Người Việt Hải Ngoại tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc

0:00 / 0:00

Thiện Giao, phóng viên đài RFA

Trước hành động xâm lấn của Trung Quốc trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, dân chúng trong nước, đi đầu là giới thanh niên và thức giả, đã nói lên sự bất bình bằng cách biểu tình một cách ôn hoà trước Sứ Quán Trung Quốc tại Hà Nội và Lãnh Sự Trung Quốc tại Thành Phố Hồ Chí Minh. Thế nhưng, họ đã bị công an Việt Nam ngăn cản, bắt về đồn, và đe doạ điều tra.

CaliforniaProtest150.jpg
Người Việt Hải Ngoại biểu tình trước toà Lãnh Sự Trung Quốc tại Los Angeles, California, hôm 19 tháng 12, 2007. (Hình do Vũ Đình Trọng/Người Việt cung cấp).

Từ hải ngoại, các cộng đồng người Việt luôn hướng về quốc nội. Tương tự những công cuộc khác, họ sẵn sàng hỗ trợ đồng bào trong nước. Thiện Giao tường trình cách hoạt động này.

Trong hai cuối tuần liên tiếp, 9 và 16 tháng 12, 2007, nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã diễn ra tại Việt Nam. Mặc dù có sự ngăn cản của chính quyền Việt Nam, và mặc dù có sự phàn nàn chính thức từ chính phủ Trung Quốc, giới trẻ Việt Nam đã tập trung biểu tình ngay tại hai thành phố lớn, là Hà Nội và Sài Gòn, bày tỏ những ý kiến của mình.

Hòa cùng làn sóng phản đối trong nước

Ngay sau các cuộc xuống đường tại Việt Nam, người Việt hải ngoại cũng đồng lòng nhập cuộc, mở đầu với cuộc biểu tình vừa diễn ra ngày hôm qua, trước toà lãnh sự Trung Quốc tại thành phố Los Angeles, California, Hoa Kỳ.

Bằng những phương tiện khác nhau, khoảng 400 người Việt Nam tại miền Nam California đã đến tham dự biểu tình. Ông Nguyễn Xuân Tùng, đại diện ban tổ chức, cho biết: “Chúng tôi đang biểu tình trước toà Lãnh Sự của Trung Cộng ở Los Angeles. Liên Uỷ Ban Chống Nghị Quyết 36 đứng ra tổ chức và nhân danh tất cả cộng đồng tị nạn ở miền Nam California vì có rất đông các đoàn thể, các cơ chế cộng đồng đều cùng tham dự vào cuộc biểu tình này.”

Ông Phan Kỳ Nhơn, một thành viên ban tổ chức, nói với phóng viên RFA qua đường dây điện thoại: “Chúng tôi hô các khẩu hiệu, nhưng chắc chắn là toà Lãnh Sự của Trung Quốc không mở cửa đâu. Họ không tiếp mình đâu, nhưng mình vẫn phải biểu tình trước cửa.”

Tôi tham gia cuộc biểu tình này với tư cách là một công dân Việt Nam. Tuy chúng tôi không sống ở trong nước, chúng tôi rất đau lòng khi đất nước của cha ông chúng ta bị giặc Tàu xâm lấn. Và tôi sẽ ở lại trong vòng ba ngày.

Trong khi có khả năng các cuộc biểu tình tại Việt Nam sẽ phải chấm dứt sớm vì áp lực của nhà cầm quyền, thì tại Hoa Kỳ, người biểu tình được tự do hơn. Anh Nguyễn Thiện Thành, một người tham gia, cho biết anh sẽ ở lại trước toà Lãnh Sự Trung Quốc trong ba ngày liên tiếp, để bày tỏ sự phản đối trước việc Hoa Lục xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam.

Anh nói: "Tôi tham gia cuộc biểu tình này với tư cách là một công dân Việt Nam. Tuy chúng tôi không sống ở trong nước, chúng tôi rất đau lòng khi đất nước của cha ông chúng ta bị giặc Tàu xâm lấn. Và tôi sẽ ở lại trong vòng ba ngày."

Nhiều Cộng đồng người Việt cùng nhập cuộc

Trong khi người bạn trẻ Nguyễn Thiện Thành chuẩn bị cuộc phản đối kéo dài ba ngày tại miền Nam California, thì từ miền Bắc California, cộng đồng Việt Nam cũng thông báo sẽ bắt đầu cuộc biểu tình trước Lãnh Sự Quán Trung Quốc vào trưa ngày thứ Bảy. Trước đó một ngày, cộng đồng Việt Nam ở Houston cũng sẽ tập họp, cất lên tiếng nói chung với người Việt trong nước.

Từ Houston, ông Nguyễn Văn Nam, trưởng ban tổ chức biểu tình, nói với RFA: "Thời gian biểu tình là vào ngày thứ Sáu, 21 tháng 12. Địa điểm là toà Tổng Lãnh Sự Trung Quốc. Tổ chức biểu tình bao gồm tất cả mọi giới. Tổ chức cộng đồng là cột trụ. Đặc biệt, có thêm những người Việt gốc Hoa cũng đứng vào hàng ngũ đấu tranh này."

Không chỉ ở Mỹ, các cộng đồng người Việt những châu lục khác không thể ngồi yên khi nhìn thấy hình ảnh các cuộc biểu tình được giới trẻ Việt Nam thực hiện trong nước. Ðiển hình là cách đây vài ngày, cộng đồng Người Việt Tự Do tại Úc Châu đã ra tuyên cáo phản đối chính phủ Trung Quốc.

CaliforniaProtest200.jpg
Người Việt Hải Ngoại biểu tình trước toà Lãnh Sự Trung Quốc tại Los Angeles, California, hôm 19 tháng 12, 2007. (Hình do Vũ Đình Trọng/Người Việt cung cấp).

Bản tuyên cáo có đoạn: "Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Úc Châu khẳng định rằng các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ thuộc chủ quyền của nước Việt Nam, được minh định rõ ràng qua nhiều văn kiện lịch sử, rằng người Việt đã khai thác và cư ngụ tại đó từ thế kỷ 17."

Du học sinh Việt Nam bắt đầu lên tiếng

Ở thủ đô Paris của nước Pháp các du học sinh Việt Nam cũng bắt đầu kêu gọi biểu tình. Tin tức được phổ biến trên mạng cho biết nhóm sinh viên du học đã nộp giấy tờ xin phép biểu tình, và hiện đang chờ chính quyền sở tại trả lời.

Cuộc biểu tình của du học sinh Việt Nam tại Paris được dự trù tổ chức vào chiều Chủ Nhật tuần này, trước Toà Đại Sứ Trung Quốc.

Ngay cả những người Việt Nam từ trong nước sang Hoa Kỳ làm việc cũng đã lên tiếng nói. Từ California, một thanh niên yêu cầu không nêu tên, nói với RFA:

Dù sống ở đâu, tất cả cùng có chung một nguồn gốc là người Việt. Và khi đã có chung nguồn gốc là người Việt, thì chuyện lãnh thổ bị xâm lăng, sự phản kháng là trách nhiệm của mọi người. Lãnh thổ đó là di sản của tiền nhân để lại. Và tất cả mọi thế hệ người Việt phải có trách nhiệm bảo vệ và gìn giữ.

“Có một điểm khiến tất cả mọi người Việt, dù sống ở đâu, mang quốc tịch của quốc gia nào, vẫn giống nhau, đó là họ có chung một nguồn gốc: họ là người Việt, kể cả những người Việt sinh ra ở các lãnh thổ khác, thì cha ông họ cũng là người Việt.

Và khi đã có chung nguồn gốc là người Việt, thì chuyện lãnh thổ bị xâm lăng, sự phản kháng là trách nhiệm của mọi người tự xem mình là người Việt. Lãnh thổ đó là di sản của tiền nhân để lại. Và tất cả mọi thế hệ người Việt, dù sống ở đâu, cũng phải có trách nhiệm. Trách nhiệm đó là bảo vệ và gìn giữ.

Việc biểu tình, theo tôi, là chính đáng và cần thiết. Động thái của chính quyền Việt Nam, tôi theo dõi rất kỹ, cá nhân tôi, cũng như nhiều người Việt Nam khác, cảm thấy bất bình.”

Trong vài ngày qua, Nhật Báo Người Việt, xuất bản ở tiểu bang California, đã thực hiện một cuộc thăm dò trên website của mình. Bản thăm dò hỏi rằng, người Việt hải ngoại có đồng ý không, nếu sinh viên Việt Nam du học mang theo cờ đỏ sao vàng đến biểu tình chung.

Kết quả cuộc thăm dò cho thấy gần 52 phần trăm tham gia cuộc thăm dò trả lời Đồng Ý, 42 phần trăm trả lời không và 6 phần trăm không có ý kiến.