Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Ban lãnh đạo mới của Việt Nam và những phát biểu trên báo chí sau khi được quốc hội chính thức bổ nhiệm…Chúng tôi tổng hợp các bài báo liên quan hầu quí thính giả.
Tân chủ tịch Nhà nước Nguyễn Minh Triết
Tân chủ tịch Nhà nước Nguyễn Minh Triết xác định rằng ông luôn mang theo mình tinh thần đổi mới. Ông Triết 63 tuổi, đã trả lời báo chí như vậy tại hành lang quốc hội, khi ông được quốc hội bầu vào chức vụ mới hôm 27/6.
Theo Tuổi Trẻ Online và Việt Nam Express, ông Nguyễn Minh Triết nói rằng đổi mới luôn xuất phát từ cuộc sống, từ người dân, chứ không phải từ trên xuống. Tân chủ tịch Nhà nước còn khẳng định quan niệm của mình, là không nói nhiều hứa nhiều mà vấn đề quan trọng là phải dám làm và dám chịu trách nhiệm.
Ông Triết đã trả lời như vừa nói khi được hỏi là công cuộc đổi mới 20 năm qua xuất phát từ những người tiền nhiệm của ông ở TP.HCM như ông Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, vậy thì tân chủ tịch có mang theo tinh thần đổi mới từ TP.HCM ra áp dụng trên cương vị chủ tịch nước hay không.
Tân thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Tân thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chưa cho báo chí cơ hội phỏng vấn, nên các báo trích đăng diễn từ nhậm chức của ông tại quốc hội. Theo đó ông Dũng hứa xây dựng nhà nước pháp quyền và thực hiện dân chủ cải tổ hành chánh. Và cũng như mọi lãnh đạo khác ở Việt Nam trước nay, tân thủ tướng cam kết sẽ kiên quyết kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và ông xem đây là một trọng tâm công tác của chính phủ trong thời gian tới.
Ngày 29/6, trong mục sự kiện và bình luận Tuổi trẻ online có tựa bài ‘Tân thủ tướng hãy khẳng định quyết tâm chống tham nhũng’. Tờ báo trích đăng ý kiến của độc giả, liên quan tới vụ ông nguyễn Văn Lâm phó chủ nhiệm văn phòng chính phủ để quên cặp đựng tiền ở sân bay.
Các độc giả của báo Tuổi Trẻ không đồng tình về cách trả lời của ông Đoàn Mạnh Giao, Chủ nhiệm văn phòng chính phủ. Họ cho rằng, qua vụ ông Nguyễn Văn Lâm người dân thấy rõ những khiếm khuyết của hệ thống, những yếu kém bất cập về mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước.
Theo đó, văn phòng chính phủ đẩy vụ việc sang uỷ ban kiểm tra trung ương đảng là hết, vì không ai chất vấn Đảng cả. Người góp ý thêm rằng, muốn bắt được cá phải tát cạn nước, muốn chống tham nhũng phải gọi đúng tên của nó ra.
Hai phó thủ tướng mới
Trong thành phần chính phủ mới ngoài phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm kiêm nhiệm bộ trưởng ngoại giao, nay thêm hai phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng và Trương Vĩnh Trọng.
Chiều 28/6 tại hành lang quốc hội, phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nói với báo chí là ông sẵn sàng nhận nhiệm vụ chống tham nhũng nếu được giao phó, mặc dù đây là công việc cực kỳ khó khăn. Theo tân phó thủ tướng, nếu biết thực hiện luật phòng chống tham nhũng một cách thông minh và quyết liệt thì sẽ có kết quả. Theo Tuổi Trẻ Online, ông Trương Vĩnh Trọng cho rằng, chống tham nhũng phải dựa vào dân, không có dân thì không làm được. và theo ông, báo chí cũng là một lực lượng tích cực trên mặt trận này.
Ông Trương Vĩnh Trọng, từng là trưởng ban nội chính của trung ương đảng cộng sản. Theo ông, thời gian qua ông đã có kinh nghiệm chống tham nhũng khi tham gia xử lý nhiều vụ án lớn như vụ Năm Cam, vụ Lã Thị Kim Oanh và vụ án Mường Tè chẳng hạn.
Tân bộ trưởng giáo dục Nguyễn Thiện Nhân
Trong số 9 thành viên chính phủ mới được bổ nhiệm,có một nhân vật được đặc biệt quan tâm đó là tân bộ trưởng giáo dục Nguyễn Thiện Nhân. Ông Nhân khá trẻ 53 tuổi, tiến sĩ bộ môn điều khiển học và từng là giáo sư kinh tế, ông từ cương vị phó chủ tịch uỷ ban nhân dân TP.HCM lên giữ trọng trách bộ giáo dục đào tạo. Ông cũng được sự ủng hộ cao ở quốc hội với tổng số phiếu chấp thuận 86%.
Người tiền nhiệm của ông là bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển chịu nhiều tai tiếng xấu, vì đã không thể vực dậy thực trạng quá tồi tệ của ngành giáo dục. Ngày 30/6, báo Tuổi Trẻ điện tử đưa lên mạng lá thư của độc giả Quỳnh Anh ở Đà Nẵng gởi tân bộ trưởng giáo dục Nguyễn Thiện Nhân.
Người gởi thư nói rằng, đã chờ đợi rất lâu ngày mà một ai đó có đức có tài thật sự được ngồi trên ghế lãnh đạo ngành giáo dục. Công dân Quỳnh Anh nói rằng lâu nay biết đến những hoạt động của ông Nguyễn Thiện Nhân ở cương vị phó chủ tịch ủy ban nhân dân TP.HCM, nên đặt kỳ vọng vào việc ông Nhân đảm nhận chức bộ trưởng giáo dục đào tạo.
Người Đà Nẵng Quỳnh Anh kết thúc lá thư rằng, một sự cải tổ cấp thời có thể là điều không tưởng trong tình hình giáo dục hiện nay, nhưng ít ra nhiều người dân Việt Nam vẫn có quyền hy vọng vào một tương lai mới cho nền giáo dục Việt Nam.
Tân bộ trưởng giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng
Trên lãnh vực khác, ông Hồ Nghĩa Dũng 56 tuổi bí thư tỉnh uỷ tỉnh Quảng Ngãi được bổ nhiệm làm bộ trưởng giao thông vận tải, thay ông Đào Đình Bình. Ông Hồ Nghĩa Dũng là thành viên chính phủ đạt số phiếu thuận thấp nhất ở quốc hội với 58%.
Theo ông sự kiện này phản ánh đúng tâm trạng băn khoăn của các đại biểu quốc hội, cũng như của chính ông. Được biết báo chí từng nói nhiều về những ý kiến, cho rằng ông Hồ Nghĩa Dũng không thích hợp về chuyên môn và quản lý điều hành ở bộ giao thông vận tải, nhất là bộ này quá tai tiếng với vụ PMU 18 và nhiều vụ bê bối khác toàn ngành.
Tuy nhiên tân bộ trưởng, một người tốt nghiệp đại học công nghiệp đã phản bác rằng, giao thông vận tải bao gồm đường bộ, đường sắt hàng không, hàng hải, công nghiệp giao thông và dịch vụ công, không ai, kể cả người được đào tạo chuyên ngành lại có thể nắm hết. Theo ông Hồ Nghĩa Dũng điều quan trọng là phải biết tổng hợp, biết sử dụng con người, hệ thống tham mưu giúp việc để khắc phục những điểm yếu về chuyên môn.
Tân bộ trưởng giao thông vận tải nhìn nhận rằng vị trí của ông là một ghế rất nóng, ông cảm thấy trách nhiệm rất nặng nề và rất lo. Ông Hồ Nghĩa Dũng nhận định rằng, tình trạng xảy ra ở bộ giao thông vận tải bao gồm 2 vấn đề lớn đó là tính cách con người, và sự khiếm khuyết của cơ chế.
Tân chủ tịch quốc hội Nguyễn Phú Trọng
Chúng tôi xin điểm lại danh sách ban lãnh đạo mới ở Việt Nam, chủ tịch nước ông Nguyễn Minh Triết, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chủ tịch quốc hội Nguyễn Phú Trọng. Ông Trọng 62 tuổi từng là bí thư thành uỷ Hà Nội. Ông được mô tả là người bảo vệ lý thuyết của đảng cộng sản Việt Nam trong cương vị chủ tịch hội đồng lý luận trung ương, và có học vị giáo sư tiến sĩ chính trị học.
Một trong những điểm báo chí quan tâm, là liệu tân chủ tịch quốc hội có phát huy tinh thần đổi mới sinh hoạt nghị trường mà chủ tịch tiền nhiệm Nguyễn Văn An nhiều công bồi đắp trong 5 năm vừa qua hay không.
Dù cơ chế là trung ương đảng chỉ định, nhưng nhiều đại biểu quốc hội tỏ ra băn khoăn về việc ông Nguyễn Phú Trọng chủ yếu hoạt động lý luận, ít kinh nghiệm lập pháp. Trên Việt Nam Express tân chủ tịch quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhận định rằng, chủ tịch tiền nhiệm Nguyễn Văn An điều hành tốt và thực hiện nhiều đổi mới trong hoạt động nghị trường.Tuy nhiên ông Trọng không quan niệm thành công của người tiền nhiệm là sức ép, vì mỗi người có điều kiện và hoàn cảnh khác nhau.
Thưa quí thính giả, nhiều nhà quan sát cho rằng trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua ở cương vị chủ tịch quốc hội, ông Nguyễn Văn An đã tạo cho sinh hoạt ở hội trường Ba Đình mang một sinh khí mới. Có thể nói dưới sự lãnh đạo của ông, quốc hội thể hiện được phần nào chức năng mà hiến pháp qui định.
Dù theo cơ chế độc đảng ở Việt Nam, tất cả đều qui về một mối, sự lãnh đạo là trung ương đảng cộng sản Việt Nam. Ông Nguyễn Văn An từ giã chức chủ tịch quốc hội với lời ví von ‘hoa đến thì thì hoa phải nở’ với hàm ý rằng sự đổi mới sinh hoạt quốc hội là nỗ lực chung của toàn thể nhất là sự quan tâm theo dõi và đóng góp tích cực của cử tri và người dân.