Theo lời mời của chính phủ Việt Nam, bà Sepulveda đã chọn đến thăm 3 tỉnh thành là Hà Nội, Bắc Cạn và Quảng Nam. Việt Hà của đài chúng tôi đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với bà Sepulveda về kết quả của chuyến đi này.
Cần đảm bảo quyền bày tỏ ý kiến
Việt Hà: Xin bà cho biết những nhận xét của bà về tình hình nghèo đói và nhân quyền tại Việt Nam mà bà đã được chứng kiến và tìm hiểu trong chuyến thăm lần này.
Mặc dù có những tiến bộ vẫn còn nhiều người sống dưới mức nghèo đói và không được hưởng lợi gì từ những phát triển kinh tế mà đất nước đã đạt được.
Bà Magdalena Sepulveda
Magdalena Sepulveda: Có thể nói là Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong xóa đói giảm nghèo, có nhiều số liệu, nếu dựa vào các con số, ví dụ số liệu do chính phủ cung cấp, thì chúng ta thấy là năm 1993 có 58% dân số còn nghèo đói, và bây giờ là năm 2010 con số nghèo đói là 10%, như vậy nó đã giảm một mức đáng kể. Số liệu này dù có khác biệt chú xíu so với các số liệu khác nhưng về cơ bản là tương đồng với số liệu của World Bank, và UN. Tuy nhiên mặc dù có những tiến bộ vẫn còn nhiều người sống dưới mức nghèo đói và không được hưởng lợi gì từ những phát triển kinh tế mà đất nước đã đạt được. Điều này rất quan trọng trong giai đoạn phát triển này của đất nước, cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa để đảm bảo tất cả mọi người đều được hưởng lợi từ những thành tựu mà đất nước đạt được. Một điểm nữa mà tôi tìm thấy trong chuyến đi này là Việt Nam không nên chỉ nhìn vấn đề nghèo đói chỉ đơn thuần là phát triển kinh tế, có thể giải quyết bằng việc tăng thu nhập gia đình.
Việt Hà: Xin bà có thể giải thích cụ thể hơn về điều bà vừa nói là để giải quyết vấn đề nghèo đói, tăng thu nhập gia đình đơn thuần không thôi là không đủ có nghĩa là gì? Và ngoài ra Việt Nam còn cần phải làm gì nữa để thực hiện tốt hơn chương trình xóa đói giảm nghèo?
Magdalena Sepulveda: Câu chuyện mà tôi nghe được khi tôi ở đó, gặp gỡ với những người nghèo là nghèo đói là một vấn đề đòi hỏi nhiều biện pháp đồng bộ, những người này không chỉ có hạn chế về vấn đề thu nhập, họ còn có vấn đề hạn chế tiếp cận nước sạch và vệ sinh, giáo dục, nhà ở, hạn chế trong việc tham gia vào đời sống xã hội, rất khó để tiếp cận với luật pháp. Chính vì vậy, khái niệm nghèo đói cần được hiểu ở nhiều khía cạnh, và các biện pháp mà nhà nước áp dụng lúc này cần phải đồng bộ.
Việt Hà: Còn vấn đề về nhân quyền tại Việt Nam thì bà có nhận xét gì?
Magdalena Sepulveda: Nhiệm vụ của tôi là phải nhìn vào mối liên hệ giữa quyền con người và nghèo đói, đó là những lĩnh vực mà tôi phải tập trung trong chuyến thăm lần này. Tuy nhiên, có thể nói là quyền con người có liên quan đến nhiều vấn đề khác. Cho nên khi đến Việt Nam và nhìn vào các vấn đề ví dụ như tiếp cận nguồn nước sạch hay vệ sinh, nhà ở, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, thì tất nhiên nó cũng có liên hệ với nhiều quyền khác . Cho nên để đảm bảo một chiến lược giảm nghèo hiệu quả và lâu dài, thì người dân cũng phải được đảm bảo các quyền khác như quyền bày tỏ ý kiến, quyền được lập hội, tham gia vào việc đưa ra các quyết định chung. Cho nên chúng ta không thể nhìn những vấn đề này một cách hoàn toàn tách biệt, người dân cần phải được hưởng các quyền con người cơ bản để có thể vượt qua nghèo đói.
Cần cải thiện quyền xã hội dân sự
Việt Hà: Thưa bà, trong thông cáo báo chí của bà sau chuyến thăm Việt Nam, bà có nói là để thực hiện tốt việc xóa đói giảm nghèo thì các chiến lược giảm nghèo hiệu quả phải được bảo đảm các quyền về dân sự, chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa của mọi người dân Việt Nam phải được đáp ứng. Xin bà cho biết trong chuyến thăm tìm hiểu lần này, bà có thấy là những người dân Việt Nam đã được hưởng đầy đủ các quyền này hay chưa?
Để đảm bảo một chiến lược giảm nghèo hiệu quả và lâu dài, thì người dân cũng phải được đảm bảo các quyền khác như quyền bày tỏ ý kiến, quyền được lập hội.
Bà Magdalena Sepulveda
Magdalena Sepulveda: Họ có nhiều biện pháp và thách thức trước mắt liên quan đến quyền xã hội dân sự, và họ cần phải cải thiện hơn nữa. Nhưng tôi không đến Việt Nam để nhìn vào các vấn đề này một cách tách biệt, vì thế tôi không thể nói về điều này.
Việt Hà: Bà có đánh giá thế nào về các chính sách xóa đói giảm nghèo mà Việt Nam đang thực hiện?
Magdalena Sepulveda: Các chính sách và biện pháp cho đến giờ là hiệu quả, nhưng lúc này đây, Việt Nam đang ở một giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi phải có thêm nhiều biện pháp bổ sung. Nếu họ vẫn cứ áp dụng những biện pháp mà họ đang có thì sẽ không có hiệu quả trong tương lai, bởi vì tính phức tạp của hiện trạng vấn đề. Khi các bạn vượt qua nghèo đói, và giảm nghèo đói từ 50% xuống 10% của dân số, thì đó là một bước tiến đáng kể, tuy nhiên lúc này các biện pháp cần phải đồng bộ hơn và nhiều hơn, tập trung hơn.
Ví dụ đối với người thiểu số, tôi thấy họ chiếm khoảng 13% dân số Việt Nam nhưng lại chiếm 40% số người sống ở mức nghèo khổ. Đây là điểm đáng báo động. Rõ ràng là các biện pháp giảm nghèo mà chính phủ đang áp dụng đã không đến được với người thiểu số. Cần phải có các sang kiến để cải thiện tình hình của những nhóm người này, tôi ví dụ như chương trình quốc gia xóa đói giảm nghèo 134 và 135 nhưng khi đánh giá hiệu quả các chương trình này thì nhóm người thiểu số vẫn sống ở mức nghèo khổ. Vì thế họ cần phải thay đổi chính sách của mình, và một điểm quan trọng là những dịch vụ công dành cho nhóm người này phải có chất lượng tốt và phù hợp về văn hóa. Tôi nói ví dụ, chính phủ cần phải tôn trọng sự khác biệt về văn hóa. Các biện pháp mà họ áp dụng bây giờ thì có lợi cho nhóm đa số mà không có lợi cho 53 dân tộc thiểu số.
Việt Hà: Theo bà thì liệu Việt Nam có đạt được Mục tiêu Thiên niên kỷ vào năm 2015 mà Liên Hiệp Quốc đã đề ra hay không?
Magdalena Sepulveda: Tất cả các đánh giá đều cho thấy là Việt Nam đã đạt được nhiều tiêu chí trong MDG, điều này cho thấy Việt Nam đã làm khá tốt trong việc đạt được MDG. Tuy nhiên MDG là một hệ thống nhiều tiêu chí, nhìn chung họ đã giảm được số người nghèo, nhưng vẫn còn rất nhiều người sống dưới mức nghèo khổ. Cho nên việc đạt được nhiều tiêu chí trong MDG là rất quan trọng, nhưng còn nhiều điều vẫn phải làm để đảm bảo là tất cả mọi người đều được hưởng lợi từ sự phát triển. Tôi cũng phải nói là có vài tiêu chí trong MDG mà họ vẫn chưa đạt được và còn có nhiều vấn đề. Đó là tiếp cận với vệ sinh, nước sạch, đó là một trong những mục tiêu mà rất tiếc Việt Nam sẽ không đạt được theo thời hạn. Một mục tiêu thứ hai họ cũng không đạt được đó là tỷ lệ tử vong khi sinh vẫn còn cao.
Việt Hà: Xin cảm ơn bà đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này.
Bà Magdalena Sepulveda cho biết, sau chuyến thăm này, bà sẽ làm một bản báo cáo về tình hình đói nghèo và nhân quyền Việt Nam để gửi lên hội đồng nhân quyền của Liên Hiệp Quốc vào tháng 6 năm 2011.
Theo dòng thời sự:
- Liệu các giáo dân Cồn Dầu ở Bangkok có được đi tị nạn?
- Đại diện Đại sứ quán Mỹ đến Cồn Dầu tìm hiểu cái chết của giáo dân
- Vợ một giáo dân Cồn Dầu kể về tình cảnh của chồng trong tù
- Đặc tả nhân quyền theo kiểu Việt Nam (phần 1)
- Đặc tả nhân quyền theo kiểu Việt Nam (phần 2)
- Gặp rắc rối với Công an vì đọc và phổ biến bài phỏng vấn LS Cù Huy Hà Vũ
- Những quan điểm về Kiến nghị đại xá toàn bộ viên chức VNCH