Tình hình tự do báo chí trên thế giới theo phúc trình của RSF

0:00 / 0:00

Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA

RSF, tức Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới, trụ sở tại Paris, Pháp, hôm thứ tư vừa qua, mở cuộc họp báo để phổ biến bản phúc trình thường niên, tổng kết về sinh hoạt báo chí và quyền tự do ngôn luận trên toàn cầu, trong năm 2007.

rsf_AnnualReport2008_200.jpg
Hôm thứ Tư 13-2-2008, Tổ chức Phóng viên Không biên giới RSF đã công bố phúc trình thường niên về tình hình tự do báo chí trên thế giới. Photo courtesy of www.rsf.org.

Sinh họat này được tổ chức tại Câu lạc bộ báo chí quốc gia, trong thủ đô Washington, Hoa Kỳ với sự hiện diện của các đại diện cơ quan truyền thông quốc tế. Phóng viên Đỗ Hiếu của đài Á Châu Tự Do có mặt tại chỗ và gởi về tường trình sau đây.

Thời điểm nguy hiểm đối với giới làm báo

Chủ đề của buổi họp báo hôm qua xoay quanh đề tài “Đây là một thời điểm nguy hiểm đối với các nhà báo”.

Lên tiếng với các đại diện báo chí, phát thanh, truyền hình Âu, Á, Mỹ, Uc và Phi Châu, bài Lucie Morillon, giám đốc văn phòng RSF tại thủ đô Washington tuyên bố lý do cuộc gặp gỡ, nhằm lược qua tình hình tự do báo chí, cùng sinh hoạt ngôn luận trong năm 2007, mà theo đánh giá của RSF cũng như các cơ quan truyền thông quốc tế là rất gay go, khó khăn, vì càng ngày càng có thêm nhiều nhà báo bị giết, bị cầm tù, bị đe dọa, việc hành nghề của họ bị một số thế lực cầm quyền hạn chế, cấm đoán, kiểm duyệt, cắt xén bằng đủ mọi cách.

Theo RSF thì trong những ngày trước mắt, các nhà báo sẽ phải đối phó với nhiều hạn chế, nhiều gay go, nhiều biện pháp khắc nghiệt hơn. Đại diện của RSF lưu ý giới truyền thông có mặt tại cuộc họp báo về những trường hợp đàn áp báo chí bằng võ lực, liên tục diễn ra tại Trung Quốc, nhất là vào thời gian Bắc Kinh chuẩn bị ráo riết cho lễ khai mạc vào đầu tháng 8 năm nay.

Trung Quốc: nhà tù khổng lồ

Theo giới truyền thông Âu Mỹ thì Hoa Lục hiện là nhà tù khổng lồ đối với giới cầm bút và những người vận động dân chủ qua Internet.

Phúc trình của RSF cũng nhắc tới những vụ giới hạn, tước bỏ quyền tự do ngôn luận xảy ra liên tục ở Iraq, từ khi chiến tranh bùng nỗ ác liệt tại xứ này, hồi tháng 3 năm 2003. Đến nay đã có hơn 200 nhà báo, cùng những người phụ tá kỹ thuật, thông ngôn, bị sát hại tại quốc gia đó.

Pakistan cũng gây rất nhiều khó khăn, cản trở cho việc làm của giới truyền thông bản xứ và từ khắp nơi đến đây săn tin tức và hình ảnh, đặc biệt là vào thời gian trước khi diễn ra bầu cử quốc hội, tổ chức vào ngày 18 tháng 2 tới.

Theo báo cáo của RSF thì trong năm 2007 đã có 123 nhà báo bị bỏ tù, 64 nhân vật đấu tranh cho dân chủ qua mạng Internet bị bắt giam, 4 phóng viên bị cường quyền giết chết trong lúc hành nghề.

RSF_PressRelease2008_200.jpg
Bài Lucie Morillon, giám đốc văn phòng RSF tại Washington trả lời các câu hỏi của báo chí trong cuộc họp báo công bố phúc trình thường niên của RSF về tình hình tự do báo chi trên thế giới. Photo by Đỗ Hiếu/RFA.

Để bổ túc thêm ý kiến trong buổi họp báo, nhiều diễn giả được mời nói chuyện về kinh nghiệm và trao đổi thông tin, trong đó có các nhà báo đến từ nhiều quốc gia bị xem là vi phạm quyền tự do ngôn luận hay chèn ép báo chí.

Khách mời gồm có bà Hà Thanh Liên, nhà báo, kinh tế gia người Hoa, ông Milkias Mihreteab, công dân Eritrea, ông Ayub Nuri, phóng viên người Iraq, ông Khalid Hasan, người Pakistan và ông Paul Cobb, một nhà báo Mỹ, tánh mạng đang bị đe dọa.

Trong câu chuyện với phóng viên RFA chúng tôi, bà Hà Thanh Liên, một người cầm bút, đấu tranh cho tự do báo chí, dân chủ, nhân quyền tại Hoa Lục, từng bị quản chế tại gia nhiều năm trời, trốn thoát khỏi Trung Quốc và được định cư tại Hoa Kỳ từ năm 2001 khẳng định rằng, không hề có tự do ngôn luận tại Hoa Lục:

“Đối với công luận thế giới, Bắc Kinh luôn tuyên truyền khéo léo, họ cố che đậy sự thật, bằng cách hứa hẹn, cam kết đủ điều, nhất là khi họ vận động để được đứng ra tổ chức thế vận hội Bắc Kinh 2008, nhưng những gì hàng ngày xảy ra, cho thấy rõ là dân chủ, nhân quyền chỉ là cái bánh vẽ mà nhà nước Hoa Lục muốn trưng bày và quảng cáo.”

Kế đó, khi nói lên cảm tưởng của mình về sinh hoạt báo chí tại Trung Quốc, ông Khiếu Mạnh Sanh, giám đốc điều hành Trung tâm vận động Canh tân Trung Quốc, văn phòng tại New Jersey, Hoa Kỳ cho biết, hiện vẫn còn trên 100 nhà báo, nhà đấu tranh ôn hòa cho dân chủ, bị ngồi tù.

Hà Nội đã cho tái lập hình thức “tòa án nhân dân” để đe dọa những nhà dân chủ. Dân chúng địa phương được huy động đông đảo, đến dự những cuộc đấu tố công khai để buộc tội và lên án những người bị chế độ cầm quyền cho là phản động, gây nguy hại về chính trị và an ninh.

Theo ông thì Bắc Kinh không bao giờ giữ lời hứa là cho phép tự do báo chí, ngay cả khi diễn ra thế vận hội 2008 ở Hoa Lục. Ông nói với RFA rằng, tại Trung Quốc, mỗi khi có tin, một nhà báo được trả tự do thì ngay sau đó, một nhà báo khác liền bị bỏ tù, thay chỗ người kia.

Việt Nam tiếp tục đàn áp đối lập

Trong phúc trình thường niên về quyền tự do ngôn luận, phổ biến toàn thế giới hôm 13 tháng 2 vừa qua, RSF xếp hạng Việt Nam thứ 162 trên tổng số 169 quốc gia, được nêu tên trong danh sách. Trả lời câu hỏi vì sao Hà Nội bị xếp gần cuối bảng, bà Lucie Morillon giải thích rằng:

" "Nhà nước Việt Nam vẫn theo đuổi một chính sách đàn áp mạnh mẽ những tiếng nói dân chủ, đối lập, những nhân vật bất đồng chính kiến."

Bà nói rằng, Hà Nội đã cho tái lập hình thức “tòa án nhân dân” để đe dọa những nhà dân chủ. Dân chúng địa phương được huy động đông đảo, đến dự những cuộc đấu tố công khai để buộc tội và lên án những người bị chế độ cầm quyền cho là phản động, gây nguy hại về chính trị và an ninh.

Vẫn theo bà Morillon, thì ngoài việc giới hạn các sinh hoạt truyền thông, Hà Nội còn tố cáo một số chánh phủ Âu Mỹ, các tổ chức nhân quyền quốc tế, trong đó có cả RSF là đã ủng hộ và khuyến khích những kẻ thù của Việt Nam, ở hải ngoại.

Tại Hoa Kỳ, quyền tự do ngôn luận được công nhân và tôn trọng, tuy nhiên cũng có những trường hợp nhà báo bị sát hại vì đã đụng chạm đến quyền lợi hay chuyện làm ăn phi pháp của một cá nhân hay một nhóm người nào đó.

Ông Paul Cobb, chủ nhiệm tờ Oakland Post, xuất bản tại San Francisco, California cho biết, một trong các chủ biên của ông là nhà báo Chauncey Bailey, 57 tuổi, đã bị ám hại tháng 8 năm ngoái.

Ông Bailey đang thực hiện thiên phóng sự, điều tra về đường giây làm ăn bị xem là mờ ám của một doanh nghiệp do nhóm người theo Hồi giáo làm chủ. Hung thủ bắn ông chết tên là Devaughndre Broussard, một thanh niên 19 tuổi, giết người để nhận số tiền 3000 đô la.

Ông Paul Cobb cho phóng viên Ban Việt Ngữ biết, chính ông cũng bị kẻ lạ đe dọa, sẽ bị giết để diệt khẩu, và hiện ông đang được cảnh sát địa phương theo bảo vệ.

Cuộc họp báo của RSF tại Câu lạc bộ báo chí quốc gia kết lúc vào lúc 2 g 30 ngày thứ tư vừa qua, sau phần phát biểu ý kiến và giải đáp thắc mắc.

Đỗ Hiếu, tường trình từ thủ đô Washington.