Trà Mi, phóng viên đài RFA
Còn phát ngôn viên Bộ ngoại giao Việt Nam thì hoàn toàn bác bỏ nhận xét của Hoa Kỳ, cho rằng những đánh giá của bản phúc trình về xâm phạm tự do tôn giáo, đàn áp sắc tộc, hay sách nhiễu các nhân vật bất đồng chính kiến là sai trái và không khách quan. Phía Việt Nam nói rằng đó là những trường hợp vi phạm pháp luật và bị xử lý theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
Đầu tuần này, Hoa Kỳ cho công bố bản báo cáo về tình trạng nhân quyền trên thế giới trong năm 2004. Ở Châu Á, những nước nào bị liệt kê là có tình trạng nhân quyền đáng chú ý ? Và các quốc gia này có phản ứng như thế nào đối với bản phúc trình nhân quyền do Bộ ngoại giao Mỹ thực hiện?
Phát huy nhân quyền không chỉ là một yếu tố, mà chính là nền tảng trong chính sách ngoại giao, và là mối quan tâm hàng đầu của Hoa Kỳ. Đó là lời khẳng định của của thứ trưởng Ngoại giao đặc trách toàn cầu sự vụ, bà Paula Dobriansky.
Bản phúc trình về nhân quyền toàn cầu do quốc hội Mỹ đề ra từ giữa những năm 70, yêu cầu bộ ngoại giao cứ đến tháng 2 hàng năm phải đệ trình quốc hội bản báo cáo đầy đủ về tình trạng nhân quyền của các nước đựơc Hoa Kỳ hỗ trợ an ninh.
Trên cơ sở đó, Washington sẽ có chính sách ngoại giao thích ứng đối với từng trường hợp. Báo cáo về nhân quyền cũng chính là lời cảnh báo đối với những chính quyền trì trệ hay độc tài rằng quốc tế luôn quan tâm đến những việc làm của họ, và mọi hành động tiêu cực sẽ nhận lãnh những hậu quả thích đáng.
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách toàn cầu sự vụ, bà Paula Dobriansky, nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ phát huy dân chủ trên toàn cầu, vì dân chủ là yếu tố bảo đảm nhân quyền hữu hiệu nhất.
Bản phúc trình nhân quyền đầu tiên được công bố vào năm 1977, phản ánh điều kiện nhân quyền ở 82 quốc gia. Bản báo cáo mới công bố ghi nhận tình hình nhân quyền trong năm 2004 tại 196 nước trên thế giới.
Về Châu Á, 3 nước có vi phạm nhân quyền đáng chú ý trong năm qua là Trung Quốc, Bắc Hàn, và Miến Điện. Ngoài ra, các quốc gia bị lên án về nhân quyền tại châu lục này còn có Thái Lan, Lào, Campuchea, Việt Nam v..v..
Bản báo cáo nói rõ mặc dù thu nhập người dân và tự do cá nhân tăng nhanh tại Trung Quốc, thế nhưng, thực trạng nhân quyền tại đây vẫn còn tồi tệ, và chính quyền Bắc Kinh vẫn tiếp tục gia tăng đàn áp nhân quyền trầm trọng . Trong số những vi phạm này, phải kể đến tình trạng ngưọc đãi tù nhân, bắt bớ giam cầm tuỳ tiện, sách nhiễu, khống chế những người bất đồng chính kiến..vv..
Quyền trợ lý ngoại trưởng Mỹ, đặc trách về dân chủ, nhân quyền, và lao động, ông Michael Kozak, nhận định đề tài nhân quyền chính là rào cản của mối bang giao giữa Washington và Bắc Kinh, mặc dù hai bên có quan hệ sâu rộng về thương mại và nhiều lĩnh vực khác.
Còn tình trạng nhân quyền của Bắc Hàn trong năm 2004 được đánh giá là cực kỳ tồi tệ . Chính ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Condoleezza Rice, gần đây đã liệt chính quyền Bình Nhữơng là 1 trong 6 quốc gia chuyên chế, bạo ngựơc.
Trong khi đó, thì điều kiện nhân quyền yếu kém của Miến Điện đựơc báo cáo là có xu hướng càng tệ hại hơn.
Tuy nhiên, các nước được ghi nhận là vi phạm nhân quyền đều lên tiếng phản đối nhận định của Hoa Kỳ. Trung Quốc hôm thứ ba nói rằng bản báo cáo này sẽ gây phương hại đến quan hệ giữa các nước liên quan với Washington. Chính quyền Bắc Kinh còn cảnh cáo Hoa Kỳ chấm dứt can thiệp vào chuyện nội bộ của Hoa Lục dưới hình thức nhân quyền.
Thái Lan cũng lên án rằng Mỹ không nên dùng những luận điệu riêng của mình để xét đoán tình trạng nhân quyền các nước khác, mà Nhà Trắng nên bày tỏ những điều quan ngại, nếu có, qua đường lối ngoại giao.