Người Sài Gòn và hồn đô thị

Văn hiến – Văn vật

Trong cách nhìn sự tồn tại của vạn vật dưới quan điểm của một nhà nghiên cứu Sử học, Tiến sĩ Nguyễn Nhã không thể đồng tình với phương án phá huỷ những gì có giá trị thời gian.

"Một cây cổ thụ càng lâu năm càng có giá trị, mấy trăm năm ngàn năm càng quí nữa. Một toà nhà mấy trăm năm có giá trị rất lớn, vì nó thể hiện một di tích của một giai đoạn lịch sử về kiến trúc và đời sống của thời đó. Nếu trọng văn hiến thì văn vật được trọng. Nếu không quan tâm đến truyền thống văn hiến thì người ta không coi trọng văn vật."

Giữa “Việt Nam nghìn năm văn hiến”, thì có đến trăm năm nền văn hiến, văn vật của nước Pháp hiện hữu ở Sài Gòn. Chính vì vậy, Tiến sĩ Nguyễn Nhã cho rằng nếu một đất nước trọng văn hiến, thì văn vật sẽ được tôn trọng. Nếu một đất nước không quan tâm đến truyền thống của văn hiến thì lẽ đương nhiên người ta sẽ không coi trọng văn vật.

Người Pháp sau khi chiếm thành Gia Định đã đặt nền tảng cho Sài Gòn trở thành trung tâm quan trọng về mọi mặt ở Đông Dương. Và hơn cả thế, Sài Gòn được người Pháp ban cho sứ mệnh là “Hòn ngọc Viễn Đông” hoặc một “Paris nhỏ ở Viễn Đông”.

<i>Một cây cổ thụ càng lâu năm càng có giá trị, mấy trăm năm ngàn năm càng quí nữa. Một toà nhà mấy trăm năm có giá trị rất lớn, vì nó thể hiện một di tích của một giai đoạn lịch sử về kiến trúc và đời sống của thời đó. </i> <i>Nếu trọng văn hiến thì văn vật được trọng. Nếu không quan tâm đến truyền thống văn hiến thì người ta không coi trọng văn vật. - TS Sử học Nguyễn Nhã</i>

Nếu lượt sơ qua về quần thể kiến trúc do người Pháp xây dựng trong những năm 1859 – 1954 và để lại Sài Gòn cho đến nay thì có thể thấy hầu như toàn bộ những gương mặt bề thế nhất, uy nghiêm nhất của Sài Gòn đều ra đời ở giai đoạn này.

Cho đến nay, những chủ thể thuộc quần thể ấy, cái ít tuổi nhất cũng không thể dưới 100 năm tuổi. Và cũng trong số đó, có những ‘gương mặt’ đã vĩnh viễn không còn nữa. Đó là một Thương xá Tax đã phải khoác tấm bia 1880 – 2016. Đó là Nhà máy đóng tàu Ba Son, 1858 – 2018.

Một linh hồn khác của Sài Gòn xưa đang trong số phận sẽ bị phá huỷ với mục đích cải tạo đô thị và phát triển kinh tế. Đó là khối nhà cổ phía sau UBND TP, tức Toà Đô chính thời VNCH ở số 59-61 Lý Tự Trọng, thời Pháp thuộc là Sở Nội vụ Nam Kỳ, người dân xưa còn gọi là dinh Thượng Thơ, hiện nay là trụ sở của Sở Thông tin và truyền thông, Sở Công thương. Ngôi nhà 130 năm tuổi.

Khi chúng tôi đặt thẳng vấn đề dự án phá bỏ dinh Thượng Thơ để mở rộng trụ sở UBND TP, Phó Chủ tịch UBND TP ông Lê Trung Khoa viện dẫn ‘có việc, từ chối bình luận.

“Xin lỗi tôi đang có việc bận.”

<i> <i>Xin lỗi tôi đang có việc bận. - Phó Chủ tịch UBND TP Lê Trung Khoa</i> </i>

Một người dân sinh sống ở Sài Gòn cho biết đối với bà, chỉ có sự vô cảm mới định nghĩa hết được cho hành động phá bỏ những di tích kiến trúc trăm năm tuổi như dinh Thượng Thơ.

“Dù là người Pháp xưa nay…dù là mình bị đô hộ hay gì đó, nhưng người ta đã xây dựng nên cho đất nước mình 1 kiến trúc cổ rất đẹp. Nó có 1 giá trị văn hoá thì cớ sao mình lại đập đi? Nếu nói là lâu đời thì mình trùng tu lại, nhưng tôi thấy nó còn rất đẹp, không có gì phải trùng tu hết. Nói lý do đập đi để xây dựng cơ quan gì của nhà nước tôi thấy nó vô lý quá. Tôi nghĩ 90 triệu dân thì hết 80 triệu dân không bằng lòng.”

Hiểu về di sản và gìn giữ

Di tích lịch sử, di sản văn hoá là định nghĩa những phạm trù vừa có tính vật thể vừa mang tính chất phi vật thể, nghĩa là thời gian. Không phải di sản, di tích nào cũng tự nhiên đến, tự nhiên tồn tại và tự nhiên bị thiên nhiên bào mòn. Nó còn là những vật thể do con người tạo ra. Nó gắn liền với những ngôi nhà cổ, những con đường với hàng cây cổ thụ lớn dần theo thời gian. Nhưng nó tồn tại như thế nào và giá trị được vĩnh hằng như thế nào đến đời sau, một phần không nhỏ là do con người tác động.

Một người dân làm việc ở gần khu vực dinh Thượng Thơ cho biết phản ứng của ông khi nghe về kế hoạch phá bỏ khối nhà cổ này.

"Nó dù gì cũng là 1 di tích. Nó là 1 di tích thì mình nên tôn trọng và giữ lại nó. Phải quảng bá như thế nào để lớp trẻ về sau họ biết nó là gì và họ giữ lại di tích lịch sử này."

Thế nhưng, cũng chính người dân này, khi đề cập đến sự phát triển đô thị và phát triển của tương lai thì ông lại có sự phản biện với chính ý kiến của mình về cái gọi là bảo tồn.

Người đàn ông này kỳ vọng vào tương lai tốt đẹp cho thế hệ sau, dựa theo sự thay đổi và phát triển của hiện tại. Có thể ông cũng có rất nhiều ký ức, kỷ niệm với khối nhà cổ phía sau UBND Thành phố, nhưng ông chấp nhận đánh đổi những gì thuộc về thời gian để hướng đến bức tranh tươi đẹp hơn.

“Dù gì tôi cũng phải tôn trọng sự phát triển của tương lai sau này. Nếu phát triển để tương lai sau này tiến bộ hơn, mạnh mẽ hơn thì cũng nên làm. Mình không nên cổ hủ quá. Tôi mong muốn lớp trẻ sau này, tiếp thị được những cái thông tin mới. Cái gì cũng có hai mặt. Mất cái này nhưng bù lại được cái khác.”

<i> <i>Dù gì tôi cũng phải tôn trọng sự phát triển của tương lai sau này. Nếu phát triển để tương lai sau này tiến bộ hơn, mạnh mẽ hơn thì cũng nên làm. Mình không nên cổ hủ quá. Tôi mong muốn lớp trẻ sau này, tiếp thị được những cái thông tin mới. Cái gì cũng có hai mặt. Mất cái này nhưng bù lại được cái khác. - 1 người dân</i> </i>

Khó có thể phủ nhận hay phản bác sự kỳ vọng của người đàn ông này vào một tương lai sáng lạng cho đời sau của ông. Nhưng cũng có những ý kiến khác, cho rằng vấn đề cần nói ở đây là mục đích của sự phá bỏ ấy.

“Nếu xây dựng 1 trường hợp, 1 bệnh viện, hiện tại bệnh viện đang quá tải, nhưng tôi nghĩ còn rất nhiều cái quỹ đất trong thành phố. Mà toàn là xây khách sạn, không có chút gì có ích cho xã hội. Trường học thì không có. Nhà thương thì quá tải. Cần làm sao không làm? Có thể chỗ này làm UBND, chỗ kia làm quân sự, đâu cần phải tụ lại 1 đống rồi phá huỷ kiến trúc rất đẹp như vậy?”

Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã đưa ra quan điểm về bảo tồn liên quan đến những giá trị hữu hình. Theo ông, bảo tồn không chỉ có giá trị về vấn đề lịch sử, văn hoá của 1 địa phương hay 1 nước mà còn rất có giá trị đối với phát triển du lịch, kinh tế.

“Những ngôi nhà có hàng trăm năm có giá trị lịch sử rất lớn của ngôi nhà đó về mặt kiến trúc, đời sống của một thời kỳ đã qua. Thời kỳ đã qua đó, theo tôi nên bảo tồn thì có 2 điểm lợi: Lịch sử quá khứ được hiển hiện cho thế hệ sau. Thứ 2 là về mặt du lịch.”

Đây cũng là ý kiến của người phụ nữ gọi những người phá bỏ di tích kiến trúc lịch sử là vô cảm.

“Cái đó là một cảnh đẹp của thành phố, cho các nước đến Việt Nam. họ sẽ thấy ồ Việt Nam còn những ngôi nhà cổ rất đẹp do Pháp để lại. Tại sao mình không giữ lại cho khách du lịch được ngắm? Tại sao các nước khác du lịch phát triển mạnh? Vì người ta có nhà cổ, có những di tích để cho khách tới tham quan, đem lại đồng đô la cho đất nước. Nếu đất nước phá hết xây mới hết thì còn gì hấp dẫn khách du lịch?”

Ngày 2/5, chính quyền TP HCM cho biết khối nhà cổ dinh Thượng Thơ không nằm trong danh sách bảo tồn. Điều này có nghĩa rằng người Sài Gòn lại sắp chia tay một giá trị văn vật đã làm nên hồn đô thị mấy trăm năm qua.