Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Quốc hội Việt Nam bắt đầu thể hiện khuynh hướng xem xét lại bản hiến pháp hiện hành. Nhiều vị đại biểu đặt vấn đề về việc thực thi quyền cơ bản của công dân, trong đó có vấn đề trưng cầu dân ý và biểu tình. Đây là đề tài chúng tôi đọc báo trên mạng tuần này.
![VotePartyCongress150.jpg](https://www.rfa.org/resizer/v2/D64TFLOREVNHCMZWTN3ASJMS7M.jpg?auth=7df0e09429a6be2ffc874db7415593b5910b5ac3234b243fbe77afc791e4a154&width=400&height=658)
Ngày khai mạc phiên họp thứ ba của Uỷ Ban Thường Vụ Quốc Hội sáng 11/10 trở nên sôi nổi với những ý kiến mà có lẽ vài năm trước đây ít ai dám đặt vấn đề. Đó là phải xây dựng những luật cụ thể liên quan đến một số quyền cơ bản của công dân đã được qui định trong hiến pháp.
Tuổi Trẻ Online bản tin trên mạng ngày 12/10/2007 tường thuật rằng, ông Phạm Quốc Anh Chủ Tịch Hội Luật Gia Việt Nam kiến nghị cần xây dựng Luật Trưng Cầu Dân ý và Luật về Biểu Tình. Theo quan điểm của nhân vật đứng đầu Hội Luật Gia Việt Nam thì đây là những vấn đề cơ bản đã được qui định từ Hiến Pháp 1946 nhưng trong nửa thế kỷ qua đã chưa hề được luật hoá.
Ông Phạm Quốc Anh nhấn mạnh rằng, trưng cầu dân ý thể hiện sự tôn trọng của Nhà nứơc đối với vai trò của nhân dân nhưng hiện nay không ai rõ là người dân được quyết định những vấn đề gì. Ông Anh đặt vấn đề rằng, Việt Nam ngại không làm trong khi Thuỵ Sĩ đã thực hiện trưng cầu dân ý từ 100 năm nay.
Ông Anh đưa đề nghị theo đó để đảm bảo không vượt quá giới hạn kiểm soát, các vấn đề đưa ra trưng cầu sẽ được Uỷ Ban Thường Vụ quyết định và có thể chỉ trưng cầu tại một số khu vực.
Chúng tôi xin minh hoạ vấn đề trưng cầu dân ý qua giải thích của ông Nguyễn Văn Canh, tiến sĩ công pháp quốc tế ở California trong dịp ông trả lời phóng viên Nhã Trân:
“ Các quốc gia dân chủ có tổ chức trưng cầu dân ý, hay nói khác đi là để lấy ý kiến chung của toàn dân, về một vấn đề hệ trọng của quốc gia. Dù rằng đã có hiến pháp, lập pháp và cơ quan hành pháp nhưng khi có một việc hệ trọng vượt quá quyền hạn của quốc hội, của chính phủ thì chính quyền không dám quyết định mà phải thỉnh cầu dân chúng phát biểu ý kiến để quyết định.”
Các quốc gia dân chủ có tổ chức trưng cầu dân ý, hay nói khác đi là để lấy ý kiến chung của toàn dân, về một vấn đề hệ trọng của quốc gia. Dù rằng đã có hiến pháp, lập pháp và cơ quan hành pháp nhưng khi có một việc hệ trọng vượt quá quyền hạn của quốc hội, của chính phủ thì chính quyền không dám quyết định mà phải thỉnh cầu dân chúng phát biểu ý kiến để quyết định.
Đối với quyền biểu tình, Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh khẳng định rằng, thực tế tại Việt Nam đã có biểu tình dưới dạng khiếu kiện đông người tại một số nơi như TP.HCM vừa qua.
Chúng tôi xin trích âm thanh cuộc biểu tình dưới dạng khiếu kiện đông người ngày 8 tháng 10 vừa qua ở Saigon.
Trở lại phịên họp ngày 11/10 của Uỷ Ban Thường Vụ Quốc Hội ở Hà Nội, Ông Phạm Quốc Anh cho rằng một khi những vấn đề bức xúc của dân không còn là đơn lẻ thì cần có luật để xử lý.
Vẫn theo Tuổi Trẻ Online, vấn đề sửa đổi hiến pháp cũng tiếp tục được các đại biểu kiến nghị đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của quốc hội nhiệm kỳ hiện hành nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tiễn cuộc sống.
Xem xét lại bản Hiến pháp hiện hành
Về xu hướng xem xét lại bản Hiến pháp hiện hành, LS Trần Vũ Hải thuộc Đoàn luật sư Hà Nội trong dịp trả lời chúng tôi đã phát biểu:
“Xem lại bản hiến pháp mà chủ tịch Hồ Chí Minh ký và thông qua tháng 11/1946. Có thể quay lại bản hiến pháp đó hay không cũng là một câu chuyện. Tôi nghĩ hiện nay ít nhất thì những chuyện như vậy đã được thảo luận công khai tại các hội nghị hội thảo khoa học. Đương nhiên nó có trở thành một đường lối hay không thì hoàn toàn tuỳ thuộc vào ban chấp hành đảng cộng sản Việt Nam.”
Theo bài tường thuật của Vietnam Net, trưa ngày 11/10 tại phiên họp thứ 3 của Uỷ Ban Thường Vụ Quốc Hội, Phó chủ tịch quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định là Quốc Hội khoá 12 sẽ không xem xét sửa đổi Hiến Pháp. Theo đó sửa hiến pháp là một vấn đề hệ trọng, liên quan tới nhiều vấn đề của đời sống chính trị, kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng.
Vì thế cần tổ chức việc nghiên cứu, tổng kết việc thực hiện các chế định của Hiến Pháp và chờ Đại hội Đảng toàn quốc sửa đổi cương lĩnh. Ông Uông Chu Lưu nhấn mạnh rằng, nếu bây giờ quốc hội sửa hiến pháp, sau này Đảng sửa cương lĩnh, lại đặt vấn đề sửa hiến pháp nữa thì rất phức tạp.
![DanOanPolice200.jpg](https://www.rfa.org/resizer/v2/SXKAT3LIMTNQ5PY3R4BIHZCDTE.jpg?auth=77576b71e1a55ce5dd9c3f4a4bd90e36d77661cc1e1ef36cf7118c2a2f271010&width=400&height=300)
Bài tường thuật của Vietnam Net cho thấy quốc hội Việt Nam đang lâm vào thế bối rối, không sửa hiến pháp thì không sửa đổi được cơ bản một số luật. Chủ nhiệm Uỷ ban quốc phòng an ninh Lê Quang Bình đề nghị Bộ Chính trị nghiên cứu sửa Hiến Pháp, nếu đặt vấn đề tiếp tục sửa Luật Tổ Chức Quốc Hội, Luật Tổ Chức Chính Phủ, Toà Án, Viện Kiểm Sát và Chính Quyền địa phương. Ông Bình nhấn mạnh nếu không sửa hiến pháp thì nhiều vấn đề không sửa đổi được cơ bản, động vào qui định gì đều vứơng hiến pháp.
Theo Vietnam Net Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ Nhiệm Uỷ Ban Pháp Luật nói rõ, chủ trương sửa đổi hiến pháp là của Ban chấp hành Trung Ương Đảng, quốc hội bàn ngay khoá này là không ổn.
Trưởng ban dân nguyện Trần Thế Vượng phát biểu rằng, không thể cải cách tư pháp nếu không tu chính hiến pháp. Theo ông Vượng, cải cách tư pháp phải gồm 3 vấn đề: Thành lập toà án khu vực, thành lập viện công tố và tranh tụng tại toà.
Các nội dung này không sửa được nếu không sửa Hiến pháp. Theo lời ông Vượng, nếu để thể chế hoá những đường lối của Đảng về cải cách tư pháp thì cần nói rằng, nếu không sửa Hiến pháp thì không thể thể chế hoá những đạo luật này được.
Ông trưởng ban dân nguyện kiến nghị chưa nên sửa các luật tổ chức toà án, viện kiểm sát cũng như các bộ luật tố tụng trong nhiệm kỳ quốc hội này, vì theo ông nó không giải quyết những vấn đề cơ bản và chưa thể chế hoá được cải cách tư pháp.
Theo Vietnam Net ông Vượng tha thiết làm rõ vấn đề, nếu không sẽ vô cùng lãng phí, bởi nếu nhiệm kỳ này sửa các luật vừa nói, rồi đến Đại hội Đảng đồng ý sửa Hiến pháp thì nhiệm kỳ sau lại phải sửa tiếp các luật tổ chức để thể chế hoá cải cách tư pháp.
Thưa quí thính giả, qua tường thuật các báo về phiên họp ngày 11/10 của Uỷ Ban Thường Vụ Quốc Hội ở Hà Nội, có thể hiểu rằng tiến trình cải cách ở Việt Nam sẽ vẫn là những bước đi chậm chạp. Chủ trương cải cách nhiều hay ít nhanh hay chậm hoàn toàn tuỳ thuộc vào Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam.