Việt Nam lúng túng giải quyết tiền cứu trợ nạn nhân bão Chanchu

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Sau khi công luận và báo chí bày tỏ sự bức xúc và ngờ vực về tình trạng tiền cứu trợ nạn nhân bão Chanchu tới nay phần lớn vẫn còn bị "tồn đọng" ở các tỉnh, thành phố, một hội nghị cấp trung ương vừa tổ chức đã không tìm được sự đồng thuận về cách sử dụng ngân khoản lớn lao này. Lê Dân lược thuật một số chi tiết liên quan.

TyphoonVictims150.jpg
Bà Pham Thi Thuy, cư ngụ tại Phường Thanh Khê, Đà Nẵng, than khóc sau khi nghe tin chồng bà là một trong ít nhất 37 ngư dân Việt Nam thiệt mạng trong cơn bão Chanchu. AFP PHOTO

Hội nghị lớn tại Đà Nẵng về khắc phục hậu quả cơn bão Chanchu do ban Chỉ đạo Phòng chống Lụt Bão Trung ương tổ chức đã quy tụ hầu hết các ban ngành liên quan gồm Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, bộ Lao động-Thương binh-Xã hội, bộ Thủy sản, Quân khu 5 và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và thành phố Đà Nẵng tham dự.

Hơn 49 tỷ đồng tiền ủng hộ

Theo báo cáo tại hội nghị, thì tính tới nay bốn địa phương vừa kể đã tiếp nhận được tất cả hơn 49 tỷ đồng là tiền ủng hộ và cứu trợ do trung ương, các tổ chức, cá nhân quyên góp.

Trong đó, tỉnh Quảng Nam nhận 16 tỷ 700 triệu đồng nhưng mới chi 3 tỷ 500 triệu; tỉnh Quảng Ngãi nhận 13 tỷ 400 triệu, chi 4 tỷ; thành phố Đà Nẵng nhận 21 tỷ 340 triệu nhưng mới chi trên 3 tỷ đồng....

Số hơn 40 tỷ đồng còn lại hiện vẫn chưa có địa phương nào có kế hoạch sử dụng và giải ngân cụ thể. Thậm chí có nơi còn lúng túng, không thể báo cáo rành rẽ là tiền nằm ở đâu, cơ quan nào giữ bao nhiêu....nên cho là vì thế mà việc phân bổ chưa hiệu quả.

Ông Nguyễn Ngọc Pha, chánh văn phòng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, đưa ra nhận xét rằng các cuộc vận động cứu trợ do Mặt trận chủ trì từ trước tới nay chưa từng xảy ra hiện tượng này. Đó là điều cần suy nghĩ, vì việc các địa phương để tồn đọng lượng tiền cứu trợ quá lớn là một việc không bình thường.

Vừa rồi cách đây mấy hôm có coi truyền hình thì thấy có mấy người trong Thăng Bình được nhận Nhà nước giúp xây nhà, xong rồi có người còn 4 chục triệu cho con ăn học. Thì cũng thấy rứa đó. Có những thành phần đôi khi cũng được 5, 7 chục triệu đồng, nhưng chỉ nghe chung chung vậy thôi, chớ không hiểu lắm.

Giải thích tại hội nghị, phó chủ tịch Ủy ban tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang cho biết trong tổng số 13 tỷ 400 triệu, tỉnh đã chi khẩn cấp trên 3 tỷ rưỡi. Ông khoe có gia đình nhận được gần 1 tỷ đồng.

Tiền phải đến các gia đình nạn nhân

Như vậy còn 2 tỷ rưỡi chia cho biết bao gia đình khác. Số tiền đó, theo ông, thì cơ bản đã giúp nhân dân ổn định cuộc sống trước mắt. Vì vậy số tiền 8 tỷ đồng từ Trung ương hỗ trợ, tỉnh Quảng Nam định đầu tư xây dựng công trình công cộng tại các địa phương bị tác động của bão số 1.

Phó chủ tịch thành phố Đà Nẵng Trần Phước Chính thì trình bày đã làm số tiết kiệm, hỗ trợ chủ tàu bị chìm, bàn chuyện chuyển đổi ngành nghề.....Trong tổng số 21 tỷ 340 triệu đã nhận, Đà Nẵng mới giải ngân 3 tỷ rưỡi, lập các dự án sẽ chi khoảng 10 tỷ, còn lại hơn 10 tỷ không nghe trình bày với hội nghị.

Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Nhi thì cho biết trong tổng số gần 13 tỷ nhận được, tỉnh mới hỗ trợ khẩn cấp 120 triệu đồng, kinh phí thực hiện các phương án cứu trợ mất 3 tỷ 72 triệu đồng. Số tiền còn lại gần 10 tỷ đồng tỉnh dự định thành lập Quỹ Hỗ trợ Khắc phục Thiên tai do Ủy ban tỉnh quản lý. Xem như nạn nhân bão Chanchu của Quãng Ngãi sẽ không còn được gì.

Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống Lụt bão Trung ương Lê Huy Ngọ phải khẳng định trước hội nghị rằng "tiền của nhân dân, đồng bào giúp các gia đình nạn nhân dứt khoát phải đến tay các gia đình đó".

Chánh văn phòng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, ông Nguyễn Ngọc Pha, cũng nhấn mạnh rằng tiền do Mặt trận vận động thì phải dùng trực tiếp cho việc ổn định cuộc sống cho đồng bào bị thiệt hại trực tiếp vì bão Chanchu gây ra. Đó là mục đích vận động của Mặt trận, và đó cũng là sự gửi gấm trực tiếp của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể và cá nhân cho Mặt trận.

Những con số mà nhà cầm quyền các địa phương phải giải trình trước hội nghị là do họ nhận từ trung ương hoặc các tổ chức, cá nhân bên ngoài. Còn những số tiền tự quyên góp tại địa phương chưa nghe nói tới, dù nhiều người dân Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi...cho biết đã được cán bộ đến quyên góp tận nhà hay doanh nghiệp với danh nghĩa cứu trợ bão Chanchu.

Ngờ vực

Sự bức xúc của công luận cũng không khác với sự bức xúc của Mặt trận Tổ quốc vì việc xây cất của các chính quyền từ lâu được dân ví von là "có xây, mới có cất".

Người dân ngờ vực vì ngay trước bão Chanchu, các cán bộ xã thuộc huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, đã bán rẻ cho vợ họ 4 tấn gạo lãnh về cứu đói cho dân, để lấy tiền gọi là cho "dự án xây cất đường giao thông nông thôn".

Vì những tệ nạn như vậy, nên rất nhiều nơi khi đem tiền cứu trợ chỉ chịu trao cho những đại diện báo chí, đoàn thể mà họ tin cậy, hoặc đích thân đi trao cho nạn nhân. Điển hình như công đoàn bệnh viện Chợ Rẫy, mục sư Huỳnh Thiên Bửu, và nhiều cá nhân, đoàn thể....đã nhờ báo Người Lao Động. Biết bao nhiêu người khác đã gởi gấm cho báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên...

Khi tin tức về tình trạng tiền cứu trợ bị tồn đọng, đã có những độc giả bày tỏ với báo chí như ông Huỳnh Nam Thúy gởi báo VnExpress rằng "Tôi thực sự bị choáng, không hiểu mình đã chắt chiu, bớt chi tiêu tấm quà miếng bánh của chính con cái và miếng ăn hàng ngày của chính mình để còng lưng phơi nắng chạy xe ôm rồi đóng góp, ủng hộ... cho ai nữa đây. Họ giữ lại tiền ủng hộ nhiều thế chắc dự phòng cho cơn bão số 2 nữa chăng?"

Chỉ trông vào tiền… bảo hiểm

Khi được ban Việt ngữ đài Á châu Tự do tìm hiểu, một số cư dân Quảng Nam-Đà Nẵng cho biết khi hội nghị về cứu trợ sắp diễn ra tại Đà Nẵng, đài truyền hình tỉnh đã cho chiếu liên tục cảnh những nạn nhân được lãnh tiền hỗ trợ.

“Vừa rồi cách đây mấy hôm có coi truyền hình thì thấy có mấy người trong Thăng Bình được nhận Nhà nước giúp xây nhà, xong rồi có người còn 4 chục triệu cho con ăn học. Thì cũng thấy rứa đó. Có những thành phần đôi khi cũng được 5, 7 chục triệu đồng, nhưng chỉ nghe chung chung vậy thôi, chớ không hiểu lắm.”

Một lão ngư dân ở tại huyện Thăng Bình làm nghề đi bạn biển cho biết chỉ nhận được 1 triệu tiền hỗ trợ, còn tàu thuyền hư hỏng chỉ trông vào bảo hiểm, chứ không thể đợi chính quyền.

“Có chớ răng không. Cái nớ là do bảo hiểm họ đền. Còn thành phố thì nghe nói mà chưa thấy, có bảo hiểm thôi.”

Về Hội nghị lớn tại Đà Nẵng về khắc phục hậu quả cơn bão Chanchu, ký giả Hải Châu của tờ VietnamNet viết "dường như đây cũng chỉ là sự bàn bạc của chính quyền và các ngành chức năng, vì tại hội nghị hoàn toàn vắng bóng đại diện các gia đình và nạn nhân cơn bão Chanchu, nên họ không có dịp nói lên tiếng nói của mình".

Hội nghị rút kinh nghiệm cứu trợ và khắc phục hậu quả bão nếu có mặt những nạn nhân, là đối tượng của công tác cứu trợ, thì chắc sẽ nghe được nhiều điều đáng suy nghĩ hơn.