Giá mía tăng gấp đôi, nhưng đường phải nhập khẩu

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Giá mía tăng gấp đôi cùng với tình hình thiếu đường phải nhập khẩu. Vì lợi nhuận trước mắt, nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long ồ ạt chặt cây ăn trái để trồng mía. Phải chăng chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn của Việt Nam thiếu hẳn một chiến lược dài hạn. Nam Nguyên trình bày vấn đề này.

OldwomanSugar150.jpg
Bà lão bán mía tại một góc đường ở Hà Nội hôm 20-1-2003. AFP PHOTO

Chính phủ Việt Nam mất hơn một thập niên vẫn chưa khắc phục xong hậu quả của chương trình một triệu tấn mía đường trong thập niên 1990, ngân sách nhà nước thiệt hại khoảng 8 ngàn tỷ đồng. Chương trình do nguyên phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn chủ trì bị phá sản, các tỉnh chạy theo phong trào thi đua thành lập nhà máy sản xuất đường, nhiều tỉnh vì tư lợi đã mua máy móc thiết bị lạc hậu do Trung Quốc phế thải.

Kế hoạch thất bại, vì nhà máy lạc hậu, cho ra sản phẩm đường vừa xấu vừa đắt hơn giá khu vực vài chục đô la một tấn. Đó là chưa kể nhiều nhà máy lập ra không qui hoạch vùng mía nguyên liệu, thiếu mía để ép đường.

Chính quyền cải tổ

Trong những năm gần đây, chính phủ mạnh tay đóng cửa một số nhà máy triền miên thua lỗ, cổ phần hoá một số nhà máy đang hoạt động cầm chừng. Ngành đường được vực dậy nhờ giá đường thế giới tăng cao. Tuy vậy, theo các chuyên gia kinh tế trong nước, bài toán mía đường vẫn chưa có đáp số do chưa có chính sách thích hợp về qui hoạch vùng nguyên liệu.

Thiếu và thừa mía là một điệp khúc triền miên ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng như các vùng trồng mía khác trên toàn quốc. Giá mía hiện nay lên tới 720 ngàn một tấn, trong khi năm 2002- 2003 có lúc xúông thấp chỉ còn 150 ngàn một tấn.

Lúc ấy giá mía rẻ hơn chi phí đầu tư và công lao động, nông dân vội vã đốt bỏ mía để trồng loại cây khác có lợi hơn. Những mùa sau giá mía tăng lên 350 ngàn một tấn, nông dân lại đầu tư vào ruộng mía.

Một lão nông ở miền tây phát biểu: "Ban ngành chức năng không giải quyết được gì, ở đây người nông dân trồng cây gì nuôi con gì là chạy theo lợi nhuận trước mắt, không làm sao khác được."

Sau khi có sự cải tổ, hiện nay Việt Nam có tổng cộng 37 nhà máy đường thực sự hoạt động. Niên vụ 2005-2006 sản lượng mía cung cấp cho các nhà máy là 7 triệu 100 ngàn tấn, giảm hơn 2 triệu tấn so với niên vụ 2004-2005. Tất nhiên thiếu mía thì mức đường thành phẩm cũng giảm. Cho tới giữa tháng Tư vừa qua, 22 nhà máy đường ngừng sản xuất sớm 1 tháng do không có đủ mía. Tổng sản xuất đường niên vụ 2005-2006 ở chung quanh mức 650 ngàn tấn.

Ban ngành chức năng không giải quyết được gì, ở đây người nông dân trồng cây gì nuôi con gì là chạy theo lợi nhuận trước mắt, không làm sao khác được.

Bộ thương mại dự báo thiếu hụt 300 ngàn tấn cho nhu cầu trọn năm 2006, và cho phép nhập khẩu đường thành phẩm và cả đường mật để tái chế. Giá đường bán lẻ trên thị trường vượt qua mức 13 ngàn 1kg đường tinh thượng phẩm.

Một người bán nước giải khát ở Bà Chiểu cho chúng tôi biết giá đường bán lẻ: "Hôm nay 10/5 mua đường cát trắng ở chợ giá 10.500 đồng/kg. Đây chưa phải là đường thượng hạng, đường cát tinh luyện giá tới 14 ngàn."

Trong tình hình đó giá mía nguyên liệu tăng như ngựa phi từ 400 ngàn hồi tháng 2 tăng dần lên 500 rồi 600 ngàn và trong những ngày đầu tháng 5/2006 đã lên tới đỉnh điểm chưa từng có là 720 ngàn đồng một tấn. Đó là nói một cách tổng quát, giá mía thực tế tuỳ thuộc vào phẩm cấp, mía đạt tiêu chuẩn đòi hỏi phải đủ 10 chữ đường.

Nông dân tự phát

Theo Tờ Vietnam Economy, chỉ trong một thời gian ngắn kể từ khi cơn sốt mía đường diễn ra, diện tích trồng mía ở vùng đồng bằng sông Cửu Long gia tăng rất nhanh. Ở Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau và nhiều nơi khác, đi đâu cũng thấy vườn cây ăn trái bị chặt bỏ để trồng mía.

Nông dân tự phát chuyển diện tích đất sản xuất nông lâm ngư nghiệp sang trồng mía, còn phía chính quyền địa phương thì tỏ ra lúng túng và hầu như chưa có biện pháp thích hợp.

Trên thực tế không ai có thể ngăn cản người dân muốn trồng loại cây gì hay nuôi con gì, công tác khuyến nông thực sự hết sức quan trọng, vấn đề là làm sao thông tin cho nông dân để họ ý thức được vấn đề. Vì khi diện tích mía gia tăng sẽ dẫn đến thừa nguyên liệu và mía sẽ rớt giá như niên vụ 2002-2003, nông dân sẽ chính là người chịu thiệt hại, và rồi sẽ tái diễn cảnh đốt mía trồng loại cây khác để mưu sinh.

Một doanh nhân ở TP.HCM có dịp đi lại nhiều nói với chúng tôi: "Tôi từng chứng kiến người ta chặt bỏ vườn cây để trồng nhãn, một hai năm sau khi nhiều nhãn quá bị rớt giá, người ta lại chặt nhãn để trồng thứ khác. Cũng như hiện nay nhà vườn bỏ cây ăn quả để trồng mía, có nơi bỏ cả ruộng tôm cũng để trồng mía…"

Ngày 9/5/2006 trên báo chí, ông Lê Văn Tam chủ tịch hiệp hội mía đường Việt Nam xác định rằng khủng hoảng thừa mía nguyên liệu sẽ xảy ra trong niên vụ 2006-2007 khởi sự từ tháng 9 sắp tới. Ông Tam phân tích giá mía hiện nay 700 ngàn một tấn là cao một cách vô lý, nên không đứng giá lâu.

Theo ông giá mía ở Thái Lan vào lúc cao nhất cũng chỉ quanh mức 28 đô la một tấn, còm mức giá trung bình là 20 đô la. Như vậy giá mía nguyên liệu ở nước bạn chưa bao giờ vượt 500 ngàn đồng một tấn.

Vẫn theo ông chủ tịch hiệp hội mía đường với giá mía 700 ngàn đồng một tấn, giá thành đường sản xuất trong nước cao hơn 10 ngàn đồng 1kg, chưa tính giá bán lẻ trên thị trường. Ông Tam cho biết đường nhập khẩu về đến Việt Nam cũng chỉ ở mứa 9 ngàn tới 9.500 đồng một tấn. Trên thực tế giá đường nhập lậu qua ngả Cambodia còn thấp hơn nhiều.

Trên báo Tuổi Trẻ ông Lê Văn Tam nhìn nhận là, vì thị trường thiếu đường cung thấp hơn cầu nên giá đường trong nước tăng cao, người tiêu dùng không có cách nào khác hơn là phải chấp nhận.

Nhân vật lãnh đạo hiệp hội miá đường Việt Nam đề nghị một giải pháp là các nhà máy đường, thay vì tăng giá mua mía nên hỗ trợ nông dân nâng cao năng suất và chất lượng mía. Giả dụ ruộng miá đạt năng suất 100 tấn một hectare thì không cần giá mía 700 ngàn mà chỉ 500 ngàn một tấn nông dân có thu nhập 50 triệu 1 hectare.

Chủ tịch Lê Văn Tam đề xuất ý tưởng các nhà máy đường góp vốn thành lập công ty cổ phần cung ứng nguyên liệu chung cho các nhà máy tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Công ty này có trách nhiệm đầu tư vùng nguyên liệu và cung cấp cho các nhà máy. Ông Tam bày tỏ sự tin tưởng rằng nếu có một công ty cung ứng nguyên liệu, hiện tượng tranh mua tranh bán hay bỏ rơi nông dân trồng mía sẽ không còn tái diễn.