Việt Long, phóng viên đài RFA
Thông tư 02 về quy định quản lý Internet mà nhà nước Việt Nam ra hôm 14/7 vừa qua dường như đã gặp phản ứng mạnh mẽ từ phía những người sử dụng dịch vụ Internet công cộng ở trong nước cũng như các đại lý kinh doanh Internet. Việt-Long hỏi chuyện bạn trẻ Lê Phương ở Hà Nội, là người thường phải dùng Internet cho việc học tập và giải trí.
Ba điểm chính
Việt Long: Những điểm nào trong thông tư 02 này khiến những người dùng Internet ở Việt Nam quan tâm?
Lê Phương: Nó có 3 điểm chính khiến người ta chú ý. Thứ nhất là các cửa hàng Internet công cộng chỉ được phép hoạt động từ 6h sáng đến 12h đêm. Riêng cái điều này thì bản thân em cũng như rất nhiều người đều rất tán thành.
Thứ hai là bắt trẻ em dưới 14 tuổi nếu muốn vào hàng Net thì phải có người lớn đi kèm. Điều này không thực tế và bị nhiều người phản đối. Thời buổi khó khăn, người đông của khó, tối ngày lo kiếm ăn thì mấy ai có thời gian để kèm con ra hàng Net.
Mà nếu không theo quy định thì trẻ em sẽ không được sử dụng dịch vụ máy tính và Internet công cộng. Như vậy thì Việt Nam vốn đã chậm và tụt hậu so với thế giới về công nghệ hàng chục năm, nay lại càng có cơ tụt xuống nữa.
Vấn đề web sex
Việt Long: Riêng về điểm này thì khi ra quy định chính quyền họ có thể muốn hạn chế cái chuyện trẻ em ở thành phố đang ngày càng bỏ nhiều thời gian ra chơi điện tử hơn. Rồi họ cũng lo cả cái chuyện trẻ con truy cập vào web sex nữa.
Mà cũng đừng cho rằng trẻ em chỉ biết chơi điên tử. Trong thời đại bùng nổ thông tin trẻ em bây giờ tiếp thu cái mới rất nhanh. Theo Lê Phương biết thì nhiều em nhỏ trình độ máy tính rất khá, thậm chí bé tý đã biết lập trình rồi. Nếu được tạo điều kiện tốt thì hay lắm.
Lê Phương: Tất nhiên là không thể để cho trẻ con chơi điện tử quá nhiều vì nó không tốt cho sức khoẻ. Nhưng muốn hạn chế thì phải cung cấp đủ cho các em nhỏ sân chơi để chúng nó chạy nhảy, thể dục thể thao chứ không phải là ra cái lệnh siết chặt Internet như vậy.
Mà cũng đừng cho rằng trẻ em chỉ biết chơi điên tử. Trong thời đại bùng nổ thông tin trẻ em bây giờ tiếp thu cái mới rất nhanh. Theo Lê Phương biết thì nhiều em nhỏ trình độ máy tính rất khá, thậm chí bé tý đã biết lập trình rồi. Nếu được tạo điều kiện tốt thì hay lắm.
Việt Long: Thế còn vấn đề web sex thì sao?
Lê Phương: Muốn ngăn web sex thì nhà nước phải đặt tường lửa. Việc đặt này công an văn hoá chỉ mất một loáng là xong, có khó khăn gì đâu mà không làm đi. Lê Phương đã để tâm chú ý một thời gian dài và thấy rằng quả thực họ không làm điều đó đến nơi đến chốn. Họ chỉ đặt tường lửa vài ba trang web sex gọi là cho có thôi.
Xuất trình chứng minh thư
Việt Long: Bạn nói tiếp điểm thứ ba.
Lê Phương: Thực ra lệnh bắt trẻ em phải có người lớn đi kèm mới được vào hàng Net không phải là cái gây bàn cãi, bức xúc nhiều nhất đâu. Khiến người ta phản đối mạnh nhất chính là cái quy định thứ 3 bắt người lớn vào hàng Net thì phải trình chứng minh thư hoặc giấy tờ tuỳ thân khác như thẻ sinh viên, thẻ học sinh, bằng lái xe…
Việt Long: Xuất trình cho ai?
Lê Phương: Theo thông tư 02 này thì phải trình chứng minh thư cho chủ hàng Net. Cái việc bắt trình chứng minh thư thì người ta đã rậm rịch làm từ lâu rồi nhưng chưa dứt khoát, nhưng mà làm cho nhiều người cũng rất ngại khi ra hàng Net. Bởi vì mỗi năm ra đủ các loại lệnh cấm này, chỉ thị nọ ai mà nhớ hết được.
Bây giờ thì lại còn thêm quy định là cửa hàng Internet phải có sổ ghi chép lưu giữ thông tin của khách hàng như tên họ, địa chỉ. Rồi thì phải cài đặt phần mềm để lưu lại trên máy tính những địa chỉ mà khách đã truy cập, những thông tin mà khách đã trao đổi trên mạng trong vòng 30 ngày.
Cho nên phản ứng từ phía nhiều người dùng Internet công cộng có thể nói là mạnh mẽ lắm. Bởi vì theo như họ lập luận thì đấy là cái sự xâm phạm quyền tự do công dân, xâm phạm bí mật đời tư của họ mà.
Nguyên nhân phản ứng mạnh
Bạn nghĩ gì về thông tư 02 này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Việt Long: Lê Phương có thể dẫn ra đây một vài ý kiến mà những người không đồng ý họ đã bày tỏ không?
Lê Phương: Có nhiều ý kiến nói rằng là dù công an hay lực lượng vũ trang muốn hỏi giấy tờ người dân thì cũng phải tuỳ tình huống, tuỳ lúc tuỳ nơi. Huống hồ chủ hàng Net hay là người trông hàng Net thì đâu có quyền mà làm điều đó. Bây giờ có phải là thời chiến tranh nữa đâu mà bắt người dân phải theo dõi, giám sát lẫn nhau.
Mà suy cho cùng thì vào hàng Net truy cập mạng cũng là một dạng mua hàng, ở đây là bỏ tiền ra mua cái sự giải trí hay là thu thập, trao đổi thông tin. Mất tiền mua hàng mà còn bị hỏi giấy tờ tuỳ thân thì vô lý lắm.
Việt Long: Theo báo chí trong nước thì các quan chức Nhà nước đều nói rằng điều ấy là bình thường, nếu một người vào hàng Internet công cộng mà không với mục đích xấu thì việc gì phải ngại ngần chuyện xuất trình giấy tờ. Họ cũng lập luận rằng như vậy cũng là tốt thôi, bởi vì tất cả là để nhằm tạo một môi trường thông tin, giải trí lành mạnh trên mạng. Bạn nghĩ sao?
Lê Phương: Hiển nhiên việc tạo môi trường văn hoá, thông tin lành mạnh là điều ai cũng mong muốn và một người dân như Lê Phương thì cũng rất hoan nghênh và ủng hộ.
Nhưng có lẽ phải dùng phương pháp khác. Nếu chỉ vì e ngại có người dùng Internet để làm bậy mà xét hỏi giấy tờ tất cả thì lại là gây phiền hà. Vả lại trung bình mỗi ngày một cửa hàng dịch vụ Internet có hàng trăm khách hàng vào sử dụng.
Muốn xem giấy tờ của khách và ghi lại thì chủ hàng Net phải thuê thêm nhân viên để làm, mà kinh doanh Net hiện nay cũng khó khăn lắm, nhiều khi chỉ còn là lấy công làm lãi thôi.
Ảnh hưởng đến các cửa hàng Internet
Việt Long: Tiên đoán hậu quả của quy định này ra sao?
Mà suy cho cùng thì vào hàng Net truy cập mạng cũng là một dạng mua hàng, ở đây là bỏ tiền ra mua cái sự giải trí hay là thu thập, trao đổi thông tin. Mất tiền mua hàng mà còn bị hỏi giấy tờ tuỳ thân thì vô lý lắm.
Lê Phương: Chắc chắn khi cái lệnh siết chặt việc quản lý Internet này chính thức có hiệu lực, đầu tháng tám này, thì lượng người vào các điểm Internet công cộng sẽ giảm sút vì thủ tục quá phiền hà mà.
Khách giảm đi trong khi lại còn phải tăng thêm chi phí quản lý, các hàng Net bị đẩy vào tình thế khó khăn dở khóc dở mếu. Nên nếu sắp tới có nhiều hàng Net phải đóng cửa thì có lẽ cũng là hệ quả của thông tư 02 thôi.
Việt Long: Đấy là những lo lắng mà các chủ cửa hàng Net đưa ra. Thế còn phía tức là những người sử dụng dịch vụ Internet công cộng, thì họ có thêm ý kiến gì không?
Lê Phương: Chi phí tăng thì giá truy cập sẽ tăng, sẽ không còn là 3 ngàn một tiếng nữa mà có thể là 3 ngàn rưởi bốn ngàn cơ. Với học sinh sinh viên, nhất là dân ngoại tỉnh lên Hà Nội học, đời sống vốn đã khó khăn đủ thứ thì nay dù giá có tăng lên dẫu chỉ là chút xíu cũng đủ khiến cơ hội sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng của họ giảm đi. Việc học tập và trao đổi thông tin sẽ bị cản trở.
Ảnh hưởng đến người sử dụng
Việt Long: Còn những người đã đi làm hay không còn đi học thì sao?
Lê Phương: Họ cũng lo, cũng e ngại chứ, vì mỗi ngày có hàng trăm người vào cửa hàng Net mà đều phải trình giấy tờ thì việc nhầm lẫn, thậm chí là làm rơi, làm mất giấy tờ tất yếu sẽ xảy ra. Trong khi thủ tục làm giấy tờ ở Việt Nam mình thì rất phiền hà và tốn nhiều thời gian. Như vậy thì quả là làm khó cho người truy cập Internet công cộng quá.
Ngoài ra nếu thông tin của khách hàng phải lưu lại trong máy tính suốt 30 ngày thì nếu chẳng may bị người khác vô tình đọc hay tệ hơn là bị đánh cắp rồi đưa ra công khai, tán phát lung tung thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm. Chủ cửa hàng Internet hay là nhà nước đứng ra đền bù. Chờ được vạ thì má đã sưng, chỉ tổ thiệt thân.
Thế còn xét trên bình diện xã hội thì hậu quả lớn nhất có thể xảy ra là việc phổ cập Internet ở Việt Nam vốn đã chậm hàng chục năm so với thế giới, nay mà vì thế mà có thể khựng lại hoặc nếu tăng thì cũng rất ì ạch.
Mà chắc chắn điều này sẽ xảy ra. Rồi lại còn mối lo bị ăn cắp thông tin, ăn cắp tiền trong thẻ tín dụng, ăn cắp tài khoản ở ngân hàng này. Cái quy định bắt phải lưu lại thông tin của khách này quả đúng là mảnh đất màu mỡ và là cơ hội quý hơn vàng để tội phạm và lừa đảo trên mạng ở Việt Nam phát triển.
Ảnh hưởng đến việc phổ cập Internet ở Việt Nam
Việt Long: Thế thì rắc rối, phiền hà cho người dùng Internet công cộng quá nhỉ?
Lê Phương: Vâng. Đấy là với các cá nhân. Thế còn xét trên bình diện xã hội thì hậu quả lớn nhất có thể xảy ra là việc phổ cập Internet ở Việt Nam vốn đã chậm hàng chục năm so với thế giới, nay mà vì thế mà có thể khựng lại hoặc nếu tăng thì cũng rất ì ạch.
Như vậy thì sẽ khó khăn hơn trong vịêc đưa đất nước thoát khỏi cảnh đói nghèo, tụt hậu, chứ chưa nói gì đến ước mơ phát triển thành hổ thành rồng ở Đông Nam Á.
Việt Long: Xin hỏi bạn một câu cuối cùng. Trước những biện pháp siết chặt Internet phần nhiều là không được lòng dân như vậy mà Đảng và nhà nước Vịêt Nam vẫn đưa ra thì là một người trẻ trong nước, Lê Phương nghĩ sao?
Lê Phương: Hệ thống báo đài, trang web báo điện tử trong nước do Nhà nước kiểm soát là đến 600-700 tờ các loại, còn web site hải ngoại vốn vẫn bị gọi là phản động thì tuy nhiều nhưng chắc cũng không thể quá con số 100. Tỷ lệ áp đảo 7/1 đấy. Lợi thế thuộc về bên nào thì đã rõ lắm rồi.
Dân gian có cái câu là “nói phải củ cải cũng nghe”. Lo gì người dân Việt Nam thông minh mắc bẫy phản động, trúng âm mưu diễn biến hòa bình. Cho nên chỉ cần báo đài trong nước dưới sự lãnh đạo, kiểm soát của Đảng cứ sự thật mà phản ánh thì với lực lượng áp đảo 7/1 phần thắng là tất yếu, sợ gì mấy cái web site hải ngoại mà phải ra lệnh siết chặt Internet cho dân thêm phiền hà.
Thông tin trên mạng
- Thông tư liên tịch về quản lý đại lý Internet