Diễn tiến vụ lũ bùn đỏ tại Hungary

Thủ tướng Hungary vừa lên tiếng cảnh báo một đợt lũ bùn đỏ thứ hai, nghiêm trọng hơn đợt thứ nhất có thể xảy ra tại đất nước này trong vài ngày tới.

0:00 / 0:00

Mặc Lâm phỏng vấn nhà báo Hoàng Linh hiện sống tại Hungary để biết thêm chi tiết.

Cơn lũ bùn đỏ

Mặc Lâm: Trước tiên chúng tôi xin cảm ơn nhà báo Hoàng Linh về cuộc phỏng vấn này. Xin anh cho biết diễn tiến từ đầu của vụ vỡ bờ chứa bùn đỏ tại Hungary như thế nào, thưa anh?

Nhà báo Hoàng Linh: Dạ vâng. Diễn biến của sự việc xảy ra vào hồi 12 giờ 10 phút ngày Thứ Hai 4-10-2010, tức là ngày đầu tuần vừa rồi ở một thành phố nhỏ tại Hungary là thành phố Ajka đã xảy ra một cơn lũ bùn đỏ.

Cơn lũ đó chảy tràn qua làng gần nhất là làng Klontar và biến làng đó thành một cái làng chết chóc và bây giờ không một ai còn có thể ở được ở đó.

Nhà báo Hoàng Linh

Để mà biết được cụ thể như thế nào thì mình cần phải hình dung Ajka là một thành phố nhỏ, một thành phố công nghiệp của Hungary, và tại đó có trụ sở của Tập Đoàn Nhôm Hungary, là cơ quan chủ quản của nhà máy sản xuất alumin.

Bản thân nhà máy đó có 10 bể chứa rất là lớn mà ở Hungary người ta vẫn gọi là những bể chứa khổng lồ mà tổng số ở đó chứa đến hơn 30 triệu mét khối bùn đỏ, thì một cái bể như thế đã bị vỡ khiến hơn 1 triệu mét khối bùn tràn ra ngoài, tạo thành một cơn lũ bùn, thành một cái biển bùn và nó gây nên những đợt sóng rất là mạnh được mô tả có chỗ cao tới 2 mét cuốn trôi tất cả nhà cửa, cầu cống, gia súc, xe cộ.

Cơn lũ đó chảy tràn qua làng gần nhất là làng Klontar và biến làng đó thành một cái làng chết chóc và bây giờ không một ai còn có thể ở được ở đó. Và có đến độ khoảng bốn năm khu vực hay thị trấn lân cận cũng bị ngập trong bùn đỏ và do đó chừng bốn năm trăm người phải sơ tán từ độ 300 ngôi nhà tới những nơi tạm trú chẳng hạn như nhà văn hóa để mà tạm thời ở đấy.

Bùn đỏ tràn vào làng Kolontar, cách thủ đô Budapest - Hungary 160 km, ảnh chụp ngày 8 tháng 10 năm 2010. AFP PHOTO / STR.
Bùn đỏ tràn vào làng Kolontar, cách thủ đô Budapest - Hungary 160 km, ảnh chụp ngày 8 tháng 10 năm 2010. AFP PHOTO / STR.

Theo những số liệu mới nhất cho đến hiện tại thì đã có 7 người chết, có một số người bị mất tích và hơn 150 người bị thương, trong đó có những người bị thương rất nặng bây giờ vẫn phải điều trị ở trong các bệnh viện. Đa số những người bị thương thì đều bị bỏng do hóa chất trong bùn đỏ đó có chất kiềm rất mạnh, tính theo độ pH là 13 độ tức còn mạnh hơn những chất sút, chất tẩy mạnh nhất. Và như vậy người ta tính ra mức độ sút ở trong đó lớn gấp 1 triệu lần mức độ cho phép bình thường.

Phương pháp xử lý

Mặc Lâm: Dạ vâng. Anh vừa nói về hàm lượng chất kiềm thì như vậy các chuyên gia Hungary có đưa ra cách khắc phục nào để giảm hàm lượng của nó hay không, thưa anh?

Nhà báo Hoàng Linh: Vâng. Thực ra phương pháp xử lý mà họ đưa ra ngay từ ban đầu, tức là ở 3 tỉnh có liên quan, có bị ảnh hưởng của cơn lũ bùn đỏ này thì ở đó người ta đã thiết lập các trạm bay khẩn cấp và các quan chức gần nhất của chính phủ Hung cũng đã đến hiện trường để giám sát, tức là các biện pháp xử lý đã được thực hiện ngay, tức là những phố xá thì cần được rửa sạch, nhà cửa bị bùn đỏ bao phủ thì người ta đã dùng nhiều tấn bột thạch cao để trung hòa nồng độ kiềm ở trong bùn đỏ.

Người ta không thể ngăn chận cơn lũ bùn đỏ đó khi nó chảy xuống những con sông, chẳng hạn như sông gần nhất là sông Markal thì nó hoàn toàn biến thành dòng sông chết. Và khi cơn lũ bùn đỏ này mà nó đến sông Raba, đến nhánh thượng nguồn sông Danube ở vùng Mosul thì lúc đó do những biện pháp đổ thạch cao xuống thì nồng độ kiềm đã giảm một cách đáng kể và xuống còn ở mức khoảng 8 hay 9, tức là người ta coi nếu dưới 10 là trị số có thể chấp nhận được. Như vậy khi cơn lũ bùn này tràn đến sông Danube thì giá trị của nó đã được hạn chế xuống độ khoảng gần 9 độ và như thế thì dòng sông Danube coi như được dự phòng.

... những phố xá thì cần được rửa sạch, nhà cửa bị bùn đỏ bao phủ thì người ta đã dùng nhiều tấn bột thạch cao để trung hòa nồng độ kiềm ở trong bùn đỏ.

Nhà báo Hoàng Linh

Mặc Lâm: Dạ vâng. Riêng những dòng sông nhỏ như anh vừa nói là đã được coi như những dòng sông chết thì biện pháp này có thể làm cho nó hồi sinh được không, thưa anh?

Nhà báo Hoàng Linh: Ở đó thì người ta bảo là cũng chưa biết làm hồi sinh bằng cách nào, tại vì nếu mà trong thực tế thì có thể là trong một khoảng thời gian nhất định thì tình trạng sinh thái ở đấy cũng như động vật và thực vật ở trong con sông đó có thể tái hồi lại, thế nhưng mà tại vì điều này chưa từng xảy ra bao giờ. Người ta có nói là chưa bao giờ xảy ra một tai nạn theo cái hướng một lượng bùn đỏ khổng lồ như thế mà tràn ra ngoài và lan truyền như thế, thành ra đối với những biện pháp hiện tại mà người ta biết đến thì người ta cũng chưa biết là cần phải khắc phục như thế nào, và phải cần mất bao nhiêu thời gian để phục hồi những dòng sông như vậy.

Còn cơn lũ bùn này nó tràn qua diện tích đất canh tác thì người ta tính ra hơn 1.000 hecta, thì ở đó người ta biết cần phải dùng những biện pháp hoàn thổ, tức là người ta có thể thay đất ở đó ở cái mức độ từ 2 tới 10 centimet. Những cái đó nếu mà có chi phí thì đều có thể làm được rồi. Nhưng mà cái thảm sinh thái cũng như việc tái phục hồi con sông chết như vậy thì chưa biết làm bằng cách nào và thời gian sẽ là bao nhiêu.

Nguy cơ lũ bùn đỏ thứ 2

hungarian-sludge-250.jpg
Đoạn đê bị vỡ của một hồ chứa bùn đỏ thuộc nhà máy Ajkai Timfoldgyar, Kolontar, cách thủ đô Budapest của Hungary 160km, ảnh chụp ngày 08/10/2010. AFP PHOTO/STR.

Mặc Lâm: Mới đây Thủ Tướng Viktor đã đưa ra cảnh báo là có thể sẽ có một cơn lũ bùn thứ hai nữa vì ở những khu chứa bùn đỏ đó người ta phát hiện nhiều vết nứt. Anh có thể cho biết thêm chi tiết về tuyên bố của ông Viktor không?

Nhà báo Hoàng Linh: Dạ vâng. Hiện tượng mà bản thân cái hồ chứa bùn hay cái bể chứa bùn mà nó đã bị rạn, nó đã bị bể một lần vào ngày Thứ Hai đó thì đến chiều tối Thứ Sáu, tức là chiều tối hôm qua người ta đã phát hiện thêm ở một vách khác của nó lại có những vết rạn nứt, và cho đến sáng hôm nay thì đã thấy những vết rạn đến 7 centimet.

Để đề phòng, đêm hôm qua tất cả mọi người trong khu vực lân cận đã phải di chuyển đến chỗ khác. Bản thân Thủ Tướng Hung cũng như 3 bộ trưởng Hung túc trực ngay hiện trường coi như chuẩn bị tinh thần cho một cơn lũ bùn thứ hai.

Và lần này theo như các tính toán thì lượng bùn nếu mà nó bị tràn ra ngoài thì nó sẽ bằng khoảng một nửa lần trước mà thôi. Nhưng nếu lần trước là bùn lỏng thì lần này sẽ là bùn đặc, tức là bùn đã cô đặc lại, và cái vận tốc khi nó lan truyền sẽ không nhanh như lần trước. Nhưng mà được biết là sự lan tỏa của nó thì sẽ nhiều hơn, và bản thân cái tác hại của nó cũng nguy hiểm hơn. Đó là những điều người ta dự tính như thế.

...chiều tối hôm qua người ta đã phát hiện thêm ở một vách khác của nó lại có những vết rạn nứt, và cho đến sáng hôm nay thì đã thấy những vết rạn đến 7 centimet.

Nhà báo Hoàng Linh

Còn những biện pháp người ta làm thì thứ nhất là việc di dân ở vùng lân cận thì đã được thực hiện. Cho đến sáng sớm hôm nay thì tất cả người dân đã được chở đi bằng xe buýt. Thứ hai là người ta đã dựng thêm những bức vách phía bên ngoài để có thể ngăn chận, tức là người ta đã dự tính nếu lần này mà bị bể một lần nữa thì do lượng bùn đó là bùn cô đặc thì sẽ không chảy nhanh, do đó những bức vách người ta dự tính trong 2 ngày sẽ làm xong 3 lớp vách như thế, tức là những bức vách cao tới 4-5 mét, và như thế người ta dự tính là sẽ ngăn chận được phần nào tác hại của bùn đỏ này nếu mà nó tiếp tục chảy ra.

Ngoài ra cách đây mấy ngày Hungary cũng đã cầu viện đến Liên Hiệp Châu Âu đề cử những chuyên gia hạng nhất giàu kinh nghiệm trong chuyện này. Đúng là người ta chưa chuẩn bị cho những thảm họa như thế này, tức là những lực lượng cứu hộ có thể cùng một lúc có thể tham gia công tác di dân, độ khoảng 3.000 người dân; nhưng mà nếu thảm họa xảy ra ở mức cao hơn nữa thì đó cũng là vấn đề rất lớn đối với Hungary.

Mặc Lâm: Dạ vâng. Một lần nữa xin cảm ơn nhà báo Hoàng Linh đã cho chúng tôi những thông tin cập nhật về vấn đề bùn đỏ tại nước Hung. Xin cảm ơn anh ạ.

Theo dòng thời sự: