Ông Rumsfeld viếng thăm Trung Quốc, một chuyến đi, nhiều câu hỏi

Trần Sơn Nam

Đối với dư luận chung trên chính trường quốc tế thì ông Rumsfeld, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ, thuộc về phe “diều hâu” của Mỹ. Tuần này trong một chuyến đi thăm nhiều nước ở Châu Á và Trung Á, ông bắt đầu chuyến đi bằng đặt chân đến Bắc Kinh và được dịp hội kiến với giới lãnh đạo Trung Quốc.

RumsfeldChina200.jpg
Tổng trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Donald Rumsfeld trong chuyến viếng thăm Bắc Kinh hôm 18-10-2005. AFP PHOTO

Nhân dịp này, nhiều câu hỏi được đặt ra về chuyến công du thăm Trung Quốc của ông Rumsfeld, đặc biệt trong bối cảnh hết sức phức tạp của mối quan hệ Mỹ-Trung. Đài Á Châu Tự Do trao đổi ý kiến về sự kiện mới này với ông Trần Sơn Nam.

Việt Long: Thưa ông Trần Sơn Nam, ông Rumsfeld, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ, thường được coi như một nhân vật chủ chốt của phe "tân bảo thủ" thuộc loại diều hâu của Mỹ. Tuần này ông viếng thăm Trung Quốc, tầm quan trọng chuyến công du của ông sẽ ảnh hưởng mối quan hệ Mỹ-Trung tới mức nào?

Trần Sơn Nam: Thưa, bắt đầu từ tuần này, ông Rumsfeld đi thăm nhiều nước ở Châu Á và Trung Á, tuy nhiên chuyến công du của ông tại Trung Quốc được giới quan sát đặc biệt theo dõi.

Thực ra, chuyến công du thăm Trung Quốc này đã được nói đến từ nhiều năm trước, nhưng trong những năm qua quá nhiều biến chuyển dồn dập đã buộc ông phải đình hoãn chuyến đi, nay ông mới có dịp thực hiện việc đã được dự định. Còn về câu hỏi tại sao dư luận trên chính trường quốc tế đặc biệt để ý đến chuyến đi thì quả thật có rất nhiều lý do.

Mối quan hệ phức tạp

Việt Long: Phải chăng trong bối cảnh mối quan hệ phức tạp giữa Mỹ và Trung Quốc lúc này, qua chuyến viếng thăm Bắc Kinh lần này, ông Rumsfeld muốn tìm câu trả lời cho một số câu hỏi mà gần đây ông có đặt ra một cách công khai?

Ông Rumsfeld đặt câu hỏi “Trung Quốc không bị ai đe dọa, thì tại sao lại đầu tư nhiều đến thế vào quỹ Quốc Phòng? tại sao lại tiếp tục tăng cường lực lượng trong lãnh vự hỏa tiễn và mua nhiều vũ khí đến thế?”

Trần Sơn Nam: Thưa, điều này có nhiều phần đúng, tuy nhiên vì ông Rumsfeld là một nhân vật khá đặc biệt, giữ một địa vị then chốt quan trọng trong bộ máy công quyền của Mỹ, nên chuyến công du của ông với lý do nào chăng nữa thì cũng có tầm quan trọng đặc biệt.

Trước hết, ông được mọi người biết như là một thành phần trọng yếu của phe “diều hâu” thuộc nhóm “tân bảo thủ” của Mỹ. Nhóm này chủ trương về mặt chiến lược toàn cầu giữ vững tư thế siêu cường quốc, bao trùm thiên hạ, của Mỹ trong mọi lãnh vực, dĩ nhiên là cả trong lãnh vực quân sự mà ông Rumsfeld là người đứng đầu.

Người ta cũng không quên là mới tháng 6 vừa qua, tại một hội nghị ở Singapore, ông đã công khai đặt câu hỏi về ngân sách Quốc Phòng của Trung Quốc và về sự kiện Trung Quốc tăng cường quân sự tại miền biển đối diện với Đài Loan.

Theo con số chính thức do nhà cầm quyền Trung Quốc đưa ra thì ngân sách của Bộ Quốc Phòng của họ chỉ có trên dưới 30 tỷ dollar, trong khi đó thì người ta được biết là thực sự con số có thể là gấp hai ba lần, do đó mà ông Rumsfeld đặt câu hỏi “Trung Quốc không bị ai đe dọa, thì tại sao lại đầu tư nhiều đến thế vào quỹ Quốc Phòng? tại sao lại tiếp tục tăng cường lực lượng trong lãnh vự hỏa tiễn và mua nhiều vũ khí đến thế?”

Một người với nhãn hiệu diều hâu như ông Rumsfeld mà lại là nhân vật số một điều khiển bộ máy quân sự của Mỹ, đặt những câu hỏi công khai như vậy tại một hội nghị quốc tế thì làm sao mà dư luận không ngạc nhiên được?

Nay chính nhân vật này lại đi Bắc Kinh trong một chuyến viếng thăm 3 ngày, hội đàm với Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào và Bộ Trưởng Quốc Phòng, Tướng Cao Gangchuan và được nhà cầm quyền Bắc Kinh đồng ý để đi thăm Bộ Tư Lệnh của những lực lượng chiến lược hạt nhân của Trung Quốc, một bộ phận thuộc loại tối mật của Trung Quốc thì làm sao dư luận không đặc biệt chú ý theo dõi?

Chủ trương riêng biệt?

Việt Long: Ai cũng hiểu, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc có tính cách đa dạng và phức tạp, không lẽ ông Rumsfeld có chủ trương riêng biệt đối với Trung Quốc về mặt quân sự, không đếm xỉa gì đến chiến lược toàn bộ của Mỹ đối với Trung Quốc?

Trần Sơn Nam: Thưa, nhận xét này rất sát với thực tế. Chính quyền Bush ngay từ những ngày đầu vẫn khó khăn không xác định được một cách rõ rệt đường lối để đối phó với một thử thách quan trọng về mặt chiến lược: có nên coi Trung Quốc là một đối thủ trong tương lai về mặt quân sự không, rồi từ đó có những kế hoạch phù hợp với quan điểm đó hay chỉ coi Trung Quốc là một đối tác trên bàn cờ quốc tế?

Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào cho rằng: “Mối quan hệ về mặt quân sự giữa 2 nước còn có thể mở rộng hơn nữa, mặc dầu trong những năm qua đã có nhiều cải thiện. Hơn nữa, điều đó còn giúp cho hai bên tăng cường sự hiểu biết và tinh thấn hữu nghị”

Trong chính quyền của Mỹ, người ta thấy có cả hai khuynh hướng này, một khuynh hướng chống lại sự bành trướng về mặt quân sự của Trung Quốc và tìm cách ngăn chặn sự bành trướng này và một khuynh hướng đối ngược hẳn lại, thân thiện với Trung Quốc và nhìn nhận sự hợp tác với Trung Quốc là cần thiết để bảo vệ ổn định và hòa bình trong vùng Thái Bình Dương.

Ngoài ra lại còn có những giàng buộc về mặt kinh tế đặt hai nước vào một tình thế gần như hỗ tương, không dễ gì coi nhẹ được. Vào lúc này, chính quyền Bush dường như vẫn còn tìm một hướng đi giữa hai khuynh hướng này.

Quan điểm của Trung Quốc

Việt Long: Quan điểm của Trung Quốc ra sao, một khi đã đón nhận chuyến viếng thăm của ông Rumsfeld?

Trần Sơn Nam: Nếu chỉ nhìn vào mặt tiêu cưc thái độ của Trung Quốc thì quan điểm của họ đối với những câu hỏi của ông Rumsfeld cũng có nhiều phần hợp lý.

Họ hỏi lại: “Nếu bảo rằng Trung Quốc không bị ai đe dọa thì tại sao vẫn có những máy bay thám thính và chiến hạm Mỹ có mặt luôn luôn dọc theo bờ biển Trung Quốc? tại sao Mỹ lại phải kéo Nhật Bản vào vấn đề Đài Loan? tại sao Mỹ vẫn tiếp tục bán vũ khí tối tân cho Đài Loan? Rồi lại còn bản phúc trình của Ngũ Giác Đài về khả năng quân sự của Trung Quốc mới được công bố gần đây?” ( về bản phúc trình này Trung Quốc cho rằng đây là một vụ can thiệp thô bạo vào nội bộ của Trung Quốc).

Nhưng nếu dựa vào những lời tuyên bố của Tướng Cao Guangchuan (ngay cả sau khi ông Rumsfeld trong một bài diễn văn tại trường Cán Bộ Trung Ương nhắc lại những thắc mắc của Mỹ về những biện pháp tăng cường quân sự của Trung Quốc) và của Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào sau khi có cuộc hội đàm tay đôi với ông Rumsfeld thì cảm tưởng chung của giới quan sát quốc tế là cả hai bên đều muốn có một bầu không khí hòa dịu.

Tướng Cao Guangchuan thì cho rằng mối quan hệ về quân sự giữa hai nước rất vững chắc và chuyến viếng thăm của ông Rumsfeld là một biến cố quan trọng trong khi đó thì Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào cho rằng: “Mối quan hệ về mặt quân sự giữa 2 nước còn có thể mở rộng hơn nữa, mặc dầu trong những năm qua đã có nhiều cải thiện. Hơn nữa, điều đó còn giúp cho hai bên tăng cường sự hiểu biết và tinh thấn hữu nghị”

Việt Long: Theo những tin tức mới nhận được thì trước khi lên đường thăm Bắc Kinh, ông Rumsfeld đã đưa ra những lời tuyên bố có tính cách hòa dịu.

Nhưng về mặt kinh tế và chiến lược Trung Quốc cũng nhìn nhận là không thể đứng vào thế đối nghịch lộ liễu với siêu cường quốc Mỹ, nên đồng thời với những chủ trương có tính cách độc lập cũng đã có sự đồng ý với Mỹ là phải có sự trao đổi thường xuyên ở cấp cao về những vần đề quan trọng giữa hai nước.

Trần Sơn Nam: Vâng, quả có như vậy. Ông tuyên bố là Mỹ muốn có quan hệ về mặt quân sự tốt đẹp hơn với Trung Quốc và vấn đề chỉ là: "hai nước làm sao tìm được phương thức để thực hiện điều đó và đồng thời thỏa mãn được quan điểm của cả hai bên"

Quan hệ Trung Quốc – Nga

Việt Long: Trung Quốc vui lòng đón tiếp ông Rumsfeld, nhưng gần đây lại có vẻ muốn làm thân với Liên Bang Nga, giữa hai thái độ này có gì mâu thuẫn không?

Trần Sơn Nam: Ai cũng rõ là gần đây Trung Quốc đã có những cuộc tập trận chung về mặt quân sự với Nga, và cũng đã ký cùng với Nga vào một bản thông cáo chung của những nước Trung Á, ngụ ý muốn đẩy Mỹ ra khỏi miền Trung Á, ngoài ra Trung Quốc trong việc đi tìm dầu đã ký một loạt thỏa hiệp với những nước mà Mỹ coi là thù nghịch như Iran, Sudan, Venezuala v.v…

Nhưng về mặt kinh tế và chiến lược Trung Quốc cũng nhìn nhận là không thể đứng vào thế đối nghịch lộ liễu với siêu cường quốc Mỹ, nên đồng thời với những chủ trương có tính cách độc lập cũng đã có sự đồng ý với Mỹ là phải có sự trao đổi thường xuyên ở cấp cao về những vần đề quan trọng giữa hai nước.

Về phương diện này thì người ta đã thấy nhân vật số hai của Bộ Ngoại Giao Mỹ là ông Zeollick đến Bắc Kinh để thảo luận với nhà cầm quyền Trung Quốc về một số vấn đề trong hồ sơ đa dạng và phức tạp của mối quan hệ song phương. Và trước khi ông Rumsfeld lên đường, người ta cũng được thấy một phái đoàn kinh tế hùng hậu của Mỹ cấp Bộ Trưởng tới Bắc Kinh để thảo luận về những vấn đề kinh tế và mậu dịch.

Ngoài ra người ta cũng phải tính đến chuyến viếng thăm Trung Quốc của Tổng Thống George W. Bush vào giữa tháng 11 sắp tới đây. Nói tóm lại mối quan hệ giữa hai nước vừa có tính cách đa dạng vừa có tính cách vô cùng phức tạp và về cả hai phía, Mỹ và Trung Quốc, chưa có một chủ trương nào có thể được coi là dứt khoát.

Do đó, chuyến viếng thăm của ông Rumsfeld phải được đặt trong bối cảnh thế chiến lược giữa một bên là một cường quốc đang lên và một bên là một siêu cường quốc muốn giữ ảnh hưởng bao trùm của mình.