Đồng bằng sông Cửu Long được mùa lúa nhưng nông dân vẫn gặp nhiều khó khăn

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Báo chí trong nước đưa tin, lúa Đông Xuân ở đồng bằng sông Cửu Long lại tiếp tục là chuyện được mùa mất giá. Nam Nguyên tường trình vấn đề này:

0:00 / 0:00
FarmerRice150.jpg

Một năm mấy vụ mùa, nhưng lần nào cũng vậy cứ vào lúc thu hoạch rộ thì lại nghe tin lúa mất giá. Đây là một điệp khúc không ngừng đối với thị trường lúa gạo Việt Nam.

Nguyên nhân

Nhiều nguyên nhân đưa tới sự mất ổn định giá lúa của nông dân, ngoài chuyện bị ép giá, chuyện cung cầu đầu vào đầu ra của các nhà xuất khẩu, còn phải kể tới nguyên nhân các doanh nghiệp thiếu vốn, không thể trữ lúa hàng hoá chờ được giá mới ký hợp đồng xuất khẩu.

Hồi đầu tháng Ba, Hiệp hội Lương thực Việt Nam kêu gọi các ngân hàng cho doanh nghiệp vay tiền mua lúa một cách linh hoạt hơn.

Ông Vũ Văn Trình, trưởng ban tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam trụ sở ở Hà Nội cho biết các hình thức cho vay đang áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo.

Riêng Ngân hàng Công thương Việt Nam thì công bố dành 4.400 tỷ đồng dành cho tín dụng lúa gạo, với điều kiện nhà xuất khẩu phải thế chấp bằng gạo để trong kho.

Theo Thời báo Kinh tế, Ngân hàng Ngoại thương cũng hứa xem xét cho vay tín chấp, đối với các doanh nghiệp khách hàng có uy tín, nếu như các nhà xuất khẩu có nhu cầu.

Trên thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong việc vay vốn mua lúa, có thể nói các ngân hàng chỉ đáp ứng từ 25 tới 20% nhu cầu xin vay mà thôi.

Điển hình là cho đến cuối tháng Ba, Công ty xuất nhập khẩu lương thực Long An chỉ vay được vài chục tỷ đồng trong khi nhu cầu là khoảng 300 tỷ để có thể mua hết lúa cho nông dân.

Theo tin này, do thiếu tiền nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phải chào giá thấp để có thể mau chóng ký được hợp đồng xuất hàng và thu hồi vốn.

RiceMarket150.jpg
Gạo liên tục bị mất giá càng khiến cho đời sống nông dân thêm nhiều khó khăn. AFP PHOTO

Một nhà xuất khẩu gạo ở Kiên Giang, ông Nguyễn Hùng Linh cho chúng tôi biết là Hiệp Hội Lương Thực đã phải đưa ra biện pháp can thiệp để đối phó với các công ty xuất gạo phá giá.

Giải pháp nào cho nông dân?

Tới tuần lễ đầu tháng Tư, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch xong hai phần ba tổng diện tích 1 triệu rưởi hécta lúa đông xuân.

Bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như đã nói, tờ Thời Báo Kinh Tế ghi nhận tình trạng nghịch lý là trong khi giá lúa gạo thế giới tăng thì giá lúa hàng hoá ở miền tây đang xúông thấp.

Dù trứơc đó các giới chức hữu quan hy vọng là, có thể giữ ổn định giá lúa ở mức quanh 2.300 đồng một kg. Tờ báo cho rằng có nhiều nơi ở đồng bằng sông Cửu Long nông dân phải bán lúa từ 1.900 tới 2.250 một kg mà thôi.

Nhà xuất khẩu Nguyễn Hùng Linh ở Kiên Giang cho rằng những nơi giá thấp như vậy là cá biệt và có thể là nông dân bán lúa ướt ngay tại ruộng.

Năm 2005 Việt Nam xuất khẩu hơn 5 triệu tấn gạo với kim ngạch 1 tỷ 400 triệu đô la, con số kỷ lục trong lịch sử nông nghiệp VN. Thế nhưng lợi tức và đời sống của người nông dân oằn lưng trên ruộng lúa vẫn là thấp kém nhất so với người lao động ở các lãnh vực khác.

Bạn nghĩ gì về tình trạng này? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ ý kiến của bạn. email: vietweb@rfa.org

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, một trong các nhà hoạch định chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn của Hà Nội nhận định về tình trạng này: (xin theo dõi trong phần âm thanh phía trên)

Thưa quí thính giả, những vấn đề trong ngắn hạn như ổn định giá lúa cho nông dân không phải chuyện nan giải, mà các ngành chức năng còn chưa thực hiện thành công. Thử hỏi khi nào người nông dân Việt Nam mới được hưởng cơ chế tín dụng nông nghiệp như ở các nước láng giềng Đông Nam Á.

Nông dân Thái Lan sau mỗi vụ mùa có thể ký gởi gạo vào kho của chính phủ, nhận khoảng 70% giá trị lúa gạo tại thời điểm này để chi phí. Khi nào gạo xuất khẩu đúng giá mong muốn, nông dân có thể bán trực tiếp tại kho cho nhà xuất khẩu, trả lại tiền ứng trước và hưởng phần chênh lệch.