Hội nghị SEAPA về Cuộc Đấu tranh cho Internet

Thanh Quang, phóng viên đài RFA

Hôm thứ Năm 4-20, hội nghị do Liên minh Báo chí Đông Nam Á SEAPA tổ chức ở Manila, Philippines đã bước sang ngày thứ nhì, với chủ đề “Cuộc Đấu tranh cho Internet” (The Battle for the Internet). Từ Manila, Thanh Quang gởi về bài tường thuật sau đây.

GoogleChina200.jpg
Trang Google.cn trên màn hình laptop của một người ở Bắc Kinh. AFP PHOTO

Ngày thứ nhì thuộc 3 ngày hội thảo của SEAPA mở đầu đề cập tới vấn đề sử dụng Internet. Nhà hoạt động tích cực cho tự do báo chí ở Trung Quốc, ông Isaac Mao, trình bày về bức tường lửa khổng lồ của Trung Quốc, xin tạm gọi là “Vạn lý tường lửa”, và lưu ý rằng mặc dù số người sử dụng Internet ở Hoa lục hiện rất đông, nhưng không có mấy ai ngờ rằng nhà cầm quyền Trung Quốc đang sử dụng “Vạn lý tường lửa” để kiểm soát Internet.

Hiện diện tại hội nghị, bác sĩ nha khoa Awab Alvi, cư ngụ tại Karachi, Pakistan, đã chia sẻ kinh nghiệm của tổ chức ông mệnh danh là “Đừng ngăn chận webblog”, trong nỗ lực ứng phó với biện pháp kiểm soát Internet của nhà cầm quyền vốn được áp dụng gắt gao sau biến cố “tranh biếm hoạ về Nhà Tiên tri đạo Hồi Muhammed”.

Bác sĩ Awab Alvi lưu ‎ rằng mặc dù xứ Pakistan Hồi giáo có nhiều biện pháp kiểm soát, trừng phạt khắt khe, nhưng nhiều giới trong nước này, như giáo viên, học sinh, nghệ sĩ, ký giả, doanh gia, những nhà hoạt động cho dân chủ, nhân quyền…quyết tâm đấu tranh cho tự do tư tưởng, ngôn luận.

Ông Nart Villeneuve, giám đốc nghiên cứu kỹ thuật thuộc tổ chức Citizenlab đề cập tới những biện pháp kiểm soát Internet khác nhau tại những nước Trung Quốc, Miến điện, Singapore, Yemen, Iran.

Cuộc hội thảo tiếp tục với những bài phát biểu đề cập tới lãnh vực pháp lý, cảnh giác rằng nhiều chính phủ khai thác khía cạnh này để hạn chế tự do tư tưởng trên mạng.

Diễn giả James Comez từ Singapore lưu ý về những luật lệ được áp dụng ở đảo quốc Singapore khiến ảnh hưởng tới tự do ngôn luận, tư tưởng của người dân. Ông Jeff Ooi thuộc tổ chức “Phóng viên không biên giới” cảnh báo rằng hiện có những luật lệ về chống khủng bố, bảo vệ an ninh quốc gia đã ảnh hưởng tới tự do bày tỏ cảm tưởng trên mạng.

Riêng về Việt Nam, bà Dini nhận xét rằng bà không tin tưởng ở thành tích cuả Việt Nam, đặc biệt là vì nhà cầm quyền tiếp tục kiểm soát Internet, theo dõi e-mail, đề ra những biện pháp hạn chế việc sử dụng Internet.

Bà Dini Widiastuti thuộc tổ chức phi chính phủ có tên Article 19, trụ sơ tại Luân đôn, trình bày qua về một số luật lệ ảnh hưởng tới Internet tại Á Châu. Riêng về Việt Nam, bà Dini nhận xét rằng bà không tin tưởng ở thành tích cuả Việt Nam, đặc biệt là vì nhà cầm quyền tiếp tục kiểm soát Internet, theo dõi e-mail, đề ra những biện pháp hạn chê việc sử dụng Internet.

Các đề tài hội thảo tiếp theo đề cập tới ảnh hưởng kinh tế đối với Internet, chẳng hạn như áp lực kinh tế đối với tin tức qua mạng, lợi nhuận trong việc kinh doanh Internet khiến ảnh hưởng tới tự do bày tỏ cảm tưởng trên mạng, như trường hợp của Google, Yahoo !, MSN hoạt động ở Trung Quốc.

Một vấn đề quan trọng trong ngày thứ nhì hội thảo của SEAPA là làm thế nào bảo vệ các ký giả độc lập, những người cung cấp tin tức, bài vỡ trên mạng.

Theo Melinda Quintos de Jesus thuộc Trung tâm Tự do và Trách nhiệm Truyền thông thì các ký giả cần đặc biệt quan tâm đến tiêu chuẩn đạo đức và tính chuyên nghiệp của mình. Bà Dini Widiastuti thuộc tổ chức Article 19 đề nghị những tham dự viên tại hội nghị cần ‎ý thức về những quyền liên quan không gian điện toán mà mình được hưởng.

Nhân dịp này, các đại diện của Uỷ ban Bảo vệ Ký giả trụ sở tại New York, tổ chức Phóng viên không Biên giới trụ sở tại Paris, và Liên minh Báo chí Đông Nam Á SEAPA trụ sở tại Bangkok, trình bày về việc các tổ chức này xúc tiến những chương trình bảo vệ tự do báo chí, tự do bày tỏ cảm tưởng qua không gian điện toán.

Thanh Quang tường thuật từ Manila, Philippines.

Theo dòng câu chuyện

- Kết thúc 3 ngày hội nghị SEAPA về Cuộc Đấu tranh cho Internet

- Hội nghị “Tự do bày tỏ cảm tưởng trên không gian điện toán ở Á Châu”