Gia Minh, phóng viên đài RFA
Tại những thành phố của Việt Nam, đặc biệt Sài Gòn và Hà Nội, hiện vẫn còn nhiều khu dân cư chật hẹp. Lối vào những nơi đó vừa nhỏ, quanh co, lại có nơi sâu hun hút. Mỗi khi có những sự cố như cháy, nổ thì lực lượng phòng cháy chữa cháy với những xe chuyên dụng lớn khó có thể đến ngay tại nơi phát sinh ngọn lửa.
Có một kỹ sư lâu nay đã sáng kiến chế tạo ra những phương tiện chữa cháy cỡ nhỏ mà có thể đi vào những ngõ ngách của những khu phố chật hẹp, hay len lỏi giữa vùng địa hình đầm lầy ngóc ngách. Người đó là kỹ sư Nguyễn Quang An, giám đốc Xưởng Cơ Khí Bửu An tại thành phố Sài Gòn.
Trong chương trình Sáng kiến & Đời sống kỳ này, Gia Minh giới thiệu cùng quí thính giả và các bạn hai đề tài của kỹ sư Nguyễn Quang An: thứ nhất là xe chữa cháy ba bánh và thứ hai là ca nô chữa cháy.
Những ý tưởng sáng kiến thường hay nảy sinh qua những dịp tình cờ. Đối với kỹ sư Nguyễn Quang An, hình ảnh của những chiếc xe chữa cháy hai bánh mà chính phủ Thái Lan tặng cho thành phố Sài Gòn đã đưa ông đến với họat động nghiên cứu để làm ra những chiếc xe chữa cháy ba bánh phù hợp với địa hình của thành phố nơi ông sinh sống.
Kỹ sư Nguyễn Quang An thuật lại: "Chiếc xe của chúng tôi có những đặc trưng khác hẳn với những chiếc xe mà Thái Lan tặng."
Được biết chiếc xe chữa cháy của kỹ sư Nguyễn Quang An được thiết kế có 3 bánh (cải tiến từ chiếc xe 2 bánh), có dung tích từ 100cc trở lên có mang các trang thiết bị trên xe gồm: 1 máy bơm nước với công suất 4HP có bộ bơm hút chân không (không cần đổ nước mồi), 4 bình chữa cháy xách tay (2 bình CO2 và 2 bình bột), 3 cuộn vòi B f 50 (mỗi cuộn 20m), 1 lăng phun nước, 1 túi chứa nước với dung tích 150 lít , 1 bộ đèn và còi báo ưu tiên.
Với chiều ngang khung xe là 0,7m, xe dễ xoay trở, luồn lách trong các hẻm nhỏ và sâu để tiếp cận đám cháy. Xe này đã được Ban PCCC TP Hồ Chí Minh kiểm tra và công nhận về mặt an toàn, tiện ích, tiết kiệm phí. Giá dao động cho các phụ trang trên xe từ 2- 5 triệu đồng (tổng cộng cả chiếc xe chỉ trên dưới 20 triệu đồng).
Kỹ sư Nguyễn Quang An nói về tác phẩm của ông: "Xe nhỏ nhưng đủ phương tiện, và mục tiêu là dập tắt cháy ngay từ ban đầu. Sau đó là nhiệm vụ của lọai xe chuyên dụng khác."
Ngoài sản phẩm xe chữa cháy ba bánh, kỹ sư Nguyễn Quang An cũng đang hoàn chỉnh sản phẩm canô chữa cháy cho vùng sông nước Đồng bằng Sông Cửu Long.
Ý tưởng làm ra sản phẩm này cũng xuất phát từ khi ông biết được thành phố Cần Thơ nhập về một chiếc canô chữa cháy trị giá hơn cả tỷ đồng Việt Nam. Ông mong muốn làm ra những sản phẩm có tính năng tương tự, nhưng giá cả lại rẻ hơn nhiều mà lại còn phù hợp với địa hình sông ngòi tại Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Ông cho biết về sản phẩm này: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Sản phẩm được làm ra nhằm phục vụ thị trường trong nước; thế nhưng đến nay theo kỹ sư Nguyễn Quang An cho biết thì mới có một số đơn vị tại thành phố Sài Gòn và tỉnh Cà Mau đặt mua sản phẩm xe ba bánh chữa cháy và ca nô chuyên dụng chữa cháy của ông mà thôi: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Báo chí trong nước từng loan tin là nhiều đơn vị phòng cháy chữa cháy như ở Sài Gòn nhập nhiều trang thiết bị chuyên dụng khá đắt tiền về; thế nhưng tác dụng lại không phát huy được bao nhiêu.
Về vấn đề trang thiết bị phòng cháy chữa cháy thì một công an tại Huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho chúng tôi biết: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Mục Sáng kiến & Đời sống tuần này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này, trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do. Gia Minh chào tạm biệt.