Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA
Báo chí từ Hà Nội và Saigon cho hay, mỗi ngày sân bay Tân Sơn Nhất đón hơn 2000 Việt kiều về quê nhà ăn Tết. Số chuyến bay hạ cánh và cất cánh tại phi cảng quốc tế này cũng tăng hàng ngày từ 200 đến 300. Thông tấn xã Việt Nam cũng loan báo là TP Hồ Chí Minh sẽ xuất 10 tỷ đồng trong năm 2006 cho hoạt động quảng bá du lịch.
Hiện tình ngành du lịch ra sao, Ban Việt Ngữ chúng tôi mời qúy vị nghe câu chuyện trao đổi giữa phóng viên Đỗ Hiếu với một doanh gia có tiếng trong ngành này.
Trước hết ông tự giới thiệu và gởi lời cầu chúc nhân dịp Xuân Bính Tuất, kế đó ông trình bày về những công việc trước mắt để phục vụ cho khách thập phương. Ông cho biết đang ưu tiên vận động với chánh phủ để bãi bỏ quy định cấp Visa cho Việt Kiều có như thế họ mới không thấy bị phân biệt đối xử trên quê hương của mình.
Đỗ Hiếu: Xin ông cho biết trước tình hình kiều bào tấp nập về quê đó Tết hiện giờ thì ngành du lịch phải ứng phó ra sao?
Ông Nguyễn Văn Mỹ: Chưa năm nào Việt kiều về nước ăn Tết quá đông như năm nay, vì thế mà các phòng trọ khách sạn, các khu nghỉ mát không còn chỗ trống. Đây là một điều đáng mừng và rất phấn khởi cho ngành du lịch tại Việt Nam. Tuy nhiên các hãng du lịch cũng cố gắng hết sức mình để phục vụ khách, sao cho họ vui lòng.
Đỗ Hiếu: Theo thông tấn xã Việt Nam thì trong năm 2006, TP Hồ Chí Minh sẽ xuất 10 tỷ đồng để quảng bá hoạt động du lịch hầu có thể đón tiếp khoảng 5 triệu 8 trăm ngàn du khách thập phương, xin ông cho biết ý kiến về việc này?
Nhà nước phải có đối sách rõ ràng từ việc xây dựng cơ sở, mua sắm xe cộ, thuê thêm máy may, kiểm soát giá cả, huấn luyện nhân viên tới vấn đề phân công, quản lý, đừng dẫm chân lên nhau, đỗ lỗi cho nhau.
Ông Nguyễn Văn Mỹ: Nếu dồn mọi nỗ lực, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh chỉ có thể tiếp đón tối đa chừng 4 triệu người mà thôi. Riêng khách nội địa thì năm rồi đã lên tới mười mấy triệu rồi.
Nhà nước đã thấy được du lịch góp phần quan trọng trong vấn đề phát triển kinh tế và quảng bá những hình ảnh đẹp của Việt Nam nơi hải ngoại.
Đỗ Hiếu: Bên cạnh những kết quả khả quan đó thì ngành du lịch Việt Nam còn có những mặt tiêu cực nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Mỹ: Lợi nhuận thu vào dồi dào là một điều tốt cho các công ty du lịch, nhưng điều quan trọng hơn chính là cách thức quảng bá sao cho hữu hiệu, làm khách hài lòng, vì đồng tiền không là yếu tố hàng đầu.
Những chuyện băng khoăng là nạn ăn xin và bán hàng rong, nhưng biến thành cướp giựt tùy thời cơ và tình trạng thiếu nhà vệ sinh trầm trọng, ngay cả ở những danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử.
Đỗ Hiếu: Nếu muốn thu hút du khách ngoại quốc trở lại thămViệt Nam và tránh việc họ bỏ đi luôn sau một lần đến đây, thì theo ông, giới chức hữu trách ngành du lịch cần phải làm gì?
Ông Nguyễn Văn Mỹ: Nhà nước phải có đối sách rõ ràng từ việc xây dựng cơ sở, mua sắm xe cộ, thuê thêm máy may, kiểm soát giá cả, huấn luyện nhân viên tới vấn đề phân công, quản lý, đừng dẫm chân lên nhau, đỗ lỗi cho nhau.
Nói tóm lại là ngành du lịch phải có một bộ tổng tham mưu có khả năng quán xuyến, phối hợp và quản lý nhuần nhuyển, thì mới mong giải tỏa được những mặt tiêu cực còn phơi bày ngổn ngang hiện giờ.