Thanh Quang tìm hiểu tình hình vừa nói qua một số nông dân và chuyên gia nông nghiệp ở ĐBSCL.
Báo Saigòn Giải Phóng online số ra hôm Thứ Năm có bài tựa đề “ĐBSCL lại đau đầu vì giống lúa IR 50404”, kể lại trường hợp những nông dân ở Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang bị lâm vào tình trạng không bán được lúa, được thương lái hứa hẹn “nhưng đến nay không thấy tới mua lúa”, hay nhiều nông dân bị “hù” nên “…sợ, bán tháo cho thương lái với giá rẻ”…
Phẩm chất kém không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu
Một nông dân ở An Giang cho biết khó khăn liên quan giống lúa IR 50404 như sau:
"Nói cho ngay giống lúa vụ này cho gạo nó đục. Nó đục nên mình bán xuất khẩu không được. Nó không có trong, nó không có tốt gạo. Vụ đông-xuân, vụ Tết rồi nó mới được, nó trong gạo. Vụ này làm như gạo nó mất nước hay sao đó mà nó đục, gạo không đẹp, không xuất khẩu được, thành ra nó dội, nó rẻ."
Chúng tôi liên lạc với một nông dân tại Vũng Liêm (Vĩnh Long) và được anh giải thích về giống lúa IR50504:
Đặc biệt nó là giống lúa phẩm chất kém, hàm lượng ammilose rất cao, khoảng 28 hay trên 28, nên rất khó tiêu thụ đối với xuất khẩu, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
TS Vũ Anh Pháp, Viện Nghiên Cứu Phát Triển ĐBSCL<i> </i>
"Loại giống này thích hợp cho các tỉnh đồng bằng phía Nam này, nhưng mà ngược lại vào mùa thu thì hạt gạo bị bạc bụng này kia gây gãy hạt. Khi mình chà xát gạo thì thành phẩm gạo không cao, ngược lại thì năng suất nó có hơn những loại khác, thành thử ra nó bị dội. Giống lúa này gần như khoảng 90%, tức là theo như ở đây 100 công thì sản xuất loại giống này hết 90 công rồi. Luôn cả mùa này nữa. Mùa này chắc bị lỗ. Nông dân không có đồng vốn thành ra sau khi thu hoạch xong phải tiêu thụ liền, phải bán để lấy tiền chi trả cho các chi tiêu làm mùa. Vì vậy tới đây nông dân sẽ bị vất vả chút xíu đó."
Một nông dân ở Đồng Tháp giải thích vì sao gạo lúa IR 50404 gặp khó khăn:
"Gạo lóng rày bị ngưng lại. Giống này không có ăn. Nói chung giống xuất khẩu thì nhà nước ăn mạnh lắm, còn giống lúa đó làm như nó chậm lại. Tại vì giống đó thì lúa không có giá, nhà nông người ta ít có mần lại. Như em ở đây thì em mần giống xuất khẩu, giống 2514 ngon cơm. Làm giống ngon cơm, giống xuất khẩu thì bán có giá. Còn 504 thì nó cứng cơm lắm. Nhằm khi lúa hút thì bán cũng được, còn như lúa hơi nhũn lại thì ít có ai mua lắm. Ở đây nói chung, ở xã của em ở đây thì mần giống xuất không à, ít ai mần giống đó lắm."
Các chuyên gia trong vùng cũng đề cập tới vấn đề lúa IR 50404. Tiến sĩ Dương Ngọc Thành nhận xét:
"Giống 504 thì hiện nay dân Đồng Bằng Sông Cửu Long đang trồng đó nhưng mà không phát triển nhiều tại vì giá cả nó cũng bấp bênh. Tại vì nó không đủ phẩm chất để xuất khẩu thành thử tiêu thụ bị ít. Giá cả nó bấp bênh mà lượng lúa sản xuất quá lớn khả năng tiêu thụ trong nước không hết được. Cái đó người ta sử dụng để làm bánh này nọ còn xuất khẩu thì phẩm chất phải cao mới xuất được "
Chiếm diện tích lớn, năng suất cao
Qua cuộc trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Vũ Anh Pháp thuộc Viện Nghiên Cứu Phát Triển ĐBSCL cho biết:
TS Vũ Anh Pháp: Giống lúa IR 50404 thì đây là giống lúa mới, năng suất cao, rất là có triển vọng, Nó là giống lúa ngắn ngày, rất ngắn ngày ở vùng dưới, cho năng suất rất cao, thích nghi với đất trồng. Ở vùng phèn, vùng ảnh huởng của bão nhẹ nó cũng thích nghi rất tốt. Nhưng mà sau một thời gian như thế thì nó chiếm diện tích quá lớn, tại vì nông dân người ta thích giống ngắn ngày nên có thể một năm làm ba vụ rất tốt. Thành ra cái diện tích nó chiếm một tỷ lệ rất lớn. Nó lại ít bị nhiễm rầy nâu cũng như là sâu bệnh. Đặc biệt nó là giống lúa phẩm chất kém, hàm lượng ammilose rất cao, khoảng 28 hay trên 28, nên rất khó tiêu thụ đối với xuất khẩu, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Và đặc biệt trong vụ hè-thu thì giống lúa này lại có phẩm chất kém hơn vụ đông-xuân, kém hơn vụ trong mùa khô, do đó chính phủ không khuyến khích làm giống này vượt quá 20%, tỷ lệ 20% so với các giống lúa khác. Do đó hiện nay Bộ chỉ đạo một số tỉnh đã vượt quá tỷ lệ 20% là phải có biện pháp không để tăng diện tích thêm nữa, tại vì nếu tăng diện tích lên trong vụ hè-thu này thì rất là khó tiêu thụ. Thí dụ như năm rồi cái giống này có tỉnh chiếm tỷ lệ 50% do đó lượng lúa rất lớn, bà con nông dân không tiêu thụ được. Do năm rồi xuất khẩu gặp khó khăn, đối với các thị trường dễ tính thì người ta không có tiền để nhập, đối với thị trường khó tính thì giống này không đạt tiêu chuẩn. Hiện nay chính phủ khuyến khích nông dân không nên sản xuất giống này với diện tích lớn.
Năm rồi nông dân làm giống IR 50404 thua lỗ rất lớn, không tiêu thụ được, trong khi tiền thì nợ ngân hàng, nợ vật tư, mà lúa không tiêu thụ được.
TS Vũ Anh Pháp, Viện Nghiên Cứu Phát Triển ĐBSCL<i> </i>
Thanh Quang: Như vậy hiện bây giờ nông dân có nghe theo khuyến cáo của giới hữu trách như thế nào không, thưa Tiến Sĩ? Hay là họ lại có thể xuống giống nhiều, xuống lượng nhiều thì sao?
TS Vũ Anh Pháp: Hiện nay thì đang vượt quá mức 20% rồi, lý do là vụ đông-xuân vừa qua giống lúa này vẫn bán được, tiêu thụ rất tốt, lý do là trong đông-xuân phẩm chất nó tốt hơn hè-thu nhiều, và năm nay mình xuất khẩu cũng khả quan hơn năm 2008. Vụ đông-xuân vừa rồi giống này vẫn tiêu thụ tốt, nhưng mà dự báo vụ hè-thu giống này rất khó tiêu thụ, do đó chính phủ khuyến cáo không nên phát triển giống này với diện tích lớn. Nhưng mà nông dân người ta không nắm được những thông tin đó, họ thấy mùa trước bán được thì họ tiếp tục phát triển giống mà họ thích.
Thanh Quang: Dạ. Trở lại lúa IR 50404 còn tồn đọng một lượng khá lớn ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long thì lượng này có tồn đọng ở mức đáng ngại không, thưa Tiến Sĩ?
TS Vũ Anh Pháp: Tôi không có con số chính xác tồn đọng bao nhiêu, nhưng mà năm rồi chúng tôi có đi điều tra về tình hình nghề nông thì một số hộ nông dân không tiêu thụ được giống này, đến cuối năm thì không tiêu thụ được. Do đó đối với lúa tồn trữ trong điều kiện không đúng cách thì 6 tháng sẽ bị mọt, bị mốc, bị ẩm vàng, do đó nhiều nông dân phải bán cho người ta làm thức ăn gia súc chứ không thể làm thực phẩm được.
Thanh Quang: Như Tiến Sĩ vừa giải thích thì tình trạng bán tháo, bán đổ lúa IR 50404 có diễn ra ở trong vùng chưa? Hay là bị thương lái bắt chẹt như thế nào không?
TS Vũ Anh Pháp: Hồi năm rồi có xảy ra trường hợp thương lái không mua chứ không phải bắt chẹt, tức là họ không tiêu thụ được do đó họ không mua, cho nên nhiều nông dân phải bán để làm thức ăn gia súc, nhưng mà thức ăn gia súc thì tiêu thụ cũng có hạn. Năm rồi nông dân làm giống IR 50404 thua lỗ rất lớn, không tiêu thụ được, trong khi tiền thì nợ ngân hàng, nợ vật tư, mà lúa không tiêu thụ được.
Thanh Quang: Như vậy phía chính quyền có giải pháp nào để giúp nông dân tránh tái diễn tình trạng như Tiến Sĩ vừa nói hay không?
TS Vũ Anh Pháp: Hiện nay các ban ngành về nông nghiệp dưới sự chỉ đạo của Cục Trồng Trọt đã chỉ đạo xuống các chính quyền địa phương là đối với những vùng chưa có xuống giống thì hạn chế, không cho xuống giống IR 50404, mà thay thế bằng các giống khác có phẩm chất tốt hơn, nhằm hạn chế sự thiệt hại cho bà con nông dân trong vụ hè-thu.
Thanh Quang: Vừa rồi là TS Vũ Anh Pháp, Trưởng Bộ Môn Tài Nguyên Cây Trồng thuộc Viện Nghiên Cứu Phát Triển ĐBSCL.