Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Diễn đàn cơ hội đầu tư chuẩn bị giai đoạn Việt Nam tham gia Tổ Chức Thương Mại Thế Giới đem tới nhiều hy vọng… Đại sứ Hoa Kỳ Michael Marine trả lời nhiều câu hỏi khúc mắc của báo chí Việt Nam. Đây là các đề tài chính trong mục đọc báo mạng, bên cạnh câu chuyện Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đi dự toạ đàm về chống tham nhũng tại Bangkok.
Thanh Niên online, và Vietnam Net có bài tường thuật về quan hệ Việt Mỹ, quá trình đổi mới và triển vọng Việt Nam vào WTO dưới nhãn quan của đại sứ Hoa Kỳ Michael Marine, nhân dịp ông gặp gỡ báo chí Việt Nam vào chiều ngày 16/3 tại Hà Nội.
Cần quan tâm đến quá trình tự do hoá chính trị
Tờ Thanh Niên đưa lên dẫn nhập bài báo nhận định của đại sứ Michael Marine rằng tương lai của Việt Nam rất tươi sáng. Tuy nhiên, đại sứ Hoa Kỳ đã nói là, bên cạnh việc cải thiện đời sống của người dân, thì sự quan tâm đến quá trình tự do hoá chính trị và dân chủ có vẻ ít hơn so với quá trình kinh tế.
Ông Michael Marine đã nhận xét như vậy khi được hỏi sẽ trả lời thế nào, nếu chính ông được các nhà hoạch định chính sách, hoặc các nhà lập pháp Hoa Kỳ tham vấn về việc cấp Qui Chế Quan Hệ Thương Mại Bình Thường Vĩnh Viễn cho Việt Nam. Câu trả lời khôn khéo của nhà ngoại giao cho thấy, bản thân ông đại sứ ủng hộ việc trao qui chế này cho Hà Nội.
Theo Thanh Niên Online Đại sứ Hoa Kỳ cho rằng, Việt Nam đã hoàn thành một khối lượng công việc lớn để gia tăng tự do hơn nữa trong xã hội cũng như nền kinh tế. Và hàng triệu người Việt Nam đã có cơ hội thực hiện tín ngưỡng tôn giáo của họ hằng tuần. Tuy vậy đại sứ Michael Marine bổ sung sự kiện mà chúng tôi đã trích ở phần đầu, ông nói rằng, bện cạnh sự cải thiện đời sống của người dân thì sự quan tâm đến quá trình tự do hoá chính trị và dân chủ có vẻ ít hơn so với quá trình kinh tế.
Bạn nghĩ gì về việc này? Xin email về Vietweb@rfa.org
Đại sứ Michael Marine nhận định, hiện nay Quốc Hội Mỹ đang chờ Việt Nam kết thúc đàm phán với Hoa Kỳ, cũng như đàm phán đa phương về vấn đề gia nhập WTO. Trên cơ sở đó thì Quốc Hội Mỹ mới biết được các cam kết của Việt Nam để quyết định. Thời gian biểu của quốc hội Mỹ không còn nhiều, vì thế ông Michael Marine cho rằng hai bên Việt Mỹ kết thúc càng sớm thì cơ hội quốc hội Mỹ thông qua càng cao. Ông cũng hy vọng việc bỏ phiếu có thể diễn ra trước sự kiện APEC, và theo ông 6 tuần lễ tới đây là 6 tuần cực kỳ quan trọng đối với cả hai bên.
Đánh giá về công cuộc đổi mới của Việt Nam, cả hai báo Thanh Niên Điện Tử và Vietnam Net cùng trích dẫn như nhau. Đại sứ Michael Marine trả lời rằng, ông đến Việt Nam lần đầu năm 1988 và chưa có ấn tượng gì về vấn đề đổi mới. 15 năm sau tức 2003, ông trở lại Việt Nam với cương vị đại sứ Hoa Kỳ vã đã nhìn thấy sự thay đổi cực kỳ mạnh mẽ.
Theo ông, nhiệt huyết làm việc tại Hà Nội đã tăng lên từ 300% tới 400%, và mọi người ai cũng tỏ ra có thể nắm bắt bất cứ cơ hội nào để sử dụng tài năng của mình. Với thực tế như vậy ông Michael Marine cho là tương lai của Việt Nam rất sáng sủa. Ông đại sứ thêm rằng, trong 18 tháng làm việc ở Việt Nam ông đã đi thăm viếng 33 tỉnh, và ở tất cả các nơi đó ông đều cảm nhận được điều gọi là sự vang vọng của hiện tượng mọi người đều tìm cách nắm lấy cơ hội để phát triển.
Cải thiện môi trường đầu tư
Một ngày trước khi đại sứ Hoa Kỳ Michael Marine gặp gỡ báo chí Việt Nam, hôm 15 tháng Ba 700 nhà đầu tư nước ngoài đã đến Hà Nội tạo ra sự kiện mà tờ Tuổi Trẻ gọi là Việt Nam Tâm Điểm Đầu Tư Của Quốc Tế. Doanh giới nước ngoài theo tờ báo, đã nhận ra vai trò quan trọng của Việt Nam, thể hiện ở sự kiện khối lượng hội thảo viên đông đảo, đã tham gia diễn đàn về các cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam sau thời điểm Việt Nam được gia nhập WTO.
Tờ Tuổi Trẻ Online trích lời bà Amadan Tucker tổng giám đốc công ty Nike tại Việt Nam, bà nói rằng nếu phải cân nhắc thì nhà đầu tư sẽ nói tới hai vấn đề. Thứ nhất là hạ tầng tại Việt Nam tuy có cải thiện nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư, nhất là các cảng biển và đường giao thông. Vấn đề thứ hai theo bà Amandan là tính minh bạch của luật pháp còn thấp, và hơn nữa mức độ tiếp thu chưa cao đối với các ý kiến của nhà đầu tư nước ngoài nhằm cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Tờ báo cũng trích nhận định của ông Michael Smith, chủ tịch ngân hàng HSBC khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho rằng, để hội nhập mang lại lợi ích, Việt Nam cần một cơ cấu kinh tế vững chắc. Hệ thống ngân hàng tại Việt Nam cần được cải thiện thành một hệ thống ổn định và điều tiết tốt.
Vẫn theo Tuổi Trẻ Online, nhiều nhà đầu tư dự hội nghị nhận xét rằng, sự hồ hởi hiện giờ cũng giống như làn sóng đầu tư đầu tiên vào Việt Nam năm 1993-1994. Câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có bỏ lỡ cơ hội này. Theo tờ báo, một nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ phát biểu rằng, các nhà đầu tư được khuyến khích rất nhiều bằng vào cam kết theo đuổi mở cửa và cải cách của chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, họ đang theo dõi một cách chặt chẽ xem chính phủ Việt Nam sẽ thực thi các cam kết quốc tế như thế nào. Nhà đầu tư Mỹ kết luận, nếu Việt Nam bỏ qua cơ hội một lần nữa thì thật là một điều rất đáng tiếc.
Tờ báo cũng trích phát biểu của ông Trần Đức Lương chủ tịch nhà nước trong buổi tiếp các hội thảo viên của diễn đàn cơ hội đầu tư. Theo đó Việt Nam có ba mối quan tâm lớn, đó là tăng cường huy động nguồn vốn đầu tư gián tiếp thông qua vốn tín dụng thương mại, thị trường chứng khoán, bảo hiểm. Thu hút các nguồn đầu tư nước ngoài vào khu vực dịch vụ và công nghệ cao. Và sau cùng là đầu tư phát triển nguồn nhân lực trong điều kiện Việt Nam có tỷ lệ dân số trẻ tương đối cao.
Cuộc chiến chống tham nhũng
Phần cuối mục đọc báo trên mạng hôm nay, chúng tôi dành điểm bài ‘Chống Tham Nhũng: Cuộc Chiến Đầy Khó Khăn’ của tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một nhân vật được nhiều người biết tiếng cả ở Việt Nam lẫn nước ngoài. Ông Lê Đăng Doanh đi dự cuộc toạ đàm được tổ chức mới đây ở Bangkok và viết bài cho Tuổi Trẻ Online.
Cuộc toạ đàm về chống tham nhũng hội tụ 40 học giả, nhà hoạch định chính sách, chính trị gia từ các nước Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Cộng Hoà Liên Bang Đức diễn ra tại thủ đô Bangkok. Đúng vào lúc nơi này đang rung chuyển bởi những cuộc biểu tình chống tham nhũng liên quan tới gia đình Thủ Tướng Thaksin Shinawatra, trong vụ bán Shin Corp tập đoàn truyền thông và báo chí khổng lồ cho công ty Tamsek của Singapore mà trốn nộp thuế gần 2 tỷ đô la.
Theo bài viết của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thì tình trạng tham nhũng ở Việt Nam gây sốc cho cử toạ. Đại diện Việt Nam là ông nguyễn Đình Cử đã trình bày kết quả điều tra về tình trạng tham nhũng ở Việt Nam.
Theo đó những phát hiện của cuộc điều tra về cơ chế xin cho, về các qui trình hành chính cồng kềnh và mù mờ, về qui định phát luật lỏng lẻo dẫn đến tình trạng lạm dụng quyền hành để nhũng nhiễu doanh nghiệp và công dân, tỷ lệ trên 60% người dân thừa nhận đã phải chi trả thêm tiền để thực hiện các thủ tục hành chính, danh sách 10 cơ quan được chỉ đích danh là tham nhũng, theo ông Lê Đăng Doanh là đã gây được sự chú ý đặc biệt.
Và nhiều đại biểu các nước cho rằng, tham nhũng ở một dân tộc chiến đấu anh dũng như Việt Nam thật là phi lý mà có thật. Cũng có ý kiện nhận định về nạn tham nhũng ở Việt Nam là dầu mỡ bôi trơn để vận hành trong giai đoạn đầu của đổi mới, nhưng ngày nay nó đã trở nên nghiêm trọng và không thể xem thường. Tranh luận trong cuộc toạ đàm ở Bangkok theo ông Lê Đăng Doanh, còn đề cập vấn đề văn hoá Việt Nam có dung hoà với tham nhũng hay không.
Điển hình là nữ tiến sĩ Thaveeporn Vasakul một người Thái Lan rất am hiểu Việt Nam đã dẫn các câu cách ngôn của Việt Nam như ‘ của biếu là của lo, của cho là của nợ’ để chứng minh rằng không phải mọi truyền thống văn hoá của Việt Nam đều thuận lợi cho tham nhũng.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết ông đã lên diễn đàn trình bày các gương chống tham nhũng trong lịch sử Việt Nam, đồng thời dẫn các bộ luật Việt Nam như Luật Hồng Đức để chứng minh Việt Nam có văn hoá và truyền thống chống tham nhũng. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhấn mạnh tại cuộc toạ đàm Bangkok rằng, muốn chống tham nhũng đòi hỏi phải có thiết kế thích hợp trong hệ thống chính trị để kiểm soát quyền lực.