Đòi Dân chủ có phải là chống Nhân dân hay không?

Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA

Trong buổi phát thanh trước, ban Việt Ngữ chúng tôi đã mời quý vị nghe câu chuyện với ông Vi Đức Hồi, cán bộ đảng cộng sản tại Lạng Sơn, bị khai trừ vì những hoạt động đấu tranh cho dân chủ. Ông cũng bị công an dọa sẽ xử lý, đấu tố, nếu ông không chịu im tiếng, đồng thời còn bị cáo buộc tội chống nhân dân.

DanoanTuyenquang200.jpg
Bất bình trước những bất công xã hội, nhiều người dân đã công khai lên tiếng đòi hỏi Nhà nước phải giải quyết thỏa đáng các quyền lợi của mình. RFA file photo.

Gần đây, nhiều vị lãnh đạo tinh thần, nhân vật đấu tranh cũng bị gán ghép tội xúi dục dân chúng biểu tình, khiếu kiện, và cũng bị liệt vào thành phần tuyên truyền chống nhân dân. Vậy những nhà dân chủ và người dân thường có suy nghỉ gì về việc bị quy kết vào tội danh đó. Mời qúy vị nghe Đỗ Hiếu ghi nhận ý kiến qua các cuộc trao đổi sau đây.

Tiếp tục câu chuyện với ông Vi Đức Hồi – cựu cán bộ cộng sản từ Lạng Sơn, khi được hỏi ý kiến của ông về việc bất cứ ai ở Việt Nam công khai lên tiếng kêu gọi tự do, dân chủ và nhân quyền thì đều bị nhà nước buộc tội “chống nhân dân”, ông giải thích rằng, đây là đường lối chung, hình thức xử lý đồng bộ, dành cho những người không tuân thủ chính sách cai trị của nhà cầm quyền.

Ông cũng nhấn mạnh rằng muốn thật sự có dân chủ thì cần có sự liên kết, phối hợp giữa trong và ngoài nước, chứ không có chuyện cấu kết với ngoại bang:

Ông Vi Đức Hồi: Họ cứ nói là chống phá, là không tuân thủ, tức là cái gì mà mình nói khác với quan điểm của đảng họ thì họ ghép tội chống phá, chứ còn thực ra (cười) chúng tôi ở bên này, thậm chí như tôi ở đây một mình thì tôi chống phá được cái gì? Phải không?

Chúng tôi chỉ có tiếng nói trên mạng, có những ý kiến trao đổi, có nhũng bài viết cổ vũ cho việc mở rộng dân chủ để xã hội phát triển, cho nhân dân mình đựơc các quyền tự do, cho dân chủ được mở rộng, cho sự độc đoán chuyên quyền giảm đi, giúp cho chế độ tốt đẹp hơn.

Chúng tôi chỉ có lý tưởng như vậy thôi chứ không có cái gì khác cả. Nhưng như vậy thì ở đây người ta (đảng cộng sản) cho là chống đảng, mà chống đảng là chống nhà nước, bởi vì đảng lãnh đạo nhà nước, đảng toàn quyền cai trị đất nước. Họ cứ quy là chống đảng tức là chống nhà nước. Đấy, họ cho là như vậy đấy.

Trong nước các anh em dân chủ nói chung là thường xuyên liên lạc với nhau, thỉnh thoảng thăm hỏi nhau. Tất nhiên là họ gặp khó khăn trong lúc liên lạc thăm hỏi nhau ở bên này.

Bây giờ có thể nói là bất cứ phong trào nào cũng vậy. Một tổ chức nào, một chính đảng hay một tôn giáo nào cũng vây, một đất nước nào cũng vậy, ngay cả đảng cộng sản và chính phủ cộng sản Việt Nam bây giờ cũng không thể tự độc lập được mà luôn luôn phải có sự liên kết, có sự hỗ trợ của các nước.

DanoanProtest200.jpg
Nhiều người dân các tỉnh kéo về trước các cơ quan trung ương ở Hà Nội, Sài Gòn để tập trung khiếu kiện. RFA file photo

Cho nên phong trào dân chủ ở trong nước cũng lại càng phải không thể tự mình đấu tranh thành công được mà luôn luôn phải có sự hỗ trợ, động viên, và sự giúp đỡ của anh em bạn bè ở nước ngoài.

Chúng tôi mong rằng có sự hỗ trợ, giúp đỡ, cổ vũ đối với anh em dân chủ trong nước. Mong muốn của chúng tôi là như vậy anh ạ.

Các trường hợp khác

Bà Vũ Thanh Phương, từ Saigon, là một phụ nữ bênh vực cho dân oan và nhiều lần lên tiếng trên RFA để phản đối bất công trong các vụ chiếm đoạt đất đai bất hợp pháp bởi chánh quyền địa phương, bà nhấn mạnh rằng, ghép tội chống nhân dân, chính là biện pháp vu khống từ phía nhà nước để trấn áp, chụp mũ, cầm tù, xử lý những đối tượng đòi hỏi dân chủ, nhân quyền, công lý và lẻ phải:

Vũ Thanh Phương: Thưa anh Đỗ Hiếu, đây là những lời lẽ mà phía nhà cầm quyền cộng sản sử dụng để vu cáo, để đàn áp. Họ sử dụng chúng để vu cáo, chụp mũ, tạo lý do để bắt bớ các nhà dân chủ dựa trên những điều khoản luật pháp phi dân chủ của họ như điều 88 Bộ Luật Hình Sự nói là "tuyên truyền chống phá nhà nước".

Chúng ta phải thấy đó là sự xảo trá của nhà nước cộng sản mà thôi. Nói đúng ra những người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền thì họ hoàn toàn không vi phạm một điều luật nào của phía nhà nước cộng sản cả. Những lời lẽ của phía nhà nước cộng sản là hoàn toàn mang tính chụp mũ để trù dập các nhà dân chủ mà thôi.

Đỗ Hiếu: Thời gian gần đây tình hình dân oan khiếu kiện có đạt kết quả nào không vậy thưa chị Vũ Thanh Phương?

Vũ Thanh Phương: Thưa anh, thời gian gần đây, từ ngày công an cộng sản đàn áp và cưỡng chế dân oan rời khỏi văn phòng ở số 194 đường Hoàng Văn Thụ để trờ về địa phương với lời hứa hẹn sẽ giải quyết cho họ, nhưng thực tế cho đến nay thời gian kéo dài đã 2 tháng trời rồi mà người dân oan chẳng một ai nhận được sự giải quyết nào cả.

Như vậy những lời hứa giải quyết của họ hoàn toàn là những lời bịp bợm, mị dân, dối trá, có tính cách đánh bùn sang ao mà thôi. Bởi vậy mà hiện nay dân oan đã lác đác có người trở về Sài Gòn để tiếp tục khiếu nại.

Nhưng khi người dân tụ tập tại 210 Võ Thị Sáu thì họ lại bị công an đàn áp và buộc họ phải quay trở về địa phương ngay trong ngày hoặc là chỉ ngày hôm sau là phải rời khỏi 210 Võ Thị Sáu.

Ý kiến người dân

Đỗ Hiếu: Vừa rồi là lập luận của hai nhân vật đấu tranh cho dân chủ, ủng hộ dân oan, đối với luận điệu bị nhà nước gán ghép tội chống phá chế độ, khi họ mạnh dạn bày tỏ nguyện vọng của mình, vậy người dân thường có suy nghỉ gì?

Bà Hậu từ vùng đồng bằng sông Cửu Long nói với phóng viên ban Việt Ngữ chúng tôi rằng, dân chúng rất ủng hộ và hoan nghênh những tiếng nói dân chủ, vì họ không có phương tiện hay hoàn cảnh để tự mình bộc lộ điều đó, ai nói dùm thì họ tán đồng, chứ không hề có chuyện lên tiếng đòi dân chủ là chống nhân dân:

Bà Hậu: Hông, họ không dám nói thôi. Người nào nói là họ mừng muốn chết! Họ đâu có nghĩ làm như vậy là chống chính phủ. Tại vì dân có miệng mà không nói được nên mấy vị này đứng lên nói dùm cho dân là biết cái lòng của dân như thế nào nên đứng dậy nói dùm cho dân.

Có nhiều người dân kêu gào từ trong nội tâm ma không nói ra được, một là người ta không có quyền, hai là người ta không có tiền để làm, tại vì cái gì cũng đòi hỏi tiền bạc như đi xe đi cộ v.v...

Người dân lăn lóc một ngày làm lụng kiếm không được một đồng rưỡi hai đồng đô không đủ mua gạo ăn thì tiền đâu đi xe đi cộ, tiền đâu mà đi tranh đấu để đòi quyền lợi cho mình. Thành thử những người này đứng ra nói lên dùm nội tâm người dân chứ làm gì mà chống chính phủ.

Các hoà thượng, các linh mục, các vị này đứng ra nói dùm dân chứ dân đâu có nghĩ mấy vị này chống lại dân. Nhân dân kêu gào mà không có ai đứng ra dẫn đầu họ, chỉ dẫn cho họ làm. Nội tâm họ kêu gào giống như con mất mẹ vậy đó.

Về miền quê nếu mà anh đi tuốt vô mấy vùng sâu, vùng xa, như vùng núi mà coi, người dân chưa hề thấy một cái chế độ nào làm cho họ bị thiệt thòi, làm cho họ khổ như chế độ này.