Phải di dời hơn 600 người
Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có những hộ dân phải di dời giải tỏa khiến nhiều người lo lắng, đó là chưa kể đến độ an toàn của nhà máy khi đi vào vận hành.
Những ngày này, người dân xã Phước Dinh, huyện Thuận hải và xã Vĩnh hải, huyện Ninh Hải, Ninh thuận đang lo lắng về việc sẽ phải di dời để nhường đất cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt nam.
Sợ chứ, sợ thì đuổi đi thì không có chỗ ở, làm ăn đang ngon lành rồi đi thì không biết làm ăn gì đây nè.
Chị Đào Thị Bé
Chị Đào Thị Bé, một nông dân trong xã Vĩnh Hải lo lắng nói về dự án điện sẽ được xây dựng ngay trong xã mình
Đào Thị Bé: Sợ chứ, sợ thì đuổi đi thì không có chỗ ở, làm ăn đang ngon lành rồi đi thì không biết làm ăn gì đây nè.
Theo dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh thuận được quốc hội Việt nam phê duyệt tại kỳ họp lần thứ 6 vào năm 2009, đây sẽ là dự án đầu tư lớn nhất tại Việt nam với tổng số vốn lên đến 11 tỷ đô la. Địa điểm xây dựng nhà máy số một được xác định là tại thôn Vĩnh Trường, xã Phương Dinh, huyện Thuận Hải, nhà máy số 2 sẽ được xây ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Tổng diện tích để xây dựng mỗi nhà máy điện khoảng 800 ha, trong đó diện tích đất liền khu vực sát biển là 300 ha.
Quy định về an toàn hạt nhân khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân ghi rõ trong bán kính 1 km tính từ trung tâm nhà máy sẽ không có hộ dân, không có sinh hoạt trồng trọt. Từ mốc 1 km đến thêm 500 m, người dân được sản xuất nhưng không khuyến khích ở lại.
Theo kế hoạch, tại thôn Vĩnh Trường sẽ có 156 hộ dân tương đương hơn 600 người nằm trong vùng phải di dời. Còn ở thôn Thái An, số hộ bị di dời là 611 hộ tương đương 2,000 người.
Trong suốt thời gian vài tháng qua, chính quyền địa phương đã thông tin đến cho người dân về việc nhà máy điện hạt nhân sẽ xây dựng ở đâu. Tuy nhiên vẫn có những người dân còn chưa biết chính xác liệu họ có phải di dời hay không. Như bản thân chị Đào Thị Bé, người có căn nhà cách nhà máy trong tương lai khoảng 3 km nói chị cũng không biết chính xác là gia đình mình có phải chuyển đi chỗ khác hay không. Chị Đào Thị Bé cho biết:
Đào Thị Bé: Cái đó thì em chỉ nghe chứ còn chưa biết có làm hay không nhưng nếu làm thì nghe nói ở không được vì ở thì nó ảnh hưởng.
Lo lắng tương lai
Bà con nhân dân chắc không thể nào rời quê hương đất tổ mà đi. Hồi chiến tranh kia cũng đi biết bao lần rồi quay về. Giờ lại tới nhà máy hạt nhân phải đuổi đi tiếp.
Ô. Ngô Khắc Liên
Theo báo chí trong nước, hầu hết những người thuộc khu vực di dời ở thôn Vĩnh Trường đã đồng ý chuyển sang địa điểm mới cách nơi ở cũ khoảng 10 km mặc dù điều kiện đánh bắt hải sản ở đây không bằng địa điểm đầu tiên. Người dân yêu cầu nhà nước phải có đầu tư tương ứng với tầm quan trọng của nhà máy điện hạt nhân.
Đa số người dân ở xã Vĩnh Hải đều không muốn di dời bởi không chỉ đó là nơi chôn rau cẳt rốn mà còn bởi tại nơi ở hiện tại họ đã tạo dựng được cuộc sống khá ổn định. Hầu như tất cả các hộ gia đình ở đây đều trồng nho, hành và tỏi. Theo chị Đào Thị Bé, gia đình chị có 4 sào trồng nho và 1 sào trồng hành tỏi, mỗi năm gia đình chị gồm 5 người có thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng. Cuộc sống tại nơi ở hiện tại là rất tốt nhưng chị không chắc tại nơi định cư mới chị có thể tiếp tục duy trì được cuộc sống tương đương như hiện tại hay không
Ông Ngô Khắc Liên, một người dân khác cũng tại xã Vĩnh Hải cho biết:
Ngô Khắc Liên: Riêng tôi thì tôi không muốn rời nơi chôn rau cắt rốn của tôi đâu. Tại vì ở đây làm ăn được, ngon hơn tất cả các chỗ huyện khác.
Ông Liên cho biết người dân nơi đây đã nhiều lần phải di dời hết do chiến tranh thì giờ lại đến dự án điện hạt nhân. Mọi người chỉ muốn được an cư lạc nghiệp:
Ngô Khắc Liên: Bà con nhân dân chắc không thể nào rời quê hương đất tổ mà đi vì chỗ tôi ở xã này đã di dân biết lần rồi. Hồi chiến tranh kia cũng đi biết bao lần rồi quay về. Giờ lại tới nhà máy hạt nhân phải đuổi đi tiếp.
Ông Nguyễn Văn Lâm, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Hải cho biết tỉnh định bố trí nơi ở mới cho những hộ bị di dời cách nơi cũ 8 km là ơi đất đai cằn cỗi không thích hợp cho việc trồng nho của bà con và cũng xa biển.
Bà con nông dân xã Vĩnh Hải yêu cầu được di dời về vị trí Hòn Một cách địa điểm cũ khoảng 1 km vì nơi đây thuận lợi cho đánh bắt hải sản và có đất liền kề phù hợp với việc trồng nho của bà con.
Nhưng đến giờ nhiều người dân trong xã vẫn không rõ là bao giờ sẽ phải di dời và nhà nước sẽ có chính sách đền bù thích đáng ra sao. Ông Ngô Khắc Liên nói tiếp:
Ngô Khắc Liên: Cái chuyện chuyển bà con đi và chuyện đền bù thì chưa nói gì cả. Tôi mong muốn nhà nước phải quan tâm đến đời sống gia đình tôi và nói chung là tất cả bà con trong xã Vĩnh Hải. Đưa tiền là thứ nhất, thứ hai là tạo công ăn việc làm cho chúng tôi.
Trả lời báo Tuổi trẻ, ông Đỗ Hữu Nghị, phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho biết tỉnh không chọn vị trí Hòn Một như yêu cầu của dân vì khu vực này quá hẹp, chỉ khoảng 20 ha cho hơn 600 hộ dân. Mặt khác khu vực này có thể bị ảnh hưởng nặng của tình trạng biến đổi khí hậu do gần biển. Một lý do nữa mà ông Đỗ Hữu Nghị nêu ra là tỉnh đã có một dự án đầu tư của Pháp vào khu vực Hòn Một để nghiên cứu chuyển giao giống, phương pháp trồng nho đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Tuy nhiên, ông Nghị cũng khẳng định với báo Tuổi trẻ là mọi địa điểm sẽ chỉ được chọn khi có sự đồng thuận đa số của nhân dân. Quan điểm của tỉnh là không bắt dân phá nhà di chuyển ngay mà vừa tái định cư, vừa cho dân sinh sống tại địa điểm cũ để tham gia dịch vụ phục vụ, khoảng 6,000 công nhân sẽ tham gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong tương lai.
Ảnh hưởng phóng xạ?
Một vấn đề khác nữa cũng khiến bà con xã Vĩnh Hải lo lắng đó là an toàn phóng xạ của nhà máy hạt nhân. Ông Ngô Khắc Liên nói:
Ngô Khắc Liên: Sợ chứ, nó ảnh hưởng chất phóng xạ rất độc. Phải có biện pháp bảo vệ nhưng một khi nhà máy hạt nhân nó rò rỉ ra thì đâu có lường trước được.
Lo lắng này trước đó cũng đã được một số nhà khoa học trong và ngoài nước lên tiếng bởi trình độ phát triển khoa học kỹ thuật của Việt Nam và việc thiếu các quy định pháp luật có liên quan. Giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên viện phó viện năng lượng nguyên tử quốc gia cho biết:
Phạm Duy Hiển: Tất cả những sự cố điện hạt nhân là cái mà mọi người đều biết là phải cố tránh không xảy ra, cái đó là vấn đề quan trọng. Và cái này đòi hỏi người hiểu biết. Đội ngũ vừa có hiểu biết, vừa đạo đức nghề nghiệp, chủ yếu là kỷ luật nghề nghiệp nghiêm minh. Mà cái kỷ luật ấy ở Việt nam thì thường khó có thể đảm bảo được. Và hệ thống quản lý mà hệ thống đó dựa trên một cơ sở pháp lý, các pháp quy và các tiêu chuển và các cái đó đều phải tôn trọng. Nói chung là cả một hệ thống đó phải đầy đủ. Thì cái quan ngại hiện nay là ta chưa có đầy đủ cái đó.
Khi được hỏi về sự lựa chọn giữa an toàn cho gia đình và nơi ở để đảm bảo có công ăn việc làm ổn định, chị Đào Thị Bé tỏ ra băn khoăn không rõ sẽ chọn gì. Chị nói chị sẵn sàng đi ra Hòn Một dù có bị thiệt đi vài sào đất nhưng vẫn còn được trồng nho còn nếu phải đi chỗ khác thì làm sao mà lo cho gia đình. Còn ông Ngô Khắc Liên thì nói ông sợ thì có sợ nhưng ông và nhiều bà con khác nhất định sẽ không chuyển đi để đổi chỗ cho nhà máy nếu không được chuyển ra Hòn Một.
Trong khi đó ông phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Ninh thuận cho biết đến tháng 10 năm 2010 sẽ phải bố trí xong nơi tái định cư cho dân và sang năm 2011 sẽ phải chọn xong nhà thầu xây khu tái định cư để chính thức khởi công xây dựng nhà máy vào năm 2014. Xem chừng câu chuyện di dời dân của nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt nam vẫn còn nhiều điều phải bàn.
Theo dòng thời sự:
- Nga sẽ xây nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận
- Kiến nghị xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Malaysia bị phản đối
- Vấn đề an toàn nhà máy điện hạt nhân
- Để an toàn trong xây dựng nhà máy điện hạt nhân
- Hội Nghị Quốc Tế Về Hạt Nhân ở New York
- Thế giới trông chờ gì từ Thượng Đỉnh An Ninh Hạt Nhân
- Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân tại Hoa Thịnh Đốn