Việt Long, phóng viên đài RFA
Tin mới đây cho biết một ngân hàng có tiếng ở Việt Nam sẽ được cổ phần hoá, trong kế hoạch giải tư các xí nghiệp, công ty quốc doanh để Việt Nam đủ điều kiện gia nhập Tổ chức Mậu Dịch Thế Giới hầu đẩy mạnh tiến trình phát triển kinh tế. Chúng tôi đem vấn đề cổ phần hoá và chuyện gia nhập WTO thảo luận với ông Hoàng Thanh Phong, một chuyên viên kinh tế hiện đang làm việc cho 1 cơ quan trong nước.
![VietnamBanking150b.jpg](https://www.rfa.org/resizer/v2/Z52U72HSF74ORCJDWXH7I57GTA.jpg?auth=85460630abd92ac04bada1063a51cda424df5174594aefe0f3d3422decdb651c&width=800&height=1242)
Câu hỏi đầu tiên của Việt-Long là Việt Nam đã tiến hành việc cải cách kinh tế từ hơn 10 năm qua, và đã có nhiều công ty nhà nước bán cổ phần cho công chúng, nhưng chương trình cải cách kinh tế dường như không nhanh chóng như dự kiến; đề nghị ông trình bày những điểm chính của tiến trình cải cách này. Ông Hoàng TP trả lời:
Hoàng Thanh Phong: Trước tiên, tôi xin được điểm qua về sự phát triển của công ty cổ phần và thị trường chứng khoán Việt Nam:
Sau khi áp dụng các chính sách Đổi Mới từ 1986, thì trong năm năm sau đó kinh tế Việt Nam đã gia tăng trung bình hàng năm 5.2%. Mặc dù WB đã đến Việt Nam từ 1998 và bắt đầu chấp nhận cung cấp cố vấn kinh tế từ 1989, nhưng WB chưa cung cấp viện trợ tài chính cho đến khi nào mà họ thấy Việt Nam đi vào cải cách kinh tế thực sự, có nghĩa là phải tái cấu trúc khu vực kinh tế quốc doanh.
Đến 1992, trước các cam kết sẽ có trợ giúp của cộng đồng quốc tế, do Ngân hàng Thế giới dẫn đầu, thì Thủ tướng Việt Nam lúc đó là ông Võ Văn Kiệt đã bắt đầu tiến hành cải tổ kinh tế Việt Nam sâu rộng hơn nữa bằng việc bắt đầu một chương trình cải cách doanh nghiệp dài hạn trong đó các doanh nghiệp nhà nước sẽ bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Việt Long: Đây có phải là chương trình mà trong nước gọi là cổ phần hoá không?
Chính phủ Việt Nam đã không mạnh dạn cho phép các doanh nghiệp được bán cổ phần để tìm thêm các nguồn vốn hay tái cấu trúc hoạt động sản suất vốn đã rất yếu kém của họ - vì họ lo ngại chương trình sẽ làm khu vực doanh nghiệp nhà nước tan rã nhanh chóng.
Hoàng Thanh Phong: Vâng, theo tên Chính phủ gọi chính thức thì là chương trình Cải cách và Phát triển Doanh nghiệp Nhà nước – theo tên gọi của một Ban trong Văn phòng của Thủ tướng Chính phủ, còn tên dùng thông thường thì là chương trình cổ phần hóa, và nó đã được thực hiện rất chậm vì thiếu một quyết tâm chính trị rõ ràng:
Chính phủ Việt Nam đã không mạnh dạn cho phép các doanh nghiệp được bán cổ phần để tìm thêm các nguồn vốn hay tái cấu trúc hoạt động sản suất vốn đã rất yếu kém của họ - vì họ lo ngại chương trình sẽ làm khu vực doanh nghiệp nhà nước tan rã nhanh chóng. Cho nên trong giai đọan 1992-1996, chỉ có 5 doanh nghiệp đã bán cổ phiếu với tổng trị giá không đến 2 triệu đô la.
Việt Long: Như vậy thì chương trình đã được đẩy nhanh lên vào lúc nào, và lý do tại sao?
Hoàng Thanh Phong: Do sự thúc giục của cộng đồng quốc tế, tháng 11/1996 Việt Nam đã thành lập Ủy Ban Chứng Khoán Nhà nước và chỉ từ đó thì chương trình cổ phần hoá mới được tăng tốc. Cho đến khi Việt Nam mở cửa Thị trường Chứng khoán ở thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 7/2000 thì Việt Nam đã có khoảng 500 công ty cổ phần hóa.
Từ đó đến nay, thì chính phủ Việt Nam đã cho phép khoảng 2,500 công ty cổ phần hóa, nhưng mới chỉ có 30 công ty có cổ phiếu được giao dịch trên thị trường chứng khoán ở thành phố Hồ Chí Minh, với tổng trị giá thị trường vào khoảng 5 nghìn tỷ, hay 315 triệu đô, trong đó có khoảng 15% hay 47 triệu đô la là thuộc quyền nhà nước sở hữu và 20% hay 63 triệu do người nước ngoài nắm.
Nhân đây thì cũng xin nói là năm 1993 thì các nhà tài trợ quốc tế mới chỉ cung cấp cho Việt Nam 220 triệu đô và với tiến độ cải cách kinh tế ngày càng gia tăng của đất nước, thì dòng viện trợ cho vay phát triển cũng đã tăng lên tới 1.6 tỉ đô vào năm ngoái 2004.
Có thể nói là sau 15 năm tiến hành chương trình cổ phần hoá, thì nay chính phủ Việt Nam đã thấy rõ là đây là một chương trình rất có lợi cho sự phát triển của kinh tế. Các số liệu thống kê của nhà nước cho thấy hơn 70% các công ty cổ phần hoá, mà phần lớn trước đây đều rất khó khăn và thua lỗ, nay đã làm ăn có lãi và mở rộng sản xuất kinh doanh, đóng góp của họ cho ngân sách thông qua các khỏan thuế đều tăng từ 20% đến 60%.
Việt Long: Như vậy, với việc thu được thêm thuế và tạo ra nhiều việc làm mới từ các công ty đã cổ phần hoá, phải chăng chính phủ Việt Nam đã hài lòng với tiến trình này?
Hoàng Thanh Phong: Mặc dù có các mặt tích cực được thấy rõ, tuy nhiên chương trình cổ phần hoá vẫn tiến bước khá chậm chạp, và cho đến nay thì tổng trị giá của các công ty đã cổ phần hoá mới chỉ chiếm khoảng 12% của tổng trị giá các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu.
Chính phủ Việt Nam không công bố các con số giá trị cụ thể này, nhưng các chuyên viên làm việc cho chính phủ ước tính các doanh nghiệp nhà nước có giá trị tổng cộng khỏang $20 tỉ đô theo giá thị trường hiện nay, trong đó số nợ xấu cũng rất cao, tùy theo tiêu chuẩn đánh giá của Việt Nam hay quốc tế.
Bạn nghĩ gì về nhận xét này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Việt Long: Tại sao lại chậm như vậy?
Hoàng Thanh Phong: Thưa ông, lý do của sự chậm chạp là vì chính phủ Việt Nam vẫn thiếu một quyết tâm chính trị trong việc cho phép khu vực doanh nghiệp được thực sự tự chủ trong kinh doanh sản xuất.
Thực tế là cơ cấu chính trị ở Việt Nam hiện vẫn dựa trên nguyên tắc Nhà nước ra kế họach, và chính phủ Việt Nam đã tuyên bố là sau khi chương trình cổ phần hoá được hoàn thành cơ bản trong 2006, thì nhà nước vẫn sẽ giữ lại khoảng 2,800 doanh nghiệp quan trọng, trong đó các tổng công ty có chức năng độc quyền như hãng Hàng Không Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực hay Tổng công ty Bưu chính Viễn thông. Đây qủa là một con số giảm rất đáng kể so với hơn 12 ngàn 500 doanh nghiệp nhà nuớc khi họ bắt đầu chương trình cải tổ năm 1992.
Thưa quý thính giả. Nhà nước Việt Nam chủ trương thế nào khi cứ giữ độc quyền như vậy, vì sao các địa phương và ngay cấp thấp ở Trung ương cứ kháng lại chỉ thị của chính phủ để làm trì trệ công cuộc đổi mới, và kế hoạch giải tư ngân hàng có tác động ra sao cho hình ảnh nền kinh tế Việt Nam? Đó là những vấn đề sẽ được Việt-Long nêu ra với ông Hoàng Thanh Phong trong cuộc trao đổi kỳ tới. Mong quý vị đón nghe.
Những bài trước đây:
- Vấn đề cải tổ ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam (II)
- Vấn đề cải tổ ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam (III)