Học phí – tăng mấy cho vừa?

Bắt đầu từ ngày 1/7, mức học phí mới theo nghị định 49/2010/NĐ-CP sẽ bắt đầu được thực hiện.

0:00 / 0:00

Theo đó, mức học phí áp dụng mới ở cấp bậc đại học công lập sẽ tăng lên thành 340.000 đồng/tháng và cấp giáo dục mầm non và phổ thông công lập là 200.000 đồng/tháng. Dư luận cho đây là mức học phí quá cao, tuy nhiên, nhiều trường đại học lại cho rằng mức học phí mới vẫn chưa đủ đáp ứng cho chi phí đào tạo.

Khánh An có bài tường trình về vấn đề này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Nghị định 49 về quy định mức trần học phí đối với hệ thống đào tạo công lập trình độ đại học, cao đẳng, trung học, phổ thông và mầm non. Theo đó, mức học phí cao nhất sẽ áp dụng cho bậc đại học là 340.000 đồng/tháng cho năm học 2010 – 2011. Sau đó, học phí sẽ tiếp tục tăng theo chỉ số giá tiêu dùng bình quân mỗi năm, đến năm 2015 sẽ là 800.000 đồng/tháng.

So với những năm trước, khi về vấn đề tăng học phí mới được đưa ra công luận, lần này, ít thấy những phản ứng mạnh mẽ từ phía sinh viên, phụ huynh và dư luận trên các phương tiện truyền thông trong nước.

Fact box
Theo Nghị định 49:
- mức học phí cao nhất sẽ áp dụng cho bậc đại học là 340.000 đồng/tháng cho năm học 2010 – 2011,
- Sau đó, học phí sẽ tiếp tục tăng theo chỉ số giá tiêu dùng bình quân mỗi năm,
- đến năm 2015 sẽ là 800.000 đồng/tháng.

Hồng Ân, sinh viên một trường đại học tư tại Hà Nội, nhận xét:

“Ở Việt Nam mình, chuyện tăng học phí là trước sau cũng xảy ra thôi. Nhưng bây giờ em thấy nó có vẻ hơi vội, bởi vì như em là một học sinh học trường tư, thì mức học phí 1 tháng của em hiện nay là 700.000 đồng/tháng. Như vậy, em học trường tư thì (học phí) cao là phải rồi, không có gì phải bàn cãi cả. Nhưng như em vừa biết thì các trường công kể từ năm sau sẽ tăng lên đến mức trần là 340.000 đồng/tháng. Em thấy như thế là hơi cao so với mức chung của Việt Nam mình.”

Cả một vấn đề

Mức học phí mới và chi phí học tập, theo quy định, không được vượt quá 6% thu nhập bình quân. Tuy nhiên, nếu các trường đều áp dụng mức học phí cao nhất, cộng với các chi phí khác, thì chi phí hàng tháng của một sinh viên sẽ vượt quá mức quy định so sánh với thu nhập bình quân hiện nay. Đó là chưa kể đến yếu tố khoảng 80% người dân Việt Nam sinh sống ở khu vực nông thôn, với mức thu nhập thấp hơn rất nhiều so với mức thu nhập bình quân chung.

Một chút là tiền, tiền này tiền nọ, những khoản tiền phi lý từ nhà trường đặt ra, những khoản tiền không có trong thông báo chiêu sinh tuyển dụng, không có trong thỏa thuận.

Sinh Viên Đạt, TPHCM

Nhiều sinh viên cho biết, mức học phí mới là “cả một vấn đề” đối với khả năng tài chính của họ và gia đình. Đạt, một sinh viên tại TPHCM, đã quyết định rời ghế nhà trường sau năm học thứ hai này. Đạt tâm sự:

“Một chút là tiền, tiền này tiền nọ, những khoản tiền phi lý từ nhà trường đặt ra, những khoản tiền không có trong thông báo chiêu sinh tuyển dụng, không có trong thỏa thuận. Thế thì học sinh, sinh viên phải đóng. Rồi những khoản bồi dưỡng giáo viên rất là… ví dụ như để được thi tốt, thì mỗi học sinh chịu khó móc ra năm, mười ngàn đồng, mười ngàn, hai chục ngàn cho giám thị.”

Học phí tăng nhưng chất lượng không tăng

Một trong những lý do lúc nào cũng đi kèm mỗi khi học phí tăng đó là “tăng học phí để có thể tăng chất lượng giáo dục”.

Sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội đang đóng học phí. Photo courtesy of bka.vn
Sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội đang đóng học phí. Photo courtesy of bka.vn

Nhận xét về điều này, GS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo, trả lời trên báo điện tử An ninh Thủ Đô ngay từ những ngày đầu khi vấn đề tăng học phí được đưa ra, rằng "Tiền đầu tư thấp thì có thể tăng nhưng tôi cực lực phản đối quan niệm cho rằng, tiền nào của nấy, tiền nhiều thì chất lượng cũng tăng". Ông dẫn chứng, tổng chi phí ngân sách quốc gia và các nguồn khác chi khác cho giáo dục đã liên tục tăng lên trong các năm và đến năm 2007 đã chiếm 8,3%GDP, thế nhưng chất lượng giáo dục không hề tăng lên.

Chia sẻ quan điểm này, sinh viên Ân nhận xét:

“Em thấy ở Việt Nam mình, khi tăng học phí, họ đưa rất nhiều lý do, đó là tăng học phí để tăng chất lượng đào tạo. Nhưng theo như em thấy, năm ngoái lúc đưa ra đề án tăng học phí ở các trường, người ta đưa ra các lợi ích khi tăng học phí. Trong đó, người ta nói rất nhiều về việc sẽ làm tăng chất lượng lên.

Nhưng theo em thấy thì nó không tăng, thậm chí nó còn có chiều hướng đi xuống nữa. Gần như chưa có trường nào đạt tiêu chuẩn quốc tế cả. Bằng của các trường đại học gần như không là gì so với nước ngoài cả, không được người ta công nhận. Khi người ta đưa ra lý do tăng học phí để tăng chất lượng đào tạo và giảng dạy thì em nghĩ rằng đó chỉ là cái lý do thôi.”

Tiền đầu tư thấp thì có thể tăng nhưng tôi cực lực phản đối quan niệm cho rằng, tiền nào của nấy, tiền nhiều thì chất lượng cũng tăng.

GS. Trần Xuân Nhĩ

Theo sinh viên Đạt, ngoài lý do mức học phí không cân xứng với mức thu nhập chung của người dân Việt Nam, một yếu tố quan trọng hơn, đó là số tiền phải bỏ ra để nhận được tấm bằng không phản ánh đúng thực lực là một điều phi lý. Sau hai năm học đại học, Đạt giật mình nói:

“Đạt thấy kiến thức của mình rỗng tuếch à, chẳng có một cái gì hết. Eo ơi, bây giờ nghĩ lại thấy đáng sợ thật!”

Chuyện nhiều học sinh, sinh viên sẽ đi theo lựa chọn giống như Đạt là bỏ học, thực sự là mối lo lắng cho nhiều người có tâm huyết với giáo dục. Có ý kiến cho rằng vấn đề thiếu kinh phí cho giáo dục không nhất thiết phải giải quyết bằng việc tăng học phí, chất thêm gánh nặng cho người có thu nhập thấp, hạn chế khả năng đến trường của học sinh, sinh viên nghèo, mà nên tập trung vào việc kiểm tra, xem xét tăng năng lực quản lý giáo dục. Có như thế, đồng tiền dành cho giáo dục mới phát huy hết hiệu quả.

Theo dòng thời sự: