Quĩ Bảo Hiểm Y Tế bị phá sản gây xôn xao dư luận

0:00 / 0:00

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Với dân số 84 triệu, Việt Nam có khoảng 40 triệu người tham gia Bảo Hiểm Y Tế, Quĩ này do Cơ Quan Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam, một đơn vị hành chánh sự nghiệp của chính phủ quản lý.

InsuranceAdvertise150.jpg
Tấm bảng quảng cáo của công ty life insurance trên đường phố Hà Nội. AFP/Hoang Dinh Nam

Quĩ Bảo Hiểm Y Tế có số vốn rất lớn khoảng 2.800 tỷ đồng, được tích luỹ trong vòng 10 năm, nhưng sau khi chính phủ quyết định cải tổ về điều lệ hoạt động tăng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế, chỉ trong vòng hơn 1 năm quĩ này đã phá sản.

Theo nguồn tin báo Tuổi Trẻ Online, ngày 22/11 vừa qua chính phủ đã cho phép sử dụng thêm 2 ngàn tỷ đồng tạm ứng từ quĩ bảo hiểm xã hội bắt buộc để giao cho các cơ sở y tế phục vụ việc khám chữa bệnh trong quí 1-2008.

Thông tin Quĩ Bảo Hiểm Y Tế bị vỡ và hết tiền đã gây xôn xao dư luận. Cùng với nguồn thông tin trên mạng điện tử, Nam Nguyên tìm hiểu thêm vấn đề này qua cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đình Khương Phó Tổng Giám Đốc Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam trụ sở tại Hà Nội:

Nam Nguyên: Quĩ vỡ là do điều hành hay vì phương thức thanh toán?

Ông Nguyễn Đình Khương: Chủ yếu là do cách tính toán cân đối giữa quyền lợi và mức đóng. Quyền lợi được mở rộng trong khi mức đóng (bảo hiểm y tế) lại không thay đổi.

Đấy là một phần, thứ hai thì phương thức chi trả cũng rất quan trọng, chủ yếu là thanh toán theo phí dịch vụ; thứ ba nữa là cơ chế kiểm soát vấn đề này hầu như không có, thiếu cơ chế kiểm soát quĩ. Đó là ba nguyên nhân chủ yếu.

Bộ Y Tế, Bộ Tài Chính đang nghiên cứu giải pháp trình chính phủ. Nói chung hướng gỉai quyết là phải nhanh chóng mở rộng diện tham gia bảo hiểm y tế, để tính cộng đồng san sẻ được rộng ra, giảm bớt chi phí quĩ.

Nam Nguyên: Thưa, bây giờ sẽ khắc phục điều chỉnh thế nào để quĩ Bảo hiểm Y Tế vẫn hoạt động bình thường và người tham gia bảo hiểm vẫn được chữa trị?

Ông Nguyễn Đình Khương: Bộ Y Tế, Bộ Tài Chính đang nghiên cứu giải pháp trình chính phủ. Nói chung hướng gỉai quyết là phải nhanh chóng mở rộng diện tham gia bảo hiểm y tế, để tính cộng đồng san sẻ được rộng ra, giảm bớt chi phí quĩ.

Thứ hai là phải xem xét kỹ giữa mức đóng bảo hiểm và quyền lợi của người tham gia, nhưng theo hướng là quyền lợi không nên giảm, nhưng mức đóng phải hợp lý. Thứ ba là phải vận hành cơ chế kiểm soát và cùng chi trả, để cho người có thẻ bảo hiểm y tế và cơ sở y tế cùng phải cân nhắc dịch vụ y tế và thúôc men.

Suy ra là phải thay đổi phương thức chi trả. Chúng tôi đang kiến nghị Bộ y tế và Bộ tài chính nến áp dụng thanh toán theo định suất hạn chế dần thanh toán theo dịch vụ. Về lâu dài cũng nên học tập các nước áp dụng thanh toán theo nhóm chẩn đoán. Đó là một số biện pháp đề ra.

Nam Nguyên: Thưa ông dịch vụ bảo hiểm nói chung ở các nước làm ăn sinh lời nhiều, bảo hiểm y tế cũng vậy. Phải chăng là Việt Nam không có kinh nghiệm về việc này?

Ông Nguyễn Đình Khương: Không hẳn thế, vì bảo hiểm ở các nước là người ta kinh doanh còn ở Việt Nam là phục vụ. Có thể nói thể này quĩ bảo hiểm y tế trong ngắn hạn tạm thời mất cân đối và sẽ được chỉnh sửa. Nhưng cái mất vừa qua cũng có thể nói tới khía cạnh là cái được của người dân, họ đã được chăm sóc sức khoẻ tốt hơn.

Nam Nguyên: Bây giờ quĩ lâm vào khủng hoảng, sắp tới sẽ thế nào?

Ông Nguyễn Đình Khương: Sẽ cân đối bù vào. Điều cơ bản là bây giờ phải sửa lại các chính sách cho phù hợp.

Nam Nguyên: Như vậy phải chăng là không có sự tiên liệu khi quyết định thay đổi điều lệ BHYT?

Ông Nguyễn Đình Khương: Không chuyện này đã có tiên liệu từ năm 2006 khi sửa điều lệ BHYT, đã tính là đến năm 2008 là sẽ diễn ra như thế.

Nam Nguyên: Có ý kiến nên mở rộng bảo hiểm y tế cho tư nhân tham gia.

Ông Nguyễn Đình Khương: Chính sách này thì Bộ Y Tế và Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu. Nhưng theo chúng tôi thì vấn đề là tuỳ mô hình bảo hiểm y tế như thế nào, thực tế hiện nay Việt Nam không hạn chế tư nhân làm bảo hiểm y tế.

Tôi cho rằng Bảo hiểm y tế toàn dân phụ thuộc rất nhiều vào ý chí của chính phủ. Nếu bây giờ chính phủ đồng ý bảo hiểm y tế ở mức gọi là quyền lợi cơ bản thôi, nghĩa là bảo hiểm y tế theo mức các dịch vụ y tế cơ bản thì mức phí sẽ thấp.

Các doanh nghiệp bảo hiểm như Bảo Việt, Bảo Minh và một số doanh nghiệp khác họ cũng có làm bảo hiểm sức khoẻ con người ( Thí dụ bảo hiểm phẫu thuật& nằm viện…)

Nam Nguyên : Sau khi điều chỉnh thì mức phí đóng bảo hiểm y tế sẽ tăng lên hay không, nhất là phần bảo hiểm mà chính phủ dành cho người nghèo?

Ông Nguyễn Đình Khương: Mức phí bảo hiểm của các đối tượng tham gia bảo hiểm phải tương đương nhau. Hiện nay mức phí dành cho người nghèo là quá thấp, hướng sắp tới là Nhà nước sẽ bỏ thêm chi phí để mua bảo hiểm y tế cho người nghèo.

Nhưng tôi cho rằng, mức phí đóng không phụ thuộc quyền lợi mà sẽ phụ thuộc rất nhiều vào diện bao phủ bảo hiểm y tế. Nếu diện tham gia rộng ra thì mức phí đóng sẽ thấp đi. Bây giờ mới có hơn 40% dân số tham gia bảo hiểm y tế, nếu có 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế thì mức đóng sẽ thấp đi rất nhiều.

Nam Nguyên: Cho tới nay có khó khăn gì mà không thể mở rộng lượng người tham gia bảo hiểm y tế?

Ông Nguyễn Đình Khương: Nói chung là tôi rất muốn đề nghị các bộ của chính phủ tiến tới bảo hiểm y tế bắt buộc toàn dân. Nhưng Nhà nước làm bảo hiểm y tế người dân mới làm quen thôi , bắt buộc ngay thì người dân chưa thuận. Nên mở rộng đối tượng bắt buộc để dần dần tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.

Từ năm 1992 tới 1998 rồi 2005 là 3 mốc thời gian điều lệ bảo hiểm y tế mở rộng rất nhiều đối với đối tượng bắt buộc phải mua bảo hiểm y tế . Liên Bộ đang trình chính phủ để mở rộng diện bắt buộc nhiều hơn nữa.

Thanh toán theo dịch vụ có thể nói là một trong các phương thức rất khó kiểm soát. Bởi vì không ai có thể can thiệp vào chuyên môn của người thầy thuốc. Hiện tại Việt Nam đang nghiên cứu học tập một số nước để chuyển sang các phương thức thanh toán khác mang tính kiểm soát tốt hơn, như thanh toán theo định xuất theo kiểu Thái Lan.

Nam Nguyên: Theo ông, sẽ phải mất thời gian bao lâu, một thập niên nữa không? để mở rộng bảo hiểm y tế toàn dân tiến tới xã hội tiến bộ?

Ông Nguyễn Đình Khương: Tôi cho rằng Bảo hiểm y tế toàn dân phụ thuộc rất nhiều vào ý chí của chính phủ. Nếu bây giờ chính phủ đồng ý bảo hiểm y tế ở mức gọi là quyền lợi cơ bản thôi, nghĩa là bảo hiểm y tế theo mức các dịch vụ y tế cơ bản thì mức phí sẽ thấp.

Với mức phí thấp có thể áp dụng bảo hiểm y tế toàn dân được. Bên cạnh bảo hiểm y tế ở mức cơ bản bắt buộc đó, có thể cho phép mở rộng các loại hình bảo hiểm y tế bổ xung, BHYT tự nguyện. Loại bảo hiểm bổ xung này sẽ có nhiều mức đóng phí khác nhau và hưởng quyền lợi khác nhau.

Theo tôi nếu chính phủ quyết tâm thì tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân rất nhanh chóng, vấn đề bây giờ là lựa chọn mô hình bảo hiểm y tế như thế nào và quyết tâm của chính phủ như thế nào.

Vừa rồi Ông Nguyễn Đình Khương Phó Tổng Giám Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam đã giải thích một số vấn đề liên quan tới sự kiện quĩ bảo hiểm y tế bị phá sản.

Theo Tuổi Trẻ Online, năm 2006 quĩ BHYT đã bội chi 2.800 tỷ đồng. Sang năm 2007 tình trạng bội chi càng kinh hoàng hơn, nửa đầu năm 2007 chỉ riêng lãnh vực bảo hiểm y tế tự nguyện đã bội chi 700 tỷ, mức bội chi trọn năm có thể lên tới hai ngàn tỷ.

Tờ báo trích lời ông Nghiêm Trần Dũng, phó vụ trưởng vụ BHYT thuộc Bộ Y Tế cho rằng phương thức thanh toán hiện tại đã khuyến khích cơ sở y tế sử dụng nhiều dịch vụ, và quĩ BHYT đã chi trả 100% các dịch vụ thực hiện cho bệnh nhân.

Chúng tôi trích nhận định của một chuyên gia trong ngành dịch vụ bảo hiểm: "Thanh toán theo dịch vụ có thể nói là một trong các phương thức rất khó kiểm soát. Bởi vì không ai có thể can thiệp vào chuyên môn của người thầy thuốc. Hiện tại Việt Nam đang nghiên cứu học tập một số nước để chuyển sang các phương thức thanh toán khác mang tính kiểm soát tốt hơn, như thanh toán theo định xuất theo kiểu Thái Lan".

Tờ Tuổi Trẻ Online đề cập tới vấn đề tham ô tham nhũng đã góp phần rút tỉa ngân quĩ Bảo Hiểm Y Tế. Theo đó, ông Hoàng Kiến Thiết Trưởng ban bảo hiểm y tế tự nguyện thừa nhận quĩ BHYT hết tiền quá nhanh có phần do khâu kiểm soát chi trả.

Giới chức này tiết lộ có trạm y tế phường ở tỉnh Sóc Trăng đã lập khống hàng trăm hồ sơ để rút quĩ BHYT 50 triệu đồng. Sau khi đưa ra sự kiện này Ông Hoàng Kiến Thiết nhấn mạnh là Việt Nam có tới 11 ngàn trạm y tế, hàng ngàn bệnh viện các tuyến.

Theo giới chuyên gia, chính phủ Việt Nam sẽ phải điều chỉnh rất nhiều để khôi phục quĩ Bảo Hiểm Y Tế, bên cạnh vấn đề chính sách và qui định cần thích hợp, yếu tố cán bộ con người là vô cùng hệ trọng, trong đó cần có cơ chế kiểm soát.