Giáo sư Nguyễn Tiến Zũng kể lại quá trình thực hiện báo cáo “lật tẩy” Bộ trưởng Bộ Giáo dục

Những ngày qua, dư luận trong nước xôn xao về bản ‘Báo cáo phân tích sơ bộ về sự giả khoa học của ông Phùng Xuân Nhạ”, Bộ Trưởng Giáo Dục Đào Tạo, do Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng tại Đại học Toulouse, Pháp, gửi đến Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước của Việt Nam, và sau đó đưa lên mạng xã hội. Bản báo cáo này được cho là bằng chứng việc ông Phùng Xuân Nhạ “tự đạo văn”. Rất nhiều những lời đề nghị từ công luận lên tiếng kêu gọi ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ phải từ chức.

Ông Phùng Xuân Nhạ cũng đồng thời là Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, là nơi xét duyệt việc phong giáo sư ở Việt Nam.

Từ Pháp, Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng dành cho RFA cuộc phỏng vấn đặc biệt. Trước tiên, ông cho biết về mục đích của việc cho ra đời bản báo cáo này.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Zũng: Trước đây cũng nghe rất nhiều lời đồn ông Nhạ không phải người nghiêm túc trong khoa học, nhưng nhân chuyện ông Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu rà soát lại những giáo sư được phong năm 2017 thì có 1 số người đưa ra trường hợp của ông Xuân Nhạ.

Thế thì tại sao lại không rà soát lại ông Nhạ? Và có 1 thông tin là ông Nhạ chỉ có đúng 2 bài báo đăng tạp chí quốc tế, Scopus nhưng thật ra lại là 1 báo gọi là giả khoa học. Điều này làm cho tôi tò mò và tôi quyết định đi tìm hiểu kỹ càng việc này. Một số người bạn đã giúp tôi trong quá trình đó.

RFA: Trong quá trình đó thì mọi người có gặp khó khăn gì hay không?

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Zũng: Thật ra thì thời đại này bây giờ gọi là thời đại internet thì có rất nhiều những chứng cứ gọi là có công bố. Chẳng hạn 1 số bài báo mà ông Nhạ đăng ở Việt Nam hay ở quốc tế thì đều có lưu trữ ở server máy tính và có thể truy cập được. Tìm ra những bài báo của ông Nhạ thì không khó khăn nhưng chuyện mất thời gian là chuyện phân tích những bài báo đó xem độ thật, giả ra sao.

RFA: Theo tựa bài báo cáo, là ‘phân tích sơ bộ’, nghĩa là sẽ có 1 hồ sơ chi tiết hơn trong tương lai?

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Zũng: Vâng, vì thời gian thực hiện báo cáo này không nhiều. Chúng tôi có nhận thấy rất nhiều điều khác, mà nếu phân tích kỹ hơn thì có thể sẽ ra rất nhiều vấn đề. Nhưng chúng tôi cũng thấy có 1 số vấn đề khác lớn hơn, thứ nhất là không muốn viết 1 bài dài quá vì bạn đọc sẽ ‘chết chìm’ trong ấy. Nên chỉ viết 1 số cái có tính chất ví dụ minh hoạ thôi chứ có rất nhiều chi tiết mà chúng tôi không đưa vào đấy. Viết dài ra thì thành mấy chục trang. Và tất nhiên có 1 số thông tin chưa được kiểm chứng thì chúng tôi không viết vào.

Chẳng hạn như vấn đề đạo văn của ông Phùng Xuân Nhạ. Thời điểm công bố cái đấy thì chúng tôi chỉ biết là chắc chắn ông Nhạ có tự lấy 1 bài cũ của mình, đã công bố rồi biến thành bài mới, chứ còn chuyện đạo văn của người khác thì chúng tôi chưa dám khẳng định. Sau đó chúng tôi có thể khẳng định có dấu hiệu ông ấy đạo văn của người khác.

RFA: Những người quan tâm đến giáo dục Việt Nam hầu như đều có sự hoài nghi về chất lượng bằng cấp của các Giáo sư Tiến sĩ ở Việt Nam, nghĩa là bên cạnh ông Phùng Xuân Nhạ này sẽ còn những ông Phùng Xuân Nhạ khác. Vì sao bản báo cáo này lại chỉ đích danh ông Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ?

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Zũng: Có 1 số nguyên nhân. Thứ nhất là chúng ta cần phân biệt giữa trình độ và sự trung thực trong khoa học, có nghĩa là có những người có thể là trình độ không bằng giáo sư nước ngoài nhưng nếu họ làm những việc nghiêm túc, có ích cho khoa học hay cho đất nước thì họ vẫn xứng đáng được hưởng chức danh. Trường hợp ông Phùng Xuân Nhạ không phải là ông ấy ít đóng góp mà là ông ấy giả khoa học. Hai chuyện ấy hoàn toàn khác nhau. Đấy là lý do thứ nhất.

Lý do thứ hai tôi nghĩ ông Phùng Xuân Nhạ là trường hợp điển hình, nó sẽ là lời cảnh tỉnh cho những người khác.

Thêm nữa là điều kiện của chúng tôi cũng không phải là vô hạn. Tôi làm việc này với nguyện vọng là đóng góp cho đất nước, không có mục đích tư lợi gì. Chúng tôi không thể làm công việc thay thế cho hội đồng được nên chúng tôi chỉ làm 1 ví dụ điển hình như vậy.

RFA: Theo quan điểm cá nhân của ông thì nên xử lý thế nào với số lượng Giáo sư Tiến sĩ đã được phong trong năm 2017?

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Zũng: Theo tôi thì hiện tại ông Phùng Xuân Nhạ chưa ký gì hết, vì sau khi hội đồng đưa lên thì ông thủ tướng có yêu cầu rà soát lại. Và theo thông tin tôi nghe người ta nói thì trong quá trình rà soát lại, đã có nhiều người xin rút lui. Có lẽ phần lớn do sức ép từ công luận. Đó là tín hiệu cũng tương đối tốt. Thế còn chuyện xử lý thế nào thì tôi không thể thay mặt hội đồng để nói được. Với quan điểm riêng của tôi thì tôi nghĩ đây là vấn đề khá phức tạp.

RFA: Sau khi đưa bản báo cáo ra, cá nhân ông và các cộng sự có gặp khó khăn gì không?

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Zũng: Cộng sự của tôi thì tôi không đưa tên họ nên họ không gặp khó khăn gì. Bản thân cá nhân tôi thì có gặp 1 số khó khăn…nói khó chịu thì đúng hơn là khó khăn. Thứ nhất là bị tin tặc tấn công và thứ hai là những người gọi là dư luận viên bôi nhọ, bôi xấu. Thứ ba nữa là có những lời hù doạ vu vơ, đó là tổng cục 5 ở Việt Nam theo dõi và gây sức ép cho người thân của tôi.

RFA: Sau khi sự việc được đưa ra mạng xã hội, phản ứng của dư luận rất mạnh mẽ. không ít lời kêu gọi ông Phùng Xuân Nhạ từ chức. Nhưng đến nay chưa có phản ứng nào từ Bộ Giáo dục hoặc ông Nhạ nhằm phản hồi báo cáo của ông. Nếu tiếp tục như thế, ông sẽ có hành động gì để đòi hỏi minh bạch cho nền giáo dục?

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Zũng: Sau khi tôi chính thức gửi thư lên Hội Đồng Chức Danh Giáo Sư Nhà Nước xem lại trường hợp ông Phùng Xuân Nhạ thì tôi đã nhận được thư trả lời của ông Tổng thư ký Hội đồng là sẽ có văn bản chính thức trả lời việc này. Tôi nghĩ là Hội Đồng cũng cần thời gian để trả lời vì bản báo cáo cũng mới gửi lên cách đây vài hôm thôi.

Hội Đồng cũng xin gia hạn chuyện rà soát lại cho đến cuối tháng này.

Về phía ông Phùng Xuân Nhạ thì ông cũng đã đọc báo cáo này rồi. Điều này tôi biết chắc chắn vì có người có quan hệ với ông Phùng Xuân Nhạ nhắn tin lại với tôi. Ông ấy không có trả lời chính thức gì nhưng ý của người đó nói là ông ấy cũng tiếp thu. Không biết ông ấy tiếp thu theo ý gì nhưng tôi có nhắn lại là nếu trong chuyện này nếu ông Phùng Xuân Nhạ chính thức nhận lỗi càng sớm hoặc rút lui càng sớm thì có lẽ càng bảo vệ được danh dự của ông ấy tốt hơn.

Nếu ông ấy muốn chứng minh thì cũng sẽ có 1 cuộc đối chiếu đàng hoàng còn nếu ông ấy lờ đi thì chắc chắn sẽ không lờ được, vì không chỉ công luận ở Việt Nam mà tôi nghĩ là cả công luận thế giới sắp tới đây cũng sẽ đề cập vì đây là 1 vụ điển hình mà họ rất quan tâm.