Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
Trong chương trình văn học Nghệ Thuật hôm nay, Mặc Lâm chọn tác giả Ly Hoàng Ly để trình bày về những tác phẩm mỹ thuật và thơ của cô. Ly Hoàng Ly là một nhà thơ, họa sĩ đang trong độ tuổi sung sức trong sáng tác, sinh năm 1975, tác giả của nhiều triển lãm Sắp Đặt trưng bày trong và ngoài nước.

Lô Lô là tập thơ thứ hai của Ly Hoàng Ly xuất bản năm 2005. Tập thơ đầu tiên - Cỏ Trắng - của cô ra đời năm 1999 từng đoạt giải Mai Vàng của báo Người Lao Động. Hiện nay Ly Hoàng Ly đang sống và làm việc tại Thành Phố Hồ Chí Minh.
Tháng 10 năm 2006 một sự kiện lạ lùng xảy ra trong làng văn nghệ Việt Nam đó là lần đầu tiên hai trong số 6 người được trao giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam đã viết thư từ chối không nhận giải thưởng đó là: Thuận tác giả của tiểu thuyết Paris 11/8 và Ly Hoàng Ly tác giả tập thơ Lô Lô.
Lý do khiến Ly Hoàng Ly không nhận giải là sau khi đọc bài trả lời phỏng vấn của nhà nghiên cứu Phan Hồng Giang đăng trên một tờ báo, cô “không thấy được sự nghiêm túc trong việc xét giải, ngược lại còn thấy một thái độ thiếu tôn trọng các tác phẩm mà Hội đồng đưa ra để bình bầu”.
Tập thơ Lô Lô trước tiên có một sức hút kỳ lạ từ cách trình bày nơi trang bìa và khổ sách cũng như những trang trong tập thơ cho thấy tác giả là một người nghiêm túc trong việc thể hiện những hình thức mới, rất đương đại và cũng rất bắt mắt trong nghệ thuật đồ họa.
Là một họa sĩ tốt nghiệp đại học Mỹ Thuật năm 1995, Ly Hoàng Ly không khó khăn lắm khơi động nhận thức thẩm mỹ của người xem bằng những thể nghiệm cực kỳ tinh giản nhưng hàm chứa nhiều triết lý sống vĩnh hằng qua hai gam màu rất khó thể hiện, đó là đen và trắng.
Nhà thơ
Từ những trang viết đầu tiên của tập thơ cho thấy Ly Hoàng Ly thiên về trực giác nhiều hơn là tưởng tượng như thường bắt gặp ở nhiều nhà thơ. Chiều sâu của những ẩn từ trong Lô Lô cũng phảng phất những suy tư rất trẻ, rất chông chênh trước ngưỡng âm dương đen trắng này. Từ mầu đen, Ly Hoàng Ly dắt tay người đọc vào đêm.
Đêm sâu, đêm mông quạnh và đêm dật dờ. Cái ám ảnh đêm trong Lô Lô không lạ nhưng có những vết hằn rất mới, lăn nhẹ nhàng trong tâm thức người đọc. Nhà thơ ném từng vốc ngôn ngữ một cách hững hờ nhưng đầy suy gẫm lên trang giấy trước khi bắt tiếng nói riêng của thi ca ngân lên những âm thanh rời rạc nhưng đủ sâu để làm người nghe thức giấc cùng tác giả và lắng đọng những run rẩy rất người. Hãy nghe Ly Hoàng Ly thảng thốt:
Đêm kia rồi! Đêm chảy xuống hai mí mắt ta Rồi chảy ngược lên trời.
Âm thanh của tiếng "chảy" khua khoắn những xung động của tiềm thức. Những hối hả ban ngày dẫm lên mảnh đêm im lặng đủ làm cho tác giả rạo rực lên tiếng ca tụng đêm sâu một cách tỉnh thức và đầy thắc mắc.
Ly Hoàng Ly nhìn đêm ở nhiều góc cạnh, và bất cứ ở một tầm nhìn nào người đọc cũng dễ dàng nhận ra nơi cô những mầm sống mạnh mẽ đang lăm le như muốn vươn lên, ngay cả trên những vật thể tưởng chừng không có sự sống như chiếc thìa nhôm trong thơ cô
Kìa đêm chảy Chảy lên trời Đáy sông khô cạn Chiếc thìa nhôm đầy vết nứt
Vết nứt trong chiếc thìa nhôm này có liên hệ gì tới những vết nứt trong tâm hồn hay không thì Ly Hoàng Ly không nói, cô chỉ ướm một chiếc khăn trắng lên cổ và người nhận toàn quyền suy tưởng
Thức được nữa không anh Đem tình yêu rọi nắng Đêm là của chúng mình Tình yêu thắp sáng đêm
Đêm là của chúng mình Sao nỡ ngủ hở anh
Em đành thức một mình Những đêm đèn sáng trưng Chiếc chăn bò trước ngực Lạnh buốt
Đêm là của chúng mình…
Vâng, đêm là của chúng mình. Tình yêu cứ thế thắp sáng, thắp sáng đến mỏi mòn và đến một lúc nào đó đêm bị cưỡng chế không những bằng ánh sáng mà còn bởi những vụn vặt rất đời thường.
Muốn đập đêm vỡ tan Đêm sẽ nát vụn và bắn tung toé như đá cục Rồi chảy ra thành nước Thành phố chìm trong cơn lụt khi đang say giấc
Cứ đến 11h30 là cơn lụt đêm đã lên đến thành giường Những cô gái có đôi chân chồn đen Vì đêm đã dây lên mắt cá chân từ lúc nào mà không biết
Chỉ muốn làm đêm tan bằng ánh mắt Ôi đêm tan đêm đang tan như pho mát nhằn nhặn đắng Con Bò Cười ré lên một tiếng rồi mất tích
Cứ đến 11h30 là người ta ăn một khoanh phó mát đen Tấm tắc khen ngon Những cô gái buồn buồn ra về Đêm đầm đìa trên ngực sữa đen
Có phải đêm tồn tại vì nỗi buồn của những cô gái thích ngủ ngày Đêm đã chết từ một nghị quyết.
Chính Ly Hoàng Ly vừa đọc cho chúng ta nghe bài Lụt Đêm trong tập thơ Lô Lô của cô. Những hình ảnh cô đưa vào bài thơ khiến người đọc nghi hoặc cứ tưởng mình đang xem một bức tranh nào đó trong dòng tranh của Picasso.
Phải chăng là những cô gái trẻ trong phố đèn đỏ của Barcelona mà thiên tài Picasso chẻ ra làm nhiều mảnh lấp lánh nửa kín nửa hở mời gọi người xem dưới một cái nhìn hoàn toàn viên mãn trên danh tác Les Demoiselles d'Avignon?
"Những cô gái buồn buồn ra về".. có sức nặng ngàn cân vừa có khả năng đánh động những giác quan sơ cứng khi được đọc lớn lên và cũng lại vừa có thể thay thế cho một bài tụng ca có âm điệu buồn bã đến thê lương được lập đi lập lại như một phiên khúc xét mình chuộc tội.
Những cô gái buồn buồn ra về Đêm đầm đìa trên ngực sữa đen
Liệu có dính dáng gì đến những mảnh đời, những thân phận cùng chung tiếng nói với Ly Hoàng Ly ngay tại quê nhà?
Một hoạ sĩ chuyên nghiệp
Bên cạnh tài thơ, Ly Hoàng Ly là một họa sĩ chuyên nghiệp. Cô có những buổi trình diễn nghệ thuật sắp đặt còn được gọi là Installation, được giới thưởng ngoạn đánh giá cao về những trãi nghiệm mà cô lặn lội trong lĩnh vực hết sức mới mẻ này.
Nghệ thuật sắp đặt hiện đang đựợc nhiều họa sĩ trẻ Việt Nam yêu chuộng và theo đuổi có xuất xứ từ ý tưởng của trào lưu Dada và Siêu Thực hòa nhập cùng với những cách tiếp cận hội họa của trào lưu nghệ thuật Khái Niệm. Những kỹ thuật sáng tác truyền thống dần bị chối bỏ và nhiều họa sĩ nổi tiếng cảm thấy ngày càng bị đóng khung trong chất liệu cũng như cách thể hiện ý tưởng của mình.
Một trong những người tiên phong khởi xướng trường phái Sắp Đặt là Họa Sĩ John Armleder. John cho triển lãm một vật thể được tạo thành bởi những chiếc sofa cũ, gãy bị vứt bên lề đường của thành phố New York vào năm 1984.
Ba chiếc ghế sofa được John tái tạo lại và thổi vào nó một sinh khí mới bằng cách sắp chúng thành một tổng thể có bố cục mở ra những suy tưởng mà người thưởng ngoạn có thể tự mình buông thả và tưởng tượng ra những chủ đề mới trên vật thể không thay đổi là ba chiếc ghế.
Điểm đặc biệt của nghệ thuật Sắp Đặt là sử dụng những vật dụng phế thải và trả lại chúng về vị trí gốc sau khi triển lãm chấm dứt. Họa Sĩ John Armleder đã trả những chiếc ghế sofa về lại đường phố New York.
Cuối năm 2001, Ly Hoàng Ly tham dự một workshop mang tên “Dòng chảy” tại bờ biển Long Hải. Đó là lần đầu tiên Ly đến với biển, đứng trước biển, mà không phải chỉ để ngụp lặn, tắm mát, hay thả hồn làm thơ, vẽ cảnh như xưa, mà để tìm một cảm hứng và mày mò cách thể hiện một tác phẩm sắp đặt (installation art work) trên biển.
Ly Hoàng Ly kể lại, cái thế giới nước tự do vô bờ của biển đã khiến Ly có ham muốn tột độ được đóng khung cái mênh mang trước mắt lại.
Mong muốn cô đặc cái mông mênh đó lại, để có thể cầm được, nắm được, sờ được. Ly lang thang khắp các ngả phố nhỏ của vùng biển Long Hải, mắt nhìn ra đại dương mênh mông, chợt phát hiện ra một khu bán vật liệu xây dựng, với thật nhiều khung cửa sổ cũ loang lổ, long tróc sơn, bản lề oặt ẹo.
Thế giới nước tự do vô bờ
Ly quyết định xin tham quan cái kho cửa sổ cũ đầy bụi bặm và hỏi ông chủ cho thuê toàn bộ mớ cửa sổ cũ dăm ba ngày. Rồi Ly chở cái mớ hỗn độn ấy đến bãi biển Long Hải, thực hiện tác phẩm sắp đặt mà Ly cho là thích nhất trong suốt một quãng thời gian dài sống cùng với nghệ thuật mới mà Ly vừa tiếp cận cách đây không lâu.
Tôi ngồi sụp sau một khung cửa sổ, nhìn ra biển. Rất lâu. Rồi vòng ra sau, ngồi quay lưng ra biển, nhìn vào bờ, qua khung cửa sổ. Cũng rất lâu. Nhìn ra biển qua một khung cửa sổ có gì khác với nhìn ra biển mà không có gì bó khung tầm mắt? Một đợt sóng tràn vào bờ qua một khung cửa sổ có gì khác với việc tràn thản nhiên sảng khoái lên cát như bình thường?
Tự cho mình trải nghiệm hai cảm giác khác hẳn nhau, rồi tự kết luận: Cảm giác có khác nhau hay không là tùy vào mình cả. Một bên là biển cả, một bên là bờ. Những khung cửa sổ nhỏ nhoi không thể ngăn chia được điều gì. Nếu có, thì chỉ là lòng mình muốn ngăn chia mà thôi.
Có nhiều sự lựa chọn trên đời này. Một ô cửa chỉ là cái cớ - một ranh giới do chính con người đặt ra để vẽ đường đi cho mình. Không ra biển, mà lòng vẫn biển rộng. Ngồi bên biển bao la, mà lòng lại đóng khung. Thế nhưng ngược lại, nếu lòng như biển rộng mà lại nhạt nhẽo, chới với, vô cảm thì sao? Nếu lòng đóng khung nhưng bên trong cái khung ấy lại đầy đặn hưng phấn, sinh khí thì sao?
Càng nghĩ, tôi lại càng thấy cái không-có-có-không của cuộc đời. Sau này tôi đã đặt tên cho tác phẩm này của mình là “Sự lựa chọn”: “Cửa sổ là một hình ảnh về cuộc sống nội tâm của người phụ nữ. Qua khung cửa hẹp, một thế giới mênh mông được mở ra. Không có sự lựa chọn ở đây. Người phụ nữ luôn phải tìm ra cách của riêng mình để chung sống với những giới hạn và vô-định-hạn bên trong tâm hồn họ.”
Dùng dây thừng buộc vào thành cửa sổ, kéo lên những tảng đá từ thấp đến cao ngất bên bờ biển, tôi ngây ngất khi thấy trên đỉnh đá, ban nãy chỉ là trời xanh mây trắng, là biển cả mênh mang, giờ đây đã có một khung cửa bạc màu in vào đó. Và tôi nhìn mặt trời hoàng hôn đỏ ối lăn xuống, vào cái khoảng trống vuông vắn giữa bốn thành khung.
Nhưng muốn nhìn thấy được cảnh tượng đó, tôi phải chạy tới chạy lui trên bãi biển, tìm góc độ thích hợp nhất, chờ đợi thời điểm thích hợp nhất, để rồi lịm đi vì sung sướng khi đón nhận ánh mặt trời đỏ ấm rưới lên thân thể mình qua khung cửa sổ treo giữa thiên nhiên mà mình đã “sắp đặt”.”
Nghệ thuật sắp đặt
Hội họa, đặt biệt là nghệ thuật sắp đặt có một ám ảnh lớn đối với Ly Hoàng Ly trong đời sống và có lẽ cả trong thơ của cô nữa. Những hình ảnh ba chiều của không gian hội họa tràn ngập trong thơ cô hòa với những biểu tượng mới có tiếng nói riêng và đôi khi tranh nhau xô đẩy đòi quyền phát biểu trong một không gian rất hẹp, rất góc cạnh và cũng rất thơ:
Nhà nghiêng
Ngôi nhà nằm nghiêng Trong ý thức của con người ngôi nhà phải nằm thẳng đứng Nhưng nó cứ nghiêng nó cứ thích nghiêng Trong mắt một cô gái ngơ ngác ngoẹo đầu sang bên
Ngói đỏ sắp rời ra Một viên ngói rơi như con cá mất vảy Cá không đau nhưng cá quẫy đành đạch Người trong nhà bấn loạn
Ngôi nhà nằm nghiêng thích nằm nghiêng Đổ ra đường những đau thương từ đỉnh mái Như xô nước đầy cặn thích nghiêng sang bên Đổ hết nước vẫn còn cặn
Ly Hoàng Ly hào phóng với đường nét trong thơ như với tấm canvas cô bày trước mặt. Ở một bức tranh khác, cô vẽ những nắm bắt mà cô gọi là ảo giác.
Bài thơ này gây ấn tượng mạnh cho người đọc không những vì cách kết cấu của ngôn ngữ mà những hình ảnh rất mới, rất Khái Niệm và rất Dada đẩy bài thơ lên nhiều cung bậc của hình ảnh và cuối cùng đẩy cô gái trẻ đầy tài năng này về một góc tối của đêm để cô tiếp tục chiêm nghiệm, suy tưởng.
Ảo giác
Trên chiếc giường nệm lò xo Cô gái nằm thẳng Cơn buồn ngủ kéo vào tận đáy mắt Khiến thân thể cô không thể điềm tĩnh
Trong giấc ngủ bao giờ cô cũng sôi lên vì những ảo giác Chị lao công mình quấn những dải băng ngời sáng giữa lòng đường Những nhát chổi giữa đêm không phát sáng bị xe có động cơ cán đứt Người ta đâu thể thấy ánh mắt chị lao công thảng thốt Chỉ thấy thân thể bất động phát sáng nhức nhối Không cơn mưa nào có thể dập tắt
Chị lao công trầm mình trong hương vị của rác Mùi cuộc sống trên tóc chị là trung thực nhất
Con đường nồng nặc mùi Chanel số 5 100 cô gái vứt mùi thật của mình vào đống rác và rưới lên thân thể mình mùi của xa xỉ nước Pháp Đi ngang qua sự hôi thối của chính mình Họ bịt mũi
Trên chiếc giường nệm lò xo Cô gái bịt mũi Nằm thẳng Sôi lên vì mùi Chanel số 5
Xin lấy một đọan đầu của bài thơ Lô Lô làm lời kết cho bài viết này.
Lô lô
Khi người ta viên nỗi buồn của một cô gái trẻ thành một cục tròn tròn rồi mỗi ngày gặm nhấm một ít thì cô gái ấy sẽ vui hay sẽ điên lên? Tôi không biết rõ – tôi chỉ biết cô gái sẽ không cảm thấy đau cái nỗi buồn ấy mà chỉ thấy đau từng sợi tóc của cô ta.