó và nói “con cho chú xuống, con bay 5 phút nữa, chắc chú chết tại chỗ..” (cười) nhưng cũng phải đánh một vòng 10 phút mới xuống được…tức cười lắm.”

Còn mẹ cô thì cho hay: "Lúc đó, em cũng bước lên đại, mình cũng nghĩ chắc giống như đi máy bay bình thường thôi, thì thấy cháu lái cũng vững vàng…"

Ngoài ra, bà cũng cho biết rằng, cho đến giờ phút này, mặc dù Hiền đã trở thành một phi công thực thụ, nhưng lúc nào trong lòng bà cũng nơm nớp lo sợ. Bà tâm sự: "Mỗi lần nó bước lên máy bay thì em ở dưới cầu nguyện, vái Trời Phật cho nó. Lúc này cũng vẫn cầu nguyện, lúc nào cũng sợ lắm."

Hy vọng cao hơn

Trở lại với Marie Hiền Nguyễn, khi hỏi rằng cô có nghĩ nghề phi công sẽ ảnh hưởng nhiều đến đời sống riêng tư của mình không, cô cười và nói:

“Một khi mình chọn ngành này thì cũng biết là rất khó có thời giờ cho gia đình, cho mình, nhưng Hiền nghĩ là mình đang còn trẻ, Hiền rất thích đi du lịch vòng quanh thế giới, chừng nào ba mươi mấy tuổi thì Hiền mới suy nghĩ để lập gia đình…còn bây giờ thì Hiền chỉ muốn tập trung vào nghề của mình thôi.”

Nhân đây, cô cũng cho hay rằng khi học nghề phi công đã giúp cho cô có nhiều tự tin, nhất là tạo cho cô sự chín chắn trong mọi công việc. Điều này đã tạo cho cô sự thành công hôm nay, cô nói:

“Quan trọng nhất là trước khi quyết định một điều gì thì mình phải suy nghĩ kỹ vì phi công lúc nào cũng phải suy nghĩ trước, làm điều gì thì chắc chăn điều đó phải đúng. Đó là một trong những điều quan trọng nhất để thành một phi công.”

Được biết, ngay sau khi tốt nghiệp vào mùa hè năm ngoái, cô được nhận vào dạy lái máy bay cho một trường công duy nhất của Canada, ngay tại Montreal. Không chỉ dừng ở đây, Marie Hiền còn ấp ủ niềm hy vọng cao hơn nữa. Cô tâm sự:

Hiện nay em đang dạy cho người ta bay để sau này Hiền có thể nộp đơn lên công ty lớn hơn, chẳng hạn như Boeing hay là Air Canada, Air Vietnam gì đó.

“Hiện nay em đang dạy cho người ta bay để sau này Hiền có thể nộp đơn lên công ty lớn hơn, chẳng hạn như Boeing hay là Air Canada, Air Vietnam gì đó.”

Tuy thế, cô gái trẻ này rất biết lo xa và thực tế…Để phòng hờ chẳng may vì lý do sức khoẻ, một ngày nào đó, chẳng may cô không còn được bay cao trên bầu trời cao rộng, nên ngoài giờ đi làm, cô dành hết thời gian còn lại để quay trở lại trường đại học để có thêm mảnh bằng về Quản Trị Kinh Doanh. Cô cho hay:

“Hiền cũng đang học thêm những course tối để có thêm một bằng đại học.. vì làm phi công thì mỗi năm phải khám sức khoẻ, nếu mình bị bệnh mà mình bị mất bằng phi công vì sức khoẻ thì Hiền cũng phải nghĩ cho mình một kế hoạch khác, lấy một cái bằng management để quản lý trong ngành hàng không.”

Mới đây, lần đầu tiên được cha mẹ đưa về Việt Nam, cô rất thích thú và trong lòng cô luôn ao ước được bay trên vùng trời của quê mình. Cô kể lại: "Lúc về đó, Hiền rất là vui mừng vì thấy được nước mình ra sao, thấy Việt Nam rất đông người, Hiền không nghĩ là Việt Nam sẽ đông như vậy…Hiền thấy Việt Nam rất đẹp, thấy nước mình đẹp quá, Hiền sẵn sàng trở lại Việt Nam liền và Hiền rất muốn bay trên bầu trời quê hương của mình. Hiền ước mơ được lái máy bay lớn như Boeing hay Airbus.

Hiền cũng chưa thấy phụ nữ Việt Nam nào lái máy bay thì nếu Hiền được là người phụ nữ đầu tiên lái máy bay trong hàng không thì Hiền rất vinh hạnh và vui mừng lắm.”

Vừa rồi là những lời tâm tình của nữ phi công Marie Hiền Nguyễn, một thiếu nữ trẻ sinh ra và lớn lên ở Canada, nhưng tự trong trái tim của cô, luôn có hình ảnh của quê hương Việt Nam.

Mong rằng ước mơ của cô sẽ sớm trở thành hiện thực để không những đem vinh dự về cho bản thân, gia đình, cho cộng đồng người Việt ở hải ngoại, mà còn nhất là cho các chị em phụ nữ chúng ta nữa, phải không thưa các bạn ? Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.