Văn bản chi tiết cuối cùng của Hiệp định thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), giờ gọi là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được New Zealand công bố vào thứ Tư 21/2.
Với TPP mới, Việt Nam sẽ đối diện với những cơ hội và thách thức gì? Và liệu có hy vọng Hoa Kỳ sẽ quay trở lại với TPP hay không?
Bản quyền, thách thức cho Việt Nam
Cuối cùng thì các quốc gia thành viên của TPP đã có thể thở phào nhẹ nhõm khi ông David Parker, Bộ trưởng Thương mại New Zealand cho biết TPP 11 sẽ được chính thức ký kết vào ngày 8/3/2018 tại Santiago.
Hãng tin AFP hôm 21/2 dẫn lời ông David Parker cho biết trong phiên bản công bố cùng ngày, có hơn 20 điều khoản trong TPP cũ bị đình chỉ hoặc thay đổi, bao gồm cả các quy định xoay quanh việc sở hữu trí tuệ và trợ cấp của người đóng thuế.
Nội dung cuối cùng của TPP 11 này, được Tiến sĩ Kinh tế Ngô Trí Long cho rằng so với bản thoả thuận của TPP cũ thì không có gì thay đổi nhiều, đặc biệt đối với Việt Nam.
“Trong điều kiện hội nhập đó là 1 xu thế không thể cưỡng lại được. Hiệp định này khi nó được thực thi, so với cái cũ nó có mở rộng thêm là “Toàn diện và tiến bộ”, còn tất cả những điều kiện, tất nhiên so với khi còn có Hoa Kỳ, thì chắc chắn những điều kiện nó thay đổi nhiều lắm, mà chủ yếu trong phạm vi còn hẹp hơn khi không có Mỹ tham gia. Những điều này thì tất nhiên Việt Nam cũng đã cân nhắc rất nhiều”.
Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh, hiện là thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên hiệp quốc nói với RFA rằng trong 20 điểm bảo lưu đó, chủ yếu và các vấn đề về sở hữu trí tuệ, tức là bảo đảm tôn trọng các quyền phát minh, thương hiệu, nhãn hiệu của các nước.
“Trong 20 điểm còn lại và bảo lưu để tiếp tục thảo luận chủ yếu là những vấn đề sở hữu trí tuệ, tức là bảo đảm tôn trọng các vùng phát minh, nhãn hiệu của các nước.”
Nói thêm về vấn đề bản quyền và sở hữu trí tuệ, Tiến sĩ Ngô Trí Long cho biết:
“Vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ từ trước đến nay vốn là một thách thức và khó khăn đối với Việt Nam. Tuy nhiên một khi Việt Nam đã cam kết trong nội dung TPP cũ thì những trở ngại đó đã được lường trước và có khả năng thực thi, không phải là trở ngại quá lớn.”
Theo nội dung ghi trong bản thoả thuận TPP, vấn đề sở hữu bản quyền được đề cập chi tiết về vi phạm và chế tài, cụ thể ở Điều 18.7, là điều khoản về “Trình tự, thủ tục và biện pháp dân sự và hành chính”
Mỗi bên phải quy định các cơ quan tư pháp sẽ có thẩm quyền áp dụng các biện pháp chế tài theo quy định tại Điều 44 của Hiệp định TRIPS, là Điều ước quốc tế đa phương về sở hữu trí tuệ, thương mại trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ được ký kết vào ngày 15/12/1993, có hiệu lực từ ngày 01/01/1995, một trong các hiệp định cơ bản của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Rất nhiều các biện pháp chế tài được đề ra trong Điều khoản này, chẳng hạn quy định cụ thể về số tiền để đảm bảo đủ thanh toán thiệt hại gây ra bởi hành vi xâm phạm đó cho bên nắm giữ quyền và nhằm mục đích ngăn ngừa các hành vi xâm phạm khác diễn ra trong tương lai.
Hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ diễn ra thường xuyên và là một vấn đề phức tạp ở Việt Nam trong nhiều năm qua. Giữa năm 2016, tin trong nước cho biết lực lượng chức năng liên ngành đã phạt tiền gần 97 tỷ đồng, khởi tố hơn 380 vụ vi phạm sở hữu trí tuệ xảy ra ở Việt Nam.
Hy vọng chiếc vé thứ 12 từ Mỹ
Cũng theo tin từ Reuters, và các hãng thông tấn nước ngoài khác như AP, đều ghi nhận rằng văn bản cuối cùng của TPP 11 như một đánh dấu thúc đẩy đáng kể Hoa Kỳ tái gia nhập TPP.
Hôm 10 tháng 11, tại Đà Nẵng, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có bài phát biểu trước các lãnh đạo và doanh nhân tham dự APEC. Ông nhấn mạnh rằng: “Nước Mỹ sẽ không tiếp tục dung thứ cho hành vi lấy cắp quyền sở hữu trí tuệ một cách trắng trợn. Nước Mỹ sẽ đối đầu với những thủ đoạn ép buộc các doanh nghiệp trao công nghệ cho nhà nước và buộc họ phải tham gia vào các liên doanh để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường.”
Trong 1 bài phát biểu ở Davos, Thuỵ Sĩ nhân chuyến công du 2 ngày đến quốc gia này, Tổng thống Donald Trump có nhắc đến vấn đề TPP, ông nói: “Chúng tôi đã có các thỏa thuận với một số nước trong TPP. Nước Mỹ sẽ đàm phán với những quốc gia còn lại, từng nước một hoặc một nhóm nước, miễn là lợi ích chia đều cho tất cả".
Tờ Washington Post hôm thứ ba 20/2 loan tin cho biết có 25 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã gửi thư cho Tổng thống Trump thúc giục suy nghĩ lại về TPP, kêu gọi những động thái cải cách tích cực cho phép Hoa Kỳ tham gia vào hiệp định. Thư của các vị Thượng nghị sĩ nêu rằng: "Tăng cường hợp tác kinh tế với 11 quốc gia gia nhập TPP sẽ là tiềm năng cải thiện đáng kể khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Mỹ, hỗ trợ hàng triệu việc làm cho người Mỹ, tăng năng suất xuất khẩu của Mỹ, và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng".
Tuy nhiên, chưa có thông tin về phản hồi của tổng thống Donal Trump.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cũng khẳng định những nỗ lực của 11 quốc gia thành viên còn lại của TPP là mong muốn Hoa Kỳ tái gia nhập:
“11 nước thành viên TPP còn lại khi mà đồng thuận để thông qua và triển khai TPP mới thì đều có 1 kỳ vọng chung là nước Mỹ sẽ có 1 thời điểm nào đó hồi tâm trở lại và tái gia nhập TPP”.
Theo ông, nếu điều đó xảy ra, nghĩa là nếu Hoa Kỳ quay lại, thì TPP sẽ sống động hơn và sẽ tạo động lực cũng như những điều kiện thương mại thuận lợi hơn. Tuy sự đồng thuận đó theo ông phải phụ thuộc vào điều kiện nội bộ chính trị của mỗi nước.
Tiến sĩ Ngô Trí Long có đưa ra ý kiến cho rằng Mỹ là nền kinh tế đầu tàu, nắm giữ vai trò quan trọng nhất trong 12 nước thành viên TPP. Hiện tại GDP của Mỹ chiếm 60% GDP của TPP.
Một quan điểm tương đồng đến từ Tiến sĩ Lê Đăng Doanh. Ông cho biết những điều qui định lại của CPTPP hoàn toàn giữ nguyên tinh thần đã đạt được trong cuộc đàm phán trước đây.
“Cho nên 11 nước đều thầm lặng hy vọng rằng sẽ có 1 ngày nào đấy Hoa Kỳ sẽ trở lại hiệp định này, vì cũng có lợi cho Hoa Kỳ chứ không phải không.”
Tuy nhiên, trái ngược với nhận định trên là ý kiến của Tiến sĩ Ngô Trí Long. Ông không nghĩ rằng tổng thống Donald Trump sẽ trao cho TPP chiếc vé thứ 12. Ông nói rằng tư tưởng “Nước Mỹ vĩ đại” của ông Donald Trump sẽ không thể phù hợp cho xu thế hội nhập.
“Theo tôi nghĩ với ý tưởng, suy nghĩ của Donald Trump thì Mỹ khó quay trở lại nhưng các sức ép trong nước đối với doanh nghiệp, với xu thế người ta thấy không đạt được thì người ta thúc ép, và ông Donald Trump nếu muốn gì đó cũng phải xem xét lại.’
Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP được thành hình sau nhiều vòng đàm phán của 12 nước, trong đó có Hoa Kỳ và được sự ủng hộ mạnh mẽ của chính phủ Barack Obama. 11 quốc gia hiện tại tham gia TPP là Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, chiếm 13,5% nền kinh tế toàn cầu.