Người dân than phiền về cung cách phục vụ của giới công chức nhà nước

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Nhiều người cho rằng tại Việt Nam dường như khái niệm cán bộ, công chức nhà nước là “đầy tớ phục vụ nhân dân” chỉ là một khẩu hiệu quen tai nhưng không quen mắt.

congan200.jpg
Chính quyền địa phương cưỡng chế và chia đất cho cán bộ có chức quyền trong vụ giải tỏa khu đô thị mới Thủ Thiêm ở quận 2 Sài Gòn. RFA PHOTO

Mặc dù dư luận quần chúng cũng như công luận báo chí lâu nay đã nhiều lần ca thán, góp ý từ thái độ cho đến chất lượng phục vụ của giới công chức hành chánh nhà nước các cấp, từ địa phương đến trung ương, thế nhưng hầu như thực trạng này cho đến nay vẫn còn được xem là “chuyện thường ngày ở huyện”. Trà Mi ghi nhận ý kiến người dân phản ánh vấn đề này.

Từ nông thôn...

Trao đổi với chúng tôi về cung cách làm việc của giới công chức hành chánh nhà nước, ông Chánh, một nhà nông tại Bạc Liêu mấy tháng nay lặn lội gõ cửa nhiều cơ quan chính quyền về việc giải toả đền bù đất đai, không dấu được nỗi bức xúc của mình. Đề cập đến thái độ tiếp dân thường thấy ở các cơ quan công quyền, ông chia sẻ.

Ông Chánh, nhà nông ở Bạc Liêu: Không bao giờ họ vui vẻ với mình. Ra chính quyền xin thủ tục, giấy tờ bất cứ ở đâu cũng thấy thái độ họ ăn nói cộc cằn, phách lối. Dân ở đây nhiều người phản ánh lắm.

Rõ ràng trên 30 năm nay rồi, chính bản thân tôi cũng như nhiều người chưa thấy bao giờ thấy được công chức, cán bộ nhà nước tiếp xúc nồng hậu, vui vẻ với mình.

Không bao giờ họ vui vẻ với mình. Ra chính quyền xin thủ tục, giấy tờ bất cứ ở đâu cũng thấy thái độ họ ăn nói cộc cằn, phách lối. Dân ở đây nhiều người phản ánh lắm. Rõ ràng trên 30 năm nay rồi, chính bản thân tôi cũng như nhiều người chưa thấy bao giờ thấy được công chức, cán bộ nhà nước tiếp xúc nồng hậu, vui vẻ với mình.

Trà Mi: Đối với những việc cần phải lên cơ quan chức năng của chính quyền, ông có khi nào được giải quyết ổn thoả ngay tại bàn tiếp dân hay không?

Ông Chánh, nhà nông ở Bạc Liêu: Họ cư xử lạnh nhạt, yêu cầu đi chỗ này chỗ kia, đánh trống lãng cho mình bực mình. Bây giờ, người dân muốn được giải quyết công việc nhanh chóng thì phải lo lót tiền bạc trước mới nói chuyện sau. Hồ sơ của mình hơi rắc rối thì họ đòi hỏi đủ thứ thủ tục thế này thế nọ, hoặc có khi đề nghị tiền bạc trắng trợn.

Trà Mi: Thưa ông có thể cho 1 ví dụ sự việc đó ông gặp trong trường hợp nào?

Ông Chánh, nhà nông ở Bạc Liêu: Chẳng hạn khi cơ quan công lực tình nghi bắt giữ người, thân nhân lên liên hệ thì họ đặt vấn đề là muốn gì phải biết điều thì họ giải quýêt dùm cho.

Ví dụ như khu tôi ở bị giải toả. Hai năm nay chính quyền không bồi thường tiền bạc mà mới đây lại còn bắt mình làm lại mọi thủ tục, giấy tờ. Thật buồn cười, ông này ăn ông kia ăn tranh chấp nhau cuối cùng người dân chịu thiệt. Rầu lắm. Bao nhiêu người ai cũng chịu thiệt thòi như mình làm sao chống đối được? Chẳng hạn như vụ mới đây, một người bạn Việt kiều ở nước ngoài về tới đây chiều thứ sáu, ngày thứ bảy và chủ nhật cơ quan nhà nước không làm việc, nên sáng thứ hai mới lên đăng ký chính quyền được. Vậy mà họ phạt 100 đô liền, lấy lý do là quá 48 tiếng đồng hồ. Như vậy có phải gây khó khăn cho người dân không? Nhiều người bất mãn, bực mình lắm.

...cho đến thành thị

Vừa rồi là ý kiến chúng tôi ghi nhận được từ một cư dân ở nông thôn, phản ánh về những gì chứng kiến khi có việc cần liên hệ, tiếp xúc với nhân viên công quyền ở các cơ quan chức năng địa phương.

Thế còn cung cách phục vụ nhân dân của các công chức nhà nước ở những thành phố văn minh xếp hàng bậc nhất của cả nước như TPHCM ra sao? Chúng tôi có dịp trao đổi với chị Ngà, một người dân sinh sống ở quận 5:

Các quan chức cao cấp phải quan sát thực tình coi đời sống người dân ra sao, giới công chức cấp dưới làm việc như thế nào. Nhiều khi lệnh trên đưa xuống, cấp dưới không làm theo. Mình mong muốn giới công chức hành chánh nhà nước phải tận tình hướng dẫn, giúp đỡ, vui vẻ với dân.

Trà Mi: Khi đến những nơi tiếp dân, chị có hài lòng với thái độ phục vụ của công chức nhà nước không?

Chị Ngà, cư dân thành phố: Không. Nhiều người có thái độ hách dịch, lối, nói chuyện sẵn, hướng dẫn qua loa. Mình đi đến đâu, chỗ nào cũng vậy. Bệnh viện hay phường-xã gì cũng vậy đó. Người ta không có thái độ tận tình tiếp dân. Công chức nhà nước gặp dân không thèm chào, hỏi.

Có trường hợp phải đi tới đi lui nhiều lần. Cũng có trường hợp giải quyết liền, nhưng giải quyết liền thì cũng phải chờ mấy tiếng đồng hồ, chờ lâu đến bực mình.

Trà Mi: Dưới con mắt một người dân, chị có nguyện vọng gì ? Theo chị, nhà nước cần phải làm gì để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân?

Chị Ngà, cư dân thành phố: Các quan chức cao cấp phải quan sát thực tình coi đời sống người dân ra sao, giới công chức cấp dưới làm việc như thế nào. Nhiều khi lệnh trên đưa xuống, cấp dưới không làm theo. Mình mong muốn giới công chức hành chánh nhà nước phải tận tình hướng dẫn, giúp đỡ, vui vẻ với dân. Nhiều khi dân không biết thì phải vui vẻ giải thích, chỉ dẫn cho dân. Có nhiều công chức, dân không biết dân hỏi thì bực bội, trả lời lớn tiếng với dân. Nhiều người cũng than phiền lắm, nhưng phiền biết nói ai?

Quý vị vừa nghe một vài nhận xét của người dân về cung cách và chất lượng phục vụ nhân dân của giới chức chính quyền các cấp, qua cuộc trao đổi ngắn giữa Trà Mi với cư dân ở cả nông thôn và thành thị.