Từ Campuchia, thông tín viên Nguyễn Bình có bài tường trình như sau.
Đề nghị ASEAN giải quyết
Quan chức ngoại giao Campuchia tuyên bố rằng nước này đã chính thức gửi công hàm cho nước láng giềng Thái Lan vào ngày thứ hai vừa qua đề nghị đưa vấn đề tranh chấp đền Preah Vihear vào chương trình nghị của hội nghị hiệp hội các nước Đông Nam Á, gọi tắc là ASEAN.
Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN dự kiến sẽ được tổ chức tại thành phố Hua Hin bên Thái Lan, trong thời gian 3 ngày, kể từ ngày 23 đến 25 tháng 10 tới. Hội nghị này diễn ra trong lúc cuộc đàm phán song phương để tìm giải pháp cho vấn đề khủng hoảng đền Preah Vihear từ khoảng 15 tháng nay chưa tìm được tiếng nói chung, và Thủ tướng Hun Sen của Campuchia cáo buộc người đồng nhiệm bên Thái Lan là lạm dụng vấn đề đền Preah Vihear trong mục tiêu chính trị.
Tranh chấp dai dẳng
Đền Ấn giáo Preah Vihear, khoảng trên 900 với lối kiến trúc độc đáo nằm ở biên giới Campuchia – Thái Lan từng là tiêu điểm của cuộc tranh chấp sau khi Pháp trao trả độc lập cho Campuchia vào năm 1953. Thái Lan từng tái chiếm ngôi đền này vào cuối thập niên 1950, sau đó trả lại cho Campuchia do thua kiện trong tòa án quốc tế ở Hà Lan vào năm 1962.
Vấn đề đền Preah Vihear trở nên nóng bỏng một lần nữa sau khi UNESCO quyết định đưa ngôi đền này vào danh sách di sản thế giới vào tháng 7 năm 2008 theo đề nghị của Campuchia, bất chấp một bộ phận người Thái biểu tình phản đối.
Chỉ vài ngày sau đó Thái Lan đưa quân vào chiếm đóng một ngôi chùa của Campuchia nằm trong quần thể đền Preah Vihear mà họ tuyên bố là vùng chồng lấn, và Campuchia cũng dồn quân vào khu vực nói trên, khiến tình hình ngày càng căn thẳng. Đôi lúc diễn ra cuộc giao tranh chớp nhoáng, khiến vài binh sĩ tử trận hoặc bị thương. Lãnh đạo 2 nước kêu gọi các binh sĩ kiềm chế, và hứa sẽ giải quyết xung đột bằng thương thuyết song phương.
Hai nước Campuchia và Thái Lan có biên giới chung khoảng trên 800 cây số. Việc phân chia đường biên giới ở khu vực đền Preah Vihear đang bất đồng trong việc sử dụng bản đồ. Phái Thái Lan đòi sử dụng bản đồ do Mỹ vẽ thời chiến tranh Việt Nam, thì có khu đất khoảng 4,6 km2 trong quần thể đền Preah Vihear, được xem là vùng chồng lấn. Còn phía Campuchia sử dụng bản đồ do Pháp vẽ thời thuộc địa thì vùng chồng lấn ấy thuộc về Campuchia.
Lãnh đạo Phnom Penh nhiều lần tuyên bố rằng đây là nguyên nhân chính khiến cuộc đàm phán song phương không có hồi kết. Và trước đây họ từng dự trù sẽ có cuộc đàm phán đa phương về vấn đề đền Preah Vihear.
Theo ông Kuy Cuong, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia, thì cả chính phủ Phnom Penh và Bangkok đều mong muốn có một bộ máy trung lập đưa ra phán quyết liên quan đến tranh chấp chủ quyền lãnh thổ của hai nước.
Ông Kuy Cuong nói tiếp: Mặc dù trong điều lệ ASEAN không nói đến việc thành lập bộ máy trung lập, nhưng nước ông sẵn sàng chào đón vì những tuyên bố về chủ quyền của chính phủ ông phù hợp với luật quốc tế.
Được biết trước đây ông Chủ tịch Quốc hội Campuchia, Heng Sorinh, từng ngỏ ý đưa vấn đề đền Preah Vihear cho ASEAN giải quyết và nhận được lời hoan nghinh từ các đảng phái đối lập.