Rời khỏi môi trường “đen tối”
Gia Minh hỏi chuyện thầy Khoa về điều đó. Trước hết chính thầy Đỗ Việt Khoa cho biết:
Tôi đã chiến đấu vì sự trong sạch của ngành giáo dục, nhưng trong bốn năm qua tôi bị quật lại một cách ghê gớm bằng vị hiệu trưởng với những biện pháp xấu xa của ông.
Thầy Đỗ Việt Khoa
Thầy Đỗ Việt Khoa: Tôi đã rời ngành giáo dục rồi, quyết tâm xin thôi việc. Tôi đã gửi đơn hai lần, lần đầu Sở không trả lời nhưng qua lần hai thì họ đồng ý.
Công việc cuối cùng tại trường hiện nay là xem thi tốt nghiệp nhưng tôi cũng xin thôi luôn.
Gia Minh: Lý do vì sao ông phải đi đến quyết định rời ngành mà ông được đào tạo và làm việc lâu nay?
Thầy Đỗ Việt Khoa: Tôi đã làm trong ngành giáo dục 20 năm rồi, tôi cũng đã chiến đấu vì sự trong sạch của ngành; nhưng trong bốn năm qua tôi bị quật lại một cách ghê gớm bằng vị hiệu trưởng với những biện pháp xấu xa của ông.
Hồi ngày 1 tháng giêng năm 2009, ông hiệu trưởng trường Vân Tảo tuyên bố trước giáo viên và phụ huynh sẽ tiêu diệt tận gốc thầy giáo Đỗ Việt Khoa và các giáo viên ủng hộ. Ông ta còn chửi cả bộ trưởng giáo dục.
Tôi có đơn gửi với băng ghi âm gửi các cấp nhưng không ai giải quyết cả. Tôi nản chí, mất lòng tin đối với tất cả nên phải quyết định rời khỏi môi trường giáo dục ‘đen tối’ để ra đi, tìm việc làm khác cho thanh thản.
Gia Minh: Trước đây chính bộ trưởng giáo dục rồi truyền thông trong nước cũng nói đến trường hợp của ông, vậy sao nay họ không còn lên tiếng nữa?
Thầy Đỗ Việt Khoa: Ngành giáo dục có ông Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân rất công tâm, quan tâm đến chúng tôi; thế nhưng ông không làm gì được trong cơ chế phân cấp hiện nay. Bộ có muốn thay đổi, xử lý cũng không thể giải quyết được.
Có thể nói Bộ giáo dục bất lực trong trường hợp của tôi. Trong thời gian qua có nhiều thầy cô cũng chống tiêu cực và bị trù dập nhưng Bộ Giáo dục không làm được gì.
Không tôn trọng luật pháp?
Gia Minh: Nhưng ở Việt Nam còn có pháp luật chứ?
Thầy Đỗ Việt Khoa: Đúng là có luật pháp nhưng luật pháp thường không được tôn trọng, quan chức thường là những người vi phạm luật pháp, nhân dân thì đa số còn tôn trọng luật pháp. Quan chức thì khó kiếm người công tâm, quyền trong tay họ thì họ phải giải quyết mà họ không giải quyết. Ông giám đốc sở giáo dục Hà Nội không phải người xấu nhưng cũng mắc cái bệnh chung của xã hội là "nói tránh, im lặng, không giải quyết". Tôi xin gặp ông ấy nhiều lần, gọi điện, đăng ký và ngay cả chặn ông ấy ngay cổng sở GD để xin gặp nhằm giải quyết vụ việc của tôi mà ông ấy cũng không cho gặp.
Gia Minh: Theo báo chí trước đây thì cũng có một vị hiệu trưởng trường tư thục là Thấy giáo Văn Như Cương từng nói đưa thầy Khoa về dạy nhưng rồi lại không nhận với lý do thầy Khoa bị tâm thần không ổn định, Ông có nhận thông tin đó không ạ?
Tôi nản chí, mất lòng tin đối với tất cả nên phải quyết định rời khỏi môi trường giáo dục "đen tối" để ra đi, tìm việc làm khác cho thanh thản.
Thầy Đỗ Việt Khoa
Thầy Đỗ Việt Khoa: Tôi rất là sốc khi đọc bài báo đó, vì xưa nay tôi rất kính trọng Thầy Văn Như Cương, nhưng tôi vẫn không trách thầy vì cũng như nhiều người khác đều không biết được sự thật mà tôi đang phải chịu đựng những trò bẩn thỉu nhất của ngành giáo dục đào tạo, và nhất là biết được tính của vị hiệu trưởng trường tôi thì thầy Cương sẽ nói khác.
Gia Minh: Dạ.
Thầy Đỗ Việt Khoa: Do thiếu thông tin, báo chí không đăng nên họ đã nghĩ sai về tôi, thật sự tôi bình thường hay tâm thần thì ai cũng biết.
Gia Minh: Cùng sống ở Hà Nội thì tại sao ông không đến gặp Thầy Văn Như Cương.
Thầy Đỗ Việt Khoa: Tôi cũng không muốn đi thanh minh với các Thầy Cô làm gì, lâu rồi họ cũng sẽ hiểu thôi.
Gia Minh: Xin cám ơn Thầy và chúc Thầy gặp nhiều điều tốt đẹp.
Theo dòng thời sự:
- Giáo dục Việt Nam dưới thời Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân?
- Quy mô phải đi đôi với chất lượng
- Số lượng hồ sơ dự thi đại học ở phía Bắc giảm mạnh
- Các bạn trẻ sẽ làm gì để đất nước phát triển?
- Nỗi lo chất lượng giáo dục Đại học
- Giáo dục, chuyện nói hoài không hết
- Việt Nam tăng học phí mỗi năm từ giờ đến 2015
- Việt Nam chấn chỉnh giáo dục đại học
- Vấn đề giáo dục dưới mắt sinh viên Việt Nam
- Nhà giáo, nghề giáo trong xã hội ngày nay
- Sinh viên phải đóng nhiều khoản tiền ngoài học phí