Thy Nga, phóng viên đài RFA
Đêm nay, Thy Nga mời quý vị nghe chương trình thơ nhạc về Quang Dũng nhân giỗ thứ 19 của thi sĩ. Ông từ trần vào ngày 14 tháng 10, 1988 tại Hà Nội.
Thơ Quang Dũng không nhiều nhưng có các bài được coi là tuyệt tác trong thi đàn Việt Nam như “Tây tiến”, “Đôi bờ”, “Đôi mắt người Sơn Tây”. Các bài thơ này chiếm được sự mến mộ của rất nhiều người, và được các nhạc sĩ danh tiếng lựa chọn để phổ.
Nhà thơ tên thật là Bùi Đình Dậu, tức Bùi Đình Diệm, chào đời năm 1921 tại huyện Đan Phượng ở ven sông Đáy.
“Đường ấy, dừa trăng như cổ tích đường vào những truyện thuở ngày xanh đường qua bến lội ngang người cát biển thuỷ triều dâng mặn nước lành …”
( trích bài thơ “Đường trăng” )
Thân phụ ông được dân trong vùng gọi là Cụ Tổng, và trong ngôi nhà của gia đình, Quang Dũng có căn buồng mà từ khung cửa sổ, nhìn ra núi Ba Vì xa xa. Sông núi và vùng trời ấy, người đọc thơ Quang Dũng thấy hình ảnh và sắc màu giàn trải trong rất nhiều bài thơ của ông.
Bắt đầu làm thơ vào năm 16 tuổi với bài “Chiêu Quân”. Các bài thơ tình kế tiếp là “Cố quận”, “Suối tóc”, “Buồn êm ấm” … Nhưng rồi, cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ! Như hầu hết thanh niên thời đó, nhà thơ này đáp lời non sông, lên đường chiến đấu. Một người thân thiết với ông thời kháng chiến là nhạc sĩ Trịnh Hưng, kể lại:
“Văn thơ giỏi này, nhạc giỏi này, đàn cổ nhạc giỏi lắm. Quân sự cũng giỏi. Là một thanh niên yêu nước ghê gớm lắm! Sang Tàu học, đỗ trường Hoàng Phố ra. Việt Minh khởi nghĩa mới nhận anh ấy vào làm Đại Đội trưởng.
Anh ấy quân sự giỏi mà cầm kỳ thi họa đủ hết. Tài ba nhiều thứ lắm, mà người cao lớn, đẹp trai. Thời kháng chiến, người ta nhìn anh ấy là một thần tượng vì vẻ đẹp nam nhi hùng tráng, có nhiều tài mà nói chuyện có duyên nữa. Được mọi người coi là thần tượng nhưng anh ấy là người đứng đắn, tử tế.”
Thy Nga : Về cái tên Quang Dũng do đâu mà có, nhạc sĩ Trịnh Hưng cho biết:
Trịnh Hưng : Lúc bấy giờ, anh ấy mới hai mươi tuổi, đi hoạt động đảng phái chống Tây. Khi đó, mấy ông Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, Khái Hưng, Hoàng Đạo vào đảng Đại Việt hết để chống Tây.
Ông Quang Dũng lên Việt Bắc giúp con một người công chức đặc trách tỉnh đó, là cô Loan. Là gái mới, lại thấy ông này đẹp trai, học giỏi thành ra cô ấy yêu ông này ghê gớm lắm. Nhưng Quang Dũng lại không dám chuyện tình cảm vì sợ đang hoạt động trong đảng, hai nữa là thấy việc chống Tây chưa thành công, nên từ giã cô ấy, sang tỉnh khác hoạt động thì bị Mật thám Tây bắt, vì thế đảng mới đưa ông qua Tàu. Sang Tàu, ông ấy học trường Hoàng Phố.
Ông ấy vào đảng Đại Việt là để đánh Tây chứ ông ấy chẳng có chủ nghĩa gì cả. Sang Tàu thì gặp Hoàng Sâm sau về làm tường mới nâng đỡ Quang Dũng chứ ông ấy thuộc đảng khác mà về thì đảng Cộng sản đâu có dùng!
Trong lúc Quang Dũng ở bên Tàu thì tại Việt Nam, Nhất Linh viết lại mối tình cô Loan yêu ông ấy nhưng nói tên ra thì sợ không được, thành ra mới đổi tên là Dũng. In cuốn sách ra, Nhất Linh gửi cho ông ấy bên Tàu. Thấy đề tên là Dũng, ông ấy thích quá, mới bảo “Anh Tường Tam đặt cho mình cái tên Dũng hay lắm, bây giờ phải tìm một cái họ mà phải là họ nào anh hùng, hạp với tên Dũng cơ.”
Thì mẹ ông ấy họ Trần, ông ấy cũng thấy cụ Trần Hưng Đạo là người anh hùng, nên lấy họ Trần. Bây giờ phải thêm tên đệm, ông ấy nghĩ mãi ra cái tên “Quang” nên lấy tên là “Trần Quang Dũng”. Có tên Quang Dũng từ khi ông ấy ở bên Tàu.
Từ bên Tàu về qua Yên Bái, ông ấy gặp cô Bùi thị Thạch thì lấy làm vợ. Quang Dũng làm Đại đội trưởng nhưng Đảng Cộng sản họ ghét đảng khác lắm thành ra ông bị thất sủng. May mà còn sống chứ như mấy người đảng khác là chết đấy, bị thủ tiêu luôn. Khái Hưng bị Cộng sản giết.
Thy Nga : Thế mà lúc trước lại không dám gắn bó, y như Dũng trong truyện "Đoạn tuyệt" của Nhất Linh. Rồi sau, Quang Dũng có gặp lại Loan không anh?
Trịnh Hưng : Loan có chồng con nhưng hằng năm, vẫn đến thăm ông ấy, thổi cơm cho ông ấy ăn. Khi người ta hỏi, Quang Dũng bảo là "Đây người tình cũ, nàng ấy cho ăn cá kho lá gừng.
Thế rồi, mùa lạnh, Loan thấy ông ấy rét quá, đắp cái chăn, kín đầu thì hở chân, mà kín được chân thì hở đầu. Thì cô ấy có cái áo khoác đẹp mới tinh, tặng Quang Dũng mặc cho đỡ lạnh. Áo khoác này là nhất đấy, ngoài Bắc không ai có cả.
Rồi ông ấy đi tàu hỏa thế nào mà bị ăn cắp mất. Ông ấy bảo tiếc quá, không vì cái áo mà tiếc vì cái tình. Sau, ông ấy làm bài thơ “Không đề” đó.
Thy Nga : Bài thơ này viết vào năm 1970 khi Quang Dũng lâm vào cảnh khốn khó đã 16 năm trời. Nhớ lại kỷ niệm đưa Loan đi chơi vườn ổi, Quang Dũng muốn níu giữ mãi cái tuổi thanh xuân ấy
“… Em tuổi hai mươi yêu anh hào hiệp
Bỏ em, anh đi Đường hai mươi năm dài bao chia ly Có những vợ chồng không là trăm năm mà tình thương yêu Sông ơi, dài sao rộng ơi, Biển cả Thôi em nước mắt đừng rơi lã chã" ( trích bài thơ "Không đề" ) Trong cảnh máu lửa, tâm hồn lãng mạn của chàng trai trẻ vẫn thể hiện qua các câu thơ. Như trong bài "Tây tiến" viết năm 1948, giữa những câu thơ hào hùng, lại có các câu man mác như "Trôi dòng nước lũ, hoa đong đưa" và bi tráng pha chất lãng mạn như
“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
Đây chính là câu thơ gây khốn khổ cho ông sau này …
Rong ruổi chinh chiến, một buổi trưa nắng gắt, ông dừng chân, ghé vào cái quán xiêu vẹo bên đường. Quán này do cô Atimi đi tản cư, mở ra để sống qua ngày. Cô là người Việt và sở dĩ có cái tên Nhật là vì trước đó ở Hà Nội, cô là gái nhảy trong một nơi ăn chơi của sĩ quan Nhật. Thương cho hoàn cảnh sa sút của cô gái nổi tiếng thời trước, Quang Dũng đề bài thơ “Quán bên đường”.
Đến năm 1948, Quang Dũng viết bài “Đôi bờ”, bài thơ mà đã gắn liền với tên tuổi của ông:
“Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai? Sông xa từng lớp lớp mưa dài Mắt kia em có sầu cô quạnh Khi chớm heo về một sớm mai
Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự Bên này em có nhớ bên kia Giăng giăng mưa bụi qua phòng tuyến Quạnh vắng chiều sông lạnh bến tề
Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ Thoáng hiện em về trong đáy cốc Nói cười như chuyện một đêm mơ
Xa quá rồi em, người mỗi ngả Bên này đất nước nhớ thương nhau Em đi áo mỏng buông hờn tủi Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?”
Qua năm sau là năm 49, Quang Dũng viết về hoàn cảnh ly loạn nơi quê nhà, qua bài “Đôi mắt người Sơn Tây”. Đôi mắt này, rất nhiều người cho là của cô nào đó mà Quang Dũng yêu; nhưng thật ra, ông viết cho cô em ruột, là người có đôi mắt rất đẹp.
Một nhạc sĩ danh tiếng, có quê ngoại ở Sơn Tây, là Phạm Đình Chương đã phổ ý bài thơ ấy. Mời quý vị thưởng thức bài “Đôi mắt người Sơn Tây” do chính nhạc sĩ Phạm Đình Chương trình bày
“Đôi mắt người Sơn Tây” …
Có một điều Thy Nga được nghe thuật lại, là sau này … vào thời điểm khác nhưng tình cảnh ly tan chẳng mấy khác. Sau biến cố tháng Tư 1975, nhiều người Việt phải rời quê hương, đi lánh nạn. Những ngày chân ướt chân ráo trên xứ lạ, họ đã nghe đi nghe lại bài “Đôi mắt người Sơn Tây” tới nhão cả cuốn cassette truyền tay nhau.
Đến đây, Thy Nga xin tạm dừng câu chuyện về nhà thơ Quang Dũng. Mời quý vị đón nghe phần tiếp theo, vào chương trình kỳ tới.