Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Sự kiện rác thải được nhập ồ ạt vào Việt Nam, việc ngăn chặn hành động này để bảo vệ môi trường cũng ảnh hưởng luôn việc nhập khẩu phế liệu của ngành Thép. Đây là đề tài chúng tôi đọc báo trên mạng tuần này cùng quí thính giả.
Trong bài viết đưa lên mạng ngày 12/12/2007, Thời Báo Kinh Tế Việt Nam dựa vào số liệu của Cục Cảnh Sát Môi Trường C36 cho biết, trong vòng 5 năm trở lại đây các doanh nghiệp đã đưa vào Việt Nam hơn 3.500 container rác thải qua các hình thức nhập khẩu, chuyển khẩu hoặc tạm nhập tái xuất.
Điểm đáng lưu ý trong số này có hơn 2.000 container nhập về cảng Hải Phòng với khối lượng khoảng hơn 40.000 tấn ắc quy chì phế thải. Tờ báo nhấn mạnh đây là những mặt hàng đã được qui định kiểm soát kỹ lưỡng bởi công ước Basel, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong quá trình vận chuyển tái chế.
Trả lời Nam Nguyên, Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt chuyên gia môi trường ở TP.HCM giải thích:
“ Theo luật bảo vệ môi trường của Việt Nam, hiện nay không cho phép nhập rác tức là chất thải. Còn về phế liệu, thì một số loại được nhập như phế liệu giấy, kim loại và cả phế liệu nhựa nữa. Nhưng mỗi loại phế liệu đều có qui định tiêu chuẩn để được phép nhập khẩu chứ không phải cứ phế liệu là được nhập.
Thí dụ phế liệu sắt thép thì không được lẫn dầu mỡ và tạp chất khác. Còn phế liệu nhựa thì cho phép nhập những chai nhựa đựng nước khoáng, mà không cho phép chai nhựa đựng những thứ nước khác như Coca Cola, hoặc chai nhựa đựng dầu hay dính những chất bẩn khác. Phế liệu giấy thì tiêu chuẩn nhập là giấy đó không được dính lẫn chất thải đô thị hay lẫn một số thực phẩm.”
Phế liệu sạch
Theo luật bảo vệ môi trường của Việt Nam, hiện nay không cho phép nhập rác tức là chất thải. Còn về phế liệu, thì một số loại được nhập như phế liệu giấy, kim loại và cả phế liệu nhựa nữa. Nhưng mỗi loại phế liệu đều có qui định tiêu chuẩn để được phép nhập khẩu chứ không phải cứ phế liệu là được nhập.
Theo lời ông Việt, phế liệu nếu được nhập phải là phế liệu sạch. Đối với thông tin báo chí cho rằng các cơ quan chức năng chưa thống nhất với nhau về cách đánh giá thế nào là phế liệu sạch, Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt xác định:
“ Không phải vậy, vấn đề nhập phế liệu của Việt Nam rất nghiêm ngặt, nói chung nghiêm ngặt hơn nhiều nước khác. Thí dụ túi nhựa đã qua sử dụng là không được phép nhập, chỉ được nhập phế liệu tức là những túi bị loại ra trong quá trình sản xuất vì không đạt tiêu chuẩn. Chẳng qua những người ứng dụng họ muốn hiểu lộn thôi, chứ qui định của Việt Nam rất rõ ràng và nghiêm ngặt.”
Theo Thời Báo Kinh Tế Việt Nam, vi phạm luật bảo vệ môi trường, nhập khẩu phế liệu, rác thải nguy hại bằng nhiều con đường khác nhau, đang diễn ra từng ngày từng giờ một cách tinh vi, với số lượng báo động, những thương vụ bị phát hiện bắt giữ cũng không hề giảm.
Tờ báo trích lời ông Nguyễn Văn Tài giới chức Bộ Tài Nguyên Môi Trường cho rằng, nguyên nhân chính là sự hám lợi bất chấp pháp luật của các doanh nghiệp nhập khẩu. Lợi nhuận từ rác thải đã làm các doanh nghiệp mờ mắt. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu hụt và giá nguyên liệu tăng cao, nên doanh nghiệp tìm mọi cách nhập khẩu và sử dụng nguồn nguyên liệu phế thải với giá rẻ.
Theo lời ông Tài, thủ đoạn thường thấy của doanh nghiệp là khai báo hàng hoá không đúng nội dung, hoặc khai phế liệu nhập khẩu nằm trong danh mục hàng hoá được phép nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất, nhưng trên thực tế toàn là rác thải nguy hại.
Nhiều lô hàng nhập về đã bị bắt giữ, danh mục ghi nhập vỏ chai nhựa PET đựng nước khoáng đã qua sử dụng, nhưng mở container kiểm hoá lại toàn là túi nhựa, sợi hoá học dơ bẩn thu gom từ các bãi rác, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Vẫn theo Thời Báo Kinh Tế Việt Nam, không chỉ khai gian bán lận, các doanh nghiệp nhập khẩu rác còn móc nối, giả mạo giấy tờ để che mắt các cơ quan chức năng.
Hiểm hoạ môi trường được báo động do hàng loạt thương vụ nhập khẩu rác thải độc hại vào Việt Nam bị cơ quan chức năng phát hiện. Tuy vậy, theo Vietnam Net đã có sự tranh cãi khi gần 200 container với gần 6.700 tấn phế liệu sắt thép dưới dạng vỏ lon đồ hộp được ép thành bành, thành khối, đã bị lưu giữ tại cảng Saigon và Hải Phòng không cho thông quan từ tháng 9/2007 cho tới nay.
Các lô hàng lon đồ hộp phế thải ép khối vừa nói trị giá tới 2 triệu 500 ngàn đô la, chưa kể chi phí gia tăng do tiền lời ngân hàng và phí lưu kho kéo dài. Điểm đáng ghi nhận là hơn 1.400 tấn vỏ lon đồ hộp ép thành khối bị giữ lại cảng Saigon, công ty nhập khẩu có chứng thư giám định phù hợp các yêu cầu về môi trường có thể đưa vào nấu luyện cán thép.
Chúng tôi đã phối kiểm thông tin này với ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp Hội Thép Việt Nam, từ Hà Nội ông cho biết:
Chúng tôi xác định và đề nghị làm rõ ra rằng đó là nguyên liệu chứ không phải rác thải. Bởi vì điều 43 của Luật Môi Trường có qui định là, thép phế liệu nhập khẩu phải được phân loại và làm sạch. Thế nhưng người ta hiểu cái ‘ làm sạch’ rất máy móc, cho nên cách hiểu khác nhau ở chổ này.
“ Hiệp Hội chúng tôi thay mặt các doanh nghiệp cố gắng giải quyết vấn đề này. Chúng tôi đã có công văn gởi lên các bộ ngành, thậm chí văn phòng chính phủ và gần đây là văn thư gởi thủ tướng chính phủ, đề nghị là phải giải quyết sớm cho những container đang bị tồn đọng, nếu để lâu là làm thiệt hại doanh nghiệp trong nước. Bước tiếp theo sau đó, về mặt luật pháp chúng tôi sẽ đề nghị chính phủ giao cho các Bộ chủ trì để làm rõ những điều trong Luật Bảo Vệ Môi Trường, theo đó điều 42 và 43 làm cho các cơ quan quản lý của Nhà nước có những cách hiểu khác nhau cho nên đã gây khó khăn cho doanh nghiệp.”
Tiêu cực
Đáp câu hỏi của Nam Nguyên về nghi vấn: có thể có tiêu cực của các cơ quan chức trách dẫn tới sự ách tắc hàng trăm container vỏ lon đồ hộp ép bành vì đã có nhiều lô hàng trong thời điểm khác được thông quan, ông Nguyễn Tiến Nghi phát biểu:
“ Chúng tôi xác định và đề nghị làm rõ ra rằng đó là nguyên liệu chứ không phải rác thải. Bởi vì điều 43 của Luật Môi Trường có qui định là, thép phế liệu nhập khẩu phải được phân loại và làm sạch. Thế nhưng người ta hiểu cái ‘ làm sạch’ rất máy móc, cho nên cách hiểu khác nhau ở chổ này.
Thí dụ Vina Control đến kiểm tra có kết luận là không có ảnh hưởng gì vì không có hoá chất độc hại không có phóng xạ thì có thể cho nhập đưa về làm nguyên liệu sản xuất. Thế nhưng những "anh kia" lại nói là cái này chưa được làm sạch, vậy thì khái niệm làm sạch là thế nào thì là vấn đề sau này cần phải làm rõ."
Đó là quan điểm của Hiệp Hội Thép Việt Nam, còn đối với các chuyên gia môi trường họ giải thích luật bảo vệ môi trường như thế nào trong vấn đề nhập vỏ lon đồ hộp đóng khối. Từ TP.HCM Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt một nhà khoa học về môi trường đã trả lời chúng tôi với tư cách cá nhân:
“ Người ta không cho phép, vì vỏ lon đồ hộp anh không thể nào rửa phía trong được, theo qui định doanh nghiệp thép không được phép nhập để sử dụng. Thép ô tô có thể được nhưng không được lẫn vào với động cơ nhiễm dầu và các thứ linh tinh khác. Ví dụ những đồ khác trong ô tô mà được ép theo kiểu châu Âu thì không được nhập về, muốn nhập thì phải rã xe ô tô ra, phân loại sắt thép và chỉ đóng bành phần sắt thép thôi. Còn vỏ lon đồ hộp thì không được nhập, luật rất rõ ràng.”
Thưa quí thính giả quả là có tình trạng cơ quan quản lý Nhà nước mỗi địa phương mỗi thời điểm có cách hiểu và giải thích luật bảo vệ môi trường rất khác nhau. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam đã có Luật Bảo Vệ Môi Trường chặt chẽ và nghiêm ngặt hơn nhiều quốc gia khác, thí dụ như TQ và Malaysia các nước vừa nói thoáng hơn Việt Nam ở chỗ cho phép nhập khẩu phế liệu thép dưới dạng vỏ lon đồ hộp ép thành khối và không đặt vấn đề những vỏ lon đó trước khi ép bành phải được rửa sạch bên trong lon.
Thưa quí thính giả nếu các ngành Cảnh Sát Môi Trường, Hải Quan, Tài Nguyên Môi Trường ráo riết làm tốt chức trách của mình, tương tự như việc họ nhất quyết không cho thông quan 200 container vỏ lon đồ hộp đóng khối, thì có lẽ Việt Nam sẽ không phải lo nguy cơ trở thành bãi rác chung của thế giới.