Hoạt động của tiệm cầm đồ vào dịp năm hết Tết đến

Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA

“Giáp Tết Bính Tuất, nhiều sinh viên ghé tiệm cầm đồ”, đó là tựa đề bài viết đăng trên tờ Công an Nhân dân số ra hôm đầu tuần. Báo này cho biết, vật mang cầm của các sinh viên gồm đủ mọi thứ, từ những vật dụng có chút giá trị như xe đạp, máy tính, cho tới những món hàng chỉ đáng vài ba chục ngàn như quạt điện, nồi cơm điện.

CamDo150.jpg
Tiệm cầm đồ ở Sài Gòn.

Thậm chí có khi cả thẻ sinh viên cũng được mang cầm thế vì chủ nhân nó lâm cảnh túng thiếu vào dịp Xuân về. Để tìm hiểu thêm về hoạt động của tiệm cầm đồ vào dịp năm hết Tết đến, phóng viên Ban Việt Ngữ chúng tôi hỏi chuyện ông Hoài, một chủ tiệm cầm đồ ở quận 4 Saigon.

Trong câu chuyện với đài Á Châu Tự Do chúng tôi, ông Hoài cho biết theo kinh nghiệm sinh sống lâu nay bằng nghề cầm đồ, thì việc các sinh viên cầm thế xe đạp, nguyên nhân chính không phải là vì họ đang cần hay thiếu tiền.

Vẫn theo lời ông Hoài, thì trong Nam hoặc ở Saigon, mỗi khi sinh viên túng thiếu thì họ cố gắng tìm cách giải quyết khác hơn là phải mang đồ của mình đi cầm thế.

Khi nói về những thành phần thường hay lui tới tiệm cầm đồ của ông nhất, ông Hoài cho phóng viên đài chúng tôi biết: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Khi được hỏi về công việc làm ăn của ông mấy ngày cận Tết ra sao, ông chủ tiệm cầm đồ ở quận Tư Saigon giải thích như sau: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Bạn nghĩ gì về việc sinh viên cầm đồ? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Về cách tính tiền lời trên các món hàng khi khách mang đến tiệm cầm đồ, ông cho biết: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Trong khi đó, báo Công an Nhân dân cho hay trong thời gian này, giá cả tại nhiều hiệu cầm đồ ở Hà Nội hầu như được tính theo sự thỏa thuận sẵn theo sàn.

Xe đạp thường có giá cao nhất vào khoảng từ 150 ngàn đến 300 ngàn đồng, giàn máy tính cao nhất cũng không thể quá một triệu đồng. Lãi suất những thứ này được tính theo ngày, bình quân chừng 1% một ngày, có nghĩa là một tháng lên tới 30 hay 31%.

Báo chí Hà Nội nói thêm là, sinh viên cầm đồ sẽ “kéo cày trả nợ”, sau Tết nguyên đán. Hậu quả đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống ăn học, đèn sách của họ. Nhiều sinh viên vẫn chưa rút ra được bài học qúy báu đó mà cứ lẩn quẩn mãi trong cái vòng –vay nợ; nợ vay ấy.