Vụ hạ cánh an toàn của quan chức cao cấp

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Trong cuộc chiến chống tham nhũng, báo chí và dư luận hay dùng cụm từ "hạ cánh an toàn" để chỉ những trường hợp một số tham quan, bằng chứng đã rõ, nhưng lại không hề hấn gì, xem như vụ việc chìm xuồng. Mới nhất, Lê Dân xin trình bày về một trường hợp điển hình, gây bức xúc cả cho Quốc hội, để rồi bắt đầu được lãng quên.

MoneyCorruption200.jpg
AFP PHOTO

Ngày mùng 5 tháng Bảy, ông Nguyễn văn Lâm, phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, tức tương đương cấp thứ trưởng, đã nộp đơn xin từ chức và được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chấp nhận.

Từ chức

Lý do ông Lâm trình bày trong đơn xin từ chức là do có khuyết điểm trong việc nhận phong bì của các đơn vị Thủy điện Sê San 3A, Văn phòng Ủy ban Nhân dân tình Bình Định và Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên, tổng cộng 2 triệu 250 ngàn đồng.

Thủ tướng chấp thuận cho ông Nguyễn văn Lâm từ chức và yêu cầu ông nộp lại số tiền đã nhận cho các đơn vị vừa kể. Không nghe nói chính phủ có ý tìm hiểu lý do các đơn vị đó phải nộp tiền hay không, và số tiền đó từ đâu ra, do ngân sách hay kinh phí nào.

Báo chí và dư luận còn nhớ ông Nguyễn văn Lâm khi bỏ quên va li tiền tại phi trường Nội Bài, đang phụ trách Vụ I, theo dõi công tác chống tham nhũng, buôn lậu và gian lận thương mại. Sau khi nội vụ vỡ lở, ông phụ trách mảng nội chính của Văn phòng Chính phủ.

Vụ này cùng với vụ thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến, là cả hai người đều phụ trách công tác chống tham nhũng, được nhận xét bởi ông Cù Huy Hà Vũ: "Một nơi có khả năng tham nhũng nhiều nhất, lại phụ trách công tác chống tham nhũng, thì đã triệt công tác này từ trong trứng."

Một nơi có khả năng tham nhũng nhiều nhất, lại phụ trách công tác chống tham nhũng, thì đã triệt công tác này từ trong trứng.

Vụ quên va li tiền

Báo chí và dư luận đều nhớ vụ quên va li tiền hồi 3 năm trước. Ngày 11 tháng Tư năm 2003, nhân viên thu dọn vệ sinh của Cụm Cảng Hàng không Miền Bắc nhặt được một cặp số màu đen hiệu Echoloc có đeo thẻ VIP của Vietnam Airlines.

Khi thấy cặp da không khóa, nhân viên này mở ra và giật mình phát hiện trong đó có nhiều phong bì đựng tiền, cả đôla Mỹ lẫn tiền Việt. Ngay lập tức, ban đại diện được thành lập khẩn cấp để cùng kiểm tra và làm chứng.

Khi phát hiện có danh thiếp tên ông phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, bộ phận an ninh đã gọi điện báo cho ông. Ông Lâm lập tức đến sân bay, nhưng phải chờ biên bản lập xong theo đúng quy trình.

Biên bản được lập lúc 19 giờ 30 ngày 11 tháng Tư năm 2003 với sự tham gia cả 5 người gồm một trực ban, một đội phó cơ động, một tổ trưởng Tổ Khẩn nguy, một nhân viên Tổ Khẩn nguy, một nhân viên Phòng Cảng vụ và một nhân chứng.

Trong cặp có 11 phong bì tiền, trong đó có 5 phong bì đôla Mỹ, cái ít nhất chứa 1 ngàn đô, cái nhiều nhất chứa 5 ngàn đô. Sáu phong bì tiền Việt, cái dày nhất chứa 10 triệu đồng, cái hẻo nhất là 1 triệu đồng. Ngoài các phong bì còn có 1 triệu 700 ngàn ở bên ngoài. Toàn bộ có 21 triệu 700 ngàn đồng và 10 ngàn 300 đôla.

Số tiền “vô chủ”

Biên bản ghi phong bì đựng 5 triệu đồng có địa chỉ Tổng Công ty Sông Đà-Ban Quản lý Dự án Sê San 1A, chiếc đựng 1 triệu đồng ghi Công ty Tư vấn xây dựng Đường Thủy thuộc Tổng Công ty Tư vấn-Thiết kế Giao thông Vận tải. Hai phong bì chưa mỗi chiếc 2 triệu đồng là của hai Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên và Bình Định.

Chiếc phong bì đựng tiền Việt dày nhất với 10 triệu cùng 5 phong bì đô la Mỹ đều không có địa chỉ "xuất phát". Và toàn bộ đều không có tên người hay cơ quan nhận.

Một nhân chứng gần đây cho phóng viên báo Vietnamnet biết rằng quá trình kiểm tra diễn ra khá lâu vì phải ghi lại số sêri của từng tờ giấy bạc, sau mới bàn giao chiếc cặp lại cho ông Nguyễn văn Lâm, lúc này đã trở lại phi trường.

Nhân chứng nói thêm là một thời gian sau, ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương....có đến làm việc thêm vì có thông tin là trên các phong bì ghi tên ông nọ, ông kia....nhưng anh đã phải lấy đầu ra để chịu trách nhiệm là trên các phong bì đó không có tên ông nào cả.

Ba năm sau, tin cho hay ban Bí thư Trung ương đảng vừa đồng ý với đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để ông Nguyễn văn Lâm thôi giữ chức phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Ông Lâm nhận khuyết điểm đã nhận 2 triệu 250 ngàn đồng nên được chỉ thị là trả lại số tiền đó cho các nơi đã nộp.

Như vậy, so với biên bản năm 2003 là 21 triệu 700 ngàn đồng và 10 ngàn 300 đôla, thì số đôla xem như biến mất, còn tiền Việt mất hẳn 19 triệu 450 ngàn đồng.

Tin cho biết ông Nguyễn văn Lâm đang chờ được bố trí công tác khác.