Cơn lũ quét ở Bộ Giao Thông Vận Tải và cách nhìn nhận vấn đề

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Vụ án con bạc triệu đô PMU 18 hay còn gọi là chuyên án 420B đã lên đến đỉnh điểm, với sự kiện bộ trưởng giao thông vận tải Đào Đình Bình từ chức và xin thôi các chức vụ về mặt đảng, trong khi đó thứ trưởng thường trực Nguyễn Việt Tiến bị tống giam và khởi tố. Mặt khác, báo chí được tán dương là có công đầu đánh tham nhũng, vừa thông tin vừa chuyển tải ý kiến người dân.

0:00 / 0:00
CorruptionTraffic200.jpg
Vụ bê bối ở Bộ Giao Thông Vận Tải của nhà nước Việt Nam, nếu xảy ra ở một quốc gia khác có khả năng đưa tới khủng hoảng chính trị và giải tán chính phủ. AFP PHOTO

“Quá sức tầm bậy tầm bạ lôi cổ chúng ra bắn chết hết, dân chúng nói như vậy đấy. Công trình như thế đó chia nhau ăn bớt hết thì còn gì mà nói nữa, dân chúng phẫn nộ đi đến đâu cũng nghe chửi.”

Phát biểu của người phụ nữ TP.HCM vừa rồi được xem là thể hiện sự phẫn nộ chung của người dân Việt Nam, tương tự như ý kiến trực tuyến của độc giả trong nứơc gởi tới các báo điện tử. Hôm nay chúng tôi tiếp tục đọc một số bài báo trong nứơc liên quan đến vụ án PMU 18 và những ảnh hưởng về mọi mặt.

Vụ bê bối ở Bộ Giao Thông Vận Tải của nhà nước Việt Nam, nếu xảy ra ở một quốc gia khác có khả năng đưa tới khủng hoảng chính trị và giải tán chính phủ. Tuy nhiên Việt Nam là một nhà nước theo chế độ một đảng, mọi quyền lực thực sự ở trong tay tập thể Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng, vì thế guồng máy cai trị dẫu sao vẫn được xem là ổn định.

Phản ứng của các nhà tài trợ

Trong bối cảnh như thế, chúng tôi vẫn xem được những bài báo có cách đặt vấn đề một cách sâu sắc và nghiêm túc.

Tuổi Trẻ điện tử ngày 5 tháng Tư tường thuật cuộc tiếp xúc với báo giới của ông Klaus Rohland giám đốc ngân hàng thế giới tại Việt Nam, về phản ứng liên quan tới sự kiện PMU 18. Tựa bài mang nhiều ý nghĩa, tờ báo in hàng tít đậm ‘Các Nhà Tài Trợ Trông Đợi Việc Cải Thiện Hệ Thống’.

Bài báo được dẫn nhập rằng, ông Klaus Rohland cho rằng vụ PMU 18 càng được giải quyết thấu đáo và điều tra đầy đủ bao nhiêu, thì cơ hội của chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng quan hệ vững chắc hơn với các nhà tài trợ càng lớn bấy nhiêu. Theo tờ báo, Ngân Hàng Thế Giới là nhà tài trợ đầu tiên lên tiếng kể từ khi các dự án tai tiếng do PMU 18 quản lý bị báo chí phanh phui, trong đó có một vài dự án do Ngân Hàng Thế Giới cung cấp tài chính.

Được hỏi là có bị sốc hay không đối với vụ PMU 18, ông Klaus Rohland nói rằng, nếu thông tin ông tổng giám đốc Bùi Tiến Dũng cá độ bóng đá tới hàng triệu đô la được báo chí phản ánh đúng, thì rõ ràng đây là việc không bình thường ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Nhân vật đứng đầu Ngân Hàng Thế Giới tại Việt Nam nhận định rằng, điều quan trọng cần lưu tâm không phải là có tham nhũng hay không, mà là ở quyết tâm của chính phủ và nhân dân trong cuộc chiến chống lại tham nhũng. Ông Rohland còn cho biết sự kiện PMU 18 chắc chắn sẽ được chú trọng tại hội nghị giữa kỳ của các nhà tài trợ cho Việt Nam vào tháng 6 tới đây tại Nha Trang.

Khi trả lời Đài ACTD, nhà sử học Dương Trung Quốc đại biểu quốc hội Việt Nam chia xẻ quan điểm vừa nói của ông Klaus Rohland:

“Tôi nghĩ rằng đây cũng là cơ hội để chính phủ Việt Nam thể hiện được vị thế của mình quan điểm của mình…Và điều này ít nhất cũng thuận lợi là đồng thuận với lòng dân để đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng.”

Tuổi Trẻ Điện Tử trích lời ông Klaus Rohland rằng, Ngân Hàng Thế Giới quan tâm đặc biệt tới vụ việc và theo dõi sát các thông tin về PMU 18 do báo chí Việt Nam đăng tải. PMU 18 hiện đang quản lý hai dự án từ vốn vay của Ngân Hàng Thế Giới, đó là dự án giao thông nông thôn giai đoạn 2 mang tên RT 2, đến nay đã giải ngân được 86 triệu đô la, và dự án nâng cấp mạng lưới giao thông đường bộ gọi tắt là RNIP, đã giải ngân được 12 triệu 500 ngàn đô la.

Ông Klaus Rohland cho báo chí biết là, tháng Hai vừa qua Ngân Hàng Thế Giới đã gởi một nhóm giám sát từ Washington tới Việt Nam để rà soát các dự án của mình do PMU 18 quản lý. Trong nhóm giám sát có một chuyên viên về vấn đề chống tham nhũng để thực hiện điều tra.

Nhóm giám sát sẽ xem xét 3 vấn đề, thứ nhất là tiền vốn vay có được chính phủ Việt Nam sử dụng đúng mục đích hay không. Thứ hai là các dự án có được triển khai tốt hay không và thứ ba là chất lượng các công trình. Ông Klaus Rohland thêm rằng dựa vào kết luận của nhóm về từng dự án cụ thể, Ngân Hàng Thế Giới sẽ có các biện pháp thích hợp.

Được biết, nhóm giám sát hiện đang có mặt tại Hà Nội và tiến hành điện tử hoá toàn bộ dữ liệu các hợp đồng thực hiện trong khuôn khổ của 2 dự án vừa nói. Riêng trong dự án RT2 có tới 800 hợ p đồng nhỏ được thực hiện, vì thế dự kiến tới tháng 6 sắp tới, nhóm giám sát mới hoàn tất công việc và đưa ra các kết luận.

Ngoài ra theo Tuổi Trẻ Điện Tử, ông Klaus Rohland cho biết đã yêu cầu bộ giao thông vận tải cung cấp thêm một vài số liệu, trong đó có cả việc sử dụng những chiếc ô tô mua bằng vốn vay của Ngân Hàng Thế Giới. Chúng tôi xin nhắc lại rằng, cơ quan điều tra cho biết PMU 18 mua cả trăm xe ô tô đắt tiền và cho mượn tổng cộng 38 chiếc, như một hình thức hối lộ.

Những tập đoàn mafia

Trên một khía cạnh khác của vụ bê bối bị đổ bể ở bộ giao thông vận tải, bình luận gia Trần Bạch Đằng, nhà lý thuyết nổi tiếng một thời của mặt trận giải phóng, viết trên tờ Thanh Niên Online ngày 6/4 rằng, cứ nhìn công việc thất bát của Bộ giao thông vận tải trong vài năm nay, có thể hiểu liền cái gì thúc đẩy một nhóm liên kết với nhau na ná như những tập đoàn mafia.

Ông Trần Bạch Đằng nhấn mạnh rằng, tính chất nguy hiểm ở chỗ một nhóm quan chức lũng đoạn một ngành chiến lược và ngành chiến lược ấy gồm đến gần 20 bộ phận mang tên PMU, mà cái túi khổng lồ chính là PMU 18. Một câu hỏi mà ông Trần Bạch Đằng cho là được đặt ra một cách chính đáng, tại sao PMU 18 nhận ân sủng gần như vô hạn độ như thế.

Theo ông Trần Bạch Đằng đây không phải là chuyện kiếm chác giản đơn thường gặp, mà nó có chiều sâu liên quan tới cấu trúc cùng sự lỏng lẻo của tổ chức nhà nứơc Việt Nam, cũng như sự kiện tổ chức Đảng ở tầm ban cán sự trực thuộc Ban Bí Thư lộng hành đến mức khó hiểu.

Nhà sử học Dương Trung Quốc, cũng là tác giả nhiều bài nhận định trên báo Tuổi Trẻ, phát biểu với Đài ACTD:

“Khi nói tới tham nhũng thì phải nói tham nhũng đó được chia xẻ như thế nào, điều đó xin để cơ quan điều tra kết luận, còn dư luận xã hội thì quan tâm tới cái tiếp theo. Tức là PMU 18 có phải là cá biệt hay không, hay nói như cách dân gian là bị lộ và chưa bị lộ.

Bởi vì theo cơ chế quản lý hiện nay, thì có tới cả nghìn cái PMU, rõ ràng đây cũng là cơ hội, nói như các cụ là Tái ông thất mã, nhân cơ hội này đến lúc ta nhìn nhận lại nhiều vấn đề khác nữa để có thể giải quyết tạm gọi là tận gốc những vấn đề đang nẩy sinh.”

Trên một bình diện khác, Tiền Phong Online ngày 6/4 nhận định là ảnh hưởng vụ PMU 18, rồi thứ trưởng Nguyễn Việt tiến bị bắt giam, bộ trưởng Đào Đình Bình xin từ chức, lúc này ở Bộ GTVT con người hoang mang, dự án đình trệ.

Theo tờ báo, cán bộ ra đường không dám nhận mình làm việc tại Bộ GTVT, niềm tin bị sa sút tinh thần bị khủng hoảng và hầu hết các dự án bị đình trệ, trong đó có cả công trình phục vụ hội nghị APEC sắp tới. Tờ báo mô tả các sự kiện là cơn lũ quét tại bộ GTVT mà hậu quả của nó để lại cho đất nứơc là vô cùng to lớn.