Nghịch lý phát triển nông thôn Việt Nam

0:00 / 0:00

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Khu vực nông nghiệp nông thôn đóng góp 20% GDP tổng sản phẩm nội địa của Việt Nam, nhưng tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp trong khu vực này thấp nhất cả nước. Đây là một nghịch lý trong thực tế phát triển nông nghiệp nông thôn ở Việt Nam, và là đề tài đọc báo trên mạng tuần này.

EconomyFarmer200.jpg
Với hơn 70% dân số sống bằng nghề nông, Việt Nam vẫn chưa đầu tư đúng mức để phát triển nông thôn. AFP PHOTO.

Sự ì ạch của các doanh nghiệp

VnEconomy Báo Điện Tử Thời Báo Kinh Tế Việt Nam ngày 18/10 đưa ra những số liệu đáng chú ý, theo đó khối doanh nghiệp nông nghiệp nông thôn ở Việt Nam có qui mô huy động vốn đạt gần 30 tỷ đô la, sử dụng non 3 triệu lao động, tạo 49% việc làm phi nông nghiệp ở nông thôn tương đương khoảng một phần tư tổng lao động cả nước.

Bài viết của tờ báo mô tả điều gọi là sự ì ạch của doanh nghiệp nông nghiệp, những vấn đề được các chuyên gia thảo luận trong cuộc hội thảo ‘Nâng cao năng lực doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản giữa các thành viên APEC’ tổ chức trong hai ngày 16 và 17/10 ở Hà Nội.

Theo sự tường thuật của Vn Economy, trên 90% các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt nam hiện đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với qui mô lao động bình quân từ 10 tới 200 lao động mỗi doanh nghiệp. tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp loaị vừa nói chỉ đạt khoảng 2% mỗi năm so với mức 20 tới 25% mỗi năm của doanh nghiệp bình quân chung của cả nước.

Theo sự phân tích tính toán thì cứ 57 ngàn ngừơi dân sống ở khu vực nông thôn mới có một doanh nghiệp nông nghiệp, trong khi trên cả nứơc cứ trên 700 người đã có một doanh nghiệp. Hạn chế lớn nhất ảnh hưởng đến việc phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ và vừa là thiếu các cơ hội đầu tư, kinh doanh, môi trường đầu tư, chính sách ưu đãi hầu như không có hoặc rất khó triển khai áp dụng.

Đối với thực tế các doanh nghiệp hoạt động trong lãnh vực nông nghiệp có tốc độ phát triển quá thấp. Chúng tôi trích lời TS Đặng Kim Sơn, Viện Trưởng Viện Chính Sách và Chiến Lược Phát Triển Nông Nghiệp Nông Thôn trong dịp ông trả lời Nam Nguyên:

“Nói chung trong nông thôn, doanh nghiệp phát triển tương đối chậm, vốn đầu tư của các doanh nghiệp ít. Trong khi nông dân phát triển tốt thì các doanh nghiệp lại phát triển không được mạnh. Tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp loại này là thấp và mức độ rủi ro cũng tương đối là cao. Bản thân ngành nông nghiệp là đã có nhiều rủi ro, thiên tai dịch bệnh rồi thị trường.

Cơ sở hạ tầng ở nông thôn rất kém, điểm xuất phát kém. Các dịch vụ ở nông thôn đều khó khăn và đắt hơn ở thành phố như điện nứơc và vốn đầu tư đều gặp khó khăn hơn. Đó là lý do khiến cho doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn là ít và vì thế tỷ lệ tăng trưởng của nó là không cao.

Một điểm nữa là cơ sở hạ tầng ở nông thôn rất kém, điểm xuất phát kém. Các dịch vụ ở nông thôn đều khó khăn và đắt hơn ở thành phố như điện nứơc và vốn đầu tư đều gặp khó khăn hơn. Đó là lý do khiến cho doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn là ít và vì thế tỷ lệ tăng trưởng của nó là không cao.”

Đầu tư chưa đúng mức

Một sự kiện được các chuyên gia nhìn nhận là hơn phân nửa số doanh nghiệp thuộc riêng lãnh vực nông lâm nghiệp của Việt Nam có vốn dưới 10 tỷ đồng, con số quá nhỏ bé so với doanh nghiệp các nứơc trên thế giới và so với nhu cầu thực tế.

Thêm nữa, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nông thôn lại đang sử dụng những công nghệ, hệ thống máy móc thiết bị cũ kỹ lạc hậu. Tỷ lệ đổi mới trang thiết bị hàng năm chỉ đạt từ 5 tới 7% so với mức chung của thế giới là 20%.

Vẫn theo VnEconomy, Ông Trần Thế Xường phó trưởng ban đổi mới và quản lý doanh nghiệp Bộ NN&PTNT nhận định rằng, hiện nay nhà xưởng chế biến và kho tàng cất giữ nông sản của các doanh nghiệp vừa và nhỏ chế biến nông, lâm sản của Việt nam còn sơ sài và tạm bợ, số nhà xưởng kiên cố chỉ chiếm 30%.

Hầu hết doanh nghiệp vẫn áp dụng các công nghệ cũ, tỷ lệ cơ giới chỉ chiếm trên 10%, số còn lại là sửu dụng các trang thiết bị thủ công bán cơ giới. Hầu như không có một doanh nghiệp nào áp dụng các trang thiết bị tự động hoá.

Trả lời chúng tôi, TS Lê Văn Bảnh Viện Trưởng Viện Lúa Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long đề cập tới nhu cầu và ích lợi của vấn đề cơ giới hoá nông nghiệp nông thôn:

FloodFarmer200.jpg
Nông thôn Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi cảnh nghèo nàn, lạc hậu. AFP PHOTO.

“Cơ giới hoá nông nghiệp phát triển nhưng chậm Tiến độ sẽ dần dần, tôi hy vọng chừng 5 năm nữa thì cơ giới hoá ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long mới có thể mạnh.”

Giải pháp phát triển nông thôn?

Sau khi mô tả rõ nét về điều gọi là sự ì ạch của doanh nghiệp nông nghiệp nông thôn, Vn Economy đặt ra câu hỏi là cần ‘cú hích’ nào cho doanh nghiệp nông thôn nhỏ và vừa. Tờ báo ghi nhận ý kiến chuyên gia cho rằng để thu hút các nhà đầu tư, những yêu cầu được đặt ra ngày càng bức thiết, đó là đào tạo nguồn lực, ban hành các chính sách hỗ trợ ưu đãi để giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư nông nghiệp.

Theo Vn Economy, TS Đặng Kim Sơn phát biểu tại cuộc hội thảo ở Hà Nội với nhận định rằng: vai trò chính quyền địa phương trong hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn đang trở nên rất quan trọng. Bởi đây chính là nơi triển khai tất cả những chính sách về đào tạo nguồn lực, thực hiện chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, đào tạo nhân lực cũng như hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp.

Cần tạo việc làm cho cả nông nghiệp và phi nông nghiệp, có thể là ly nông bất ly hương, ngừơi ta không làm nông nữa nhưng không phải đi lên thành phố để kiếm việc. Mà ngay tại nông thôn có các nhà máy sơ chế để bà con nông dân có việc làm.

Cùng về vấn đề này TS Đặng kim Sơn nói với chúng tôi: "Về dài hạn thì doanh nghiệp ở trong nông nghiệp nông thôn, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng một vai trò hết sức quan trọng. Bởi vì hiện nay phần lớn lao động của VN vẫn nằm ở nông nghiệp và gần 80% dân cư VN sống trong vùng nông thôn. Tạo việc làm và thu nhập cho nông dân, cho lao động nông thôn là hết sức quan trọng, mà có lẽ qua phát triển các doanh nghiệp ở lãnh vực này thì mới có thể giải quyết được. Đó là lý do vì sao nhà nứơc VN và quốc tế đều hết sức hỗ trợ để phát triển các doanh nghiệp ở trong lãnh vực này."

Mặt khác, VnEconomy trích nhận định của Thứ trưởng NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần, theo đó cơ hội kinh doanh đối với các doanh nghiệp nông lâm, thuỷ sản từ nay đến cuối năm và trong năm 2008 rất thuận lợi vì giá cả và nhu cầu sử dụng nông sản trên thế giới đều có xu hứơng tăng lên. Điều này thể hiện rất rõ ở các sản phẩm nông sản chiến lược của Việt Nam như gạo, cà phê, cao su, hạt điều hạt tiêu và thuỷ hải sản.

Trước đó ngày 11/10 cũng trên VnEconomy, thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần nhìn nhận khó khăn lớn nhất và cơ bản nhất của nông nghiệp VN là sản xuất phân tán, qui mô nhỏ, bình quân mỗi hộ chỉ được khoảng 0,7 hectare đất canh tác, lại chia thành nhiều mảnh khác nhau, khiến cho khó tích tụ ruộng đất để sản xuất tập trung. Vấn đề lao động và việc làm cho lao động nông thôn là bức xúc rất khó tháo gỡ.

Trả lời chúng tôi TS Lê Văn Bảnh ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long đưa ra nhận định: "Cần tạo việc làm cho cả nông nghiệp và phi nông nghiệp, có thể là ly nông bất ly hương, ngừơi ta không làm nông nữa nhưng không phải đi lên thành phố để kiếm việc. Mà ngay tại nông thôn có các nhà máy sơ chế để bà con nông dân có việc làm."

Theo thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần 70% dân số Việt Nam sống dựa vào nông nghiệp, hàng năm đóng góp 20% GDP toàn quốc, nhưng đầu tư cho nông nghiệp chỉ khoảng 10% tổng vốn đầu tư của Nhà nứơc và 80% số đó lại tập trung vào thuỷ lợi.

Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần nói rằng chính sách về tam nông nông nghiệp-nông thôn-nông dân là vô cùng cần thiết. Đã đến lúc Việt Nam phải quan tâm đặc biệt đến tam nông về tất cả các mặt đào tạo, nâng cao nguôn nhân lực, xây dựng nông thôn mới và đặc biệt phải giảm dần sự cách biệt quá lớn quá bất bình đẳng hiện nay giữa nông thôn với thành thị, tạo ra một thiết chế pháp lý và trách nhiệm của toàn bộ cộng đồng đối với nông thôn.