“Sống lâu lên lão làng”, căn bệnh của nền hành chính Việt Nam

Trường Văn, phóng viên đài RFA

Năng lực của công chức là một yếu tố quan trọng trong kế họach năm năm cải tổ hành chánh 2006-2010 của Việt Nam. Xin mời quý thính giả theo dõi phần tường trình sau đây về một căn bệnh của nền hành chánh Việt Nam: bệnh “sống lâu lên lão làng” .

0:00 / 0:00
InternetYouth200b.jpg
Một số công chức trẻ khi được đi tu nghiệp thành tài ở nước ngoài về bị cho ngồi chơi xơi nước. AFP PHOTO

Cuối tháng 11 năm ngóai, các chuyên gia trên thế giới đã họp tại Hà Nội để tổng kết về chương trình cải cách hành chánh giai đọan một từ 2001 đến 2005 của Việt Nam. Các chuyên gia này có cùng nhận xét là nền hành chánh Việt Nam hiện tại dù có nhiều cải cách trong năm năm qua vẫn chưa đáp ứng kịp thời quá trình đổi mới và phát triển của Việt Nam.

Ngoài việc cải tổ thủ tục hành chánh cho đơn giản, việc nâng cao trình độ đội ngủ công chức là một vấn đề quan trọng mà Việt Nam cần quan tâm trong giai đọan 2 cải cách hành chánh 2006-2010. Trẻ trung hóa đội ngũ hành chánh và đưa người có thực tài vào hàng ngủ công chức Việt Nam hiện nay là một vấn đề cần được quan tâm đúng mức.

Tuy nhiên theo ý kiến của một số chuyên gia thì việc làm năng động bộ máy hành chánh Việt Nam bằng những người trẻ có thực tài hiện đang mắc một trở ngại lớn là bệnh “sống lâu lên lão làng”. Những người làm việc lâu năm được nhiều ưu đãi như được bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo hoặc xét cho đi công tác nước ngoài.

Trở ngại lớn

Một số công chức trẻ khi được đi tu nghiệp thành tài ở nước ngoài về bị cho ngồi chơi xơi nước hoặc được giao cho những công việc không phù hợp với khả năng của mình.

Nhiều khi những người lớn tuổi, bất tài được hợp thức hóa vào chức vụ của họ bằng những lớp chuyên tu hoặc tại chức để lấy bằng cấp mà thực chất chỉ là những tấm bằng bề ngoài, không làm thay đổi gì về khả năng của người có mãnh bằng đó cả. "Học tại chức hoặc chuyên tu để hợp thức hóa chức vụ." Tình trạng sống lâu lên lão làng làm nãn lòng những người có tâm huyết muốn có sự đổi mới trong nơi làm việc của mình: "Những người già vẫn cố giữ địa vị của mình làm nãn lòng người trẻ."

Tình trạng "sống lâu lên lão làng" có thể thay đổi được không, một bác sĩ nạn nhân của tình trạng này chua xót nói: "Có thể phải đến thế hệ con cháu học ở Anh, ở Mỹ về mới thay đổi được."

Đề cập đến các giải pháp trong giai đọan 2 cải cách hành chánh, các chuyên gia quốc tế khuyến cáo Việt Nam cần phải mạnh dạn chuyển chính sách sang hành động. Ngoài ra các nhà tài trợ quốc tế cũng cho biết là cải cách hành chánh là ưu tiên hàng đầu trong các khỏan tài trợ cho Việt Nam.