Tại hội thảo, nhiều chuyên gia từ các tổ chức quốc tế như Interpol, Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Hải quan Thế giới, Mạng lưới thực thi pháp luật về loài hoang dã, Mạng lưới giám sát buôn bán loài hoang dã cùng với gần 30 đại diện các cơ quan thực thi pháp luật các cấp của Việt Nam… đã tổ chức thảo luận để chia sẻ các biện pháp tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật trong việc kiểm soát nạn mua bán động thực vật hoang dã.
Khánh An có cuộc phỏng vấn với ông Sabri Zain, Giám đốc vận động của Mạng lưới Giám sát Buôn bán Loài hoang dã Quốc tế (TRAFFIC) và được ông cho biết về mục đích của hội thảo.
Tăng cường hợp tác quốc tế
Ông Sabri Zain: Buôn bán động thực vật hoang dã không phải là vấn đề có thể giải quyết trong phạm vi một quốc gia.
Ví dụ như hổ có thể được mua ở Ấn Độ, Indonesia rồi chuyển sang Singapore và được chế biến thành sản phẩm tại Việt Nam hoặc từ Việt Nam chuyển sang Trung Quốc. Vì vậy, nạn buôn bán trái phép này phải được giải quyết bằng sự hợp tác giữa các nước và phải có một cơ cấu để các nước có thể chia sẻ thông tin trong việc kiểm soát và ngăn chặn nạn buôn bán hổ trái phép.
Chính vì thế, mục tiêu chính của hội thảo tại Việt Nam là nhằm tìm kiếm những giải pháp tăng cường hợp tác quốc tế giữa các nước, chẳng hạn như Việt Nam có thể hợp tác nhiều hơn với các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Trung Quốc; đồng thời tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế như Interpol, Ban thư ký CITES… để chia sẻ thông tin từ các tổ chức trên trong việc ngăn chặn các sản phẩm mua bán động thực vật hoang dã vào Việt Nam.
Khánh An: Vâng thưa ông, lý do tại sao lần này Tổ chức TRAFFIC lại chọn Việt Nam để làm nơi chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia trong việc kiểm soát mua bán các loài động thực vật hoang dã?
Vì vậy, nạn buôn bán trái phép này phải được giải quyết bằng sự hợp tác giữa các nước và phải có một cơ cấu để các nước có thể chia sẻ thông tin trong việc kiểm soát và ngăn chặn nạn buôn bán hổ trái phép.
Ô. Sabri Zain<br/>
Ông Sabri Zain: Việt Nam là một thành viên của mạng lưới thực thi pháp luật về động thực vật hoang dã Đông Nam Á.
Việt Nam có quyết tâm trong cam kết tăng cường thực thi pháp luật và cũng là quốc gia quan trọng có nhiều loài hoang dã, chẳng hạn loài hổ và Việt Nam cũng cam kết bảo vệ số lượng hổ bằng cách tăng cường hiệu quả của luật pháp.
Ngoài ra, Việt Nam cũng là quốc gia quan trọng có nền kinh tế thị trường nên có rất nhiều sản phẩm được đem vào đây. Nói tóm lại, Việt Nam có vai trò rất quan trọng vì có nhiều loài hoang dã và cũng là thị trường cho việc mua bán động thực vật hoang dã từ các quốc gia khác.
Khánh An: Vâng thưa ông, ông đánh giá thế nào về thực trạng các loài hoang dã tại Việt Nam?
Ông Sabri Zain: Chính phủ Việt Nam đã thực hiện rất tốt việc tăng cường hiệu quả thực thi luật pháp nên kết quả là Việt Nam vẫn còn nhiều loài hổ.
Nhiều người nghĩ rằng các sản phẩm từ hổ được đưa sang Trung Quốc nhưng như tôi nói từ đầu, Việt Nam là một thị trường rất quan trọng của các sản phẩm này. Nếu nhìn vào danh sách 13 quốc gia có số lượng hổ nhiều nhất thì Việt Nam đứng thứ 5 về sự đa dạng chủng loại hổ.
Củng cố và thực thi luật pháp
Khánh An: Thưa ông, liên quan đến việc mua bán các sản phẩm từ hổ, ở một số địa phương tại Việt Nam hiện tồn tại một thực tế là các cơ quan chính quyền sau khi tịch thu các sản phẩm trên thì lại đem đi bán đấu giá ra thị trường bên ngoài. Theo ông, cần phải giải quyết tình trạng này thế nào?
Ông Sabri Zain: Không chỉ là cao hổ cốt mà cả tình trạng buôn bán trái phép hổ gần đây cũng gia tăng rất nhiều tại Việt Nam. Nhưng điều quan trọng là đối với luật pháp Việt Nam, việc mua bán các sản phẩm trên dưới bất kỳ hình thức nào cũng bị xem là phạm pháp.
Tôi nghĩ Việt Nam cần phải tỏ rõ quyết tâm hơn trong việc thực hiện cam kết bảo vệ các loài hoang dã bằng cách củng cố luật và tăng cường thực thi luật để bảo đảm rằng bất cứ ai sử dụng hay tàng trữ các sản phẩm trên đều phải bị luật pháp nghiêm trị. Tôi nghĩ đây là vấn đề quan trọng. Chúng ta không cần phải phân tích xem việc sử dụng các sản phẩm có thực sự hiệu quả hay không vì chỉ cần dùng cao hổ cốt là đã phạm pháp rồi.
Khánh An: Tuy ông nói rằng việc sử dụng cao hổ cốt là bất hợp pháp nhưng đối với nhiều người dân, đây lại là loại dược phẩm rất tốt để trị bệnh. Chính vì vậy họ không ngại tìm cách mua lén các sản phẩm trên. Tất nhiên, có cầu ắt có cung. Như vậy theo ông, cần phải giải quyết vấn đề trên bằng cách nào?
Ông Sabri Zain: Nếu nhìn vào các sản phẩm đông dược truyền thống của châu Á thì tất cả các phương thuốc được chế biến từ xương hổ đều có các sản phẩm đông dược khác để thay thế với công hiệu tương tự, vì vậy không có lý do gì mà phải sử dụng xương hổ.
Thêm vào đó, việc sử dụng các sản phẩm thay thế lại hoàn toàn hợp pháp. Bởi vậy nên chúng tôi đang rất nỗ lực trong việc cộng tác với các lương y Trung Quốc để quảng bá cho các sản phẩm thay thế cho những loại đông dược chế biến từ xương hổ.
Khánh An: Vâng thưa ông, với kinh nghiệm làm việc với nhiều quốc gia trong việc giám sát tình trạng mua bán bất hợp pháp loài hoang dã, ông có đề nghị gì cho Việt Nam trong việc thực hiện chiến lược bảo vệ các loài động thực vật hoang dã?
... mà còn cần phải nâng cao nhận thức của người dân về việc luật pháp cấm sử dụng các loại thuốc liên quan đến xương hổ hay cao hổ cốt.
Ô. Sabri Zain<br/>
Ông Sabri Zain: Có nhiều vấn đề quan trọng mà Việt Nam cần lưu ý. Thứ nhất là tăng cường thi hành luật pháp và thứ hai là cố gắng giảm các nhu cầu về những sản phẩm trên.
Về mặt luật pháp, không những cần hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế trong việc chặn bắt những hoạt động buôn bán bất hợp pháp mà còn cần phải nâng cao nhận thức của người dân về việc luật pháp cấm sử dụng các loại thuốc liên quan đến xương hổ hay cao hổ cốt.
Đồng thời, cần phải giúp người dân nhận thức được hậu quả nghiêm trọng liên quan đến việc sử dụng các sản phẩm trên. Giống như cô nói lúc đầu, nhiều người dân Việt Nam rất chuộng cao hổ cốt, nhưng chắc chắn không ai thích ngồi tù vì sử dụng nó. Vì vậy, chúng ta phải nhắc nhở họ về vấn đề này.
Tuy nhiên, cần phải hạn chế nhu cầu của người dân về các sản phẩm từ hổ bằng cách nói cho họ biết về công hiệu của các sản phẩm thay thế, nhiều sản phẩm thậm chí có giá thành rẻ hơn rất nhiều so với các sản phẩm điều chế từ hổ.
Tôi cho rằng Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc hợp tác với các tổ chức để quảng cáo, treo áp phích và đưa vấn đề đến công chúng. Tôi tin rằng trong tương lai sẽ còn có những hợp tác chặt chẽ hơn nữa để đạt hiệu quả trong việc kiểm soát tình trạng mua bán các loài động thực vật hoang dã.
Khánh An: Xin cảm ơn ông Sabri Zain, Giám đốc vận động của tổ chức TRAFFIC Quốc tế, đã dành thời gian cho Đài Á Châu Tự Do.
Theo dòng thời sự:
- Thú quý đang dần biến mất tại Sơn La
- Thế giới muốn cứu nguy loài hổ
- Thanh Hóa tổ chức bán đấu giá cao hổ cốt bị quốc tế phản đối
- Hổ hoang dã trên toàn thế giới chỉ còn 3200 con
- Thế giới tìm cách cứu hổ khỏi bị tuyệt chủng
- 13 nước có cọp sinh sống hội thảo tại Idonesia
- 12 năm nữa Đông Nam Á có thể không còn cọp
- Tiếp tục nhóm họp về Hổ vào tháng 9 tới tại Nga