"Tôi như người lưu vong trên chính quê hương mình"

Tối 25 vừa qua, khoảng 20 công an thuộc tỉnh Gia Lai đã đập phá nhà của mục sư Nguyễn Công Chính. Cuộc đập phá là một trong chuỗi dài các cuộc tấn công vào cuộc sống gia đình của mục sư này. Ông Nguyễn Công Chính nói rằng 20 năm qua ông trở thành lưu vong ngay trên chính quê hương mình.

0:00 / 0:00

Biên tập viên Thiện Giao phỏng vấn mục sư Chính sau đây.

Công an ném đá vào nhà

Thiện Giao: Thưa ông, được biết lúc 9:30 tối hôm 25 tháng Sáu, có khoảng 20 người đến đập phá nhà ông. Là chủ nhà, ông có thể xác định những thông tin này không?

MS Nguyễn Công Chính: Lúc 9:30 tối, theo tôi quan sát, có khoảng gần 20 công an PA 38 tỉnh Gia Lai đập cửa, ngang nhiên xông vô, ném gạch đá vào nhà tôi.

Một công an tên Đinh Văn Hiền đứng ngoài cửa, đập cửa nhà tôi. Tôi hỏi tại sao ông lại đập cổng nhà tôi. Ông ta văng tục: mày bước ra, tao đánh mày ngay. Tao không đánh mày thì tao là con chó.

Mục sư Nguyễn Công Chính

Một công an tên Đinh Văn Hiền đứng ngoài cửa, đập cửa nhà tôi. Tôi hỏi tại sao ông lại đập cổng nhà tôi. Ông ta văng tục: mày bước ra, tao đánh mày ngay. Tao không đánh mày thì tao là con chó.

Tao bảo các con tôi vô nhà. Không mở cửa. Công an này bắt đầu lấy đá ném vô nhà. Tôi la lên là công an phá nhà. Ông này cứ tiếp tục như vậy. Leo vào cổng, ném đá bể cửa kính nhà tôi.

Con tôi rất sợ hãi. Đứa con 3 tuổi của tôi đái ra cả trong quần.

Sau đó, họ liên tục ném đá vô nhà, ném lên nóc nhà. Nhà tôn nên ném đá kêu rất to. Hàng xóm đều biết. Lúc ấy tôi rất sợ hãi vì công an rất đông, cầm gạch, đá, cây, và tấn công liên tục như vậy hơn 1 giờ đồng hồ.

Thiện Giao: Làm sao ông có thể xác định họ là PA 38 như ông vừa nói?

MS Nguyễn Công Chính: Những người dùng gạch đá phá nhà tôi tối hôm qua là những người đã canh giữ tôi 12 ngày khi tôi bị bắt tại Biên Hòa. Khi công an Gia Lai áp giải tôi về, thì những người công an này canh giữ tôi. Họ khóa phòng, đêm và ngày đều có 2 người nằm giữ tôi.

Kêu cứu nhưng công an không tới

Thiện Giao: Thưa, tại sao ông không kêu cứu công an?

MS Nguyễn Công Chính: Tôi có điện thoại kêu cứu với 113. Họ nói sẽ đến nhưng không đến. Tôi có gọi cho một vị lãnh đạo Bộ Công An ở phía Bắc. Vị này bảo tôi gọi cho một vị khác mà tôi không có số điện thoại.

Hôm 8 tháng Sáu, họ đã đánh vợ tôi. Tôi chạy ra can, thì một công an đánh tôi. Tôi bỏ chạy vô nhà. Mẹ tôi chạy ra thì bị một bạt tai, văng vô hàng rào. Mẹ tôi năm nay đã 72 tuổi rồi. Có tất cả 7 người cùng đánh vợ tôi.

Mục sư Nguyễn Công Chính

Lúc này thì họ tấn công liên tục. Một mặt tôi phải tri hô cho hàng xóm biết và làm chứng. Một mặt tôi phải bảo vệ các con, tôi sợ đá bay vô, nhà tôi nhiều trẻ con.

Tôi hôm trước cũng đã có một an ninh PA 38 bắt thang sau nhà tôi lên bồn nước để vào nhà. Chúng tôi tri hô thì anh ta bỏ chạy. Vợ tôi trèo lên bồn nước thì thấy Trung Úy Đỗ Công Yên của công an phường Hoa Lư đứng canh cho ông kia trèo lên.

Bị canh gác 24/24

Thiện Giao: Có tin nói là gia đình ông bị canh gác 24/24. Điều này có không? Và sinh hoạt của gia đình ông ra sao?

MS Nguyễn Công Chính: Bên phải nhà tôi có một chốt canh, họ gác ở đó và pha điện vào cổng nhà tôi. Một chốt nữa ở bên trái. Và sau nhà là một cái nữa.

Text message của Mục Sư Nguyễn Công Chính gởi cho phóng viên Hà Giang RFA
Text message của Mục Sư Nguyễn Công Chính gởi cho phóng viên Hà Giang RFA (Photo by Hà Giang RFA)

Tổng cộng 3 chốt với 12 công an. Họ canh gác và không cho tôi ra khỏi nhà.

Hôm 8 tháng Sáu, họ đã đánh vợ tôi. Tôi chạy ra can, thì một công an đánh tôi. Tôi bỏ chạy vô nhà. Mẹ tôi chạy ra thì bị một bạt tai, văng vô hàng rào. Mẹ tôi năm nay đã 72 tuổi rồi.

Có tất cả 7 người cùng đánh vợ tôi.

Sống không hộ khẩu

Thiện Giao: 20 năm nay ông sống không hộ khẩu tại Gia Lai. Vấn đề hợp thức hóa cuộc sống tại địa phương ra sao, thưa ông?

MS Nguyễn Công Chính: Từ năm 1988 đến giờ tôi không có hộ khẩu và chứng minh. Đã nhiều lần tôi làm đơn xin hộ khẩu nhưng chính quyền đều từ chối, đổ cho cấp này cấp nọ.

Đến bây giờ tôi vẫn không có hộ khẩu và chứng minh.

Tôi đã sinh ra 3 đứa con. Đứa lớn nhất 6 tuổi, nhỏ nhất 3 tuổi, đều chưa có hộ khẩu. Không biết chuyện học hành sẽ ra thế nào.

Từ năm 1988 đến giờ tôi không có hộ khẩu và chứng minh. Đã nhiều lần tôi làm đơn xin hộ khẩu nhưng chính quyền đều từ chối, đổ cho cấp này cấp nọ.

Mục sư Nguyễn Công Chính

Vì chuyện hộ khẩu mà tôi mất tài sản, đất đai.

Năm 2003 họ ủi sập nhà nguyện của tôi 2 lần, thu hết tài sản không trả lại. Họ thu đất của tôi, làm nhà Hội Trường, giao cho bộ đội canh gác. Họ lấy 720 mét đất của tôi tại Kontum.

Chính vì hộ khẩu mà tôi mất tất cả. Trong suốt 20 năm, tôi như người lưu vong ngay trên chính quê hương của mình.

Các thành viên trong gia đình của tôi cũng bị liên lụy. Hai em gái tôi bây giờ cuộc đời là bán thân để sống.

Gia đình tôi bây giờ tan nát hết. Tan nát trong suốt từ 20 năm qua.

Thiện Giao: Xin cảm ơn thời gian của ông. Chúc ông mọi điều an lành.

Để tìm hiểu thêm về câu chuyện này, vào lúc 8 giờ tối hôm thứ sáu, giờ Việt Nam, biên tập viên Thiện Giao đã gọi điện thoại vào các số cầm tay của 2 sĩ quan công an phường Hoa Lư, nơi mục sư Nguyễn Công Chính cư trú, để tìm hiểu thêm về sự việc, thì các cuộc điện thoại đều bị tắt ngang khi chúng tôi trình bày lý do cũng như tự xưng danh tánh.

Hai người mà Thiện Giao gọi để tìm hiểu thêm chi tiết là trung tá Phạm Ngọc Đoan, trưởng công an phường Hoa Lư, và đại úy Hồ Thanh Sơn, phó công an phường.

Sau đây là đoạn ghi âm cuộc nói chuyện không thành giữa chúng tôi với trung tá Phạm Ngọc Đoan.