Bà Rosa Parks, người thay đổi giòng lịch sử Hoa Kỳ

Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA

Linh cữu người thợ may Hoa Kỳ da đen, bà Rosa Parks được quàn tại điện Capitol, trụ sở quốc hội Mỹ sang ngày thứ nhì, để các cấp lãnh đạo hành pháp và lập pháp cùng người dân Mỹ tiếp tục chiêm ngưỡng trong ngày thứ hai 31 tháng 10.

0:00 / 0:00
RosaParkFuneral200.jpg
Linh cữu bà Rosa Parks được quàn tại điện Capitol, Washinton DC. AFP PHOTO

Bà Rosa Parks từ trần hôm 23 tháng 10 vừa qua, tại Detroit, Michigan, thọ 92 tuổi. Quan tài của bà, từ hôm chủ nhật 30 tháng 10 đã được đưa lên các bậc thang tiền đình quốc hội và đặt ở giữa đại sảnh đường Rotunda, nơi dùng để quàn áo quan của những vị nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ và những khuôn mặt chính trị lớn của nước này.

Phụ nữ đầu tiên

Bà là phụ nữ Mỹ đầu tiên được hưởng vinh dự đó tương tự như các vị tổng thống lừng danh Abraham Lincoln, John Kennedy, Ronald Reagan.

Khoảng 10 ngàn người dân Mỹ, đa số là da đen, xếp hàng trong nhiều tiếng đồng hồ, bên ngoài quốc hội trong thủ đô Washington để lần lượt vào chiêm nguỡng bà Rosa Parks, người phụ nữ mà cách đây 50 năm đã từ chối đứng dậy nhường chỗ ngồi trên xe bus cho một người đàn ông da trắng.

Lúc đó vào thập niên 1950 trên đất nước Mỹ, làm như bà là vi phạm luật pháp tại quận Montgomery, bang Alabama. Bà đã bị bắt giam và nộp phạt số tiền 14 đô la. Báo chí kể lại là Rosa Parks đã nói với cảnh sát rằng, các ông có thể còng tay tôi, nhưng tôi không thể đứng dậy nhường chỗ ngồi cho người khác.

Lúc ấy người Mỹ da đen bị kỳ thị trong trường học, chợ búa, quán ăn, xe bus, không được xem ngang hàng với người da trắng.

RosaParks150.jpg

Sự kiện bà Rosa Parks bị phân biệt đối xử đã khiến phong trào tẩy chay xe bus tại các bang miền Nam Hoa Kỳ bùng phát đồng loạt, gây thiệt hại lớn cho giới chủ nhân và ngân quỹ chánh phủ. Người Mỹ da đen không đi xe bus nửa mà đi xe đạp, đi bộ hay dùng bất cứ phương tiện di chuyển nào khác.

Sau khi bà bị giam, mục sư Martin Luther King Jr. hô hào cuộc tẩy chay công ty xe buýt kéo dài liên tiếp 381 ngày, khởi đầu phong trào tranh đấu bất bạo động đòi nhân quyền và bình đẳng xã hội.

Ngày 13 tháng 11 năm 1956, toà tối cao của Hoa Kỳ phán quyết sự phân biệt chủng tộc trên xe buýt là vi hiến. Cuối cùng luật kỳ thị màu da bị hoàn toàn bãi bỏ, phong trào nhân quyền được sự ủng hộ của nhiều người da trắng, từ đó tiến lên cho tới khi dành được thắng lợi trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ, đem lại sự bình đẳng cho mọi người thuộc mọi màu da ở Hiệp Chúng Quốc Mỹ.

Giữa lúc phong trào nhân quyền đạt thành quả vẻ vang tại Hoa Kỳ thì mục sư Martin Luther King bị ám sát chết vào năm 1963, khi đó ông mới 39 tuổi.

Gương tranh đấu hào hùng

Tổng thống George W Bush và phu nhân đã đến đặt vòng hoa nơi quan tài của bà Rosa Parks, một số giới chức lập pháp và hành pháp cũng hiện diện là thượng nghị sĩ Bill Frist, thủ lãnh khối đa số tại thượng viện Mỹ, thượng nghị sĩ Harry Reid, thủ lãnh khối thiểu số, dân biểu Roy Blunt, quyền thủ lãnh khối đa số tại hạ viện Mỹ và nhiều vị dân cử khác.

Hôm chủ nhật, bà Condoleeza Rice đã đến tham dự thánh lễ tại Montgomery, bang Alabama là quê hương cỉa bà Rosa Parks.

Lên tiếng vào dịp này, bà Rice tuyên bố, nếu không có gương tranh đấu hào hùng của bà Parks thì hôm nay, bà không thể hiện diện tại thánh đường này trong cương vị ngoại trưởng Hoa Kỳ.

RosaParkBus200.jpg
Chiếc xe bus mà bà Rosa Park đã từ chối đứng lên nhường cho người đàn ông da trắng được trưng bày tại viện bảo tàng Henry Ford. AFP PHOTO

Thống đốc Alabama Bob Riley ca ngợi bà Rosa Parks chính là người phụ nữ da đen được thượng đế sắp đặt để thay đổi giòng lịch sử, và khơi màu cho công cuộc chống đối mọi bất công xã hội trên thế giới.

Tại đại sảnh Rotunda, Mục sư Harold Carter nhấn mạnh rằng: "Hôm nay chúng ta tập họp nơi đây để tôn vinh bà Rosa Parks, người phụ nữ được xem là mẹ của phong trào nhân quyền. Bà vĩnh viễn ra đi nhưng tấm gương sáng của bà sẽ được khắc ghi mãi mãi trong lòng mọi người."

Trong đoàn người rất dài xếp hàng tại điện Capitol, chờ đến lượt mình vào tiễn biệt bà Rosa Parks, bà Carrie Murray Hill, một tín đồ Tin Lành da đen, năm nay 78 tuổi kể lại rằng, chính mắt bà đã chứng kiến bao nhiêu nỗi bất công trong thời thơ ấu, khi còn sống với gia đình ở bang Ohio, gây ra bởi sự phân biệt màu da.

Không chịu đựng sự bất công kéo dài vô tận, giữa thập niên 50 gia đình bà đã dọn về sống tại quận Fairfax, bang Virginia, gần thủ đô Washington cho tới nay.

Bà Hill công nhận là sau khi bà Parks phát động phong trào nhân quyền thì mọi hành động kỳ thị chúng tộc đã tan biến dần.

Bà tin rằng với gương can đảm và lòng hy sinh vô biên, bà Rosa Parks xứng đáng được xem là một vị thánh nhân của Hoa Kỳ.