Trong buổi phát thanh hôm nay chúng tôi xin gửi tới quí vị bài thứ hai trong đề tài này. Kỳ này là cuộc trao đổi của Việt Hùng với đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.
Việt Hùng: Thưa ông Dương Trung Quốc liên quan đến "chiến lược" chủ trương Mở rộng Hà Nội câu hỏi đầu tiên chúng tôi xin được đặt ra là ông có bất ngờ trước dự án Mở rộng Hà Nội hay không?
Ông Dương Trung Quốc: Đúng về cách làm thì tôi bất ngờ, số đông cũng bất ngờ bởi vì những thông tin đầu tiên cũng mới chỉ bắt đầu từ đầu năm nay 2008 khi có Hội nghị Trung ương đảng họp lần thứ 6 (tháng Giêng, năm 2008) mà trong đó có chương trình Mở rộng Hà Nội.
Chúng tôi cũng nghĩ một đề án quan trọng như thế thì phải bảo đảm một tiến trình. Vấn đề tạo sự bất ngờ ở đây chính là diễn ra một cách quá sớm khi mà những thông tin đầu tiên chưa đến với đông đảo dư luận quần chúng, những người có liên quan và đông đảo các đại biểu dân cử như Hội đồng Nhân dân và các đại biểu Quốc hội. Cho nên rốt cuộc đến kỳ họp này chúng tôi mới nhận được những thông tin đầu tiên, những văn bản phải nói là rất sơ sài so với tầm mức quan trọng của đề án và hơn nữa là một vài vị trong chính phủ đã ấn định ngay cả thời điểm sẽ thực hiện vào ngày mùng 1-07 tới đây. Có thể nói tất cả những điểm đó đã gây cho chúng tôi sự bất ngờ và chính sự bất ngờ này cũng đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến đề án này.
Việt Hùng: Theo ông Bộ trưởng Nội vụ "vấn đề Mở rộng Hà Nội không có gì gọi là bí mật hay bất ngờ…" bởi vì đề án này đã có từ năm 2000, nhưng với cá nhân ông đã là đại biểu Quốc hội ít nhất cũng là 2 khóa rồi vậy mà tại sao ông nói là mới có được những "thông tin" mà tạm gọi là thông tin?
Đúng về cách làm thì tôi bất ngờ, số đông cũng bất ngờ bởi vì những thông tin đầu tiên cũng mới chỉ bắt đầu từ đầu năm nay 2008 khi có Hội nghị Trung ương đảng họp lần thứ 6 (tháng Giêng, năm 2008) mà trong đó có chương trình Mở rộng Hà Nội.
Ông Dương Trung Quốc: Đấy là cách nói của ông Bộ trưởng Nội vụ thôi, bởi vì ông ấy nói là có từ năm 2000 tức là 8 năm, trong khi ông Thủ tướng thì nói từ 6 năm nay? Tất cả muốn nói đến định hướng được đặt ra từ Nghị quyết của đảng vào năm 2000 cũng như Pháp lện về Thủ đô của Quốc hội cũng vào năm 2000. Nhưng nếu đọc kỹ hai Văn kiện này thì thấy tầm nhìn và mục tiêu của nó là đến năm 2010 và đặt ra mục tiêu phát triển Hà Nội cho tương xứng với sự phát triển chung của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và tương xứng với một quốc gia ngót 100 triệu dân trong thời gian tới. Thế nhưng trong Văn kiện đó cũng chưa hề nói tới giải pháp Mở rộng Thủ đô.
Theo tôi nghĩ giải pháp Mở rộng Thủ đô được đặt ra khi cảm thấy không còn giải pháp nào để thực hiện mục tiêu ấy bởi vì nội dung được nhiều nhà chuyên môn cũng như giới truyền thông biết đến là Xây dựng vùng Thủ đô nhằm tạo ra không gian thích hợp để không bị ngăn cản bởi biên giới hành chính để tạo ra nguồn lực hỗ trợ cho sự phát triển của Hà Nội. Chứ còn việc Mở rộng Hà Nội theo 5 phương án mà chính phủ trình bày thực ra cho đến kỳ họp này chúng tôi mới được biết tới. Không biết các nhà chuyên môn khác như thế nào thì tôi không biết… nhưng ít nhất các đại biểu Quốc hội đến thời điểm này mới được biết đến.
Nói thực ra lúc đầu chúng tôi cũng chỉ biết đến 2 phương án thôi, còn 3 phương án kia thì nói rằng đã bị các ban nghiên cứu bác bỏ rồi. Tôi thấy cách làm như thế là không bình thường nhất là với một đề án quan trọng như vậy. Chính tôi cũng phát biểu tại diễn đàn Quốc hội ngay hôm đầu tiên là với thông tin như thế, cách làm như thế thì các đại biểu Quốc hội chúng tôi không dám bày tỏ quan điểm của mình bởi vì chưa đủ thông tin và chưa có cơ hội để tranh thủ ý kiến các cử tri của mình trong đó có các cử tri là những nhà chuyên môn.
Bất cập
Việt Hùng: Với cái nhìn của một nhà Sử học dự án này còn bất cập ở chỗ nào?
Ông Dương Trung Quốc: Cái bất cập lớn mà tôi phát biểu trong những cuộc thảo luận là rất khó nhìn về tương lai, tương lai của 30 năm, 40 năm như trong đề án đặt ra chỉ là những hình ảnh, viễn cảnh được mô tả mà thôi…nhưng nếu nhìn vào quá khứ thì có thể nhận ra tương lai ấy có khả thi hay không? Bởi vì đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội đưa ra những quy hoạch lớn cho sự phát triển của mình, kể cả mở rộng hay thu hẹp không gian hành chính của mình.
Nếu mà nhìn quá khứ như thế thì thấy tất cả những thử nghiệm ấy đều dẫn đến sự không thành công chứ tôi không nói là thất bại, ít nhất là không thành công. Cũng như trong quá khứ Hà Nội đã từng điều chỉnh của nhiều không gian của Vĩnh Phúc, của Sơn Tây hay…thì sau đó lại phải trở lại như cũ!
Trong khi đó thời điểm diễn ra sự mở rộng này cho dù sự mở rộng này có thể là một giải pháp phù hợp với thời điểm hiện nay thì Việt Nam đang đứng trước những khó khăn. Cái khó khăn đầu tiên là năng lực, nguồn lực của đất nước, tình hình đang lạm phát, nhà nước đang tập trung giải quyết hạn chế những đầu tư công mà trong khi đó dự án này không hề đưa ra những giải trình về khả năng và tính khả thi về nguồn lực, tài chính, nhưng quan trọng hơn là nguồn lực về con người. Rõ ràng Hà Nội còn đang bề bộn với không gian hiện tại, bề bộn rất nhiều trong việc xây dựng một chính quyền đô thị, trong xây dựng một đô thị thực sự cũng như văn hóa đô thị thì việc mở rộng này cũng đặt ra một vấn đề rất lớn về quản lý. Khó có khả năng vàtình hình không những không được cải thiện mà có thể lại trở nên tồi tệ hơn, đấy là theo quan điểm của cá nhân tôi.
Việt Hùng: Tại kỳ họp Quốc hội cá nhân ông đã đưa ra một số điểm sai trong dự án chiến lược này, xin ông có thể nói rõ hơn để quí thính giả được tường tận hơn.
Ông Dương Trung Quốc: Đấy là văn bản đầu tiên mà tôi tiếp nhận được. mới đọc lướt qua tôi đã thấy những cái sai hết sức sơ đẳng ấy. Điều tôi đưa ra là chủ yếu nhấn mạnh rằng với một cái đề án liên quan đến thủ đô vẫn được gọi là Nghìn năm Văn Hiến mà thiếu đi bàn tay khối óc của những nhà khoa học xã hội nhân văn thì chắc chắn đó là sai lầm về phương pháp.
Việc đề ra những chi tiết sai lầm tuy là nhỏ nhưng không thể chấp nhận được cho thấy sự đầu tư chưa đúng mức đối với tầm vóc của một đề án quan trọng như thế nhất là đối với Hà Nội.
Việc đề ra những chi tiết sai lầm tuy là nhỏ nhưng không thể chấp nhận được cho thấy sự đầu tư chưa đúng mức đối với tầm vóc của một đề án quan trọng như thế nhất là đối với Hà Nội.
Việt Hùng: Theo chỗ chúng tôi ghi nhận dự án Mở rộng Hà Nội đã được Bộ Chính trị thông qua, Hội nghị Trung ương đảng thông qua hồi tháng Giêng vừa qua, nay vấn đề đang được đặt lại tại diễn đàn Quốc hội. Câu hỏi được đặt ra có thực là Quốc hội muốn đặt lại vấn đề hay đó chỉ là ý kiến của một số đại biểu muốn đặt lại vấn đề.
Ông Dương Trung Quốc: Thực ra đấy cũng là quan ngại đầu tiên mà tôi đã phát biểu trên tờ Văn nghệ Trẻ Hà Nội khi được hỏi liệu khả năng có thông qua hay không thì tôi cũng nghĩ đơn giản là thông qua thôi, bởi vì khi đã có Nghị quyết của đảng rồi thì một tỷ trọng rất cao các đại biểu "dân cử" rất cao là đảng viên nên họ hành xử theo ý thức của một tổ chức chính trị.
Thế nhưng thực tế trên diễn đàn Quốc hội trong mấy ngày hôm nay rất sôi nổi, tôi thấy anh em, các vị đảng viên trong Quốc hội phát biểu cũng rất thẳng thắn. Vả lại ý kiến chung thì mọi người đều chia sẻ với chính phủ về việc mở rộng Hà Nội cũng là một giải pháp có thể phải cần thiết. Chỉ có đặt vấn đề là đến mức độ nào? được điều hành như thế nào? Và cuối cùng là vào thời điểm thích hợp thì đấy là điều mà các vị đại biểu đặt ra, chứ cũng ít ai đặt ra vấn đề là không nên mở rộng. Tôi nghĩ là trong cuộc thảo luận sắp tới, kết thúc thì tôi không thể đoán định trước được, nhưng tôi nghĩ sẽ có những cuộc thảo luận sôi nổi.
Việt Hùng: Theo ông Dương Trung Quốc, đề án Mở rộng Hà Nội đã được đặt lại tại diễn đàn Quốc hội trong kỳ họp này, nhưng vấn đề có thuận theo đề nghị của Ủy ban Pháp luật Quốc hội do ông Trần Quốc Thuận đứng đầu là dời thời điểm lại sau Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long hay không?
Kết quả bỏ phiếu được tiên liệu như thế nào? Ý kiến của các nhà chuyên môn, hay thậm chí gần đây việc lên tiếng của ông Võ Văn Kiệt về vấn đề này ghi nhận ra sao, đó là những vấn đề được đặt ra trong phần hai cuộc trao đổi với ông Dương Trung Quốc, mời quí vị nhớ đón nghe.