Phải chăng đã đến lúc Việt Nam cần phải có giáo dục giới tính?

0:00 / 0:00

Nhã Trân, phóng viên đài RFA

Theo đà tiến hoá của khoa học và kỹ thuật nói chung, khuynh hướng của nhiều xã hội hiện nay về quan hệ giới tính đã ít nhiều thay đổi so với ngày xưa. Kể về đa số, tuổi trẻ ngày càng quan niệm thoáng hơn về vấn đề tình dục trong lứa tuổi học trò. Vừa qua vụ tai tiếng của nhân vật chính trong phim Nhật Ký Vàng Anh, một bộ phim giáo dục quần chúng của Việt Nam, đã gây sôi nổi trong công luận.

BoyEducation150.jpg
Cậu bé đang nghe giảng bài ở trường ở Shishmaref, Alaska, hôm 27 -9- 2006. AFP PHOTO

Trước những câu hỏi đang được đặt ra cho xã hội, Nhã Trân trao đổi với bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Cao Học Giáo Dục Canada (Đại Học Ottawa),cựu giáo viên trường Trung Học Nha Trang trước năm 1975, với gần 10 năm làm việc trong ngành tư vấn gia đình – xã hội ở Bang British Columbia (Canada), để biết ý kiến của một nhà giáo dục về những vấn đề liên quan đến quan hệ tình dục của tuổi trẻ thời nay.

Nhã Trân: Thưa bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, những trường hợp của tuổi trẻ mà nhiều dư luận cho là đi quá trớn, như vụ tai tiếng vừa rồi của nữ diễn viên chính bộ phim giáo dục của Việt Nam, có thể cho là bắt nguồn từ nguyên nhân nào?

Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung : Tôi nghĩ là có nhiều nguyên nhân, dĩ nhiên là sản phẩm của gia đình, của xã hội, và học đường nữa, cho nên nó ảnh hưởng rất nhiều. Nguyên nhân là các cô các cậu lớn lên muốn tìm hiểu về vấn đề tình dục thì thứ nhất là vì ảnh hưởng bạn bè, vì áp lực của bạn bè.

(Nguyên nhân) cũng có thể xuất phát từ quan niệm là bây giờ mình sống trong một xã hội càng ngày càng phát triển, càng cần phải có nếp sống văn minh; mà muốn văn minh thì lại phải không thể nào ở trong nhà được, phải giao du với bạn bè, rồi thì phải có những quan hệ gọi là tân tiến hơn chứ nếu không thì sợ bị người ta chê, (chẳng hạn) bị bạn bè chê là không biết gì hết.

Hoặc là trong gia đình chưa có được sự hướng dẫn chu đáo vì cha mẹ bận chuyện làm ăn, không để ý đến con, không hướng dẫn ngay từ nhỏ. Trong gia dình, cha mẹ con cái thiếu sự cảm thông, không có sự hiểu biết giữa cha mẹ và con cái, có thể là vì (cha mẹ) nghiêm khắc quá, có thể là vì (cha mẹ) thả lỏng (con cái) quá, rồi các cháu có thể tìm bạn bè làm nơi khuây khoả.

Ngoài vấn đề gia dình còn vấn đề học đường nữa. Học đường là nơi học sinh có thể chịu ảnh hưởng rất nhiều.

Tôi nghĩ là có nhiều nguyên nhân, dĩ nhiên là sản phẩm của gia đình, của xã hội, và học đường nữa, cho nên nó ảnh hưởng rất nhiều. Nguyên nhân là các cô các cậu lớn lên muốn tìm hiểu về vấn đề tình dục thì thứ nhất là vì ảnh hưởng bạn bè, vì áp lực của bạn bè.

Nhã Trân: Nếu nói rằng tuổi trẻ đã đi quá đà khi có những hành động như vừa rồi trong vụ này, thì những gì nên làm, hoặc cần làm để có thể giúp thanh thiếu niên có cái nhìn cũng như hành sử đúng đắn về quan hệ tình dục khi tuổi còn trẻ?

Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung : Theo tôi nghĩ là phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình - học đường và xã hội, bởi vì theo như tôi được biết, nếu mà quan niệm như bên này (Canada) thì tuổi thơ là tuổi vàng của đời người. Từ nhỏ cho đến 5 tuổi là (cha mẹ) phải chú ý ghê lắm.

Nếu cha mẹ đặt hết tình thương, sự chăm sóc đối với con cái thì ngay từ khi con cái còn nhỏ, các cháu đã hấp thụ được sự âu yếm của người lớn và nó có sống trong môi trường đó thì nó thấy rất là hạnh phúc, và (do đó) tình cảm của các cháu cũng sẽ được phát triển.

Cha mẹ nên liên lạc với nhà trường để xin nhà trường tìm biện pháp và sửa đổi chương trình để thêm vô những sự giáo dục cho đầy đủ hơn; đồng thời, nếu cần thì cũng liên hệ với xã hội, bằng cách này hay cách khác, chẳng hạn tổ chức nhóm phụ huynh.

Nếu chương trình giảng đạy được chú trọng hơn một chút, tức là trong chương trình giảng dạy cũng nên đề cập đến vấn đề như phát triển cả về trí - đức - cơ thể cần phải lành mạnh, đạo đức cũng cần phải có, rồi mới nói đến vấn đề học vấn.

Xã hội cũng nên chú ý, trong đời sống xã hội cố làm sao mà tránh để khỏi có những sự mà người ta gọi là băng hoại về mọi phương diện, về phương diện xã hội, về đời sống, rồi thì vấn đề nhu cầu. Con người ta càng ngày đồi hỏi nhiều vì nhu cầu về vật chất, nhu cầu về hưởng thụ, cả về vấn đề sinh lý nữa.

Xã hội cũng không nên tạo ra những điều kiện cho tuổi trẻ mớí lớn lên mà nhìn những tranh ảnh, rồi báo chí, rồi TV, rồi internet, tức là tất cả những cái đưa đến ảnh hưởng và tác động vào tâm sinh lý của trẻ. Nếu được như vậy thì tốt lắm. Nếu mà chính quyền lưu ý và tiếp tay với gia đình và học đường thì rất là tốt.

Nhã Trân: Xin bà cho biết Canada đã áp dụng giáo dục giới tính vào học đường hay chưa?

Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung : Nói về giáo dục giới tính bên này thì họ dạy đã từ lâu lắm rồi, và ngay từ cấp tiểu học. Từ lớp 5, lớp 6 thì họ đã dạy rồi.

Theo tôi nghĩ là phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình - học đường và xã hội, bởi vì theo như tôi được biết, nếu mà quan niệm như bên này (Canada) thì tuổi thơ là tuổi vàng của đời người. Từ nhỏ cho đến 5 tuổi là (cha mẹ) phải chú ý ghê lắm.

Nhã Trân: Cũng xin bà cho biết, giáo dục giới tính ở Canada được dạy ra sao và bắt đầu từ lớp nào?

Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung: Học sinh lớp 5, lớp 6 đã được giáo dục. Bắt đầu thì người ta không nới tới vấn đề giới tính gì hết. Người ta chỉ nói vấn đề phải biết quý trọng cơ thể của mình. Cơ thể của mình rất là quý, không ai được đụng tới. (Như vậy) ngay từ nhỏ các cháu đã ý thức (được là phải bảo trọng cơ thể) nên các cháu sẽ không bị lạm dụng.

Nhã Trân: Thưa bà, chủ trương đưa giáo dục giới tính vào học đường ở Canada có gặp trở ngại gì không? Nói cụ thể là đã được tán đồng hay bị phản đối ?

Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung : Bên này họ đề cập vấn đề này và nó trở thành đề tài tranh cãi đó. Xưa nay phụ huynh Việt Nam không để ý đến vấn đề này. Có những phụ huynh mà tôi tiếp xúc thì nhiều người mới đầu nghe là họ phê phán rằng bên này sao học sinh còn nhỏ mà lại đem vấn đề giới tính ra nói, như vậy nó bị nhiễm; hoặc nó không nghĩ tới sao tự nhiên lại khêu gợi điều đó lên làm cho tụi nó sinh ra bắt chước.

Nhưng mà thực sự ra thì có nhiều người lại quan niệm khác, rằng là chính vì không có được giáo dục cẩn thận cho nên các cháu không biết thế nào là nên tránh, thế nào là nên làm.

Nhã Trân: Như Bà vừa cho biết thì Canada cũng là một trong nhiều nước ở cả Âu lẫn Á đã đem giáo dục giới tính vào chương trình học. Theo Bà, đã đến lúc Việt Nam nên giáo dục học sinh về quan hệ tình dục và những vấn đề liên quan chưa?

Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung : Câu hỏi này cũng rất là hay. Đây là cả một sự tranh cãi đấy. Có người bảo không nên, có người bảo nên. Tôi nghĩ là có lẽ cũng nên (nhưng) tất cả còn tuỳ thuộc nhiều yếu tố nữa. Nên hay không nên là còn tuỳ theo sự vững vàng của giáo dục, hướng dẫn trong gia đình.

Trẻ thì nó phải phát triển toàn diện, tức là không phải chỉ một khía cạnh thôi. Dù muốn dù không thì mình cũng không thể phủ nhận được sự kiện là các cháu mới lớn lên ở tuổi vị thành niên, rồi đến tuổi thành niên, thì phải trải qua một giai đoạn phát triển toàn diện, tâm lý (của trẻ) càng ngày càng phức tạp hơn. Khi trẻ ở tuổi vị thành niên thì trong chương trình giảng dạy nên giáo dục toàn diện, trong đó có giáo dục về giới tính thì nó mới gọi là toàn diện được.

Nhã Trân: Chân thành cảm ơn bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Cao Học Giáo Dục, Cố Vấn các vấn đề về gia đình, đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này.