LM Nguyễn Văn Lý được tạm tha, người dân nói gì?

Dư luận trong nước xôn xao trước tin LM Nguyễn Văn Lý, được chính quyền Việt Nam trả tự do sớm hơn thời hạn tới 5 năm, mọi người đều tỏ ra vui mừng nhưng đa số vẫn nghi ngờ và e ngại.

0:00 / 0:00

Hồi 4 giờ sáng thứ Hai ngày 15 tháng Ba này, nhà cầm quyền VN đã phóng thích LM Nguyễn Văn Lý, một trong những nhà đấu tranh hàng đầu cho nhân quyền và tự do tôn giáo VN, khỏi nhà tù ở gần Hà Nội. Cha Nguyễn Văn Lý bị giam giữ ở đó gần 3 năm cho bản án tù 8 năm của Ngài – bản án thứ Tư mà Hà Nội áp đặt cho LM Nguyễn Văn Lý.

Vui mừng nhưng e ngại

Nhắc đến trường hợp LM Nguyễn Văn Lý, có lẽ một trong những hình ảnh mãi đậm nét ở công luận trong và ngoài nước là lúc diễn ra phiên tòa tại tỉnh Thừa Thiên-Huế hồi tháng 3 năm 2007, công an đã bịt miệng Ngài giữa chốn pháp đình để ngăn chận không cho Ngài hô những khẩu hiệu chống cộng và cáo giác quan chức Việt Nam sử dụng “luật rừng”.

Chuyện như vầy thì tôi nghĩ là do sức khỏe của Cha Lý yếu quá. Nếu giữ Cha Lý lâu thì họ cũng chẳng được ích lợi gì.

Nhà báo Văn Lang

Mặc dù những trường hợp liên quan các nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, tôn giáo thường bị ép nhẹm trong nước, nhưng một số người dân hiện cũng đã hay biết việc Cha Nguyễn Văn Lý được rời khỏi lao tù sớm hơn thời hạn.

Một nông dân ở vùng ĐBSCL nhận xét về diễn tiến này:

“Tin này chắc cũng có vấn đề gì đây. Chớ như không sao họ thả Cha Lý sớm vậy? Nhưng nếu Cha Lý được thả sớm như vậy thì rất mừng là vì Cha đấu tranh cho chánh nghĩa. Người chánh thì thắng tà đạo. Họ thả thì rất là mừng, để có người nối tiếp đấu tranh cho tự do, dân chủ”.

Một cư dân khác cũng ở Miền Tây mô tả:

“Cha Lý được thả là điều vui lắm, tại vì sẽ có thêm một tiếng nói trên con đường đấu tranh. Vì khi cha Lý bị bắt rồi, thì phía bên tôn giáo của Cha Lý cũng như bị mất đi một người lãnh đạo tài ba, có khả năng nói lên tiếng nói dân chủ bên tôn giáo đó, đồng thời góp phần nói lên tiếng nói chung để đấu tranh cho tự do, dân chủ cho đất nước Việt Nam.

Cũng nhờ đồng bào ở hải ngoại phản đối, cũng như bênh vực, lên tiếng, tạo sức ép đối với nhà cầm quyền Việt Nam nên họ mới thả Cha Lý như vậy. Nếu không có sức ép, tiếng nói bên ngoài chắc Cha Lý không bao giờ được thả sớm như vậy đâu. Còn bên trong thì các nhà dân chủ vô cùng bức xúc, la lên dữ lắm, bằng mọi cách, mọi giá đưa lên tiếng nói của mình để phản đối việc làm sai trái của nhà cầm quyền Việt Nam ."

Linh mục Nguyễn Văn Lý tại Tòa Tổng Giám Mục Huế hôm 15-3-2010. Hình do thân nhân LM Lý gửi đến RFA.
Linh mục Nguyễn Văn Lý tại Tòa Tổng Giám Mục Huế hôm 15-3-2010. Hình do thân nhân LM Lý gửi đến RFA.

Theo nhận xét của nhà báo tự do Văn Lang từ Saigòn, thì lý do chính để LM Nguyễn Văn Lý được phóng thích là vì sức khỏe sa sút:

“Chuyện như vầy thì tôi nghĩ là do sức khỏe của Cha Lý yếu quá. Nếu giữ Cha Lý lâu thì họ cũng chẳng được ích lợi gì. Thứ nhất có thể như vậy. Thứ hai có thể là do áp lực của những người đòi Cha Lý được tự do sớm. Tôi nghĩ cũng có 2-3 vấn đế, nhưng tôi nghĩ vấn đề sức khỏe là quan trọng.

Tôi nghĩ ngoài sức khỏe ra thì không có vấn đề chính trị hay gì hết. Vì trong bối cảnh khó khăn như vậy, khi sức khỏe Cha Lý càng ngày càng yếu, mà nếu lỡ xảy ra chuyện gì thì cũng rất là kẹt. Thành ra nếu là người không ngoan thì cũng nên để cho cha được tự do sớm. Tại vì Cha cũng không gây ảnh hưởng gì quan trọng khi Cha ra bên ngoài”.

Bản án lạc hậu

Tin này chắc cũng có vấn đề gì đây. Chớ như không sao họ thả Cha Lý sớm vậy? Nhưng nếu Cha Lý được thả sớm như vậy thì rất mừng là vì Cha đấu tranh cho chánh nghĩa.

Nông dân ĐBSCL

Vài giờ sau khi được trả tự do, Cha Nguyễn Văn Lý khẳng định với Đài Á Châu Tự Do rằng Ngài là tù nhân lương tâm, không bao giờ chấp nhận án tù mà giới cầm quyền áp đặt, và phê phán luật pháp Việt Nam ngày nay còn lạc hậu hơn các chế độ thực dân, phong kiến cách đây cả trăm năm.

“Trước hết là như quý vị đã biết bản án kết án tôi nó không phù hợp với công luận quốc tế hiện nay và cũng không được văn minh, vì cách đây hơn 160 năm ông Karl Marx viết Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản và bộ Tư Bản Luận tại Luân Đôn thì ông vẫn được bình yên để viết, và giả như ông viết bản Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản rồi ông bị bắt thì làm sao lại có các đảng cộng sản tiếp theo được, nhưng bây giờ có những người Việt Nam làm việc tương tự như vậy thì bị bắt chứng tỏ rằng luật pháp Việt Nam hiện nay mà về lãnh vực đó thôi thì lạc hậu hơn thời ở Luân Đôn cách đây 160 năm.

Rồi nhóm Nguyễn Ái Quốc ở Pháp đầu thế kỷ 20 gồm Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, cụ Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh, sau này là Nguyễn Tất Thành nữa, ra báo Le Paria và viết nhiều tác phẩm khác ngay giữa thủ đô Paris, nhưng thực dân Pháp không bắt”.

Linh mục Nguyễn Văn Lý tại Tòa Tổng Giám Mục Huế hôm 15-3-2010. Hình do thân nhân LM Lý gửi đến RFA.
Linh mục Nguyễn Văn Lý tại Tòa Tổng Giám Mục Huế hôm 15-3-2010. Hình do thân nhân LM Lý gửi đến RFA.

Theo bà Maran Turner, Giám Đốc Freedom Now, một công ty luật trụ sở tại thủ đô Washington đóng vai trò luật sư quốc tế bênh vực cho LM Nguyễn Văn Lý, thì việc Cha Lý được phóng thích là điều vui mừng, nhưng, bà nhấn mạnh, Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức về nhân quyền. Nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục bỏ tù nhiều nhà dân chủ khác.

Lên tiếng mới đây với Đài Á Châu Tự Do nhân khi LM Nguyễn Văn Lý được rời khỏi nhà tù, Thượng tọa Thích Viên Lý, Tổng Thư Ký Văn Phòng 2 Viện Hóa Đạo, GHPGVN Thống Nhất tại Hoa Kỳ lưu ý:

"Trên thực tế của Việt Nam hiện nay, chúng ta cũng hiểu rằng nhà tù là một nơi giam nhỏ. Cả đất nước Việt Nam hiện nay là một ngục tù lớn...Thành thử ra ở một đất nước mà không có tự do, không có dân chủ, không có nhân quyền thì tất nhiên dù ở trong tù hay ở ngoài tù, chúng ta vẫn không có được sự an lạc".

Nhân lúc Cha Nguyễn Văn Lý được trả tự do, ông Scott Flipse, Ủy viên Ủy Hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế nhận xét qua cuộc phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do như sau:

"Việc trả tự do cho LM Lý là tin vui cho LM và gia đình, cũng như cho những người quan tâm đến sự an nguy của Ngài. Tuy nhiên, sự quan ngại về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam , nói chung, vẫn còn nguyên đó. Tình trạng đàn áp tôn giáo không phải chỉ xảy ra với Cha Lý, mà còn với nhiều tổ chức tôn giáo hoạt động độc lập tại Việt Nam ."

Theo dòng thời sự: