Phát triển Kinh tế và Thực tế Đời sống Xã hội Việt Nam?

0:00 / 0:00

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Gần hết năm 2007, chính phủ Việt Nam nhìn nhận không kiềm chế nổi đà tăng vật giá so với mức tăng trưởng GDP tổng sản phẩm nội địa. Sự kiện này thể hiện gì trên thực tế đời sống xã hội Việt Nam, như phát biểu của một ngừơi dân TPHCM:

EconomicWTO150.jpg
Khoảng cách giàu - nghèo tại Việt Nam ngày càng gia tăng. AFP PHOTO.

“Nói chuyện thành tích tăng trưởng kinh tế mà làm gì trong khi vật giá leo thang, từ cái ăn cái uống tới mọi loại dịch vụ. Những ngừơi làm ăn chân chính không thể chịu nổi.”

Khó kiềm chế đà tăng vật giá

Hôm 19/11 khi thay mặt thủ tứơng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn của quốc hội, Phó thủ tứơng Nguyễn Sinh Hùng nói rằng chính phủ không lường hết được nhiều vấn đề phát sinh trong hơn hai tháng qua, nên sẽ khó đạt mục tiêu chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn tăng trưởng kinh tế. Tường thuật diễn biến này Vietnam Net mô tả là ông Nguyễn Sinh Hùng đã trầm hẳn giọng trứơc các đại biểu quốc hội.

Những lý do viện dẫn được nêu ra là tốc độ phi mã của giá xăng dầu trên thế giới, dẫn tới các nguyên liệu là phó sản dầu hoả đều tăng giá theo. Đó là chưa kể tình trạng lũ lụt liên miên, làm hơn 300 ngừơi chết, thiệt hại vật chất ứơc tính ban đầu cũng đã hơn 7.700 tỷ đồng gần bằng 1% GDP tổng sản phẩm nội địa.

Vietnam Net trích lời phó thủ tứơng Nguyễn Sinh Hùng trình bày quan điểm của chính phủ, ông xác định giá cả là một chỉ tiêu thể hiện tổng hợp nhất của nền kinh tế thị trường, nếu giá dầu lên mà hạ thuế thì thất thu ngân sách, lại tiếp tục bù lỗ, toàn bộ nền kinh tế sẽ bị méo mó, trong khi khả năng của VN là có hạn. Ông Nguyễn Sinh Hùng nói thẳng rằng, bù lỗ thực chất là làm sai lệch hiệu quả nền kinh tế, làm chênh lệch giá giữa nội địa và nước ngoài.

Tuy vậy nhiều chuyên gia, trong đó có ông Nguyễn Xuân Nghĩa chuyên viên tư vấn kinh tế của Ban Việt Ngữ RFA đã có những nhận định rõ nét hơn về nguyên nhân đưa tới tình trạng lạm phát ở VN:

“Nhìn vào cận cảnh ở bề mặt thì lạm phát xảy ra do nhiều biến cố như thiên tai dịch bệnh làm giảm số cung về lương thực thực phẩm, nhất là thịt; như giá cả nguyên nhiên vật liệu Việt Nam phải nhập khẩu cho nền kinh tế gia công của mình đã tăng vọt nên nhập khẩu luôn lạm phát về, làm tăng giá thành sản xuất.

Nhưng nóng bỏng nhất, lạm phát xảy ra vì hồi tháng Năm vừa qua, Ngân hàng Nhà nứơc tại VN đã bơm ra một lượng tiền quá lớn là 112 ngàn tỷ đồng bạc để mua vào bảy tỷ Mỹ kim cho khối dự trữ ngoại tệ. Lượng tiền quá lớn được lưu thông đã lập tức thổi lên lạm phát, vốn là-theo định nghĩa- phát hành quá lạm số tiền lưu hành so với số hàng hoá khả dụng.”

Nên chấp nhận mặt bằng giá mới?

FarmerWto200.jpg
Nhà nông Việt Nam vẫn là thành phần chịu nhiều thiệt thòi nhất trong đời sống xã hội Việt Nam. AFP PHOTO.

Trở lại phiên chất vấn tại quốc hội ngày 19/11, theo tường thuật của VnExpress sau khi viện dẫn các lý do đưa tới chỗ không kiềm chế được chỉ số lạm phát, hay nói cách khác là mức tăng giá cả, phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng nên chấp nhận mặt bằng giá mới. Điều này đồng nghĩa có nhiều tầng lớp nhân dân bị ảnh hưởng, và theo ông Nguyễn Sinh Hùng chính phủ sẽ có nhiều giải pháp để hỗ trợ, ví dụ tăng cường giải quyết đầu tư trong nông nghiệp và nông thôn; thanh tra kiểm soát tránh đầu cơ trục lợi.

Chúng tôi trích ý kiến ông Phạm Văn Minh một doanh nhân ngành chăn nuôi và giết mổ gia cầm ở TP.HCM bày tỏ sự quan ngại cho nông dân nói chung: "Nếu trong tình trạng này mà không có sự điều tiết chuyển biến kịp thời thì sắp tới người nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa, vật giá vẫn còn tiếp tục leo thang và ngừơi nông dân vẫn gần như gặp bế tắc. Tôi mong có biến chuyển điều tiết mạnh trong ngành nông nghiệp để giúp ngừơi nông dân có thể trụ nổi trong tình hình chung xã hội đang phát triển rất mạnh hiện nay."

Đối với mục tiêu tăng trưởng GDP 8,5%, chỉ còn hơn tháng nữa là hết năm 2007, phó thủ tứơng Nguyễn Sinh Hùng xác định trứơc quốc hội là có thể đạt được. Theo đó, tuy lũ lụt gây thiệt hại 7.700 tỷ đồng tương đương gần 480 triệu đô la Mỹ, nhưng theo lời ông Sinh Hùng lũ chủ yếu ở vùng duyên hải miền Trung tác động vào nông nghiệp là chính. Các sản phẩm công nghiệp và các ngành khác có thể bù vào những thiệt hại từ nông nghiệp.

Nông dân càng thêm khốn đốn

Những gì phó thủ tứơng thường trực của Việt Nam nói ra cho thấy nông dân VN điển hình ở miền Trung đã nghèo rồi lại càng khốn khổ hơn do thiên tai dịch bệnh. Và ngay cả vựa lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long chuyên dành cho xuất khẩu thì dù đời sống người dân có dễ thở hơn những người làm nông ở miệt ngoài, nhưng khoảng cách giàu nghèo vốn đã khá rộng trong hai thập niên qua nay lại càng dãn ra thêm nữa. Đối với vấn đề này chúng tôi trích ý kiến PGSTS Hồ Trọng Viện thuộc Học viện chính trị quốc gia ở TP.HCM:

“Tất nhiên cần phải tăng hơn nữa cho đầu tư của nông dân và nông thôn. Nhưng thực ra nông thôn Việt Nam hiện nay đang chiếm một địa bàn rất là rộng lớn, yêu cầu đầu tư là phải rất lớn mà GDP của Việt Nam ta lại rất là có hạn, đang phải đầu tư vào nhiều những công trình khác nữa.

Cho nên đó là bài toán đang rất khó giải quyết về vấn đề là đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nhưng thực chất là nông nghiệp, nông dân hiện nay đang quá khó khăn về những điêù kiện cơ sở hạ tầng, như là điện, như là giao thông, ngay cả những điệu kiện tinh thần, văn hoá v.v. thì còn rất là hạn hẹp. Chắc chắn là sắp tới Việt Nam sẽ quan tâm hơn nữa về điều kiện sản xuất cũng như đời sống của nông dân nông thôn.”

Trở lại bài tường thuật của Vietnam Net, trước diễn đàn quốc hội phó thủ tứơng Nguyễn Sinh Hùng tỏ ra ưu tư đối với vấn đề mức sống cách biệt giữa hai khu vực thành thị và nông thôn. Ông nói rằng, công nghiệp hoá là quá trình tất yếu phải đi, dù có thể có hậu quả nếu làm không tốt gây ảnh hưởng tới môi trường hoặc thậm chí có thể bần cùng hoá nông dân.

Tuy nhiên ông Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh tới chính sách của chính phủ là phải đảm bảo an ninh lương thực, không chỉ cho 85 triệu dân hiện nay mà phải tính mức tăng dân số tới 100 triệu hay 120 triệu trong tương lai, phải qui hoạch sử dụng đất đai trồng cây lương thực cho tốt.

Giải pháp nào cho nông thôn VN

Vẫn theo Vietnam Net, ông Sinh Hùng nói rằng phải qui hoạch phát triển các vùng, đưa khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp để nâng cao năng suất, sản lượng, ông Sinh Hùng nhắc lại một điều mà các chuyên gia của chính phủ luôn đề cập tới đó là phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp.

Lần này phó thủ tứơng VN nói cách kiên quyết hơn, với nhóm từ ‘không còn con đường nói khác’. Đó là phải đô thị hoá dần nông thôn, đưa về đây công nghiệp chế biến nông sản và dịch vụ, và điều cốt yếu theo ông Sinh Hùng là phải chuyển 2/3 lực lượng nông dân thành giai cấp công nhân và trí thức, nhờ đào tạo.

Cũng liên quan tới vấn đề vừa nói, TS Đặng Kim Sơn Viện trưởng Viện Chính Sách và Chiến Lược Phát Triển Nông Nghiệp Nông Thôn từng xác định với chúng tôi: "Nông thôn hiện nay vẫn giải quyết đến gần 70% số lao động cho cả nước. Nói cách khác hầu hết việc làm cho cả nứơc là do nông thôn tạo ra, mọi người đều biết năng suất lao động nông nghiệp thường thấp hơn rất nhiều so với công nghiệp và dịch vụ.

Do đó thu nhập do nông nghiệp thấp, vì thế chúng tôi đang tìm cách hỗ trợ cho nông dân về vốn cơ sở hạ tầng, tổ chức sản xuất để cho người ta chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần tuý sang các ngành nghề khác ngoài nông nghiệp. Ví dụ như tiểu thủ công nghiệp dịch vụ v…v…

Nông nghiệp cũng phải chuyển từ trồng lúa là chính sang chăn nuôi, nhất là thuỷ sản đang phát triển tốt. Đa dạng hoá sản xuất nông nghiệp vừa chuyển bớt lao động nông nghiệp sang các ngành nghề khác là cách tốt nhất để tạo điều kiện cho người ta có việc làm và tăng thu nhập.”

Theo VietnamNet trứơc diễn đàn Quốc Hội ngày 19/11, phó thủ tứơng Nguyễn Sinh Hùng nói rằng, điều Nhà nứơc không mong muốn là khoảng cách giàu nghèo có xu hứơng tăng, nhưng vấn đề là sẽ giải quyết như thế nào. Theo ông Sinh Hùng, VN chưa có nhiều người giàu, tỷ phú, triệu phú đô la, cũng chưa có nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, nên suy nghĩ chiến lược lâu dài là ngừơi giàu phải giàu lên và nghèo thì phải giàu nhanh.

Ông Hùng khẳng định, ngoài việc giúp ngừơi nghèo tự vươn lên thoát nghèo, Nhà nứơc phải hỗ trợ về hạ tầng, phát hành trái phiếu, tăng đầu tư làm đường giao thông, công trình thuỷ lợi, bệnh xá trường học. Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đề cập tới những vấn đề mà nhiều ngừơi am hiểu tình hình VN cho là phải lâu lắm mới hiện thực. Theo đó, khi giá cả có biến động, đối tượng nào không chịu đựng được thì Nhà nứơc phải có chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội để đối mặt với rủi ro, nhất là thiên tai, lũ lụt.

Sự thẳng thắn nhìn nhận không thể kiềm chế mức tăng giá tiêu dùng dưới mức tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa cho mục tiêu 2007 của phó thủ tứơng Nguyễn Sinh Hùng mà các báo điện tử đưa lên mạng, được những người theo dõi tình hình VN cho là đã làm nhạt nhoà bài diễn văn mà thủ tứơng Nguyễn Tấn Dũng đọc hồi đầu tháng 10 khi khai mạc khoá họp của Quốc Hội. Lúc ấy ông thủ tướng tỏ ra lạc quan, đặt mục tiêu đưa VN vượt qua ngưỡng nghèo khổ để trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình vào năm 2008.