Thương phế binh VNCH phải trả tiền để hoá nhà của chính mình

Việt Long, phóng viên đài RFA

Nghị quyết 755 và nghị quyết 1488 của Nhà nước Việt Nam có điều khoản cho phép chính quyền sau 1975 cứu xét cấp chủ quyền nhà ở cho một số hộ ở miền Nam trong những điều kiện theo quy định.

NgoDuyThe200.jpg

Tuy nhiên mới đây thành phố Hồ Chí Minh lại áp dụng nghị định 61/CP để hoá giá những ngôi nhà trong làng phế binh Việt Nam Cộng Hòa ở Thủ Đức, trước đây thuộc chủ quyền chính thức của các phế binh, do chính quyền cũ cấp phát, trong lúc đảng Cộng Sản và Nhà nước Việt Nam đang kêu gọi xoá bỏ hận thù, hoà hợp hoà giải với người chế độ cũ.

Một thương phế binh còn nán lại được trong làng phế binh Thủ Đức sau nhiều đợt dồn dân đi kinh tế mới, đã gửi đơn thư lên Thủ tướng chính phủ, Quốc hội và những cơ quan ban ngành liên quan để xin được hưởng chính sách theo luật định, nhưng vô hiệu.

Người phế binh tên là Ngô Duy Thế, binh sĩ thuộc Sư đoàn 5 bộ binh Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, hiện ở trong làng phế binh phường Phước Bình, quận 9, Sài Gòn, kể lại mọi sự việc trong cuộc trao đổi với Việt Long của Đài Á Châu Tự Do.

Việt Long: Quận cho lệnh hoá giá nhà là vào thời gian nào?

Ông Ngô Duy Thế: Từ 25 tháng 5 năm nay là những ngôi nhà này mất quyền sở hữu, phải trả tiền hoá giá thì mới được công nhận.

Việt Long: Làng phế binh Phước Bình Thủ Đức có bao nhiêu hộ phế binh được cấp nhà như vậy?

Ông Ngô Duy Thế: Lúc xây dựng thì khoảng 3 ngàn nóc gia. Anh em phế binh đang tụ tập để ở được khoảng ngàn mấy hai ngàn gì đó thì xảy ra cuộc thay đổi (chính thể).

Việt Long: Vậy số còn lại thì ai ở?

Ông Ngô Duy Thế: Ở chen lẫn có cả cán bộ (chính quyền mới), công nhân viên, cả những người chức quyền nữa. Anh em phế binh người thì chết, người thì phải bán và bỏ đi nơi khác, một sồ chấp hành chính sách kinh tế mới thất bại, khi trở về không còn chỗ ở.

Việt Long: Lệnh hoá giá nhà là của thành phố phải không?

Ông Ngô Duy Thế: Việc này thì mới đây. Khi mới biết thì chúng tôi rất choáng váng. Luật pháp hình như không nhất định. Trước đó thì nghị quyết 1488 nói là những căn nhà thuộc dịên cứu tế này thì được cứu xét cấp phát chủ quyền.

Rồi báo Lao Dộng ngày 19 tháng 5 năm ngoái đăng rằng nghị định 755 nói là nhà nào tính từ thời điểm 1 tháng 7 năm 1991 thì tuy Nhà nước ra văn bản rồi nhưng tuý hoàn cảnh thực tế đời sống người dân và chưa bố trí sử dụng, nôm na là chưa tịch thu, thì xét cụ thể từng trường hợp mà cấp chủ quyền cho người đang ở.

Việt Long: Như vậy chính quyền thành phố và quận dựa vào nghị định 61/CP để hoá giá nhà?

Ông Ngô Duy Thế: Tôi hiểu là như vậy, và không thấy nói gì đến nghị quyết 155 hay 1488 nữa.... Tôi không ký giấy từ bỏ chủ quyền, và cũng không có tiền đóng tiền thuế để được ở căn nhà của chính mình theo như Nhà nước đòi hỏi...

Việt Long: Bây giờ thì phải trả bao nhiêu tiền để căn nhà của ông được hoá giá?

Ông Ngô Duy Thế: Bà phó chủ tịch quận tên là Lê Thị Tám có nói là căn nhiều nhất là 34 triệu, căn thấp nhất là 28 triệu......

(Xin theo dõi toàn bộ cuộc phỏng vấn trong phần âm thanh bên trên)