Sau những tuần lễ ảm đạm ngay giữa mùa gặt vụ hè thu ở đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa gạo tăng đột biến tạo phấn khởi cho nông dân, những ai còn trữ lúa chưa bán, hoặc những vùng thu hoạch muộn. Trước đó giá lúa thấp dưới giá thành và Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam (VFA) khi triển khai mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo lại đưa ra mức giá sàn 3.500đ/kg lúa khô, với giá này nông dân chỉ huề vốn.
Xuất tiểu ngạch
TS Lê Văn Bảnh
Ghi nhận trong 10 ngày đầu tháng 8, giá lúa tròn phẩm chất thấp được thương lái thu mua với giá từ 4.100đ tới 4.300đ/kg, còn lúa thơm hạt dài đạt mức giá 5.200đ tới 5.500đ/kg. Ngày 9/8 báo chí tường thuật cuộc họp trực tuyến về lúa gạo của Bộ Công Thương đưa tin, nguyên nhân chính về việc giá lúa gạo lên cao, là vì tư thương tranh mua gom gạo với giá cao để xuất theo đường tiểu ngạch qua Trung Quốc, chỉ riêng trong tháng 7 khoảng 600 ngàn tấn gạo đã được xuất qua biên giới phía Bắc.
Trong những bản tin vừa nêu, Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam (VFA) và Bộ Công Thương đã đặt ra vấn đề kiểm soát gạo xuất tiểu ngạch qua Trung Quốc, dựa vào cớ bảo đảm an ninh lương thực. Sau khi tin này được phổ biến, giá gạo bán lẻ ở TP.HCM tăng 500đ tới 1.000đ/kg. Diễn biến tiếp theo, chiều 10/8 tại Hà Nội Bộ Công Thương và Hiệp Hội VFA đã họp báo để đính chính một số sự kiện, như Việt Nam không thiếu gạo và không hạn chế bán gạo cho Trung Quốc, con số 600 ngàn tấn là gộp trong 4 tháng không phải chỉ riêng tháng 7.
Ngày 10/8, trả lời Nam Nguyên về việc thị trường cạnh tranh giúp nông dân bán lúa dễ dàng và được giá, TS Lê Văn Bảnh Viện Trưởng Viện Lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long nhận định:
“VFA lúc đầu xuất khẩu gạo có lúng túng, tiên đoán dự báo chưa chính xác. Thí dụ hiện nay thị trường Philippines không còn mua gạo nữa, thị trường Trung Quốc VFA cũng không tiên đoán được. Do vậy giá cả thu mua của bà con nông dân cũng bị ách tắc. Trước khi Trung Quốc xuống đây mua gạo, thì xuất khẩu ra nước ngoài có khó khăn, do đó có một khoảng thời gian bà con nông dân bán lúa dưới giá thành, vấn đề nan giải nếu sản xuất không có đầu ra sẽ bị ứ đọng, bán lúa 3.500/kg trở lại bà con nông dân không có lãi. Vừa qua xuất được 600.000 tấn do thị trường Trung Quốc mở cửa, hiện nay giá lúa đồng bằng sông Cửu Long trên 4.000đ/kg. Bán được giá này bà con nông dân đỡ vất vả hơn. Thực chất khối lượng gạo để bán được trên 4.000đ/kg thì bà con cũng không còn nhiều. Do vậy sự lúng túng của VFA thể hiện rất rõ trong vấn đề dự đoán dự báo.”

Nông dân đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam phấn khởi trước tình hình giá lúa được cải thiện. Nông dân Trương Minh Tâm ở Cần Thơ phát biểu:
“Nông dân tụi tui tha thiết muốn có thị trường cạnh tranh chứ để ông Hiệp Hội quyết định thì tụi tui chết sướng hơn …nói chung nông dân cũng muốn sản xuất ra có đồng lời để lo cho kinh tế gia đình, mưu sinh đủ thứ chuyện, con cái học hành chớ không phải nông dân không biết gì đâu. Nói chung cuộc sống từ trước tới giờ tầng lớp nông dân chịu thiệt nhiều lắm. Người ta nói ‘thường dân’ mà, chuyện gì khó khăn trắc trở bắt thằng dân này chịu, mấy ổng đâu có chịu.”
Bảo đảm an ninh lương thực?
An ninh lương thực từng nhiều lần được sử dụng làm lá chắn cho những quyết định hạn chế hoặc ngừng xuất khẩu, điều mà nhiều chuyên gia thị trường cho rằng có mục đích kềm giá lương thực trong nước, đồng thời giúp các tổng công ty lương thực nhà nước mua được gạo với giá có lời để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu chủ chốt của chính phủ.
Việt nam trúng mùa an ninh lương thực không phải lo, nhưng tiêu thụ lúa gạo thế nào hợp lý để bà con nông dân có nguồn thu nhập phấn khởi để tiếp tục sản xuất, đó là là vấn đề rất đáng quan tâm.
TS Lê Văn Bảnh
TS Lê Văn Bảnh xác định đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn khoảng nửa triệu héc-ta chưa thu hoạch trong tổng diện tích 1 triệu 600 ngàn héc-ta của vụ hè thu:
“Đồng bằng sông Cửu Long không thiếu lúa. Năm nay là năm thứ tư đồng bằng sông Cửu Long trúng mùa, về an ninh lương thực theo tôi, đồng bằng sông Cửu Long riêng vụ hè thu 1.600.000 héc-ta là có tới 8 triệu tấn lúa, sắp tới vụ thu đông 500.000 héc-ta dự kiến có vài triệu tấn lúa nữa, thành ra năm nay Việt nam trúng mùa an ninh lương thực không phải lo, nhưng tiêu thụ lúa gạo thế nào hợp lý để bà con nông dân có nguồn thu nhập phấn khởi để tiếp tục sản xuất, đó là là vấn đề rất đáng quan tâm.”
Người nông dân đồng bằng sông Cửu Long chúng tôi hỏi chuyện, có nhiều kinh nghiệm về những vụ mùa bội thu mà lúa ế, những lần mà thị trường bất động vì các doanh nghiệp ngừng mua gạo.

“Tôi nhớ không lầm thì năm 2008 , giá gạo bên Philippines sốt cực kỳ luôn, ông nhà nước sợ xuất khẩu thì dân đói thành ra phải bảo đảm an ninh lương thực. Trong khi Thái Lan đi trước mình một bước, sau ông Nguyễn Tấn Dũng có lên TV xin lỗi, quyết định sai xin lỗi, dân thì đã điêu đứng rồi. Thay vì năm đó mà xuất đi được thì nông dân phấn khởi biết mấy. Năm đó chặn xuất khẩu rồi xảy ra vụ tin ảo giá gạo đột biến, cuối cùng cũng bị chặn đứng đó là nguồn tin ảo.”
Nông dân trông đợi giá lúa lên để có thể có lãi tối thiểu 30% như chủ trương của chính phủ, hy vọng của người trồng lúa vừa nhen nhúm trong những ngày đầu tháng 8, nhưng liệu tình trạng giá tốt sẽ được duy trì hay không. Báo Người Lao Động Online trích lời Thứ Trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên trong cuộc họp báo ngày 10/8 ở Hà Nội nói rằng, năm nay Việt Nam có thể xuất khẩu 7 triệu 200 ngàn tấn gạo.Theo đó lượng tồn kho năm 2009 là 1 triệu 400 ngàn tấn cộng với sản lượng gạo xuất khẩu năm nay khoảng 5 triệu 800 ngàn tấn.
Tiêu thụ hết lúa gạo cho nông dân là vấn đề ưu tiên, Việt Nam sản xuất nhiều lúa gạo nhưng lệ thuộc thị trường xuất khẩu bên ngoài. Hơn nữa ổn định giá lương thực tiêu dùng nội địa là vũ khí chính trị của chính phủ. Do vậy người nông dân sẽ không bao giờ có thể làm giàu với cây lúa.
Theo dòng thời sự:
- Xuất khẩu gạo sẽ gặp khó khăn trong 6 tháng cuối năm
- Ngân hàng nhà nước VN chỉ đạo cho vay mua tạm trữ lúa
- Nông dân làm lúa ngập trong nợ
- Trung tâm thông tin tín dụng tư nhân đầu tiên chính thức hoạt động
- Quên đi chuyện bảo đảm giá lúa lãi 30%
- Lúa Hè Thu giảm giá khiến nông dân không biết bán cho ai
- Giải bài toán được mùa rớt giá
- Để nông dân được đối xử công bằng